Nhà viết kịch Chu Thơm: “Chiến sĩ Công an phải biết tận dụng thế trận lòng dân...”

Thứ Ba, 15/07/2025, 15:14

Ngoài 70 tuổi, nhà viết kịch Chu Thơm vẫn viết đều tay và khá sung sức. Các kịch bản của ông luôn “đắt hàng” và “có duyên” với các liên hoan, hội diễn sân khấu. Ông cũng là một trong những tác giả nhiệt huyết và sung sức ở mảng đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống”. Với những đóng góp to lớn ở lĩnh vực sân khấu, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017.

Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện cùng nhà viết kịch Chu Thơm bên lề Liên hoan sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ V.

- Thưa nhà viết kịch Chu Thơm, vở diễn “Nhân tình” của ông (NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn) tham gia Liên hoan sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ CAND lần thứ V và đã nhận được sự đánh giá cao của công chúng cũng như người trong nghề. Ông đã sáng tác kịch bản này trong hoàn cảnh nào?

nhà vi%3ft k%3fch chu thom.jpg -0
Nhà viết kịch Chu Thơm.

+ Cách đây 2 năm, tôi được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) mời tham dự trại sáng tác kịch bản về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống” và đi thực tế một số đơn vị. Ý tưởng kịch bản hình thành khi tôi đến Công an huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, được gặp và trò chuyện với các cán bộ, chiến sĩ Công an nơi đây. Tôi đặc biệt chú ý đến câu chuyện của đồng chí nữ Phó trưởng Công an huyện. Đó là hình tượng nhân vật cảnh sát hiện đại mà tôi đang ấp ủ cho kịch bản về những cán bộ chiến sĩ Công an trẻ. Họ là những người không chỉ có trình độ cao về chuyên môn, nghiệp vụ, thông thạo tin học mà còn hiểu biết về văn hóa xã hội để vận dụng hữu hiệu thế trận lòng dân khi phá án.

- Là một trong những tác giả thành công ở mảng đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống”, mà gần đây nhất, năm 2020, kịch bản “Hoa sen lửa” của ông được Bộ Công an trao giải cao nhất tại cuộc thi sáng tác kịch bản. Vậy, khi viết “Nhân tình”, ông có bị áp lực từ những thành công trước đó?

+ Từ nhiều năm nay, tôi luôn nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Đỗ Phủ “Ngàn đời nay chuyện văn chương/ Thành bại, được mất chỉ có tấc lòng ta biết” (Ngẫu đề) để răn mình, rằng “tấc lòng" là thước đo đạo đức và trách nhiệm của người nghệ sĩ. Vì thế, phải luôn nhớ, tác phẩm của mình không chỉ là sản phẩm cá nhân, mà còn có ảnh hưởng đến công chúng và xã hội. Phải luôn nỗ lực để tạo ra những tác phẩm có giá trị, mang tính nhân văn và góp phần vào sự phát triển của văn hóa. Muốn vậy, cần có một tâm hồn thanh thản, không bị chi phối bởi những cảm xúc nhất thời hay sự huyễn hoặc về bản thân.

Hiện nay, khi trình độ thẩm mỹ của khán giả ngày càng nâng cao. Bản thân tôi luôn xác định trong khán phòng nhà hát có những khán giả là thầy của mình, hiểu biết hơn mình rất nhiều, vì vậy, cần thận trọng khi viết từng tình huống, lời thoại. Khán giả đòi hỏi sự trung thực, sáng tạo và độc đáo thì "tấc lòng" của người sáng tạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nghệ sĩ cũng cần tương tác, đối thoại và lắng nghe những phản hồi, đánh giá của khán giả. Điều này giúp họ hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của công chúng, từ đó tạo ra những tác phẩm phù hợp và có giá trị.

- Không đi vào những vụ án lớn, những đề tài “giật gân, câu khách...,“Nhân tình” kể một câu chuyện phá án nhẹ nhàng đi cùng với nhiều tình huống hài hước, thú vị, đặc biệt mang đến một khái niệm độc đáo, ấn tượng “trích xuất lòng dân”... thông điệp mà ông muốn gửi gắm qua vở diễn này?

+ Ngày nhỏ ở quê, mỗi khi trời mưa, thấy trong khi nhiều loài cá khác nằm im dưới ao hồ thì cá rô rạch ngược, tôi nể phục sự phát tiết ngổ ngáo của chúng. Sau, tôi hiểu rằng đẳng cấp của đời người không phải là “phát tiết điên cuồng” mà là lắng đọng, trầm tĩnh. Chỉ có người có tài năng và bản lĩnh mới có thể làm được điều đó. Tôi muốn xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an với bản lĩnh như thế. Họ phải phá án giữa nhiều luồng dư luận, giữa sự tác động của “truyền thông bẩn”. Họ điều tra trong tĩnh lặng để cuối cùng tìm ra chân tướng vụ việc.

- Là tác giả không ồn ào trên truyền thông, nhưng tác phẩm lại luôn được các nhà hát trong Nam, ngoài Bắc săn đón, tại sao lần này ông gửi gắm “đứa con tinh thần” của mình cho Nhà hát Kịch nói Quân đội?

+ Nhà hát Kịch nói Quân đội là bà đỡ vở kịch đầu tiên của tôi “Người mang hai vết thương”, trên sân khấu năm 1988. Từ sàn diễn sân khấu này, tôi học được rất nhiều từ thế hệ tác giả, đạo diễn, diễn viên nổi tiếng như Đào Hồng Cẩm, Vũ Minh, Tạ Xuyên, Đoàn Bôn, Thùy Chi, Kim Oanh, Đức Trung... Đặc biệt, Nhà hát có một đội ngũ tác giả, nhà văn nổi tiếng mà tôi luôn ngưỡng mộ là Nguyễn Khắc Phục, Sỹ Hanh, Nguyễn Anh Biên, Xuân Đức, Chu Lai, Hà Đình Cẩn...

Với nhiều tác giả, được Nhà hát Kịch nói Quân đội nhận dựng kịch là một hạnh phúc. Đây là “chiếc nôi lành” cho “đứa trẻ” kịch bản, bởi những người lãnh đạo tận tâm, các nghệ sĩ có ý thức tổ chức cao, nghiêm cẩn trên sàn diễn. Đối tượng khán giả của Nhà hát cũng khá đặc biệt, đó là những người lính trẻ, phần lớn là gen Y và Z, hiểu biết, thức thời và bắt “trend” nhanh.

- Tại các kỳ Liên hoan sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ CAND, ông luôn tham gia nhiệt tình và ghi dấu ấn với không ít thành công. Vậy, với ông, mảng đề tài này có ý nghĩa như thế nào?

+ Có hai mảng đề tài tôi luôn tâm đắc, đó là đề tài chiến tranh cách mạng và “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống”. Đặc biệt, đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống” thì lúc nào cũng “nóng” trong hoàn cảnh cả thế giới đang biến động giữa thời đại 4.0, thời đại có nền khoa học tiên tiến vượt trội, nhưng cũng mang đến nhiều thách thức mới trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Trách nhiệm nặng hơn và cũng đầy thách thức mới với những người thực thi công lí. Vì vậy, người chiến sĩ Công an hiện đại là người luôn biết tận dụng “thế trận lòng dân” một cách hữu hiệu nhất. Chỉ khi đó, mới có thể “trích xuất lòng dân” và thu được thành công trong việc điều tra, phá án và bảo đảm an ninh, trật tự cho đất nước.

- Với con mắt của một người trong nghề, ông có thấy điểm đặc biệt hay sự thay đổi gì trong việc lan tỏa hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu kịch?

+ Đề tài này tưởng dễ sáng tác nhưng lại rất khó, bởi vì, giữa sự thay đổi không thể đoán trước của tình hình thế giới, xây dựng hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu kịch cũng có sự đổi mới. Bên cạnh khái niệm “điều tra phá án” còn có “bảo vệ và giúp đỡ”, “dùng nhân để trị người, dùng nghĩa để trị mình”. Từ đó, thay vì chỉ dựa vào pháp luật, những chiến sĩ Công an đã dùng "nhân trị" và "đức trị" để đối tượng phạm tội tâm phục, khẩu phục. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục, thuyết phục và nêu gương để mỗi người tự giác tu dưỡng đạo đức, hướng tới sự phát triển hài hòa của cá nhân và cộng đồng, từ đó hình thành nên một xã hội tốt đẹp.

- Ở phạm vi rộng hơn, ông muốn sân khấu có những thay đổi gì để luôn xứng với danh xưng “thánh đường nghệ thuật” và thu hút được công chúng hiện đại?

+ Sân khấu luôn có sự giao lưu trực tiếp với khán giả. Người sáng tạo luôn hồi hộp trước mỗi buổi diễn với những khán giả khác nhau, trước những phản ứng bất ngờ của khán giả... Khán giả sẽ vỗ tay rào rào khi hình bóng mình, những tâm tình của mình được những người sáng tạo đưa lên sân khấu. Đó là khi “tấc lòng” của người sáng tạo và “tấc lòng” của người tiếp nhận gặp được nhau. Muốn vậy, từ góc độ của người sáng tác, tôi luôn nhủ lòng mình: phải luôn đề cao khán giả. Họ không những là những người nuôi sống mình bằng vật chất mà còn nuôi sống cả ý tưởng sáng tạo của mình.

- Cuối năm 2024, ông là một trong 12 tác giả vinh danh ở hạng mục sân khấu trong cuộc vận động sáng tác với chủ đề “Sống mãi với thời gian”, dường như bút lực của nhà viết kịch Chu Thơm vẫn còn rất sung sức?

+ Thực ra, giờ tôi không còn phải lo cơm áo nên không đề ra cho mình phải viết để kiếm tiền. Tôi coi viết là cách được giãi bày tâm sự của mình. Tôi sống an yên, cảm thấy mình may mắn khi được nhiều bậc cao niên và đồng nghiệp giúp đỡ khi còn trẻ, nhờ vậy mà được hưởng nhiều "lộc Tổ” (cười...).

Mỗi khi nghĩ đến tuổi của mình, tôi luôn nhớ đến câu: "Thời gian như bóng câu qua khe cửa". Đó là một lời chiêm nghiệm sâu sắc về vòng đời của con người, cũng gợi cho tôi suy nghĩ về việc chúng ta nên sống như thế nào ở mỗi giai đoạn. Ở thời điểm này, tôi trân trọng những mối quan hệ hiện có, sống an yên và vẫn viết khi gặp đề tài tâm đắc.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Thảo Duyên (thực hiện)
.
.