Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Thơ như quả phúc

Thứ Sáu, 13/10/2023, 09:14

Giữa thu, Nguyễn Phúc Lộc Thành “đột ngột” mở tiệc văn chương. Mùa thu đã giăng mắc lòng người rồi, những câu lục bát của anh như gieo xuống cõi người ngổn ngang trăm ngàn mưa móc những nỗi niềm tàn sen, đồng cũ, mùa xa... và bao nỗi thương nhớ thắt thẻo, rưng rưng về mẹ. Có vẻ như Nguyễn Phúc Lộc Thành tìm thấy thơ như cá tìm thấy biển, như cánh chim tìm thấy rừng xanh, như lửa tìm thấy núi để ngút trào dòng nham thạch.

Không riêng gì Nguyễn Phúc Lộc Thành, hình như, cuối cùng thì nhà văn nào cũng tìm đến bến thơ để thoả lòng trút bỏ. Thơ giống như quả phúc cho người văn chương, khi mà văn xuôi nhiều khi không nói hết được. Đọc 5 tập thơ của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành tôi càng thấy, sau bao nhiêu trùng kiếp quên lãng thì cuối cùng văn chương cũng sẽ đến đòi nợ người văn. Có trả xong cho đời những món nợ phúc lộc mình được chọn mang thì mới mong yên ổn.

nhà văn nguyễn phúc lộc thành ,,.jpg -1
Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Tôi có một bài thơ “Sự lãng quên trùng kiếp”. Bài thơ tôi viết tại ngôi nhà số 4 Lý Nam Đế tặng cho chính bản thân mình trong lần trở lại địa chỉ đỏ này sau 25 năm tôi bỏ văn chương để vất vả mưu sinh. Văn chương - Người tình tiền kiếp dù tôi đã bỏ rơi, đã dập vùi quên lãng thì cuối cùng vẫn không dứt nổi. Khi gặp lại, hay được đánh thức bởi một giác quan nào đó, văn chương như mạch nguồn kìm nén bỗng được khơi thông mà nghẹn ngào trở về. Lại lao vào viết, lại cồn cào, hoang mang như những ngày đầu.

Tôi cũng biết Nguyễn Phúc Lộc Thành có lúc bỏ văn chương tận 18 năm sau khi đã thành danh với cuốn tiểu thuyết: “Cõi nhân gian”, tập truyện ngắn “Táo vàng tục luỵ” để lao vào cuộc mưu sinh. Ngần ấy năm, khi đủ mỏi trên con đường tìm kiếm bản thân, nếm đủ mùi đòn roi của mưu sinh danh lợi, Nguyễn Phúc Lộc Thành vẫn phải cúi đầu quay về, xé bỏ lãng quên để “cuống quýt” với văn chương chữ nghĩa.

Khó để hình dung được đối với một người viết, trong vòng 5 năm nghỉ bút, Nguyễn Phúc Lộc Thành “ào ạt” ra liền 5 tập thơ viết theo thể lục bát hiện đại. Mà mùa thu 2023 này, anh tiếp tục cho ra mắt hai tuyển thơ lục bát có tên là “Đồng sen tàn”, “Mẹ” góp vào gia tài đã 7 tập thơ, làm nên một giọng thơ lục bát riêng của Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Thơ như quả phúc -1
Bộ tiểu thuyết: Cõi nhân gian

Chưa hết, năm ngoái, năm 2022, Nguyễn Phúc Lộc Thành cho ra mắt bộ trường thiên 7 cuốn tiểu thuyết đồ sộ nối dài cuốn tiểu thuyết đầu tay “Cõi nhân gian” vốn là 1 tiểu thuyết, anh viết trước ngày nhập học khoá 5 Trường Viết văn Nguyễn Du (1993-1997). Hồi ấy, “Cõi nhân gian” ra đời cũng tạo tiếng vang trên văn đàn. Và nó là cuốn sách, rất vinh dự, khi gần 30 năm nay, được lưu trữ tại 14 trường đại học lớn tại Mỹ, trong đó có đại học Harvard và Thư viện Quốc hội Mỹ. Có lẽ sau 18 năm bươn bã với đời, ngấm trải hết mọi góc khuất nhục vinh của cuộc mưu sinh thấm thía. Những dồn tụ, chất chứa, ngồn ngộn ứ đầy chất liệu trên bước đường đi qua, gặp gỡ, trải nghiệm, đã thôi thúc dồn ép Nguyễn Phúc Lộc Thành cầm bút tiếp tục viết, tiếp tục nối dài cuốn tiểu thuyết về cõi nhân gian vốn rộng lớn mà cũng vô cùng chật hẹp này.

COVID-19 khép lại bao nhiêu cánh cửa, bao nhiều cuộc đời, nhưng cũng mở ra biết bao cơ hội, bao con đường để nhân loại tiếp tục đi tới. Năm 2021, dịp giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19, Nguyễn Phúc Lộc Thành lại có lộc. Anh có quỹ thời gian tĩnh lặng để tập trung viết tiếp những tập sau của “Cõi nhân gian”. Ai có thể lao động hiệu quả được như anh khi chỉ trong vòng 6 tháng, từ 6/2021- 12/2021, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã viết xong 7 tập “Cõi nhân gian”, hoàn thành bộ trường thiên tiểu thuyết 8 tập hiện tại. Sức lao động có thể nói là “khủng khiếp”, nếu không từ tình yêu đối với văn chương, sự tận hiến sáng tạo, thì một doanh nhân nhà văn như anh khó có thể lao tâm khổ tứ lao đầu vào công việc viết lách “giời đày”.

Chưa bàn về sự thành công, hay những giá trị lớn lao của bộ trường thiên tiểu thuyết này, thì việc mà Nguyễn Phúc Lộc Thành lao vào công việc viết lách như lên đồng, như chậm chút nữa ngày mai không thể viết. Viết như sợ mất đi cái mạch nguồn cảm xúc, những sáng tạo nối đuôi nhau chảy như sông như biển kia để thành sách, để in ấn, để đến với độc giả thì tôi đã quá nể phục anh rồi. Đằng này sau khi ra mắt, bộ tiểu thuyết “Cõi nhân gian” đã khuấy động văn đàn năm 2022 với những luồng dư âm khác nhau về tính hiện thực phê phán trong bộ tiểu thuyết. Chính nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã có nhiều bài viết bảo vệ cho “Cõi Nhân Gian” in trên Báo Nhân dân, tạp chí Tuyên giáo và nhiều báo khác.

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Thơ như quả phúc -0
Toàn cảnh buổi lễ ra mắt thơ.

Thế mới thấy “con đường tình duyên” với văn chương là con đường khó dứt bỏ, khi đã trót đa mang. Nếu có một lúc nào đó văn chương tạm “tha cho ta” vì thương ta, vì nhường ta, thì rồi đến một lúc nào đó khi ta vững chãi hơn trong cuộc đời, văn chương sẽ quay trở lại tìm ta để đòi món nợ ta đã được định mệnh chọn nhận. Chỉ có cách trả xong nghiệp viết, người văn mới yên ổn, thanh thản nhẹ gánh, mới thấy mình được chính là mình.

Trở lại với dịp Nguyễn Phúc Lộc Thành ra mắt mùa thu 2023 với hai tập thơ lục bát “Đồng sen tàn” và “Mẹ”, một lần nữa chúng ta lại càng nể phục anh hơn bởi cái cách anh đến với thơ lục bát, thuỷ chung với thơ lục bát và dũng cảm khi mạnh dạn tìm một lối đi riêng để làm mới lục bát. Nguyễn Phúc Lộc Thành mang thể thơ truyền thống, nặng về niêm luật, vần điệu trở thành một thứ lục bát phá cách hơn, mạnh mẽ và cá tính hơn, sắp đặt cấu trúc, nhịp điệu, và sử dụng ngôn từ theo một tư duy mới, khiến cho lục bát đa nghĩa hơn trong ý tứ.

Tại lễ ra mắt sách, có rất nhiều những ý kiến của các nhà thơ đánh giá về lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã chia sẻ: “Lục bát cổ điển thì thường nghe là hiểu ngay, nhưng lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành không chỉ nghe, mà phải đọc, đọc để suy ngẫm, từ đó mới thấy được ý tại ngôn ngoại của câu, của chữ. Bởi nó còn một tầng nghĩa chìm phía dưới câu chữ, bắt người đọc phải kỳ công khám phá… Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành có thể nói là một điệu ru buồn, một điệu ru tình, một điệu ru của những hoài cảm lãng mạn mang phong vị độc đáo riêng, lục bát của anh đã chuyển hóa từ giọng thơ trữ tình thế sự sang giọng thơ trữ tình giao cảm với thi ảnh thơ gợi cảm, lấy đồng đất quê hương, lấy con người nhân thế làm chủ suy tưởng...”.

hai tập thơ mới ra mắt của nhà văn nguyễn phúc lộc thành.jpg -0
Hai tập thơ mới ra mắt của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành.

Nhà văn, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận VHNT Việt Nam, nhận định: “Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành có phồn thực nhưng đặt trên bình diện của đời sống, thơ lục bát mà viết như thế thì rất mới và đặc biệt là cách dùng từ rất thơ”.

Nhà Phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng “chọn thể lục bát, viết kiểu mới, Nguyễn Phúc Lộc Thành đã liều mình, chứ không phải liều mạng. Liều mình là hành động trong tính toán, còn liều mạng nghĩa là làm mà không tính toán”. Chúc mừng nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành với những đứa con tinh thần tuyệt vời mà anh đã sinh hạ để chào đón mùa thu năm 2023 này. Với anh, và hình như với tất cả những nhà văn biết làm thơ thì thơ với họ đích thị là QUẢ PHÚC. Xin được kết thúc bài viết này bằng mấy câu thơ lục bát của anh:

Mắt là lửa
Tay là rơm
Rừng em bừng cháy từng cơn nhu mì
Ta về trồng mấy hàng si
Đêm trôi trên những sợi khuy không cài.

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành: Thơ như quả phúc -2
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam chia sẻ tại lễ ra mắt thơ.

Tại lễ ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã chia sẻ: “...Thi ca không bao giờ rời bỏ đời sống con người, cho dù có lúc chúng ta phải sống trong tăm tối, trong niềm thất vọng, thậm chí tuyệt vọng của đời sống mà chúng ta đang sống. Những điều mà Nguyễn Phúc Lộc Thành làm cho chúng ta đều hiển lộ trong tập thơ của anh, tôi nghĩ không còn cách nào nói hơn nữa rằng thi ca đã thay ta nói những điều tốt đẹp nhất... Tôi hiện diện ở đây với hai danh nghĩa. Một là, tôi là người ký giấy phép xuất bản tập thơ, hai là Thi ca đang đòi hỏi quá nhiều thách thức, làm sao có thể chọn lựa được con đường, chọn lựa được thể loại. Chọn thơ lục bát là sự quả cảm, đầy khó khăn, đầy thách thức.... Dấn thân vào văn chương, vào thơ cũng như dấn thân vào cuộc đời, vào thương trường, mà “thương trường là chiến trường”cũng đầy đau khổ, đầy nước mắt, đầy nụ cười, đầy hạnh phúc và cũng đầy khen, chê.

Nhiều người yêu thơ lục bát thì nhận định thơ lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành độc đáo, không lẫn với ai trong cá tính sáng tạo như cách anh sử dụng từ láy, cách ngắt câu và tạo cho mình một phong cách riêng trong ngôn ngữ. Thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành thể hiện được thế giới nội cảm của con người thông qua đời sống bằng sự tưởng tượng phong phú mà ai cũng thấy mình trong đó”.

Như Bình
.
.