Nhà văn Trần Thùy Mai: Tôi muốn viết những câu chuyện của Việt Nam
Nhà văn Trần Thùy Mai vốn được độc giả nhiều thế hệ yêu mến trong những năm qua với rất nhiều truyện ngắn hay. Các truyện ngắn của chị đều là những câu chuyện khó quên, nén chặt trong đó những thân phận, những cuộc đời, những mối tình ám ảnh.
Khi chị viết tiểu thuyết, nghĩa là kể một câu chuyện dài, chị đã gặt hái được quả ngọt. Bộ “Từ Dụ Thái hậu” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019) ngay lập tức giành Giải Nhất cuộc thi tiểu thuyết 2016-2019 của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải Sách hay 2020 của IRED. Sau 3 năm, bộ “Công chúa Đồng Xuân” ra đời, hoàn thành vệt tiểu thuyết lịch sử về triều Nguyễn, cũng nhận được nhiều lời khen giá trị. Phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Thùy Mai về tác phẩm mới của chị.
Tôi có những câu chuyện cần chia sẻ với người cùng thời
- Trong 3 năm, chị lần lượt cho ra mắt 2 bộ tiểu thuyết về triều Nguyễn: “Từ Dụ Thái hậu” và “Công chúa Đồng Xuân” (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019, 2022), dày khoảng 1.600 trang khổ lớn. Quả là một sức làm việc đáng nể, nhất là khi chị đã viết truyện ngắn trong ngần ấy năm, giờ bắt tay vào viết tiểu thuyết lịch sử, vốn cần “nặng ký” cả về dung lượng lẫn chất lượng. Đây hẳn là thử thách mới chị tự đặt ra cho đời viết của mình?
+ Hình như bạn cho rằng tiểu thuyết là khó, là một thử thách cao hơn truyện ngắn? Theo tôi thì không phải vậy đâu. Quan niệm của tôi về thể loại là thế này: Tôi có những câu chuyện cần chia sẻ với người cùng thời, và tùy theo tính chất của từng câu chuyện, tôi sẽ chọn tiểu thuyết, truyện ngắn hay tản văn. Mỗi thể loại đều có những yếu quyết riêng, sức hấp dẫn riêng và độ khó riêng. Với “Từ Dụ Thái hậu” và “Công chúa Đồng Xuân”, sở dĩ tôi chọn tiểu thuyết vì đây là những câu chuyện có tính sử thi, chứa đựng một số lượng lớn nhân vật, sự kiện và luận điểm.
- Hai tiểu thuyết này có thể xem là bộ truyện sử hoàn chỉnh về nhà Nguyễn. Viết tiểu thuyết về nhà Nguyễn phải chăng là một sự tự nhiệm của một nhà văn được coi là avatar của Huế?
+ Ở Huế có tục cúng Hai mươi ba tháng Năm. Mỗi năm đến ngày ấy người dân bày bàn cúng, khói hương nghi ngút dọc theo các con đường. Đó là một tục lệ đã hình thành từ biến cố Thất thủ Kinh đô, xảy ra vào năm 1885. Tập tục ấy đã thành một dấu ấn văn hóa, lịch sử, tâm hồn, có lẽ không bao giờ phai theo thời gian. Tôi muốn viết một câu chuyện về những gì dẫn đến biến cố ấy, để hiểu một chặng đường đau khổ của người Việt, và hiểu vì sao người Huế đã không thể quên, dù đã một trăm ba mươi tám năm qua rồi. (Xin mở ngoặc là tôi không dám tự nhận mình là avatar của Huế đâu vì nếu vậy thì Huế còn nhiều avatar lắm!).
- Đọc “Từ Dụ Thái hậu”, người đọc nhận ra tầm vóc của nhà Nguyễn trong thời thịnh. Còn với “Công chúa Đồng Xuân”, chúng ta đồng cảm với niềm đau tiếc xót xa không giấu diếm của tác giả về một sự “lỡ vận” của triều đại này trong cuộc tương tàn mất nước. Và thay vì chìm vào suy tưởng và triết luận, chị đã chọn kết tiểu thuyết của mình bằng niềm hy vọng...
+ Tôi thích cách diễn đạt của thơ cổ phương Đông, dùng hình ảnh giản dị để diễn tả những gì sâu thẳm. Vì vậy, tôi bắt đầu câu chuyện với một Đồng Xuân thiếu nữ ở tuổi dậy thì, rồi lại kết thúc chương cuối, với một Đồng Xuân khác vào bốn mươi năm sau. “Đồng Xuân thế hệ mới” này, cùng với ba thầy khóa gặp nhau trong quán trọ, là hình ảnh của một vòng đời mới vừa hồi sinh trên hoang tàn để lại từ 64 chương trước đó. Hơn năm chục nhân vật của tiểu thuyết đến đấy đã chết hết, những cái chết phần lớn không yên lành, chỉ còn hai vợ chồng chủ quán với thân hình tàn phế. Tất cả những điều đau xót ấy xuất phát từ “một bước lỡ”, như câu thơ mà Nguyễn Trường Tộ để lại lúc lâm chung. Nhưng bất chấp những sai lầm, mất mát, đau khổ, niềm hy vọng vẫn còn, dù đã lỡ một bước hay nhiều, nhiều bước, vẫn còn những bước tiếp trong vòng đời mới…
- Các tác phẩm của chị rất có duyên với điện ảnh. Nghe nói, ý tưởng viết về Từ Dụ Thái hậu ban đầu xuất phát từ một đơn đặt hàng kịch bản phim?
+ Đúng vậy. Năm 2010, nhà văn Ngô Thảo đại diện cho hãng phim BHD đề nghị tôi viết một kịch bản phim truyền hình nhiều tập về Từ Dụ Thái hậu. Tôi nhận lời ngay vì đây là nhân vật mà tôi đã ấp ủ ý tưởng từ rất lâu rồi. Kịch bản hoàn thành năm 2015, BHD đã thanh toán đầy đủ nhuận bút, nhưng vì nhiều lý do, đến nay vẫn chưa được thực hiện. Lúc ấy nhà văn Nguyễn Hồ, cũng là đại diện hãng phim BHD và là người theo dõi, khích lệ tôi rất nhiều trong quá trình sáng tác kịch bản, đã khuyên tôi: trong khi chờ đợi hãy viết lại tác phẩm dưới dạng truyện lịch sử. Vì vậy, tôi để hai năm từ 2017 đến 2019 viết lại câu chuyện thành tiểu thuyết.
Khi chuyển thành truyện, tôi đã lược bỏ khá nhiều những đoạn chỉ thích hợp với phim. Nhưng cũng nhờ soạn kịch bản điện ảnh, tôi học được những thủ pháp có thể áp dụng vào tự sự văn xuôi. Sau này khi viết “Công chúa Đồng Xuân”, tôi vẫn giữ những thủ pháp đó: việc chú trọng chất lượng của đối thoại, và việc phân bổ các cao trào lớn và cao trào nhỏ trong khi dẫn chuyện. Những cao trào này không phải do mình tạo ra: trong cuộc sống luôn diễn ra những cao trào liên tục, có điều mình có nhận thấy chúng không mà thôi.
Từ xa, tôi nhìn rõ Huế và Việt Nam
- Được biết, chị hiện định cư ở Mỹ, và vẫn thường xuyên về Việt Nam. Cuộc sống ở Mỹ và Huế, sự dịch chuyển giữa các vùng đất quá khác biệt, hẳn là thú vị lắm?
+ Tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và đi về giữa Huế và San Francisco. Ngoài ra, tôi luôn tìm cách đi nhiều nơi: Từ lúc hoàn thành xong nhiệm vụ với gia đình và con cái, thì hầu hết thời gian tôi dành cho các chuyến đi.
Sự dịch chuyển, đúng như bạn nói, giúp mình có cái nhìn cởi mở hơn về con người, cuộc sống, và cả lịch sử nữa. Trước hết là những thu hoạch thú vị: ví dụ như, tục ăn trầu, thơ lục bát, là những nét văn hóa của riêng người Việt, nhưng hóa ra người Bhutan cũng ăn trầu, người Lào cũng có lục bát. Người Việt tự hào về lòng yêu nước và chiến đấu chống ngoại xâm, thì lịch sử chống Pháp của người Algerie cũng vô cùng đau thương và oanh liệt. Nhiều người kết tội ông vua Gia Long là cầu viện người Pháp, "cõng rắn cắn gà nhà" thì ông vua Kamehameha của vương quốc Hawaii cùng thời cũng làm y như vậy với người Anh! Và nước Mỹ, mà ta từng định vị với khái niệm "Đế quốc Mỹ", lại cũng chính là vùng thuộc địa đầu tiên của nhiều đế quốc thực dân châu Âu, nên quả chuông nứt mà người Mỹ gióng lên trong ngày họ giành độc lập mới được dùng làm tên một tờ báo đấu tranh chống Pháp nổi tiếng của ta (Báo Chuông rè, La Cloche Fêlée, 1923)…
- Viết những câu chuyện về Việt Nam trong lòng nước Mỹ, điều đó tự nó đã có sức hấp dẫn lớn. Chị vẫn sẽ viết chứ?
+ Tôi vẫn đang viết. Tôi muốn viết tiếp những câu chuyện của Việt Nam. Vì Huế là cố đô, nên những câu chuyện của Huế trong các thế kỷ 18, 19 cũng đồng thời là những câu chuyện của đất nước. Chính những lúc nhìn từ xa, là tôi nhìn thấy rõ Huế, Việt Nam, và có nhiều suy tưởng về quê nhà thân thương nhất.
- Chị từng chia sẻ: "Cứ mỗi lần trèo qua một con dốc thì lập tức xuất hiện trước mắt mình một con dốc khác cao hơn. Thế là lại đi và đi mãi như thế trong gió ngược... Nhiều khi mỏi mà không muốn dừng bởi hai bên đường nhiều hoa thơm cỏ lạ quá. Cứ muốn hái và ôm đầy tay...". Đến bây giờ, sau bao năm tháng, với nhiều thành tựu trong nghề viết, chị có nghĩ khác xưa? Những con dốc có còn niềm thú vị của sự chinh phục?
+ Vâng, đến bây giờ với tôi hình dung về cuộc đời vẫn vậy, những con dốc và những bông hoa. Tất nhiên, trong những bông hoa đó, có hoa thơm cánh mềm và cũng có những bông đầy gai làm tay mình nhỏ máu, chúng đều là hoa đời cả đấy.
Còn những con dốc, vẫn luôn có trong đường đời, và đường sáng tác. Ví dụ như, tôi nghĩ mình đã tạm trèo qua được dốc truyện ngắn và dốc tiểu thuyết. Có một con dốc tôi đã định vượt qua nhưng rồi thất bại và thối lui, đó là dốc Thơ. Trong đời tôi có làm mười hai bài, rồi sau không làm bao giờ nữa. Cho đến nay, tôi vẫn phục nhất là các nhà thơ.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.