Nhà văn Phần Lan đến Việt Nam tìm đối tác

Thứ Bảy, 23/12/2023, 09:22

Vừa qua, tại Phố sách Hà Nội, NXB Phụ nữ đã tổ chức buổi giao lưu với nhà văn Risto Isomaki nhân dịp ra mắt cuốn tiểu thuyết giả tưởng ly kì có tên gọi rất Việt Nam - "Con Rít". Đến Việt Nam lần này, ngoài việc giao lưu với độc giả và gặp gỡ đối tác xuất bản, nhà văn Risto Isomaki còn mong muốn được gặp gỡ các nhà làm phim, hãng phim Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, sản xuất bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Con Rít" của ông.

Tiểu thuyết giả tưởng lấy bối cảnh Việt Nam

Tiểu thuyết "Con Rít" dày gần 500 trang (dịch giả Bùi Việt Hoa) được xuất bản lần đầu tại Phần Lan đầu năm 2011 với bối cảnh chủ yếu được mô tả là ở Việt Nam, chính xác là Vịnh Hạ Long. Chuyện kể về Martti Ritola - nhà nghiên cứu sinh vật biển nổi tiếng thế giới - nhận được một bức thư từ Việt Nam cho biết có một sinh vật biển rất kỳ lạ đã chết, xác của nó dạt vào bờ vịnh Hạ Long. Đó không phải là loài động vật được giới khoa học biết đến mà nhìn rất giống con rít - con vật đầy tính thần thoại trong các truyền thuyết, nhưng rất tiếc, một cơn bão lớn đã cuốn trôi cái xác đó ra biển trước khi bất cứ nhà nghiên cứu nào kịp đến xem. Martti tin rằng, đó chính là quái vật anh nhìn thấy ở biển Đông khi anh còn bé và sống cùng cha mẹ.

1.jpg -0
Nhà văn Risto Isomaki trong buổi giao lưu với độc giả nhân dịp tiểu thuyết “Con Rít” của ông ra mắt phiên bản tiếng Việt.

Khát khao tìm được xác con vật huyền thoại đã đưa anh và người tình cũ Camilla Norrstrand cùng các cộng sự người Việt bước vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú trên vịnh Hạ Long. Những gì họ nhìn thấy thẳm sâu bên dưới làn nước của vùng vịnh được công nhận là kì quan thiên nhiên của thế giới này cũng khiến họ lo lắng bởi những ẩn họa về ô nhiễm môi trường. Đó là vấn đề toàn cầu mà cả thế giới trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt.

Khi cơn cuồng phong chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu có sức gió mạnh hơn bình thường ập vào vịnh Hạ Long, chuyến thám hiểm lý thú dần biến thành một mối hiểm nguy khôn lường đe dọa đến tính mạng, thậm chí trở thành một cuộc chiến sống còn đầy vô vọng: người bị mắc kẹt dưới hang sâu dần dần ngập đầy nước do gió dồn xuống, người lại chới với trên miệng hang, sau lưng là vách đá lởm chởm... Và giữa những thách thức dồn dập ấy, Martti đã thấy con Rít. Anh đã tận mắt nhìn thấy, nhưng không kịp chụp ảnh hay làm bất cứ điều gì để chứng minh sự tồn tại của nó trước khi nó lặn xuống, mất hút dưới làn nước và sẽ mãi mãi chỉ còn là một huyền thoại...

Qua những trang viết miêu tả sống động của nhà văn về con Rít và hành trình thám hiểm kỳ thú trên vịnh Hạ Long đã khiến cho người đọc cảm thấy dường như nhân vật con Rít thật sự tồn tại. Và hơn hết, bạn đọc Việt Nam cảm nhận rõ mối thiện cảm của nhà văn dành cho thiên nhiên và con người Việt Nam thông qua nhân vật Hoa (bạn của nhà khoa học Martti), cùng nhóm ngư dân điều khiển con tàu đưa đi tìm con Rít.

Theo nhà văn Risto Isomaki, hầu hết các quốc gia có biển đều gắn với một huyền thoại về một loài sinh vật to lớn, ngoại hình tựa loài rắn, trên đầu có mào và thường được thần thánh hóa thành một vị thần như: khu vực Trung và Nam Mĩ có Quetzalcoatl - vị thần tối quan trọng của người Aztecs, Kukulkan - vị thần quan trọng của người Maya, Ấn Độ và Indonesia có rất nhiều người dân tôn thờ thần Naga, ở Trung Quốc hình tượng vị thần chính trấn giữ tất cả các dòng sông lớn là một con rắn biển to lớn, ở Myanmar nó được gọi với cái tên Nyan…

Trong thần thoại châu Âu và Bắc Mĩ, nó còn được biết đến với những cái tên như Hải Xà (Sea serpent) hay Mã Ngư (meerhorse). Còn ở Việt Nam, loài sinh vật biển huyền thoại này có tên nôm na là "con rít" - cái tên nhà văn Risto đã đọc được trong một ghi chép của vợ ông sau nhiều năm gắn bó và công tác tại Việt Nam.

Nhà văn Risto Isomaki chia sẻ: "Trong cuốn tiểu thuyết của mình, tôi dụng ý dùng tên tiếng Việt cho loài sinh vật và đặt bối cảnh truyện ở Việt Nam, bởi cái tên tiếng Việt đưa tới ấn tượng mô tả sát nhất và chính xác nhất, giữa hàng trăm cái tên đến từ nhiều quốc gia, nền văn hóa - văn minh khác cho cùng một loại sinh vật. "Con Rít" là tiểu thuyết, song tôi đã thu thập rất nhiều thông tin, thư tịch cổ xưa liên quan đến "con rít" khi viết cuốn sách này như: lời kể được ghi lại của người xưa từng trực tiếp nhìn thấy sinh vật này, ghi chép trong sử kí cổ đại Trung Quốc, nhiều luật lệ cổ của người Miến Điện nêu rõ người chăn gia súc sẽ không bị buộc tội nếu bò bị Nyan ăn mất hay bút ký từ hải trình của những tàu chiến châu Âu trong suốt thời kì thuộc địa... Bởi vậy, cuốn tiểu thuyết cũng chính là hành trình tôi tìm câu trả lời cho câu hỏi liệu "con rít" có thực sự đã và đang tồn tại hay không…".

Tìm đối tác sản xuất phim về "Con Rít"

Nhà văn - nhà báo - nhà hoạt động môi trường Risto Isomaki sinh năm 1961 tại Turku, Phần Lan. Cho đến nay, ông đã sáng tác hơn 12 tiểu thuyết và hơn 20 tác phẩm phi hư cấu về môi trường, xã hội và "Con Rít" là tiểu thuyết thứ 7 của ông. Risto Isomaki đã nhận được 8 giải thưởng văn học khác nhau của Phần Lan, trong đó có giải thưởng văn học danh giá nhất Phần Lan - Finlandia. Đến nay, nhiều tác phẩm hư cấu và phi hư cấu của ông được dịch và xuất bản bằng hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. Năm 2020, tác giả Risto Isomaki đã được Ủy ban Thông tin công cộng Phần Lan trao giải "Thành tựu trọn đời" vì những đóng góp lâu dài bảo vệ môi trường đất, môi trường biển và khí hậu cũng như sử dụng các hình thức nghệ thuật biểu đạt khác nhau.

Tại Phần Lan, "Con Rít" là cuốn tiểu thuyết giả tưởng hấp dẫn dành cho thanh thiếu niên về đề tài thiên nhiên, môi trường. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam cho biết: "Tác giả đã tặng bản quyền cho NXB và nhờ đó đơn vị có thể đưa tới độc giả cuốn sách hay về đề tài môi trường với giá thành phù hợp. Với cuốn sách này ông không chỉ cảnh báo về vấn đề môi trường mà còn đề xuất những cách thức để bảo vệ môi trường tại vịnh Hạ Long nói riêng, trên thế giới nói chung…".

Đến Việt Nam lần này, ngoài việc giao lưu với độc giả nhân dịp tác phẩm "Con Rít" ra mắt với phiên bản tiếng Việt, ông còn muốn gặp gỡ các đối tác xuất bản với dự án xuất bản 100 cuốn sách khoa học với các chủ đề y tế, giáo dục, môi trường… Ông cũng hi vọng sẽ có cơ hội kết nối, gặp gỡ các nhà làm phim hay hãng phim Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết "Con Rít" của ông - vốn là một dự án có triển vọng nhưng đang còn dang dở.

2.jpg -1
Nhà văn Risto Isomaki ký tặng sách cho độc giả Việt Nam.

Theo chia sẻ của nhà văn Risto Isomaki: "Ngay trước đại dịch COVID-19, hãng phim Phần Lan Snapper Films đã liên hệ với tôi và trao đổi về việc làm một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết "Con Rít" cùng với một nhà đồng sản xuất người Bỉ. Tôi đã kí một thỏa thuận dự kiến về bộ phim với hãng phim Snapper Films, nhưng rồi đại dịch bùng phát và dự án "bị đắp chiếu", thỏa thuận tới giờ cũng đã hết hiệu lực. Tuy nhiên cách đây ít lâu, hãng phim Snapper Film liên hệ lại với tôi và nói họ muốn dò xét khả năng tái khởi động dự án.

Vài tháng sau đó, đại diện của một công ty sản xuất các phim truyền hình dài tập và phim điện ảnh Phần Lan khác là Matila-Rơhr/Reelmedia cũng liên hệ tôi và nói họ khá hứng thú với tiểu thuyết "Con Rít". Đại diện của cả Snapper Film và Matila-Rơhr/Reelmedia đều khẳng định dự án sẽ tiến hành thuận lợi hơn nếu có một bên đối tác Việt Nam chuyên nghiệp, có tiềm lực mạnh hứng thú cùng cộng tác. Bởi vì phần lớn mạch truyện diễn ra ở Việt Nam và sẽ phải có nhiều cảnh quay diễn ra tại Hà Nội, thành phố Hạ Long, trên biển khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long...".

 Nhà văn Risto Isomaki có niềm tin rằng, nếu bộ phim điện ảnh hay series phim truyền hình ngắn tập về "Con Rít" được sản xuất và trình chiếu, nó sẽ không chỉ là một bộ phim giải trí hấp dẫn, chứa đựng thông điệp về bảo vệ môi trường mà còn có thể trở thành một cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch của hai nước. Bởi vì theo ông: "Quần đảo ở cả Phần Lan và Việt Nam đều thuộc nhóm các quần đảo kì vĩ nhất thế giới, nên tôi nghĩ một series phim truyền hình ngắn tập hoặc một phim điện ảnh nhắm tới công chúng quốc tế sẽ là một sự quảng bá tuyệt vời cho ngành công nghiệp du lịch của cả Việt Nam và Phần Lan…".

Nguyệt Hà
.
.