Nhà văn Phan Đức Nhạn viết về mảnh đất đau thương và anh hùng

Thứ Bảy, 12/04/2025, 15:47

Cuốn bút ký "Xa và gần" của tác giả Phan Đức Nhạn, vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành và ra mắt vào ngày 5/4/2025, không chỉ là một tác phẩm văn học phi hư cấu mà còn là một bằng chứng sống động về một vùng đất đầy đau thương và anh hùng - xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Trong chiến tranh, xã này chỉ có khoảng 8.000 người dân nhưng đã có đến 1.347 liệt sĩ và gần 400 Mẹ Việt Nam Anh hùng, tạo nên một cái nhìn sâu sắc về mức độ hy sinh và lòng kiên cường của con người nơi đây. Xã Bình Dương đã được Nhà nước 3 lần tuyên dương là đơn vị anh hùng. Những con số ấy, dù cho vô cùng ấn tượng và đau đớn, lại là minh chứng cho tinh thần bất khuất của vùng đất Bình Dương trong suốt những năm tháng chiến tranh đẫm máu.

Nói như nhiều người: nếu ai chỉ đọc con số trên giấy thôi thì chưa cảm nhận hết được sự bi thương, mà phải tận mắt chứng kiến những dấu tích tàn phá, những vết thương hằn sâu trong ký ức của người dân nơi đây, mới thấm thía hết sự khốc liệt của chiến tranh.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với gia đình có 4 liệt sĩ

Vùng đất Bình Dương không chỉ chứng kiến những mất mát lớn lao mà còn là nơi sản sinh ra những người anh hùng chân đất, những người đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc. Phan Đức Nhạn là nhân vật trung tâm ghi lại cuốn bút ký “Xa và gần” như một bản “tiểu biên niên sử” về vùng đất đau thương và anh dũng này.

Chính ông, một nhân chứng sống của cuộc chiến, đã sống qua những ngày tháng chiến tranh đau thương, và sau đó trở thành một người có trách nhiệm xây dựng quê hương và lưu giữ ký ức qua từng trang viết. Cuốn sách của ông như một sự tưởng nhớ đối với những người đã hy sinh, đặc biệt là gia đình ông, nơi có 4 liệt sĩ, trong đó có mẹ và ba anh chị em ruột của ông, tất cả đều hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước.

nhà van phan ð%3fc nh%3fn 1.jpg -1
Tác giả Phan Đức Nhạn.

Phan Đức Nhạn không thể nào quên khoảnh khắc đau thương ngày 20/10/1968, khi mẹ anh, bà Vương Thị Cận -  Bà mẹ Việt Nam Anh hùng - đã hy sinh vì đạn đại liên từ máy bay địch. Mẹ đã suốt một đời gần gũi, trọng tình làng nghĩa xóm, được bà con láng giềng quý mến, tin cậy luôn nhắc nhở, luôn kể về mẹ.

Trong cuốn nhật ký chiến tranh của nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong có đoạn ghi chép về người mẹ anh hùng này: “…Xóm làng thương tiếc một bà mẹ kiên cường. Chồng đi tập kết, ở nhà vẫn nuôi cán bộ, tham gia công tác tích cực, mình đã nghe làng xóm thương tiếc: Nhà đó mới là nhà cách mạng toàn gia. Bà không có ai bì, đấu tranh sản xuất chi cũng giỏi. Những trận càn ác liệt hoặc trong thời gian địch bắn phá dữ dội, mọi người còn sợ sệt bà đã một mình đi ra đồng sản xuất. Có lần bà con đang cấy, tàu bay rà quần dữ quá, người ta bỏ mạ đi về hết, bà xuống cấy giúp, cấy cho ai cũng là sản xuất, bà kêu gọi người khác xuống làm…”.

Trong trang nhật ký của nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong, hình ảnh người mẹ được khắc họa như hiện thân của sự anh dũng, sẵn sàng đương đầu với đạn bom để chăm lo cho ruộng đồng, cho bà con làng xóm. Cũng trong thời gian về bám đất Bình Dương, Thăng Bình nhà văn Chu Cẩm Phong đã từng tiếp xúc với cậu bé Phan Đức Nhạn, tuy còn nhỏ, nhưng đã ra nhập đội du kích ở địa phương để chiến đấu “trả nợ nước, thù nhà”.

Như một nhịp cầu nối, những việc làm lớn lao thầm lặng của bà mẹ đã hun đúc nên tinh thần của người con trai - cậu bé Nhạn. Từ nỗi đau buốt tim khi đưa tang mẹ và liên tiếp chịu cảnh mất mát, Nhạn đã xung phong chiến đấu, giành giật từng tấc đất quê hương. Chính trong những đợt càn quét đẫm máu đó, ý chí và lý tưởng đã được tôi rèn, giúp Nhạn đứng vững trước mọi hiểm nguy để rồi sau này trở về tái thiết quê hương.

Nhìn vào những cuộc đời nhiều đau thương mất mát ấy, ta thấy nổi bật lên ý chí sắt son, “thà hy sinh chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” của người dân xứ Quảng. Nhà cửa bị đốt cháy nhiều lần, mồ mả, bàn thờ bị bom đạn cày xới, con cái mất mẹ, anh chị em hy sinh gần hết… Ấy vậy mà những người còn sống vẫn gắng gượng bám trụ quê hương, lén lút nuôi giấu cán bộ, bất chấp sự bố ráp, tàn sát dã man của kẻ thù. Bản thân bà Vương Thị Cận - mẹ ruột của ông Nhạn - còn “vượt qua” chính nỗi sợ hãi, hằng ngày ra đồng sản xuất, kiên cường tham gia đấu tranh, nuôi cán bộ, tạo nên tấm gương Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mẫu mực và xúc động.

Vượt lên mọi mất mát, trở về tái thiết quê hương

Những ký ức ấy đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc đời Phan Đức Nhạn, một nỗi đau mãi đeo bám, dù thời gian trôi qua. Nỗi đau càng thêm nhức nhối khi ông còn nhớ rõ hình ảnh gia đình tan nát, ngôi nhà bị đốt cháy nhiều lần, xe tăng của địch nghiền nát mọi thứ, và làng quê Bình Dương sau mỗi trận càn là một vùng đất hoang tàn, đổ nát. Không chỉ có người mẹ, mà cả ba người anh chị em của ông cũng lần lượt hy sinh trong chiến tranh, khiến gia đình ông gần như bị tàn phá hoàn toàn.

Điều đáng nói là, dù trong hoàn cảnh khốn cùng ấy, Phan Đức Nhạn tuy nhỏ tuổi vẫn luôn vững vàng và chiến đấu trong đội du kích xã Bình Dương, rồi được cử ra miền Bắc đi học. Ông đã thực sự sống theo gương mẹ và các anh chị của mình, dấn thân vào cuộc chiến vì lý tưởng độc lập tự do. Những trang bút ký của ông không chỉ ghi lại những sự kiện, mà còn là những hình ảnh sống động về tinh thần kiên cường, không bao giờ chịu khuất phục của những con người nơi đây, những người anh hùng chân đất, bất chấp mọi khổ cực, gian nan để bảo vệ từng thước đất quê hương.

%3fnh bìa cu%3fn bút ký xa và g%3fn 1.jpg -0
Ảnh bìa cuốn bút ký “Xa và gần”.

Những câu chuyện trong "Xa và gần" không chỉ làm sống lại hình ảnh những người chiến sĩ, những liệt sĩ, mà còn khắc họa rõ nét tinh thần vươn lên sau chiến tranh của một vùng đất từng bị tàn phá nặng nề. Phan Đức Nhạn không chỉ là một nhân vật tiểu thuyết đặc biệt trong chính cuộc đời mình, mà còn là biểu tượng của sự tái sinh và hồi phục.

Sau chiến tranh, ông đã trở thành một trong những người tiên phong trong việc tái thiết quê hương Quảng Nam, đóng góp vào việc xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai, làm giám đốc giao thông tỉnh, và rồi trở thành đại biểu Quốc hội. Sự chuyển mình từ một chiến sĩ du kích, từ một người lính không tên tuổi trong chiến tranh, trở thành một cán bộ có trách nhiệm với đất nước và nay trở thành một nhà văn là một câu chuyện đầy cảm hứng, vừa bi thương, vừa hùng tráng.

Cuốn bút ký "Xa và gần" còn là một lời tri ân tới những người đã hy sinh vì tự do, vì độc lập của dân tộc, đồng thời là một tác phẩm văn học phi hư cấu vô cùng sâu sắc, khi tác giả khéo léo kết nối quá khứ và hiện tại, chiến tranh và hòa bình. Phan Đức Nhạn đã không chỉ sống sót qua chiến tranh, mà ông còn mang trong mình sứ mệnh gìn giữ ký ức lịch sử, để thế hệ sau có thể hiểu và trân trọng những hy sinh mà thế hệ cha anh đã gửi lại.

Đọc “Xa và gần”, người ta thấy hiện lên hình ảnh những người anh hùng tưởng chừng “rất đỗi bình thường” - họ có thể là những cô gái, chàng trai nông dân, quanh năm tay lấm chân bùn, nhưng hễ giặc đến là chiến đấu không tiếc máu xương mình. Những nhân vật anh hùng như: Phan Thị Nga, Lê Quang Cảnh, Trần Thị Cúc, Phan Thanh Bốn,… cùng vô vàn những liệt sĩ, anh hùng khác đã trở thành biểu tượng của sự kiên cường, dũng cảm trong cuốn sách này. Đồng thời, cuốn sách cũng không quên nhắc đến những nhân vật lãnh đạo của thời kỳ đó, như: Nguyễn Thị Bình,Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Phan Diễn, Vũ Ngọc Hoàng, Trương Tấn Sang, Mai Thúc Lân… những người đã góp phần định hình lại lịch sử đất nước sau chiến tranh.

Phan Đức Nhạn với cuốn bút ký văn học phi hư cấu có chiều sâu, với những ký ức đau thương của chiến tranh và sự cống hiến hết mình cho quê hương sau chiến tranh. Cuốn bút ký của ông là một phần không thể thiếu trong hành trình tái hiện lại một quá khứ đầy bi thương nhưng cũng đầy tự hào của Bình Dương, Quảng Nam, một mảnh đất anh hùng đã nuôi dưỡng những thế hệ kiên cường không khuất phục trước kẻ thù, và ngày nay, những thế hệ ấy vẫn đang không ngừng vươn lên xây dựng một tương lai tươi sáng hơn.

Tôi nghĩ, những câu chuyện về Phan Đức Nhạn và quê hương Bình Dương, Thăng Bình trong và sau chiến tranh có đầy chất tiểu thuyết của bi ca và tráng ca, của tuyệt vọng ca và hy vọng ca. Nhưng viết thế nào đây là một thử thách rất lớn vì dòng văn học phi hư cấu dựng trước mặt người viết như một bức tường lớn mà tiểu thuyết thì phải vượt qua bức tường ấy, phải hư cấu, phải sống trong những liên tưởng, suy tưởng và tưởng tượng, nhất là trong thời văn học hiện đại với sự hòa hợp và sự hòa giải dân tộc đang là một đòi hỏi bức thiết vì chiến tranh đã khép lại từ 50 năm trước. Tôi nghĩ đây là một bài toán rất nan giải, hóc búa mà các nhà tiểu thuyết phải vượt qua và chúng ta có quyền hy vọng.

Nguyễn Việt Chiến
.
.