Nhà báo không thẻ tác nghiệp nơi điểm nóng

Thứ Năm, 22/06/2023, 08:41

Trong cơn mưa dông ngày chính hạ, hai phóng viên mang sắc phục an ninh loay hoay với chiếc ô và máy quay phim để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất từ hiện trường. Từng đợt gió dội ngược từ hướng Nam lên, tưởng chừng chiếc ô bị hất tung lên không trung cùng nữ phóng viên mảnh dẻ kia… Một nhiếp ảnh gia đã ghi lại khoảnh khắc ấn tượng đó.

Tôi liên hệ với Trung tá Ngô Minh Thúy - nhân vật trong bức ảnh, cô cười và nói: “Chỉ là gặp mưa thôi mà chị…”. Rồi Thúy giới thiệu: “Chị hãy viết về Trung tá Đỗ Thành Sự, anh ấy đạt nhiều giải thưởng trong các liên hoan truyền hình”. Cùng là nhà báo không thẻ của lực lượng CAND, họ biết nhau cả.

Trung tá Đỗ Thành Sự: Từ cuộc giải cứu đến việc hóa giải lời nguyền

Như sự ngưỡng mộ của Thuý với Trung tá Đỗ Thành Sự, tôi thực sự ấn tượng với bộ sưu tập giải thưởng của anh: Từ năm 2017 đến nay anh đạt 2 giải Vàng, 1 giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc; 1 giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia; Giải nhất toàn đoàn, 8 giải Vàng, 12 giải Bạc, 2 giải B tại Liên hoan Truyền hình, phát thanh CAND... Riêng trong năm 2022 đạt 1 Giải C, Giải Báo chí về Xây dựng Đảng (Búa liềm vàng); Giải C cuộc thi phóng sự truyền hình lực lượng CAND với nhiệm vụ bảo vệ môi trường; Giải C “Báo chí tuyên truyền về an toàn giao thông” do Ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức.

20 năm làm nhiệm vụ tại Đội Tuyên truyền, thi đua, khen thưởng (thuộc Phòng công tác Đảng và công tác Chính trị) của Công an tỉnh Quảng Ngãi, anh đã cho ra đời nhiều tác phẩm có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là những câu chuyện nhân văn làm lay động lòng người. Trung tá Đỗ Thành Sự kể lại một kỷ niệm. Tháng 4/2021 anh tiếp nhận thông tin từ người dân ở huyện Trà Bồng báo con gái đang là học sinh lớp 9 bị đưa vào cơ sở karaoke, mong được giải cứu. Do bị chủ karaoke thu giữ điện thoại, thông tin giá trị duy nhất người cha có được là tên cơ sở “karaoke Hoàng Gia”, còn nơi nhốt con gái là ở Quảng Ngãi. Tiếp nhận thông tin và trao đổi với người cha qua điện thoại, sàng lọc từ danh sách có cái tên karaoke Hoàng Gia, anh xâm nhập cơ sở karaoke trên tại một xã ở huyện Tư Nghĩa cùng thiết bị quay lén. Và lần xâm nhập ấy anh đã tìm được cô con gái của người cha ở Trà Bồng.

trung tá đỗ thành sự (thứ 4 từ phải sang) nhận giải vàng tại liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2020.jpg -0
Trung tá Đỗ Thành Sự (thứ 4 từ phải sang) nhận giải vàng tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc năm 2020.

Từ những thông tin anh có được trong lần xâm nhập quán karaoke và từ người cha cung cấp, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã cấp tốc kiểm tra quán karaoke Hoàng Gia trên. Tại đây đã phát hiện những cô gái bị nhốt trong "động quỷ", bị chủ cơ sở hành hạ như thời trung cổ với nhiều thương tích. 8 thiếu nữ được giải cứu vui mừng khôn xiết. Cô gái vùng cao Trà Bồng gặp người cha ôm mừng rỡ trong nước mắt. Những bài báo tung ra thời điểm đó đã gây chấn động dư luận.

Tại Liên hoan Truyền hình - Phát thanh CAND toàn quốc năm 2023, bộ phim tài liệu "Đường về của ma rừng" đạt giải Vàng. Đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực của Đỗ Thành Sự trong suốt 5 năm. Vợ chồng bà Phạm Thị Nở gần 20 năm trời trốn trong rừng sâu ở huyện Ba Tơ chỉ vì hủ tục nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. Họ phải chịu mưa, nắng, bão giông, ốm đau, bệnh tật, đắng cay….

“Mỗi lần vào rừng tôi lại tay xách nách mang, nào là đồ nghề quay phim, rồi thịt cá, muối mắm gửi ông bà. Day dứt với câu hỏi chẳng lẽ cuộc đời ông bà nằm lại trong rừng sâu? Phải tìm mọi cách đưa ông bà về lại dân làng. Thế nhưng, để vận động họ rời khỏi rừng sâu lại không hề dễ. Từ phóng viên vào rừng tìm đến ông bà ghi lại câu chuyện "ma rừng" thì kết thúc câu chuyện phải đưa ông bà khỏi rừng. Tôi đặt vấn đề chính quyền địa phương đưa ông bà về với dân làng nhưng không nói suông. Phải vận động, đôn thúc chính quyền thì mới ra chuyện” - Trung tá Đỗ Thành Sự kể.

Rồi những chuyến vào rừng của anh không còn "đơn thân độc mã" vì có thêm cán bộ xã và dân làng. Bộ phim tài liệu đã có cái kết đẹp. Số phận họ không còn gắn mãi cái tên "ma rừng" và "lời nguyền" đã được hóa giải.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều tác phẩm báo chí của anh cho thấy sự công phu, lăn lộn, đau nỗi đau của nhân vật và đi đến tận cùng sự việc để tìm ra một con đường sáng cho nhân vật và tác phẩm báo chí. Quá trình làm báo, anh luôn duy trì việc “nuôi nhân vật”, “nuôi hình ảnh” cho các tác phẩm báo chí ra đời nhiều năm sau. “Với tôi, khi thực hiện những thước phim, bài báo điều tra nếu không có niềm đam mê, day dứt nỗi đau nhân vật thì chắc chắn không thể làm được tới tận cùng của sự việc. Những câu chuyện đó không chỉ cho bài báo...” - anh tâm sự.

Trung tá Ngô Minh Thuý: “Không chỉ là đam mê mà còn là sứ mệnh”

Tháng 5/2021, Bắc Giang trở thành điểm nóng nhất của cả nước trong cuộc chiến đấu chống COVID-19. Khi đó, mỗi thông tin “dương tính” hay “cách ly” là nỗi ám ảnh, sợ hãi của mỗi người dân. Dịch bùng phát ở Công ty Hosiden, Khu công nghiệp Quang Châu. Bắc Giang nỗ lực truy vết, rồi lập chốt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, cuộc chiến khốc liệt đã bắt đầu. Vào bệnh viện dã chiến, vào khu cách ly khi đó là người ta cảm thấy như đã bắt đầu nhận một án tử. Phóng viên bên ngoài Bắc Giang không dám vào tác nghiệp, mà có dám thì cũng không được vào. Khi ấy, với vai trò là Đội trưởng Đội Tuyên truyền, thi đua, khen thưởng của Phòng PX03, Công an tỉnh Bắc Giang, Thuý tự thấy việc thu thập thông tin, ghi lại những hình ảnh chân thực nhất từ địa bàn để truyền tải lên các phương tiện thông tin đại chúng không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh cung cấp thông tin định hướng dư luận.

Chị cùng nhóm phóng viên của Công an tỉnh lăn xả vào công việc, vào những nơi nguy hiểm nhất của dịch bệnh, đó là Bệnh viện dã chiến số 2, là khu cách ly tập trung… Làm ngày làm đêm, làm không ngày nghỉ… Có đêm ở thôn Núi Hiểu, Thuý và đồng đội đứng tác nghiệp giữa hàng trăm F0 mà may mắn không bị lây nhiễm. Để đảm bảo an toàn khi tác nghiệp, chị và các phóng viên đã phải áp dụng nhiều biện pháp như mặc đồ bảo hộ chỉn chu, mang theo cây sào, buộc mic vào đó để giữ khoảng cách với người được phỏng vấn… Thuý kể, có đêm di chuyển công nhân từ thôn Núi Hiểu tới khu cách ly tập trung, chị và đồng đội không được vào đó. Tiếng xe cứu thương dồn dập xé rách màn đêm, sự sợ hãi, hoang mang bao trùm cả một vùng. Chị và một đồng nghiệp đứng trên tầng 3 một tòa nhà trên đường xe di chuyển mà nước mắt cứ rơi.

trung tá ngô minh thúy cùng đồng đội trong một lần tác nghiệp. ảnh đông giang.jpg -0
Trung tá Ngô Minh Thúy cùng đồng đội trong một lần tác nghiệp. Ảnh Đông Giang.

Những thông tin phản ánh từ hiện trường của Đội chuyển tải về Báo CAND, Truyền hình CAND thật sự sống động. Nhiều báo khác cũng coi đây là nguồn tin để cập nhật hàng ngày. Thế rồi, đợt dịch thứ 2 ở Bắc Giang thì một người bị nhiễm COVID - 19. Cả phòng phải đi cách ly tập trung đúng ngày 19/8. Lo không còn ai ở lại để làm nhiệm vụ, vậy là tất cả tháo dỡ máy móc, bộ dựng phim, hồ sơ tài liệu… mang theo vào khu cách ly.

Ở Bắc Giang, đó là những ngày không thể nào quên. Thuý cùng đồng đội mặc đồ bảo hộ, vác máy quay, máy ảnh đi vào tâm dịch để ghi hình, viết báo về cuộc bầu cử đặc biệt. Đó là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và HĐND các cấp năm 2021. Thời điểm đó, Bắc Giang có hơn 10.000 cử tri trong diện F1 đang cách ly y tế tập trung, hơn 47.000 cử tri diện F2 đang cách ly tại hộ gia đình, có tới hơn 1.900 tổ bầu cử, 4.300 hòm phiếu phụ được mang đến các khu cách ly tập trung và đến từng nhà công dân cách ly để công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình. Những thước phim, những bức ảnh của các phóng viên Công an tỉnh Bắc Giang chuyển về tòa soạn Báo CAND, Truyền hình ANTV đã khắc họa hình ảnh các CBCS Công an thật đẹp tại các điểm bỏ phiếu, tham gia tuyên truyền về hoạt động bầu cử và làm nhiệm vụ tại các khu cách ly…

Những tác phẩm báo chí ngồn ngộn thông tin, nóng hổi hơi thở cuộc sống, kết tinh từ sự lăn xả vào hiện trường của các phóng viên Công an tỉnh đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của báo chí lực lượng CAND. Trong phạm vi bài báo này tôi chỉ xin ghi lại một lát cắt nhỏ trong cuộc đời làm báo của những nhà báo không thẻ ở các Công an tỉnh. Không có thẻ nhà báo bởi họ thiếu một điều kiện để được cấp thẻ nhà báo là phải hoạt động trong một cơ quan báo chí. Thế nhưng, họ đã tác nghiệp như những nhà báo thực thụ, thậm chí còn xả thân, cống hiến… Hàng ngày, họ vẫn cùng đồng đội lặng lẽ trên mọi nẻo đường để đưa những thông tin chân thực nhất từ khắp mọi miền Tổ quốc hòa vào dòng chảy thông tin bất tận.

Minh Phương
.
.