Nguyễn Đình Thậm, khát khao và biến hóa

Thứ Sáu, 09/05/2025, 09:11

Đà Nẵng những ngày cuối tháng 4 tràn ngập không khí mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi, những văn nhân từ Hà Nội vào, không ngờ được nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Đình Thậm dành cho sự bất ngờ bằng không gian âm nhạc mang tên ông.

Nguyễn Đình Thậm, như thường thấy, ôm guitar và hát "Đà Nẵng tình người" (thơ Ngân Vịnh), "Nhớ mùa hoa bên sông", "Đêm xa làng" (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh), "Qua đò nhớ mẹ" (thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, nhạc Nguyễn Ngọc Tiến)...

Các nhà văn Trung Trung Đỉnh, PGS.TS Văn Giá bất ngờ đến ngơ ngác trước sự nhiệt thành, cháy bỏng, đam mê của Nguyễn Đình Thậm. Không riêng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, tác giả của những bài thơ đắm đuối với quê hương, ký ức mà tất cả những người có mặt đều xúc động. Và, tất cả đều hát bè, dù câu thuộc, câu nhớ.

nh%3fc s%3f nguy%3fn ðình th%3fm.jpg -0
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm.

Nhớ về mùa hoa ven sông/ Lẫn trong màu chiều vời vợi/ Chơi vơi cánh cò chớp trắng/ Mênh mang mênh mang chiều ơi/ Nhớ về một mùa xuân xưa/ Biết bao người đi không về/ Nằm lại bên bờ sông ấy/ Thành hoa nở đẹp làng quê...”, (Nhớ mùa hoa cải ven sông).

Những câu thơ này của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh không chỉ là ký ức về cố thổ, về người mẹ; hơn thế, còn là sự tri ân với “Biết bao người đi không về”. Họ đã ngã xuống, máu họ làm cho đất nở hoa. Cặp bài trùng - nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh và nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm thì gần như là cuộc gặp gỡ hay và đẹp của thi ca và âm nhạc.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm kể rằng, khi ông ôm đàn hát xong bài "Nhớ mùa hoa cải bên sông", trong một chương trình VTV1 truyền hình trực tiếp, bà Nguyễn Thị Bình khi đó là Phó Chủ tịch nước đã ôm ông. Mắt bà rưng rưng xúc động, nhớ về một thời chiến tranh khốc liệt, biết bao người đi không về

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh kể rằng, bài thơ này là sự khởi duyên thơ - nhạc, tình bạn hai người. Ca khúc "Nhớ mùa hoa bên sông" sau đó đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1998. Từ bài hát này, năm 2004, PGS âm nhạc Dương Viết Á (Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật), chuyên gia hàng đầu về mỹ thuật trong âm nhạc từng viết bài kỹ lưỡng: “Nguyễn Đình Thậm và những dòng âm thanh sâu nặng hồn quê” trên Tạp chí Âm nhạc. “Đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời sáng tác của tôi”, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh xúc động.

Nguyễn Đình Thậm phổ nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh thành những bài hát nổi tiếng; ngoài bài "Nhớ mùa hoa bên sông" còn hai bài khác là "Đêm xa làng", "Làng trong tôi" được trao giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam... Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm "đọc ra" nhân thế, trắc ẩn, vẻ đẹp trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.

Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam khá nhiều nhưng vừa sáng tác, vừa biểu diễn đến cỡ như Nguyễn Đình Thậm không nhiều. Nhiều bạn bè không ngại khi gọi Nguyễn Đình Thậm là danh ca.

Tôi hiểu phong cách tinh thần và phong cách đời sống của ông. Đó là con người hào sảng, hết lòng vì bạn bè. Hình ảnh Nguyễn Đình Thậm ôm đàn, say sưa hát xác tín tư cách, phong cách nghệ sĩ trong lòng công chúng yêu âm nhạc.

“Đó là một giọng hát sang trọng, đầy kỹ thuật và mê đắm”, nhà văn, PGS.TS. Ngô Văn Giá thốt lên khi nghe nhạc sĩ phiêu cùng các giai điệu trong những ca khúc anh sáng tác về Đà Nẵng, về miền Trung.

*

Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm là người anh, có nhiều “lý do” để hàn huyên. Ông sinh ra và lớn lên ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Đây là vùng đất tôi có nhiều năm gắn bó, lăn lộn khi còn công tác; kể cả việc đồng tác giả ca khúc “Trà Giang tình quê” (nhạc Phạm Hồng Sơn). Ca khúc này từng được trao giải Ca khúc phổ thơ hay nhất trong cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ngãi năm 2019-2021.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm từng nhập ngũ, có thời làm Trưởng Đoàn văn công Tỉnh đội Nghĩa Bình. Thời đất nước gian lao, ông đã biểu diễn hàng trăm buổi phục vụ bộ đội và nhân dân trong tỉnh cũng như nước bạn Campuchia, Lào. Xuất ngũ, ông theo học Khoa Sáng tác Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Năm 1981, ông về Công ty Đường Quảng Ngãi phụ trách nhà văn hóa công nhân, xây dựng đội văn nghệ của công ty nhiều năm liền đứng nhất tỉnh Nghĩa Bình và Bộ Công nghiệp thực phẩm.

Năm 1989, Nguyễn Đình Thậm chuyển công tác về Công ty Xây lắp điện III. Đây là thời kỳ đất nước khởi công đường dây 500 kV (mạch 1). Thời đó, Nguyễn Đình Thậm phụ trách Đoàn Ca múa nhạc Tia Sáng của Bộ Năng lượng. Tiếng hát Nguyễn Đình Thậm đã rong ruổi suốt những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX trên đại công trình có ý nghĩa chiến lược này của đất nước. Ông sáng tác nhiều về ngành, như: "Khát vọng miền Trung", "Anh với rừng mùa thu", "Dấu chân âm thầm" (phổ thơ Ngân Vịnh).

nh%3fn gi%3fi thu%3fng ðào t%3fn.jpg -1
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm nhận Giải thưởng Đào Tấn, năm 2022.

Chùm tác phẩm 5 ca khúc của ông viết về đường dây 500 kV trong giai đoạn này, đặc biệt là ca khúc trong phim ca nhạc "Giọt mồ hôi rơi trên má mặt trời" (năm 1994) đã được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt tặng Bằng khen. Sau đó, Nguyễn Đình Thậm chuyển về Đoàn Ca múa nhạc Tiên Sa, đến năm 2001 thì làm Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng, kiêm Giám đốc Nhà hát Trưng Vương (Đà Nẵng) cho đến ngày nghỉ hưu.

Sau hơn 45 hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, từ phong trào đến chuyên nghiệp, gia tài âm nhạc của nhạc sĩ đã có hàng trăm ca khúc về đề tài miền Trung nói chung, Quảng Ngãi - nơi sinh ra, lớn lên và TP Đà Nẵng - nơi bao dung, nuôi dưỡng cảm xúc của ông.

Nhiều ca khúc của ông được yêu mến, sống mãi như: "Miền Trung quê mẹ", "Đà Nẵng tình người", "Quảng Ngãi trong tôi", "Hương cau", "Đêm biển mưa", "Chỉ còn biển thôi", "Hương mía tình em", "Anh với rừng mùa thu", "Dấu chân âm thầm", "Ánh sáng mùa xuân"...

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm yêu Đà Nẵng nhiều như bất cứ người con Đà Nẵng nào, dẫu đấy không phải cố thổ. Ngoài bài hát "Đà Nẵng tình người" làm cho tên tuổi nhạc sĩ bay xa, bay cao cùng Đà Nẵng, còn phải kể đến các ca khúc nổi bật của ông về miền đất này, như: "Hương biển tình em", "Đà Nẵng phố tôi yêu"; "Huyền diệu Ðà Nẵng" (thơ Đoàn Thị Lam Luyến), "Ðà Nẵng mến yêu" (thơ Thuận Hữu)...

Nhạc sĩ Quỳnh Hợp từng nhận xét: “Trong những nhạc sĩ có các ca khúc sáng tác về Ðà Nẵng, Ðình Thậm được xem là người yêu và hiểu biết nhiều về thành phố. Những ca khúc của ông không chỉ nói nên sức sáng tạo say sưa, miệt mài, mà còn là lời tri ân với nơi đã cưu mang và cho anh một sự nghiệp”. Đó là lời nói chân thành. Tài năng Nguyễn Đình Thậm giới trong nghề phải công nhận, không có chỗ cho tị hiềm, thường thấy.

Nhạc sĩ Vân Dung (Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật) nhận xét: “Ca khúc Nguyễn Đình Thậm dù là phổ thơ cũng là sự sáng tạo đặc biệt trong từng câu chữ”. Tác phẩm của ông không quá cầu kỳ về kỹ thuật mà đậm chất tự sự, vừa trẻ trung lại vừa thâm trầm, suy tư về cuộc sống. Ông trẻ trung, sôi nổi và bay bổng cùng thành phố đi đầu đổi thay, vươn mình về phía biển. Âm nhạc của ông còn đầy ắp nghĩa tình, đủ ngọt bùi, cay đắng theo chuyển động thành phố.

Âm nhạc Nguyễn Đình Thậm luôn biến hóa. Ngoài những bài hát mang âm hưởng lý bài chòi khu 5, ông còn tươi mới trong những ca khúc trẻ, kể cả đậm chất khát khao nữ quyền. Ca khúc "Lạc vào cơn mê em" (thơ Nguyễn Thị Thanh Yến), xác tín tình yêu âm nhạc, tình yêu cuộc sống trong ông luôn “cháy”, không tuổi.

Năm 1976, khi đang trong quân ngũ, Nguyễn Đình Thậm đã đoạt Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật toàn quân do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức. Với ca khúc "Đà Nẵng tình người", năm 1997, ông được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về Đà Nẵng.

Năm 1993, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm đoạt Huy chương Vàng với ca khúc "Chỉ còn biển thôi" (phỏng thơ Ngân Vịnh) trong một cuộc thi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Năm 2021, ca khúc "Lá rơi" (phổ thơ Trung tướng Lê Ngọc Nam) được Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải Nhất. Ở mảng tráng ca, hai ca khúc "Thắm mãi tình anh" và "Đừng tưởng", cảm tác từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đem lại cho ông Giải thưởng Đào Tấn (năm 2022).

TP Đà Nẵng cũng đã trao nhiều giải thưởng cho ca khúc của anh như "Đà Nẵng tình người" (giải Nhì, năm 2004), "Huyền diệu sông Hàn" (giải Nhì, không có giải Nhất, năm 2015), "Đà Nẵng mộng mơ" (giải Nhì, năm 2018)... Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2012.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm khát khao dâng hiến, như sinh ra để thế. Ông nặng lòng với vùng đất nắng gió, khắc nghiệt, Ông gần như là một sứ giả văn hóa, lan tỏa cốt cách “Đà Nẵng tình người” - như tên ca khúc nổi tiếng của ông. Âm nhạc của ông biến hóa, khắc họa nên diện mạo tâm hồn đất và người Ðà Nẵng thơ mộng, nhớ thương, đáng sống, nhiều năng lượng, khát vọng vươn lên.

Ngày 28/4/2025

Ngô Đức Hành
.
.