Nhà văn tuổi Rồng viết như... Rồng cuốn

Thứ Ba, 13/02/2024, 09:57

Xuất thân là sinh viên ngành Triết học, nên sau này trong những trang viết của mình, Lại Văn Long có được ưu thế của sự suy tư, nghiền ngẫm đời sống trong những mặt đối lập, trong những xung đột, trong các quy luật để thấu thị từ những hiện tượng nhỏ nhất đến bản chất của xã hội và con người thời hiện đại.

Căn cước vào làng văn

Tiểu sử văn học của nhà văn Lại Văn Long ghi rõ: Viết truyện ngắn đầu tay “Màu mận chín”, nhờ sự động viên khích lệ của một người bạn gái, in Báo Tuổi trẻ khi đang còn là sinh viên Khoa Triết học, Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Chàng sinh viên ngành khoa học cơ bản ngày đó vừa lên giảng đường vừa tranh thủ kiếm việc làm thêm không từ nan vì sinh kế. Được cái tính tiết tháo nên chẳng e ngại, giấu giếm, hay thẹn thùng vì lao động vất vả nhưng vinh quang.

Có thể hình dung ngày đó, dù hồi hộp và run rẩy vì cái truyện nho nhỏ, xinh xinh của mình xuất hiện trên một tờ báo có nhiều người đọc vào loại nhất nhì trong cả nước, nhưng có lẽ anh không nghĩ mình sau này trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - năm 2012, có tác phẩm chiếm được sự mến mộ của độc giả ngày nay vốn ưa thích văn hóa nghe nhìn hơn văn hóa đọc.

24a.jpg -1
Bộ tiểu thuyết của nhà văn Lại Văn Long

Trong một “Nhàn đàm văn chương” nhân cuộc thi Truyện ngắn 1990-1991 của Tuần Báo Văn nghệ giữa tôi và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, khi đưa ra dự đoán về vị trí khôi nguyên, cả hai đều nhắc đến Lại Văn Long, sinh 1964 (tuổi Giáp Thìn thuộc mệnh Hỏa - Phú Đăng Hỏa - Ngọn lửa thắp sáng, sưởi ấm, nhiệt huyết, đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình, đem lại sự ấm áp, sung túc và niềm vui, may mắn cho mọi người). Lúc đó Long chỉ như một “lính mới” trước những “ông bà” Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Trần Thùy Mai, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Thu Huệ... đang nổi như cồn.

Trong đối thoại với Phạm Xuân Nguyên tôi đã linh cảm khi nhận xét: “Lại Văn Long “mới toanh”, lừng lững với ba truyện (“Kẻ sát nhân lương thiện”, “Truyện kể từ thung lũng”, “Thế gian biến cải”). Nhiều người khen “Thế gian biến cải”, riêng tôi cho “Kẻ sát nhân lương thiện” có sức khái quát nghệ thuật hơn, vấn đề day dứt và sát sườn hơn với nhiều người, đó là vấn đề được và mất”; đồng thời tôi cũng nhấn mạnh: “Trước đây có người nhận xét, truyện của ta lành chứ không mạnh. Bây giờ thì lành mạnh rồi” (“Truyện ngắn nhìn từ một cuộc thi - Trao đổi giữa hai nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng và Phạm Xuân Nguyên”, Báo Văn nghệ, số 17, năm 1992).

Rồi chung cuộc ứng nghiệm: Lại Văn Long giành giải Nhất với truyện ngắn “hot”, thậm chí chia đôi dư luận: “Kẻ sát nhân lương thiện”, sau này được đưa vào nhiều tuyển tập truyện ngắn. Ai đó nói vui, Lại Văn Long có người đỡ đầu đặt chỗ trên “chiếu văn”. Nhưng đến hôm nay thì thực tiễn chứng minh, nếu nói có “lộc văn” là nhờ “lộc Trời” cũng không sai, song cuối cùng tất cả nhờ nội lực, cộng thêm một ít may mắn, nên “văn sản” của Lại Văn Long khá nặng ký: những tác phẩm dài hơi như “Thạch đế”, “Đứa con thời hậu chiến”, “Người khổng lồ đội mồ kể chuyện”...

Đáng kể nhất phải nói đến bộ ba tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ lửa” - 2.400 trang, viết liên tục và hoàn thành trong vòng 5 năm, 2016-2021, gồm 6 phần - “Mật danh D9”, “Oán thù trớ trêu”, “Gia tộc tướng cướp”, “Phát súng chính nghĩa”, “Lật án tử hình”, “Hồng nhan sương khói”. Các tập truyện ngắn có tiếng vang: “Thủy cơ”, “Đường lên trời”, “Kẻ sát nhân lương thiện”.

Trang 24 VN TẾT - Nhà văn tuổi Rồng viết như... Rồng cuốn -0

Riêng tập “Thủy cơ” được đưa vào sách “Từ điển văn xuôi Việt Nam từ năm 2000”, NXB Khoa học xã hội, 2018, trang 834-842, gồm 14 truyện ngắn tiêu biểu, có thể coi là một tuyển chọn những cái viết ngắn của Lại Văn Long, chính anh vừa ý và độc giả vừa lòng, trội nhất là “Kẻ sát nhân lương thiện”, “Thế gian biến cải”, “Chí làm vua”, “Chuyện của người đi trước”, “Cù lao mộ”. Lại Văn Long thuộc tạng người chịu thương chịu khó, tự tay mình chuyển tác phẩm văn học thành kịch bản điện ảnh, lại như ai nói mát tay, nên “ẵm” nhiều giải thưởng.

Nghề và nghiệp

Nghề báo nghiệp văn, với Lại Văn Long là rõ ràng như dưới thanh thiên bạch nhật. Nghề báo từ năm 1992, anh đầu quân về Báo Công an TP Hồ Chí Minh đảm bảo cho Lại Văn Long sinh kế tốt. Tất nhiên. Nghề này tạo cơ hội cho người viết tân văn đi nhiều, sau này khi “dính” nghiệp văn mới thấm nhuần cái hiệu quả của “đi - đọc - viết” nhờ làm báo. Ai đó nói nghề báo là nghề nguy hiểm. Tôi không thật rành rẽ chuyện này và càng không rõ Lại Văn Long có khi nào cảm thấy làm báo thì đối đầu với nguy hiểm hay không.

Cứ hình dung thời nay, một nhà văn muốn đi thực tế thì đâu có dễ dàng vì bao nhiêu là thủ tục hành chính, tài chính, để rồi tối đa đi được dăm mươi ngày, theo lối cưỡi ngựa xem hoa. Có nhà văn vì thấy nhiêu khê sự đi thì tặc lưỡi, đành thực tế qua “ông gu-gồ” (Internet). Cái công thức/phương châm “sống rồi mới viết” với ai thì khó, còn với Lại Văn Long thì không, cứ như được bày đặt sẵn, được mời mọc ân cần và chu đáo. Nếu cứ thẳng tiến với viết tân văn (Báo chí) thì cuối cùng Lại Văn Long cũng có thể trở thành một “thương hiệu”, tôi nghĩ, không kém gì Nguyễn Hồng Lam (2 trong 1), cùng trong lực lượng CAND.

1f8ae5ae-81be-41c8-af56-cf2f480d7425.jpg -0
Nhà văn Lại Văn Long bên bộ tiểu thuyết của mình.

Nghiệp văn cũng có thể coi là “nghề văn biết mấy công phu”, cũng có thể nguy hiểm vì “bút sa gà chết” đã mang đến cho Lại Văn Long vinh quang và nhọc nhằn, còn cay đắng hay không thì tôi cũng chưa tỏ tường. Người đàn ông ngày trước có thể thao thức, trăn trở, bươn chải vì những việc quan trọng của đời người “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Với Lại Văn Long thì viết văn thành công cũng ngang với cơ đồ xưa của chí nam nhi. Người ngoài cuộc cũng không thể hình dung được lao động nhà văn đặc thù kiểu gì, nên khi đọc những chia sẻ của Lại Văn Long mới ngỡ ngàng, sau rồi “tâm phục khẩu phục”.

Ví như, khi viết bộ tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ lửa” dày 2.400 trang, nhà văn như lạc trôi vào mộng du, nhiều đêm ngủ chỉ vài ba tiếng, có cảm giác như vắt kiệt mình, viết xong thì bải hoải rã rời, đúng là giấc mộng con và giấc mộng lớn cứ chập chờn như mê như tỉnh. Lại nữa, điều binh khiển tướng trận đồ gần 500 nhân vật đâu phải dễ dàng, phải cao tay ấn đến mức nào mới làm chủ thế trận được. Ai nói viết văn “ngon ăn” thì thử một lần xem sao, đâu biết lao động nhà văn là bội phần khổ ải, cô đơn trước “pháp trường trắng”. Lại Văn Long có cái tâm thế khi cầm bút “cứ viết, cứ viết trời xanh thêm” (tôi biến tấu chữ nương theo câu thơ “Cứ đi, cứ đi trời xanh thêm” trong thi phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của thi sĩ Phạm Tiến Duật, được đưa vào SGK Ngữ văn 9).

Phía trước của người viết

Đánh giá một nhà văn có thể từ những gì đã làm được, song cũng có thể nhìn xa hơn phía trước của người ấy. Bởi có thể khi hoàn thành bộ tiểu thuyết hoành tráng “Hồ sơ lửa” và những tập truyện ngắn có chất lượng, nhà văn cảm thấy như đã mãn nguyện từ khi bắt đầu đến kết thúc sự viết. Nhưng cũng có thể người ấy hy vọng vào tác phẩm để đời của mình còn ở phía trước, sẽ viết.

Tiểu sử của Lại Văn Long cho thấy người này không sẵn “số” sinh ra để viết văn, thành nhà văn, bằng chứng là khi học phổ thông môn văn thường bị điểm kém. Nhưng cuộc sống nhào nặn, trui rèn, chỉ dẫn, thôi thúc cầm bút vì không thể không viết. Viết say mê bằng trải nghiệm đời sống và càng ngày càng được bồi đắp bằng trải nghiệm văn hóa.

Xuất thân là sinh viên ngành Triết học, nên sau này trong những trang viết của mình, Lại Văn Long có được ưu thế của sự suy tư, nghiền ngẫm đời sống trong những mặt đối lập, trong những xung đột, trong các quy luật để thấu thị từ những hiện tượng nhỏ nhất đến bản chất của xã hội và con người thời hiện đại. Nói về tính hấp dẫn của tác phẩm văn chương, người đọc có thể tìm trong tiểu thuyết giàu chất trinh thám của nhà văn. Nhưng để được chia sẻ và tri nhận những bể dâu đời người, những tang thương ngẫu lục, những suy nghiệm đời sống, theo tôi, hiển hiện trong truyện ngắn rõ ràng hơn. Ai tin thì tin, không tin thì thôi!

Lại Văn Long, theo tôi, cả trong đời, cả trong văn đều tuân theo “triết lý lão thực”. Nghĩa là tính đến hiệu quả tốt, nghĩa là không mơ mộng viển vông, nghĩa là sống và viết văn đều phải tính hữu ích cho đời. Vậy nên anh mới mở lòng chia sẻ: “Viết văn là công việc khổ nhọc nhưng hạnh phúc”.

Hà Nội, 11/2023

Bùi Việt Thắng
.
.