Nhà văn Trầm Hương: Lòng đa cảm dẫn tôi đi giữa cuộc đời

Chủ Nhật, 06/04/2025, 08:11

Nhắc đến Trầm Hương, bạn đọc sẽ nghĩ ngay đến nhà văn chuyên về đề tài chiến tranh cách mạng và dòng tiểu thuyết tư liệu. Phóng viên Văn nghệ Công an có cuộc trao đổi với bà về chuyện nghề, chuyện viết cũng như giá trị của các nhân vật đối với nhà văn.

nhà van tr%3fm huong.jpg -1
Nhà văn Trầm Hương.

- Được biết, bà đang viết cuốn "Giá của hòa bình". Bà có thể chia sẻ thêm về tác phẩm này?

- Tôi có nhiều chuyến đi Mỹ gặp gỡ một số cựu binh, nhân chứng chiến tranh để làm phim tài liệu và viết quyển sách "Giá của hòa bình", về sự hòa hợp hòa hiếu, những nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh Việt - Mỹ từ hai phía. Khi tôi đến thăm gia đình Giáo sư Tom Patterson - Khoa Chính trị và Truyền thông (Đại học Harvard), tôi mới được biết ông từng tham chiến ở Việt Nam với vai trò cố vấn, có mặt ở Đồng Tháp Mười. Sau khi trở về Mỹ, ông rời quân đội, tiếp tục con đường nghiên cứu, trở thành giáo sư một đại học danh giá. Điều đặc biệt là ông rất yêu Việt Nam, phản đối mạnh mẽ "đường lưỡi bò" ở Biển Đông, không để tiền bạc mua chuộc chính kiến của mình.

Vợ ông, một nhà làm phim - bà Lorie Conway hỏi tôi: "Có điều gì tương đồng giữa Mỹ và Việt Nam trong quyển sách sắp xuất bản của bạn?". Tôi nói có một điều giống nhau là nỗi đau mất con của những người mẹ. Nỗi đau ấy cao hơn núi, sâu hơn biển. Tôi bộc phát dùng từ khóa "nỗi đau", "những người mẹ mất con" vì vừa đi thăm bức tường chiến tranh Việt Nam ở Washington DC. Tôi nói với bà Lorie Conway rằng, trước khi sang Mỹ, tôi vừa hoàn thành cuốn truyện ký 3 tập "Khoảng lặng nước mắt" về những bà mẹ Việt Nam có con hy sinh cho Tổ quốc ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Phần lớn những người mẹ tôi gặp cứ khắc khoải mong tìm được hài cốt của con...

Tôi xúc động vì được gặp những cựu binh, những học giả người Mỹ dành cả tinh hoa cuộc đời mình dịch thơ văn Việt Nam sang tiếng Anh, dành cho Việt Nam tình cảm ấm nồng. Tôi nhìn thấy những nhân tố mới trong cuộc sống. Những người trẻ hướng đến giá trị hàn gắn, yêu thương... Xúc cảm ấy, dữ liệu ấy đầy ắp, tôi nghĩ mình phải viết, chuyển tải những điều đẹp đẽ và cả những điều đau đớn vào cuốn sách. Đau đớn để nhận ra hòa bình thật quý báu; giá của hòa bình quá lớn, đi qua bao mất mát...

- Trong cuộc dấn thân cho văn chương, có bao giờ gặp các nhân vật mà bà thấy mình không thể viết đầy đủ, viết hay hơn về họ?

- Mỗi nhân vật tôi gặp là một cuốn sách được gợi mở. Nhưng, một tác phẩm ra đời cũng có nhân duyên của nó, như nhà văn Nguyễn Hiến Lê từng chia sẻ. Đôi lúc tôi viết được vài hồi ký và thông điệp trong hồi ký thật quý giá. Đôi lúc đọc lại, cũng ngạc nhiên sao mình viết nổi. Vì lẽ đó, bi kịch của nhà văn là mất bản thảo, vì cũng chất liệu đó nhưng cảm xúc hôm nay khác hẳn thời điểm mình đang viết. Đôi khi gặp nhân vật quá ly kỳ, kiến văn rộng rãi, khả năng diễn đạt ngôn ngữ quá giỏi thì tôi kiên quyết từ chối viết mà động viên chính họ phải viết về trải nghiệm cuộc đời mình. Tôi luôn động viên các tác giả trong quá trình sáng tạo tác phẩm.

Và, tôi cũng vui vì khá mát tay làm bà đỡ cho những quyển sách ra đời như tiểu thuyết “Tiếng hú” của họa sĩ Phong Ba, tập truyện và kí “Tôi được sống” của đạo diễn Nguyễn Ngọc Hiến, “Nước mắt và niềm vui” của Đại tá Vũ Thành Trung. Và, mới đây là quyển hồi ký “Gãy cánh điệp viên” của cựu phi công, quân báo Hồ Duy Hùng... Quyển sách của anh không chỉ chứa đựng nhiều tư liệu quý mà còn chở nặng cái tình với đồng bào, đồng đội; những giằng xé, trăn trở, bản lĩnh của người chiến sĩ quân báo khi phải sống ngay trong không lực Việt Nam Cộng hòa để hoàn thành phi vụ “xuất quỷ nhập thần”, như trong truyện thần thoại. Tác giả may mắn còn sống và trở về, còn khỏe, rất có khả năng thì sao lại không viết? Anh đã viết và gửi lại cho cuộc đời cuốn sách quý này!

Có một quyển sách về một phu nhân cao quý mà tôi luôn hối tiếc vì do vài trục trặc nhỏ mà không thành. Cuộc đời bà nếu phóng bút là một quyển sách đồ sộ về thân phận phụ nữ trong những ngày đêm trước cuộc cách mạng, những ngày tù ngục, những mất mát, chia ly... Cuộc đời bà chứa đựng những ẩn số cuộc cách mạng trong chiến tranh và hòa bình, bi kịch của trận chiến đời thường không kém phần nghiệt ngã... Người phụ nữ ấy từng đứng trên đỉnh cao quyền lực, lại chứa đựng nhiều nốt lặng bi thương...

Tôi nghĩ, nếu ở nước ngoài, hồi ký của những phu nhân ấy sẽ thuộc hàng “bestseller” nhưng bà quá khiêm tốn, lặng lẽ và cũng nhiều ràng buộc. Con người của huân, huy chương rất khác con người của tiểu thuyết. Đôi khi tôi nghĩ, một ngày nào đó mình sẽ viết tiểu thuyết xoay quanh cuộc đời người phụ nữ này...

- Bà từng ước trời không có đêm, để có thêm thời gian làm việc, vì sao thế ạ?

- Với một viên chức viết văn thì 8 tiếng vàng ngọc đã phải dành cho cơ quan. Thời gian viết văn chủ yếu về đêm. Bạn thử hình dung một ngày của bà mẹ viết văn có con nhỏ. Sáng 5 giờ thức dậy, vài động tác thể dục, lo cho lũ trẻ ăn sáng, đưa đến trường, vội vã vào cơ quan. Rồi họp hành, gặp gỡ nhân chứng, làm đề cương trưng bày, viết kịch bản cho sự kiện, đi thực địa...

Chiều vội vã đón con, lo cơm nước, tắm rửa cho con, chơi với con ít phút, xem qua bài vở của các con... Khi ngồi vào bàn viết thì đã hơn 10 giờ đêm. Người mẹ viết văn bắt đầu trận chiến với con chữ, với nhân vật, tình huống trong tiểu thuyết. Không viết thì đọc. Có được cuốn sách hay thì mê mải đọc cho đến sáng... Rồi, vùng dậy khi nhớ ra phải vào bếp lo ăn sáng cho con, đưa con đến trường... Vòng quay một ngày hối hả cuốn chúng ta đi...

Bởi vậy, với người phụ nữ, có được trang viết nhọc nhằn hơn đàn ông rất nhiều. Họ phải kéo dài một ngày bằng cách thức đêm. Tôi ở trong số đó. Từ xa xưa, nhiều thầy thuốc Đông y nổi tiếng cũng từ chối chữa bệnh cho người thường thức quá 12 giờ đêm. Vậy mà tôi từng ao ước không có đêm. Tôi ghét đêm một phần cũng vì có nhiều đêm dài tôi rơi nước mắt cho đời, cho mình. Nỗi đau của mình cứ bộc phát, kích hoạt về đêm. Tôi thật khó ngủ.

Tôi có cảm giác đêm chững lại tất cả, còn mình thì thao thức với bao nỗi niềm, với trang viết. Những đêm như thế tôi mong trời mau sáng để lao ra ngoài, để hòa vào dòng chảy bận rộn của ngày. Tôi sẽ đi đâu đó, gặp ai đó, thực hiện một sự kiện nào đó... Ban ngày bận rộn, hối hả, tôi tạm quên những bất ổn của mình. Ban ngày tôi mới thật sự là mình. Tôi mất cân bằng về âm dương và cái giá phải trả là trái tim tôi không ổn!

nhà van tr%3fm huong (th%3f hai t%3f bên trái) chia s%3f tác ph%3fm c%3fa mình. %3fnh nhân v%3ft cung %3fp.jpg -0
Nhà văn Trầm Hương (thứ hai từ trái sang) chia sẻ tác phẩm của mình. Ảnh do nhân vật cung cấp

- Sau hơn 40 năm cầm bút, suy cho cùng, bà tự thấy mình đã nhận được những gì?

- Tôi nhận được quá nhiều. Tôi không thần thánh hóa nghề viết văn dù tôi tận hiến cho từng trang viết. Tôi học báo chí, học điện ảnh, học lịch sử, học kinh tế, học nấu ăn, học cả Đông y để tự chữa bệnh... Học để viết. Ứng dụng những kiến thức đó vào trang viết cũng thật thú vị. Tôi sống được và nuôi con nhờ văn học ứng dụng. Tôi viết báo, viết kịch bản phim, viết lịch sử và truyền thống, viết hồi ký, viết cả văn bia nhưng làm sao địch nổi với thầy Vũ Khiêu, nên cuộc thi viết văn bia truyền thống Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức, tôi chỉ được giải khuyến khích (nhưng tiền thì không nhỏ, thật là được động viên).

Những năm ấy nuôi con nhỏ, tuổi ăn tuổi lớn nên tôi nỗ lực kiếm tiền bằng khả năng viết lách của mình. Nhưng, vượt lên những ngổn ngang, tôi vẫn dồn tinh hoa, công sức cho những trang văn. Theo tháng năm, những cuốn sổ tay ghi chép đầy lên. Sau nhiều lần chuyển nhà, vứt bỏ nhiều thứ, tôi vẫn mang theo sổ ghi chép này. Giờ, mở dữ liệu toàn bộ bìa sách đã xuất bản, tôi thấy mình cũng thật giàu có. Tôi có thơ, truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết, sách biên khảo, kịch bản phim truyện và hàng trăm kịch bản phim tài liệu và nhiều phim được giải thưởng.

Tôi đi lập nghiệp bằng một cái giỏ rách, giữa phồn hoa đô hội, với một trái tim đa cảm. Lòng đa cảm dẫn tôi đi giữa cuộc đời này, lắng nghe những giọt nước mắt, chuyển hóa những số phận con người tôi gặp với nỗi khổ, niềm đau vào trang viết. Kỳ lạ thay, những trang viết nở hoa, cho tôi cuộc sống. Nghề viết không phụ tôi. Nếu mỗi nghề đều có một ông tổ nghề thì nghề văn hình như chưa có ông tổ cụ thể nào. Riêng tôi, tôi rất tâm đắc câu thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải: “Đời không duyên nợ thà không sống/ Văn chứa non sông mới có hồn”.

- Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Diên Khánh (thực hiện)
.
.