Nhà hát online: Không chỉ là giải pháp tình thế

Thứ Sáu, 06/08/2021, 16:09

Có thể nói, sau nhiều lần đình trệ và tái khởi động trở lại giữa các làn sóng dịch COVID-19, đến thời điểm này, nghệ thuật sân khấu dường như đang rơi vào tình trạng... tắt lịm. Mới đây, một số chương trình nghệ thuật trực tuyến đã được dàn dựng và biểu diễn trên các nền tảng số đã mở ra niềm hi vọng mới cho nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Hi vọng rằng, đây không chỉ là là một "giải pháp tình thế" trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, mà có thể trở thành một phương thức song hành với sân khấu trực tiếp, có tính chất lâu dài như một kênh thu hút khán giả đến với sân khấu.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Cuối tháng 5-2021, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có buổi tọa đàm trực tuyến về giải pháp thu hút khán giả và những khó khăn của sân khấu trong đại dịch COVID-19. Tại buổi tọa đàm trực tuyến đó, có mặt đông đủ lãnh đạo của 12 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Rất nhiều khó khăn đã được chia sẻ, một số hướng đi, cách làm mới đã được mở ra, trong đó "nhà hát online" là một cụm từ được nhắc đến với rất nhiều hi vọng.

Theo chia sẻ của các nghệ sĩ tọa đàm trực tuyến về giải pháp thu hút khán giả và những khó khăn của sân khấu trong đại dịch COVID-19, để đón đợt biểu diễn phục vụ thiếu nhi vào Ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu, Nhà hát Tuổi Trẻ đã hoàn thành vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” và “Cuộc chiến virus” với hi vọng là sẽ tạo ra một không khí mới trong đợt hè 2021, nhưng dịch lại bùng lên khiến các vở diễn đã phải “xếp kho” không biết đến bao giờ mới được công diễn tiếp.

1.jpg -0

Hình ảnh trong vở "Cuộc chiến Covid" được sân khấu Lệ Ngọc dùng để truyền tải thông điệp thực hiện 5K phòng, chống dịch. 

Theo chia sẻ của NSND Thanh Ngoan, Nhà hát Chèo Việt Nam đã phải hủy bỏ toàn bộ các show diễn, các chương trình đã dàn dựng theo hợp đồng với một ngân hàng. Với sự đầu tư, tập luyện công phu cho vở nhạc kịch kinh điển "Những người khốn khổ", nhưng sau 10 đêm biểu diễn cháy vé đầu tiên, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cũng không thể tiếp tục biểu diễn được. Đồng thời, kế hoạch mang vở diễn "Nam tiến" đã bị hoãn, mặc dù công tác đã chuẩn bị đã xong đến 80%, vé máy bay cho đoàn đi cũng đã đặt.

Cũng trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Đoàn xiếc đương đại của Liên đoàn Xiếc Việt Nam hành quân vào Đà Nẵng để biểu diễn, nhưng cũng chỉ diễn được có một buổi vào ngày 29-4 và phải rút quân về sớm đã khiến Liên đoàn bị tổn thất nặng nề. Tương tự, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long cũng phải hủy nhiều suất diễn của ở các sân khấu ở Hà Nội các suất diễn phục vụ học sinh, sinh viên…

Cũng trong thời gian qua, hàng loạt nhà hát vừa khởi động lại hoạt động khai trương dựng vở mới theo kế hoạch công tác biểu diễn năm 2021 cũng đã bị đình trệ, không thể tiếp tục dàn dựng như: Nhà hát Kịch Việt Nam với vở "Thiên mệnh", Nhà hát Cải lương Việt Nam với "Kiều", Nhà hát Cải lương Hà Nội với "Truân chuyên dải yếm đào", Sân khấu Lệ Ngọc với "Nước mắt của mẹ"...

Chương trình - kịch mục cũ không thể biểu diễn, chương trình - kịch mục mới không thể dàn dựng đồng nghĩa với việc không có thu nhập, không có việc làm. Nhiều nghệ sĩ lâm vào tình cảnh khó khăn, họ đều mong đến ngày dịch bệnh ổn định để có thể trở lại cuộc sống, trở lại với sàn diễn, sàn tập như trước đây. Nhưng khó khăn chồng chất khó khăn, một số nhà hát đã phải tính đến việc cắt giảm các lao động thuộc diện hợp đồng ngắn hạn, chỉ giữ lại lao động thời vụ để duy trì. Điều này đã để lại một nỗi ngậm ngùi khó diễn tả đối với anh chị em nghệ sĩ, nhất là các bạn trẻ mới ra trường trước viễn cảnh tương lai mờ mịt vì không ai đoán biết được chắc chắn dịch bệnh sẽ còn kéo dài bao lâu...

Vừa mừng, vừa lo

Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn, chương trình biểu diễn theo phương thức trực tuyến "nhà hát online" sẽ lần lượt được triển khai tới 12 nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch. Tối 27-7, chương trình nghệ thuật "Những ngôi sao bất tử" nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/2947 - 27/7/2021) đã được Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc dàn dựng và biểu diễn không có khán giả, được truyền hình trực tiếp trên VTV2.

2.jpg -0
Chuyến lưu diễn vở "Những người khốn khổ" của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh bị hoãn chưa biết đến khi nào mới thực hiện được. 

Tiếp đó, ngày 28-7, chương trình nghệ thuật "Tổ quốc trong tim" cũng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn giao cho Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tổ chức thực hiện với 5 điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Thuận và Paris (Pháp). Hoạt động được thực hiện nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong bối cảnh dịch COVID -19 đang diễn biến phức tạp ở nước ta và chuỗi các chương trình biểu diễn nghệ thuật đã bị đứt gãy nhiều tháng nay.

Điều đặc biệt của chương trình là tiết mục nghệ thuật đặc sắc sẽ được biểu diễn đồng thời được livestream trên các nền tảng số như kênh Youtube, Fanpage, Facebook của Cục Nghệ thuật biểu diễn, của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và các giao diện trực tuyến khác. Sắp tới, vở diễn "Trung thần" của Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng sẽ được biểu diễn và phát trực tuyến theo hình thức tương tự cũng đem lại niềm hi vọng mới cho các nghệ sĩ.

Tuy nhiên, việc biểu diễn để phát trực tuyến và không có khán giả cũng đặt ra cho các nhà hát, các nghệ sĩ nhiều thử thách mới nên ai cũng trong tâm trạng vừa mừng vừa lo, vừa làm vừa nghĩ, vừa nghe ngóng.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cũng là đạo diễn vở "Trung thần" cho Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết: "Dịch bệnh làm ngưng trệ mọi thứ, sân khấu cũng không ngoại lệ nên anh chị em nghệ sĩ đều buồn và nhớ nghề, mong được làm nghề, bởi vì sân khấu không sáng đèn là "sân khấu chết", là không tồn tại. Nhà hát online trong bối cảnh hiện tại thực sự là một giải pháp mang tính chất tình thế và cũng là cơ hội để nghệ sĩ trở lại với sân khấu trong bối cảnh mới không có khán giả. Tôi đang làm đạo diễn cho vở "Con tàu không số" của Đoàn Kịch Hải Phòng nhưng do dịch bệnh việc đi lại giữa các địa phương khó khăn. Vì thế mấy ngày nay cũng đang phải làm đạo diễn online để kịp tiến độ. Tất nhiên, việc đạo diễn online hiệu quả không thể như trực tiếp, vì liên quan đến việc "thị phạm" cho diễn viên, nhưng tạm thời đây là cách duy nhất để chúng tôi có thể làm việc với nhau! Tất cả chúng ta đều phải thích nghi với hoàn cảnh thôi!".

Tuy nhiên, theo chia sẻ lạc quan của NSND Lệ Ngọc - bà chủ của Sân khấu Lệ Ngọc thì: "Sân khấu Lệ Ngọc sẽ luôn chuẩn bị sẵn sàng cho ngày sân khấu sáng đèn trở lại, vì cá nhân tôi không thích hình thức nhà hát online. Đã là vở diễn sân khấu, nhất là kịch nói thì phải có khán giả, có tương tác, có cảm xúc giữa nghệ sĩ và khán giả. Nếu dàn dựng để quay phát trực tuyến thì cũng phải đầu tư nghiêm túc, tốn kém mà chưa chắc đã hiệu quả. Chúng tôi là sân khấu tư nhân, phải tự bỏ tiền túi nên làm gì cũng phải tính toán căn cơ, lời lỗ thế nào thì mới dám làm!".

Đồng quan điểm với NSND Lệ Ngọc, đạo diễn NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ: "Cá nhân tôi thấy giữa sân khấu online và sân khấu thực tế sẽ có nhiều sự khác nhau, đặc biệt là về cảm xúc khi tiếp nhận. Nếu chuyển qua hình thức diễn online, nó chỉ đáp ứng được phần nào đối với người yêu sân khấu và nhu cầu biểu diễn của nghệ sĩ. Theo như các nghiên cứu trước nay về sân khấu, khán giả là một trong những thành phần không thể thiếu của sân khấu. Hình thức online chắc chắn làm giảm đi nhiều sự hứng thú, hấp dẫn của cả người biểu diễn và khán giả. Nhưng trong tình hình như hiện nay thì nhà hát online là một phương án cần thiết, là một hướng đi đáng khích lệ để cho khán giả lại được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Tuy vậy, khán giả Việt lâu nay quen với việc đến nhà hát, thì nay xem qua màn hình thì bước đầu cũng chưa thể quen ngay được với phương thức mới này...".

Nguyệt Hà
.
.