Nhà văn Vũ Hoàng Hoa: Mang luồng gió mới cho sân khấu kịch đương đại
Nhiều năm sinh sống ở nước ngoài và âm thầm viết, nhà văn Vũ Hoàng Hoa đã xuất bản tiểu thuyết "Thảo" (NXB Phụ nữ, năm 2006) và "Thạch anh vàng" (NXB Phụ nữ, năm 2010). Mới đây, chị đã gửi kịch bản "Bóng rối" về dàn dựng tại Nhà hát Kịch Việt Nam với kỳ vọng mang đến luồng gió mới cho sân khấu kịch đương đại.
Nói theo cách của NSƯT Tạ Tuấn Minh - đạo diễn của vở thì đây vở không được viết theo cách thức thông thường, không tuân theo một cấu trúc hay nghiêm luật truyền thống, nó phá vỡ không gian và thời gian để tạo ra những khoảng không gian tâm lý thực sự thú vị.
Tôi gặp nhà văn Vũ Hoàng Hoa trong một ngày đầu thu khi chị đang tất bật chuẩn bị cho vở kịch "Bóng rối", dự kiến công diễn vào tháng 10 này. Sau gần 30 năm lấy chồng người Pháp, định cư ở Pháp rồi Úc, chị vẫn thường xuyên về Việt Nam nhưng chuyến trở về này có nhiều điều khác lạ. Không đơn thuần là thăm mẹ như mọi khi, lần này chị đã mang đến vở kịch đầu tay mà mình dành rất nhiều thời gian, tâm huyết và sáng tạo.
Trong câu chuyện, nhìn ánh mắt, cử chỉ của chị, tôi cảm nhận chị đang rất lo lắng, hồi hộp chờ đợi "đứa con tinh thần" của mình. Nó lên sân khấu sẽ thế nào và được mọi người đón nhận ra sao? Việc một vở kịch đương đại đầu tiên xuất hiện trên sân khấu với cấu trúc và cách thể hiện hoàn toàn mới là thử thách lớn với ê-kíp thực hiện.
Sống xa quê nhiều năm, nhà văn Vũ Hoàng Hoa đã "gói ghém" tất cả nỗi nhớ và những ký ức vào trang viết. Hai cuốn tiểu thuyết xuất bản trước đó là "Thảo" và "Thạch anh vàng" đã lấy được sự đồng cảm của nhiều người khi đi vào những hoàn cảnh, số phận của con người rơi vào bĩ cực của cuộc sống nhưng hơn hết họ luôn biết vượt lên, sống đẹp như những đóa hoa tỏa ngát hương. Nếu như "Thảo" được ví như cuốn tự truyện của chị khi sống trong thời chuyển giao thế hệ giữa bao cấp sang mở cửa, với khát khao được "đổi đời" thì "Thạch anh vàng" là những gì chị ghi lại cuộc đời bươn chải, lo toan của mẹ chị - NSƯT Kim Thư khi chồng bà, một Tiến sĩ Hóa học tài năng, mất trong một vụ tai nạn máy bay khi còn rất trẻ.
Cuộc đời nhà văn Vũ Hoàng Hoa đã được mở ra trang mới khi chị kết hôn với người chồng mang quốc tịch Pháp, Nicolai Gruber, một kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế đồ họa trong lĩnh vực hàng không. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hội họa nổi tiếng ở Paris nên anh luôn thấu hiểu, đồng cảm và ủng hộ vợ được sống với niềm đam mê nghệ thuật.
Chị vẫn nói, may mắn khi có được người chồng hết mực yêu thương, luôn động viên và tạo điều kiện cho chị làm những điều mình thích, nên chị đã học rất nhiều. Học để có thêm kiến thức và học để tìm xem mình có thể làm được những gì. Chính người bạn đời đã động viên chị học viết văn, viết kịch. Có lẽ vì sinh ra trong một gia đình có truyền thống về văn học nghệ thuật, ông nội là nhà văn, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan, bà nội là nhà thơ Hằng Phương, các chú bác đều là những họa sĩ, nhà văn, nhà khoa học nổi tiếng nên văn chương đến với chị hết sức nhẹ nhàng, tự nhiên.
Khi đến với văn chương, với kịch, chị thấy sung sướng như được trở về nhà, như được trở về những ký ức của thời thơ bé. Có điều môn kịch mà chị được học khác xa với những vở kịch mà chị thường xem mẹ diễn lúc còn nhỏ. Và "Bóng rối" chính là tác phẩm đầu tay sau 3 năm dài đằng đẵng "đèn sách". Chị viết "Bóng rối"- một vở kịch đương đại- như cách để thỏa mãn niềm đam mê với sân khấu.
Thực ra sân khấu không có gì xa lạ mà trái lại rất đỗi gần gũi, thân quen với chị. Nhớ lại hồi nhỏ, ngày nào chị cũng lẽo đẽo đến Nhà hát xem mẹ tập vở cùng các đồng nghiệp. Ngày ấy, khi bố chị còn sống, ông còn giúp chị dựng cảnh đổ nước ra nhà để làm biển rồi bố con chơi đóng kịch cùng nhau. Lớn hơn một chút, các bạn trong lớp thường kéo đến nhà chị tập diễn kịch đến nỗi hàng xóm phải phản ứng vì… làm ồn. Sau đó bố chị qua đời, bẵng đi một thời gian, do gia đình rơi vào khó khăn nên ước mơ với kịch trong chị tạm thời gác lại.
Theo nhà văn Vũ Hoàng Hoa, "Bóng rối" là vở kịch không có cấu trúc, không có diễn biến, nó thể hiện một phần trải nghiệm của chị để nói rằng con người thường sống ẩn dật trong bóng rối. Đây là vở kịch chị tặng người bạn tri kỷ, xuất phát từ việc 2 người giận nhau rồi sau đó vấn đề cá nhân đã trở thành vấn đề chung của con người.
Viết kịch đương đại đã khó, nhưng việc tìm "bà đỡ" cho vở kịch có nội dung và cách thức thể hiện mới lạ còn khó hơn rất nhiều. Đa số những người chị tìm đến đều trả lời: Rất khó có thể dàn dựng tại Việt Nam. Riêng NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, sau khi đọc kịch bản đã gật đầu đồng ý. Bởi, bản thân anh đang muốn Nhà hát Kịch Việt Nam, nơi được coi là "con chim đầu đàn" của ngành sân khấu nước nhà, được thổi luồng gió mới.
Trọng trách đạo diễn của vở "Bóng rối" được trao cho NSƯT Tạ Tuấn Minh, người mà trong nhiều cuộc trò chuyện với giới báo chí đã khẳng định: "Cái gì càng khó càng cuốn hút tôi, càng khiến tôi say mê khám phá". Theo NSƯT Tạ Tuấn Minh, vở diễn được nhà văn Vũ Hoàng Hoa viết bằng một phong cách hoàn toàn mới lạ và hiện đại. Nó khá phức tạp khi có đến 26 cảnh và đảo lộn trình tự về không gian cũng như thời gian.
"Đây chính là một sự thử nghiệm cho cách làm mới sân khấu và tất nhiên sẽ mang đầy thách thức với đạo diễn cũng như ê-kíp sáng tạo. Tôi và nhà văn Vũ Hoàng Hoa đã "chạm" vào nhau ở tình yêu sân khấu, khát khao muốn mang một diện mạo mới cho sân khấu", NSƯT Tạ Tuấn Minh nói.
Gắn bó cả đời với Nhà hát Kịch Việt Nam, bởi thế việc kịch bản "Bóng rối" của con gái được Nhà hát dàn dựng đã mang đến cho NSƯT Kim Thư rất nhiều niềm vui, sự xúc động, tự hào. Bà vẫn cứ nghĩ con gái đã dập tắt ý định đến với kịch nhưng không, chị đã viết và chuẩn bị giới thiệu tác phẩm khi đã ở tuổi 53. Dù có phần muộn màng nhưng đây chính là độ tuổi mà chị có sự trải nghiệm dày dặn, có độ "chín" trong cách viết.
NSƯT Kim Thư nhiều khi còn sốt sắng đến ngày vở diễn được công chiếu hơn cả con gái. Bà thường quan tâm, hỏi han, động viên và cũng là thúc giục: "Công chiếu nhanh lên để mẹ còn có cơ hội được xem". Với người phụ nữ ở tuổi 83 thì đây có lẽ là "món quà" ý nghĩa và tuyệt vời nhất mà cô con gái yêu dành tặng mình với một sự trân trọng, biết ơn và đầy yêu thương.
Khi "Bóng rối" sắp sửa ra mắt công chúng, nhà văn Vũ Hoàng Hoa cũng đã bắt đầu thai nghén một kịch bản về đời sống của các cụ già, một về đời sống của các bạn trẻ. Có lẽ chị đang có cuộc chạy đua với thời gian sau rất nhiều năm bỏ bẵng và tưởng chừng bị lãng quên sân khấu. Hy vọng "Bóng rối" và những vở diễn tiếp theo của chị sẽ giúp công chúng nước nhà có thêm một cách nhìn nhận mới và biết đâu sẽ "kéo" được họ trở về với "thánh đường" sân khấu. Còn với những người làm nghề, vở diễn của nhà văn họ Vũ chắc chắn sẽ kích thích sự sáng tạo, cách tân, đổi mới ở cả hình thức lẫn nội dung trong các tác phẩm của họ.