Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký: "Người lái đò" mẫu mực, khiêm nhường
Ra đi ở tuổi 76 sau hàng chục năm dài chống chọi với bệnh suy thận, nhà giáo ấy để lại nét cười hiền hậu với bàn chân đẩy nhẹ gọng kính. Cả đời ông là bài ca tận hiến với nghị lực vượt khó phi thường cùng nhân cách mẫu mực, dung dị...
Hồi tôi còn nhỏ, mẩu truyện "Anh Ký đi học" trong sách giáo khoa đã in dấu vào tuổi thơ. Đầu óc non nớt của tụi trẻ nít chúng tôi vẫn ngỡ rằng cậu học trò Nguyễn Ngọc Ký "hì hụi tập viết bằng chân, bị chuột rút đau co rúm cả người" chẳng khác gì cô Tấm, chàng Sọ Dừa hay những nhân vật cổ tích quen thuộc khác. Anh trở thành một phần của thế giới tuổi thơ nhiều mơ mộng để chúng tôi ước vọng, chăm học thành tài.
Đến khi trở thành sinh viên, lên TP Hồ Chí Minh trọ học, được gặp "anh Ký" ngày nào ngoài đời, tôi cứ ngỡ thầy bước ra từ truyện cổ. Hạnh phúc biết bao khi mình được gặp thần tượng của tuổi thơ bao thế hệ bằng xương bằng thịt. Những cuộc trò chuyện của thầy Nguyễn Ngọc Ký luôn truyền một nguồn năng lực tích cực kỳ lạ đến với lớp trẻ. Bởi đó không phải là lời nói suông đơn thuần. Mà nguồn năng lượng ấy toát ra từ chính cuộc đời, từ chính đôi chân con người đang ngồi trên sân khấu kia.
Sinh ra tại vùng quê Nam Định nghèo khó, lên bốn tuổi, ông không may bị liệt cả hai tay do một cơn bạo bệnh. Nhưng số phận nghiệt ngã không khiến cậu bé ham học ấy đầu hàng. Nguyễn Ngọc Ký đã kiên trì khổ luyện tập viết bằng chân, tập sinh hoạt, làm việc bằng chân. Sự vượt khó đã giúp ông đến trường. Tấm gương Nguyễn Ngọc Ký lần đầu tiên đến với nhân dân cả nước khi cậu bé được phóng viên Báo Sông Đào (Nam Định) viết bài ca ngợi vào năm 1961. Sau đó, Báo Thiếu niên Tiền phong và Thông tấn xã Việt Nam cũng có bài về ông. Qua những bài báo này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tặng huy hiệu cho Nguyễn Ngọc Ký vào năm 1962 và năm 1963.
Nếu học bằng chân khiến tên tuổi Nguyễn Ngọc Ký trở thành huyền thoại thì dạy bằng chân là bài ca sư phạm khiến bao lớp học trò, đồng nghiệp cúi đầu khâm phục. Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Ngữ Văn. Ông lên đường đến Ty Giáo dục Nam Hà để xin dạy học.
Ngày ấy, ông Trưởng phòng Tổ chức Ty nhìn qua Ký và tờ giới thiệu thì buông một câu cụt lủn: "Khó lắm! Anh dạy học thế nào được!". Thấy Ký thất vọng ra mặt, ông diễn giải điều mà ai cũng hiểu: "Nghề dạy học bao giờ cũng gắn với phấn trắng bảng đen, Anh Ký tay không cầm được phấn thì dạy dỗ sao được. Theo tôi, anh chỉ có thể làm nghiên cứu thôi". Về sau, nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo cấp trên, Nguyễn Ngọc Ký mới chính thức được về dạy cấp hai ở quê nhà.
Có đứng trên bục giảng, ông mới thấm thía lời khuyên của vị Trưởng phòng Tổ chức nọ. Ông trăn trở: "Nhà giáo, viên phấn, và cái bảng luôn là sự song hành cố hữu từ xa xưa. Dạy học mà không viết bảng; điều này chưa hề có tiền lệ trong giáo dục. Nếu không tìm ra cách viết bảng tôi cảm thấy như mình có lỗi với học sinh nhiều quá. Nếu chỉ được nghe mà không được nhìn, sự ấn tượng về bài học của các em sẽ giảm đi không ít. Học trò học tôi liệu có bị thiệt thòi quá không? Có thấy nhàm chán tẻ nhạt không? Nếu không có cách khắc phục, không khéo tiết dạy của tôi sẽ chỉ là nói chuyện văn chứ không phải dạy văn".
Gần một năm đứng lớp, cuối cùng thầy Ký cũng chế ra được dụng cụ viết bảng bằng chân mà khỏi cần nhờ học sinh ghi hộ. Đó là một đoạn trúc nhỏ dài chừng một mét. Ở đầu đoạn cây, ông gắn chiếc mỏ được cuộn bằng một miếng sắt tây cắt ra từ vỏ lon sữa. Nơi miệng chiếc mỏ ấy, ông cho ngậm viên phấn ở thế vuông góc với thân đoạn trúc. Khi sử dụng, ông ngồi trên chiếc ghế nhựa dành cho giáo viên đặt gần góc bảng, dùng chân phải cặp chặt phần đuôi gậy điều khiển để chiếc mỏ gậy có gắn phấn tì vào bảng viết chữ theo yêu cầu.
Nhưng "sáng chế" này nhanh chóng thất bại bởi điều khiển qua cần trúc nên chữ viết không chuẩn, tốc độ viết không theo kịp lời giảng. Mà đau khổ nhất là cái chân bị co quắp trong thời gian dài nên dễ bị chuột rút. Cuối cùng, chỉ có cách viết sẵn trên một tờ giấy gồm gạch đầu dòng các ý chính của bài giảng, rồi dùng một tờ giấy trắng khác che lên là tỏ ra hiệu quả. Khi dạy, ông nhờ học trò dán bài giảng lên bảng, dạy đến phần nào thầy Ký cho gỡ tờ giấy trắng che bên ngoài để nội dung lần lượt hiện lên.
Trở thành Nhà giáo ưu tú năm 1992 là ghi nhận cao quý cho những nỗ lực không ngừng của người thầy tật nguyền Nguyễn Ngọc Ký. Người ta vẫn nghĩ rằng nghề giáo nhàm chán với các tiết học lặp đi lặp lại một bài giảng, một trang giáo án từ lớp này đến lớp khác. Với thầy Ký, ông coi mỗi giáo án là một công trình khám phá khoa học, mỗi tiết dạy là một thử thách mới. Nghĩ thế nên thầy soạn giáo án rất kỳ công. Nhưng vô tình những trang giáo án quá chi tiết, chỉn chu ấy lại khiến thầy không sao thoát được cái bóng của mình đã lập trình sẵn. Sợ mình trở thành một người diễn viên lặp lại nguyên xi những gì đã viết trong giáo án khiến cảm hứng sáng tạo trong giờ dạy Văn bị triệt tiêu, thầy quyết định soạn tới ba giáo án cho mỗi bài giảng.
Giáo án thứ nhất là bản phác thảo những ý tưởng, cảm xúc nảy sinh trong quá trình đọc hiểu bước đầu về tác phẩm. Giáo án thứ hai là toàn bộ quy trình và những công việc cụ thể sẽ thực thi trong tiết lên lớp. Giáo án thứ ba có tên gọi nôm na là "Dàn ý cơ bản cần thực thi trong tiết dạy". Kể ra, cách soạn theo mô hình "một - ba" này khá công phu và tiêu tốn nhiều thời gian, tâm lực, chắc chẳng có giáo viên nào làm như thầy. Nhưng bù lại, nó giúp ông có nhiều cơ hội đi sâu tìm hiểu, khám phá một cách tận cùng mọi cung bậc ngõ ngách của tác phẩm văn học. Nhờ đó, thầy và trò cùng tìm ra con đường lạ nhất, mới mẻ và sáng tạo nhất mà đơn giản, thu hút thú tò mò thích khám phá của học sinh trong mỗi tiết dạy.
Tấm lòng của thầy Nguyễn Ngọc Ký dành cho học trò còn được gửi gắm trong loạt truyện cổ tích tự sáng tác lẫn những bài thơ ông tặng các em trong mỗi giờ lên lớp. Lần đầu tiên được làm Chủ nhiệm lớp 6C, niềm vui của ông không thể đo đếm bằng lời. Ông thú thật khi làm giáo viên đứng lớp, ông chỉ thấy mình mới giữ vai trò người cha. Giờ gánh vác vai trò Chủ nhiệm, ông sung sướng nhận ra mình thực sự được làm cả "mẹ" của các em nữa. Vất vả, gian nan, bận bịu đấy. Song cũng hân hoan tràn ngập hạnh phúc đấy.
Ngay sau mấy ngày nhận lớp Chủ nhiệm, thầy Ký đã xúc động viết tặng các em bài thơ "Đàn chim nhỏ của tôi" chất nặng nỗi niềm tâm huyết: "Ơi đàn chim nhỏ của tôi/ Các em là những hoa tươi mới trồng/ Các em là ánh mai hồng/ Là chồi non biếc là dòng suối tơ/ Với em tôi cất lời thơ/ Vì em tôi nguyện say sưa suốt đời/ Ơi đàn chim nhỏ của tôi/ Các em là vạn niềm vui tháng ngày…". Và mấy chục năm qua, hàng vạn học trò của thầy Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành những chú chim đủ lông đủ cánh bay đi khắp bốn phương trời. Điều quý hơn hết, ông đã gieo vào lòng họ tình yêu văn chương, yêu mái trường.
Về hưu năm 2005, thầy Ký trở thành nhà tư vấn tâm lý gỡ rối trên tổng đài 1080, làm nhân vật giao lưu truyền cảm hứng sống cho thế hệ trẻ trên khắp đất nước. Ông còn trở thành nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân với 35 đầu sách, ba lần nhận giải thưởng trong các cuộc thi viết cho thiếu nhi toàn quốc. Tâm huyết với các em nhỏ, tác phẩm của thầy Nguyễn Ngọc Ký là những câu chuyện, bài thơ và hơn 15.000 câu đố thú vị dành cho học sinh. Chứng kiến tần suất công việc dày đặc và thành quả lao động đáng nể như thế, ít ai biết rằng hàng chục năm nay, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký phải vật lộn với căn bệnh suy thận hiểm nghèo. Một tuần, ông phải chạy thận ba lần. Sức khỏe giảm sút thấy rõ nhưng lòng yêu nghề, mê văn vẫn không khiến bàn chân của ông ngừng đi, ngừng viết.
Hồi ông ra mắt tập sách "Tâm huyết trao đời" nhân dịp mừng sinh nhật 70 tuổi, dù sức khỏe yếu, không đi lại được nhiều nhưng mặc mọi người can, ông vẫn đến từng bàn bắt tay học trò và độc giả đến dự. Từ cuộc giao lưu nói chuyện đầu tiên với học sinh thành phố Hoa phượng đỏ hồi năm 1970 cho đến hàng ngàn cuộc giao lưu sau này, thầy Nguyễn Ngọc Ký vẫn nhiệt tình trả lời hoặc ký tặng các em những cuốn sách của mình dù trời đã chớm trưa, mồ hôi ròng ròng thấm lưng áo… Tạm biệt nhân gian, gia tài thầy để lại là nụ cười đôn hậu, là tấm gương mẫu mực và tâm huyết đong đầy với thế hệ mầm non của đất nước.