Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Những câu thơ đã mang lại cho tôi quá nhiều ân sủng cuộc đời

Chủ Nhật, 22/01/2023, 08:33

Tôi quen nhà thơ Hồng Thanh Quang tròn hơn 20 năm thì có đến gần 15 năm làm việc cùng nhà thơ, làm lính của anh trong một tòa soạn. Hơn 20 năm ấy, sự gần gụi và hiểu biết của tôi về anh khiến tôi chưa từng hình dung, một ngày, cái người thơ thuộc về “công chúng” kia có giây phút nào đó số phận “nhốt” anh trong một quãng lặng của cuộc đời.

Ấy thế mà những khúc quanh của số phận, đường đời rẽ lối, những năm tháng tuổi lục thập hoa giáp, anh sống chậm rãi, tĩnh lặng trong căn biệt thự đẹp, tiện nghi và sang trọng như “hoàng tử” sống trong một lâu đài.

hong.jpg -0
Nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Tôi đến nhà mới của Hồng Thanh Quang chơi với anh và bạn bè của anh nhiều lần trong mấy năm vừa rồi. Hồng Thanh Quang luôn là người “chơi sang” với bản thân. Anh mở những tiệc rượu đẫm nghệ thuật, mời cả gánh hát xẩm, hát chèo, mời hẳn những ca nương về thết bạn trong những bữa tiệc tại gia. Tôi nhớ không lầm cơ quan tôi, những phòng ban mà anh phụ trách không năm nào không được anh mời đến nhà đãi cơm tại gia, từ ngày anh còn ở Pháo Đài Láng, đến biệt thự Mỹ Đình và nay là villa ở khu đô thị Splendora. Một ngôi biệt thự mới được hoàn thiện sau khi anh nghỉ hưu, không quá lớn nhưng vẫn có dáng vẻ như một lâu đài nhờ kiểu thiết kế rất đặc sắc, trong con mắt của tôi thì có vẻ như chứa đựng đầy đủ những tinh hoa nhất của kiến trúc cổ pha lẫn hiện đại. Một ngôi nhà mà khi bước chân vào ai cũng phải trầm trồ đi từ thán phục này đến ngạc nhiên khác. Bởi ngoài việc gia chủ có đủ điều kiện để chơi nhà đẹp đã đành thì sự ngả mũ nể phục gu (gout) thẩm mĩ của gia chủ cũng như thú chơi nhà trông có vẻ giản dị mà vẫn rất sang trọng, vừa độc, lạ và tỉ mẩn kỹ càng từ những chi tiết nhỏ nhất, như viên gạch bông, đến cái tay vịn gỗ cầu thang, đến toàn bộ hệ thống nội thất được chạm khắc theo hồn cốt dân gian, thủ công và độc bản...

Nhà thơ Hồng Thanh Quang xuất hiện trong căn nhà đẹp, chủ nhân của lâu đài với đủ những thứ cũng không kém phần cầu kì được phục sức trên con người anh. Nhìn anh đúng nghĩa của người coi trọng bản thân, yêu bản thân và rất thích hưởng thụ những điều kiện vật chất ở mọi nơi mọi lúc.

Tôi đã lẩn thẩn tự nghĩ không biết số phận đã chiều chuộng anh quá, đã đãi đằng anh quá mức hay ngược lại, đã thử thách anh tận cùng khi nhốt anh trong một lâu đài đầy đủ tiện nghi mà xé đi của anh đôi cánh thiên di. Đôi cánh đã từng đập quá tải, đập liên hồi, đập mãnh liệt trên bầu khí quyển sống của anh. Hay ông trời đã quá thương anh mà xé đi đôi cánh thiên di, sắp xếp cho anh chậm lại trong không gian này, để anh, người đàn ông luôn lao đi như chưa từng dừng lại, nay buộc phải trả nốt những thứ chưa từng trả, sống nốt những quãng tâm trạng chưa từng sống để chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ những ngày buồn mình còn nợ khi từng sống quá đi những ngày vui mình có.

Một ngày cuối năm, khi mà hoa đào trắng đã thắp lên những nụ trắng muốt lấp lánh quanh ngôi biệt thự xinh đẹp của anh, tôi đến và trò chuyện cùng anh, một người thơ đặc biệt với số phận không kém phần đặc biệt.

- Nếu tôi cảm nhận thấy một Hồng Thanh Quang đã khác trước đi rất nhiều, như những dòng tôi vừa viết về anh, anh nghĩ sao về tất cả?

+ Thực ra bạn cũng như nhiều người khác, mỗi người chỉ nhìn thấy tôi ở một góc độ nhất định. Và ai cũng tưởng mình đã hiểu hết tôi tới tận cùng. Nhưng có lẽ tôi không đơn giản đến thế. Nên chính tôi lắm lúc cũng lấy làm lạ về mình… Bạn nghĩ rằng tôi đang sống chậm lại, nhưng thực ra chưa bao giờ trong đời tôi bận như bây giờ. Lắm hôm tôi thấy một ngày của tôi trôi qua quá nhanh vì công việc dang dở còn bề bộn quá. Tiếng là nghỉ hưu, nhưng tôi chưa bao giờ thiếu việc để làm theo sở thích của mình cả…

Khi mới thôi việc cơ quan, tôi đã dự định dành thời gian để sắp xếp lại trật tự cho tủ sách của mình và đọc kỹ lại những cuốn sách hay mà mình đã thu nhặt được, nhưng đã ba năm trôi qua rồi, tôi vẫn chưa hoàn thành được công việc này. Giờ tôi biết, để đọc kỹ lại những cuốn sách hay mà tôi đang có, chắc tôi phải mất thêm một cuộc đời nữa… Tôi cũng còn rất nhiều bản thảo để biên tập thành những cuốn sách… Và rất nhiều ý thơ trong đầu… Thực sự tôi cũng không hiểu là mình sẽ còn đủ thời gian để hoàn thành những việc mà tôi đã dự định hay không…

Còn về sự trống vắng thì thực ra những gì bạn thấy lại không phải như thế. Ngôi nhà này, như tôi vẫn nói đùa, là “hang ổ” của tôi. Tôi không bao giờ bị bỏ rơi mà luôn được chăm sóc một cách chu đáo nhất, theo cách mà một nhà thơ có thể được hưởng. Có lẽ tôi đang được sống trong những điều kiện tốt nhất mà một nhà thơ có thể có được ở nước ta, không xa hoa, tốn phí, nhưng lúc nào cũng đủ dinh dưỡng, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng…

- Có một người bạn từng nói với anh, Quang nếu có lúc nào đó gặp khó khăn, thì đời Quang càng bật lên “rực rỡ”. Quả thật tôi thấy nhà anh rất đẹp… Thi sĩ sống như trong một lâu đài, kể cũng hiếm.

+ Tôi có được những điều kiện sống như hiện nay không phải vì tôi có tài xoay sở, mà vì những người thân yêu của tôi nghĩ rằng một người như tôi thì xứng đáng được đối xử như thế. Tôi biết ơn họ vì như thế. Nhưng tôi cũng có thể sống trong những điều kiện vật chất khác mà vẫn vui, nếu vẫn giữ được những cảm hứng thi ca… Trong đời mình, tôi cũng chìm nổi không chỉ một lần, nhưng ở đâu, dù túng thiếu hay đầy đủ, dù được trọng đãi hay bị bội bạc, thì tôi vẫn không rời con đường mà mình đã chọn: sống để yêu thương và viết.

hong2.jpg -0
Chương trình nghệ thuật “60 năm cuộc đời - vẫn nguyên là nỗi khát” của nhà thơ Hồng Thanh Quang tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tháng 9/2022.

- Nhìn anh, tôi lại nhớ đến câu thơ trong bài hát đang thịnh hành của giới trẻ hiện nay “Nhốt anh trong một lâu đài, lâu đài với những cơn đau bất tận”? Có thể có một lâu đài chứa đựng những cơn đau, và ta tự nhốt mình ở đó thỏa mãn với những niềm đau?

+ Bản chất của một người làm thơ là, có thể cố tình, có thể vô ý thức, luôn hướng tới những niềm đau, những tan vỡ, những sự tự dằn vặt, ngay cả khi không hẳn đã có lý do chính đáng trong đời thường để mà phải chịu như thế. Hình như Xuân Diệu đã từng viết: “Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt…”. Người làm thơ đặc biệt nhạy cảm với nỗi buồn. Thiên hạ không cần nhà thơ để ca tụng niềm vui, vì khi vui thì người ta đâu có cần tới thơ!

Tôi không nghĩ là tôi đang sống trong một lâu đài dù ngôi nhà mà tôi đang tá túc rất đẹp. Mà của đáng tội, không phải tôi đã xây nên ngôi nhà này và nó cũng không phải là của tôi. Đơn giản là tôi có thể ở đây cho tới khi nào tôi hết muốn… Và tôi cũng không có nỗi đau nào để tẩm hương mà tận hưởng ở đây. Với tôi, sống là để tìm cảm hứng cho thơ, bất kể cảm hứng đó là nỗi đau hay là những khoái cảm... Ngoài ra, tôi không có ham muốn gì khác nữa. Đây là sự lựa chọn có ý thức của tôi, từ khi còn rất trẻ. Tôi không có ý định thay đổi sự lựa chọn đó trong tương lai.

- Tôi nghĩ anh mãi mãi là “Hoàng tử trong thi ca của anh”. Bởi người làm thơ hay có thể nhiều, nhưng người đối xử với thơ hay, chơi với thơ hay và hào sảng với thơ thì có lẽ không nhiều. Những đêm nghệ thuật của Hồng Thanh Quang trong nhiều năm qua đủ để xứng danh anh là “Hoàng tử”?

+ Tôi không phải là “hoàng tử”. Cũng không thích nhận mỹ từ đó. Tôi là hậu duệ của những người nông dân gốc Hưng Yên, ông bà tôi đã chết đói năm Ất Dậu 1945! Và tôi là một người chiến sĩ, được đào tạo một cách bài bản từ trẻ. Tôi không khôn khéo, không thích thỏa hiệp, và lắm lúc tính cứng đầu cứng cổ đã bị coi như một sự ngốc nghếch. Tôi yêu thơ theo cách mà tôi thấy cần thiết. Không phải để mua danh. Không cầu lợi. Đơn giản vì tôi thích làm như thế.

Niềm vui lớn nhất đối với tôi là viết ra được những câu thơ mà tôi thấy là hay. Còn việc thiên hạ ứng xử với những câu thơ đó như thế nào thì nói thật, tôi không quá quan tâm. Tôi tri ân, biết ơn những sự đồng cảm, nhưng cũng không thấy bị tổn thương nếu ai đó dửng dưng với những câu thơ mà tôi đã viết. Bởi tôi viết thơ không phải để lấy lòng người khác. Tôi viết như tôi cảm nhận được qua trái tim mình… Tôi biết rằng tôi là một người may mắn, vì những câu thơ mà tôi viết ra đã mang tới cho tôi quá nhiều ân sủng của cuộc đời. Từ người thân, từ bằng hữu, từ những người yêu thơ trong xã hội…

- Có một họa sĩ khá nổi tiếng, sau khi đến chơi với anh ra về đã nói một câu đại ý rằng, “nhà Quang đẹp quá nhưng hình như trái tim Quang, tâm hồn Quang không thuộc về nơi đó”, anh nghĩ sao?

+ Có lẽ anh ấy nghĩ rằng những thứ đẹp đẽ đó chỉ nên thuộc về anh ấy thôi chăng? (cười). Nói vậy thôi, nhưng có lẽ anh ấy đúng. Thực ra, nếp sống của tôi khá đơn giản, tôi không có những thú vui cảnh vẻ, tôi chỉ cần được ở nơi phong quang và sạch sẽ, thế là đủ…

Như Bình (thực hiện)
.
.