Nhà báo Bông Mai kể chuyện: "Dám sống một cuộc đời rực rỡ"

Thứ Sáu, 03/03/2023, 14:25

Triển lãm ảnh "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" của đạo diễn - nhà báo Bông Mai (diễn ra từ ngày 18/2 - 1/3) tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) là những câu chuyện chắt lọc sau hành trình "99 ngày xuyên Việt" một mình của chị. Không chỉ mang đến những không gian văn hóa đặc sắc, những câu chuyện về con người, triển lãm còn truyền thông điệp tôn vinh phụ nữ và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống.

Triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" là một không gian rực rỡ sắc màu văn hóa. Một nửa triển lãm là những bức ảnh, những câu chuyện cuộc sống Bông Mai chọn lọc từ hàng nghìn bức ảnh trong chuyến đi của mình. Phần còn lại là hình ảnh 55 bộ trang phục của 35 dân tộc. Đi cùng mỗi bộ trang phục là chú thích tỉ mỉ từ chất liệu, kiểu dáng, hoa văn, những điểm đặc biệt từ cổ áo, tay áo, cúc áo… đều được ghi chú cụ thể, rõ ràng.

nhà báo bông mai trước một góc ảnh trưng bày trong triển lãm.jpg -0
Nhà báo Bông Mai trước một góc ảnh trưng bày trong triển lãm.

Tôi gặp đạo diễn - nhà báo Bông Mai tại triển lãm, chị vui mừng chia sẻ: Triển lãm đã thu hút hơn 5.000 lượt khách. Trong số đó, 90% là khách tự biết hoặc thông qua Facebook, qua lời giới thiệu của bạn bè. Và lẽ ra triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 26/2 nhưng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đề nghị kéo dài thêm đến 1/3. Vậy là Mai lại có thêm cơ hội kể chuyện với các bạn". Thay vì nhận hoa (Bông Mai nhắn nhủ mọi người đừng mua hoa mà hãy tặng Mai những suy nghĩ, cảm nhận để chị mang theo mãi bên mình - PV), Bông Mai đã nhận được hàng trăm lời sẻ chia, cảm nhận của khán giả, dán kín cả một tấm bảng to ngay cửa ra vào.

Triển lãm là những câu chuyện Bông Mai đã gặp trên hành trình 99 ngày của mình. Chị đã bắt đầu hành trình "99 ngày xuyên Việt" từ ngày 2/2/2022, trải qua các địa danh từ Tây Bắc, Đông Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ và Tây Nam bộ. Trong chuyến đi của mình, chị đã gặp hàng nghìn người trên khắp mảnh đất hình chữ S. Mỗi nhân vật chị gặp đều có câu chuyện riêng. Những câu chuyện tiêu biểu đã được lựa chọn kể lại thông qua những bức ảnh tại triển lãm. Trước chuyến đi, Bông Mai đã dành một tháng để tìm hiểu tài liệu về đồng bào các dân tộc.

Chị thú nhận, chuyến đi được bắt đầu từ những vụn vỡ trong lòng. Và sở dĩ chị chọn cho mình hành trình 99 ngày vì con số ấy không phải là sự khép lại mà là con số của sự tiếp nối quá khứ - hiện tại và tương lai. Nó chỉ đánh dấu sự tạm kết của một chu kỳ và con số tiếp theo sẽ là một chu kỳ mới, một chuỗi ngày hạnh phúc mới.

"Tên gọi của Triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ", là tinh thần của chuyến đi để chính tôi cũng sẽ có động lực sống một cuộc đời như mình mong muốn'' - Bông Mai lý giải. Hành trình 99 ngày một mình của một người phụ nữ hẳn không phải lúc nào cũng suôn sẻ, dễ dàng. Từng một mình chống chọi với trận ốm giữa núi rừng, đối mặt với những khi thời tiết bất lợi, những khúc cua đèo dốc nguy hiểm… nhưng chưa khi nào Bông Mai có suy nghĩ, "hay mình dừng lại". Chị luôn tự nhủ lòng, "thử thách là để vượt qua và mình chắc chắn sẽ vượt qua được".

Dễ nhận thấy những nhân vật chính được chị kể trong các câu chuyện ở triển lãm là trẻ em và phụ nữ. Những đứa trẻ dân tộc ở khắp mọi miền đất nước với nét hồn nhiên trong trẻo của lứa tuổi và cả những trầm luân của số phận. Người xem rơi nước mắt trước hình ảnh chiếc ghế đã gắn liền với em Mua, cô bé 10 tuổi dân tộc Mông ở Lũng Cú, Hà Giang bị liệt tứ chi sau một trận sốt. Để rồi giờ đây, dự án "Cùng Mua khôn lớn" đang được Bông Mai thực hiện với hy vọng Mua sẽ được xuống Hà Nội chữa bệnh để khỏe mạnh trở lại. Nhưng người xem cũng sẽ cười hạnh phúc khi bắt gặp ánh mắt trong veo của cô bé bên bông gạo đỏ, cậu bé ngồi thềm nhà chờ mẹ đi nương về...

Người phụ nữ trong câu chuyện của Bông Mai có thể là cô sơn nữ làm vợ, làm mẹ khi mới vừa qua tuổi trăng tròn, những người phụ nữ ở mọi lứa tuổi đang cần mẫn làm công việc thường nhật của mình hay đẹp lấp lánh với trang phục truyền thống… Chúng ta bắt gặp tất cả niềm hân hoan và sự trầm ngâm, có nụ cười và cả những giọt nước mắt ở triển lãm này.

Bông Mai đã kể tất cả những câu chuyện ấy bằng một trái tim ấm nóng, chân thành. Đây cũng chính là điều Bông Mai có được sau chuyến đi này: "Trước đây Mai là người khá khép kín, sau hành trình mình nhận ra mình là người quảng giao. Hóa ra trước những con người không đa nghi, không phán xét hay định kiến, những con người chân thành như chính cách mình đối với họ, rất dễ làm thân với nhau. Đôi khi, cuộc sống hiện đại ở thành thị có quá nhiều điều khiến chúng ta phải nghi hoặc lẫn nhau, ngay cả lòng tốt. Điều mình nhận được nhiều nhất là tình cảm nên triển lãm này là nơi mình chia sẻ những tình cảm ấy.

đạo diễn - nhà báo bông mai với đồng bào chăm ở ninh thuận.jpg -1
Đạo diễn - nhà báo Bông Mai (bên trái) với một phụ nữ người Chăm ở Ninh Thuận.

Bông Mai là con gái của nhạc sĩ An Thuyên, từng là giọng hát được yêu thích trong ban nhạc "Con gái" đình đám một thời. Rồi chị dừng ca hát, làm công việc đạo diễn, biên tập các chương trình âm nhạc ở Đài Truyền hình. Giờ đây, chị làm ở mảng báo in và thực hiện những kế hoạch của riêng mình.

Bông Mai chia sẻ, ở mọi thời điểm, chị luôn được làm công việc mà mình đam mê, yêu thích. Những ngã rẽ đều là sự chủ động vì chị thấy dừng lại ở đó là đủ và để khám phá bản thân ở lĩnh vực mới. Bông Mai quan niệm không nên giới hạn mình ở lĩnh vực nào. Quan trọng nhất là làm gì cũng phải đi đến tận cùng với ước mơ của mình.

Trải nghiệm ở mỗi công việc khác nhau mang đến cho Bông Mai kiến thức, kỹ năng phong phú. Sự quyết liệt trong tính cách có lẽ Bông Mai được thừa hưởng từ người cha, từ quê hương xứ Nghệ của mình. "Nhưng ảnh hưởng lớn nhất từ ba Mai - nhạc sĩ An Thuyên là nhân cách của ông. Khi ông còn sống, Mai luôn nhìn thấy sự chia sẻ, cảm thông của ông với những người sống xung quanh" - Bông Mai rưng rưng khi nhắc đến cha mình.

Bông Mai bảo, chị không làm triển lãm để khoe hành trình rực rỡ của riêng mình hay màu mè phô trương thành tích, chị mong muốn những người có dịp ghé triển lãm sẽ được chiêm ngưỡng nét đặc sắc trong văn hóa Việt, có những phút giây sống chậm lại để lắng nghe những câu chuyện đời, chuyện về văn hóa tình người.

"Trên chuyến đi của mình, ở các cộng đồng, tôi đã gặp những người rất tâm huyết với văn hóa truyền thống. Phần lớn họ là những người lớn tuổi mang tâm trạng tiếc nuối, trăn trở với công việc bảo tồn. Văn hóa truyền thống đang bị đời sống hiện đại làm cho phai nhạt khá nhiều. Ví dụ như văn hóa của người Phù Lá ở Tủa Chùa, Điện Biên đã bị mai một đi khá nhiều. Ngay cả những người trẻ trong cộng đồng cũng không biết giữ từ đâu, bảo tồn bằng cách nào. Có nơi nhờ tôi hỗ trợ tư vấn dự án xây nhà văn hóa cho các dân tộc thiểu số, nhưng thực tế, trên đường đi tôi cũng gặp nhiều nhà văn hóa khang trang bỏ không giữa một thôn bản rất nghèo. Vì thế tôi cho rằng, câu chuyện bảo tồn phải đi từ chính những người dân tộc ấy. Phải làm sao để con người ấy yêu và giữ gìn văn hóa của chính họ".

Suy nghĩ ấy, mong muốn ấy đã thôi thúc Bông Mai không chỉ dừng lại ở hành trình 99 ngày, hay một cuộc triển lãm rực rỡ sắc màu. Chị cho biết, sau khi mang Triển lãm "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" vào phía Nam, chị sẽ bắt tay vào thực hiện một cuốn sách về trang phục dân tộc và một cuốn du ký viết về hành trình 99 ngày xuyên Việt. Không chỉ gửi thông điệp mà thông qua hoạt động cụ thể của nhóm Vạn Hoa (nhóm bạn trẻ sinh năm từ 2000 đến 2007), từ việc chuẩn bị kiến thức, lan tỏa tình yêu là gửi gắm nhiệm vụ cho các bạn trong việc giữ gìn bảo tồn văn hóa truyền thống. Nhóm đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực, hữu ích trong lĩnh vực này.

Hơn một triển lãm, "Dám sống một cuộc đời rực rỡ" giúp người xem chiêm ngưỡng những nét đặc sắc trong văn hóa Việt Nam và lắng nghe câu chuyện của đồng bào mình. Từ cảm nhận rõ hơn về cuộc sống hạnh phúc và biết đâu ai đó cũng dám sống đời rực rỡ, biết niềm vui của sự cho đi và chia sẻ.

Khánh Thảo
.
.