Người trẻ và lịch sử

Thứ Tư, 20/04/2022, 16:32

Cách đây nhiều năm, nhà văn Trầm Hương từng bày tỏ lo lắng khi thế hệ cây bút trẻ quá thờ ơ với những giọt nước mắt, những phận đời bé nhỏ chôn vùi trong tầng quặng lịch sử quý báu của cha ông. Đến nay, chị và nhiều nhà văn đi trước vô cùng kinh ngạc khi văn trẻ liên tục xuất hiện những gương mặt mới toanh nhưng đầy đam mê văn hóa nguồn cội, lịch sử phong kiến nước nhà, để rồi tái hiện nó sống động theo cách riêng mình.

Gần đây, cuốn sách “Săn mộ - Thông thiên La thành” dày 400 trang của Mai Hoàng Yến gây sốt văn đàn và cộng đồng mê cổ phong khi vừa mới xuất hiện. Cuốn sách tái hiện bao thăng trầm và biến động của nhân đân ta những năm cuối thời Lê Trung Hưng, khi đội quân Tây Sơn tiến ra Bắc tiêu diệt chính quyền họ Trịnh. Được soi chiếu dưới góc nhìn của một người trẻ, những nhân vật tưởng như muôn năm cũ được sống lại một cách mới mẻ và lạ lẫm. Những chiêm nghiệm, suy tư của thế hệ hậu bối thể hiện độc đáo, lắm khi đầy bất ngờ khiến người đọc vô cùng thích thú.

Người trẻ và lịch sử -0
Tiểu thuyết “Săn mộ - Thông thiên La thành” của Mai Hoàng Yến.

Sở dĩ “Săn mộ - Thông thiên La thành” được lên kệ sách là nhờ trang fanspage “Săn mộ”. Hoàng Yến lập trang với mục đích chia sẻ câu chuyện lịch sử dưới góc nhìn của mình. Chẳng ngờ những câu chuyện ấy được cộng đồng mạng rất yêu thích. Sự lan tỏa mạnh mẽ của trang fanspage đã thúc giục Hoàng Yến ấp ủ một thiên tiểu thuyết dày dặn dành tặng bạn đọc.

Cô tâm sự: “Là một người sáng tác, tôi không tham vọng lần tới sự thật lịch sử, cái tôi tìm kiếm là những điều khiến tôi cảm thấy hứng thú nhất, là chất liệu viết tuyệt vời nhất. Khi viết những câu chuyện lịch sử tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng cái gì mình thích thì độc giả cũng sẽ thích. Trên thực tế, bản thân lịch sử Việt Nam đã đủ “mặn”, tôi chỉ cần bỏ thêm chút gia vị cho đậm đà hơn mà thôi”. Sắp tới cô sẽ ra mắt  “Khói” - cuốn sách tập hợp các mẩu chuyện hay trên fanspage.

Người trẻ và lịch sử -0
Tập truyện ngắn “Sông núi chưa già” của Phương Uyên.

Là tập truyện ngắn, “Sông núi chưa già” của Phương Uyên góp thêm một góc nhìn khác về lịch sử cha ông. Tập truyện gồm bốn truyện ngắn: “Sơn hà tại”, “Ngàn dặm”, “Viễn xứ”, “Trăng già”. Trong đó, “Sơn hà tại” viết về Thái hậu Dương Vân Nga, “Ngàn dặm” là nỗi lòng xa xứ của Huyền Trân Công chúa, “Viễn xứ” kể lại cuộc đời Công nữ Ngọc Khoa. Riêng “Trăng già” là câu chuyện về vị tướng Lê Ngã. Từ góc nhìn của một người trẻ, tác giả đem đến những câu chuyện quá khứ mới lạ với ngôn từ gần gũi, dễ hiểu. Phương Uyên cố gắng bám vào chính sử để đảm bảo độ chính xác về sự kiện, mốc thời gian nhưng cô vẫn không ngại sáng tạo thêm nhân vật lẫn tình tiết mới để câu chuyện thêm lôi cuốn và tạo dựng ý đồ nghệ thuật, thông điệp gửi gắm.

Sinh ra ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, niềm yêu thích lịch sử đến với Đào Thu Hà từ thuở bé. Thế nên khi cầm bút, đề tài đầu tiên cô hướng tới là đất Việt ngàn năm văn hiến với bí ẩn các triều đại. Tất cả niềm say mê ấy được gửi gắm trong tác phẩm mang tên “Mây khói vàng son”. Cuốn sách gồm 10 truyện ngắn như 10 lát cắt quá khứ với bao thâm cung bí sử. Đó là mối tình giữa nữ tướng Xuân Nương với tướng quân Thi Bằng, mối duyên giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh, là những day dứt của Thuận Thiên Công chúa khi phải lấy chồng của em gái mình… Nội tâm nhân vật cùng loạt mưu mô, toan tính chốn cung đình được ngòi bút của Hà đào sâu. Độc giả cũng ngạc nhiên khi Hà cho thấy cô chịu khó tìm tòi, khám phá nhiều câu chuyện bí ẩn của người xưa. 

Ở hình thức art-book (sách nghệ thuật), “Hành trình Đông A” của cô nàng 9x Trần Tuyết Hàn là tác phẩm nổi bật nhất thời gian gần đây. Tò mò nguồn gốc tên họ của mình, Tuyết Hàn thực hiện cuốn art-book với khát khao tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hóa dân tộc. Trong sách, những dấu mốc trọng đại thời nhà Trần được lược kể bằng lối văn tươi mới và hình ảnh theo phong cách tranh khắc gỗ Việt sinh động, mang đến cho độc giả góc nhìn mới mẻ về lịch sử dân tộc. Tác giả hóa thân thành nhân vật có tên Đông A để viết nên những chiến công lẫy lừng trong ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, cùng những danh nhân lịch sử, di sản văn hóa, sự kiện trọng đại của dân tộc ở thời Trần. Những câu chuyện quen thuộc được xâu chuỗi logic và bằng lối văn của Tuyết Hàn, tất cả hiện lên vô cùng lôi cuốn và chân thực.

Điều vui mừng nhất là sự tăng vọt của tiểu thuyết lịch sử khai thác theo lối dã sử, kỳ ảo, xuyên không... Bởi lâu nay, tiểu thuyết vẫn được coi là thể loại rất khó, đòi hỏi người viết phải bản lĩnh, cứng cựa, giàu kiến thức, chất liệu lẫn trải nghiệm sống. Thế nên thế hệ 8x trở về trước, rất hiếm người thử sức với tiểu thuyết ngay lần đầu chào sân. Vậy mà thời gian gần đây, hàng loạt gương mặt mới toanh của thế hệ 9x khiến văn đàn ngạc nhiên khi chạm ngõ văn chương bằng thiên tiểu thuyết dày dặn. Nó không đơn giản là độ dày số trang mà còn là sức nặng kiến thức, ngôn từ, suy ngẫm nhân sinh mà tác giả trẻ gửi gắm.

Làm nên hiện tượng có “Nguyên khí ngàn đời” của tác giả Lục Hường. Mới trình làng, tác phẩm đã gây xôn xao văn đàn và giới chuyên môn vì sự cứng cựa của bút lực lẫn thời gian viết nhanh kỷ lục: vỏn vẹn bảy ngày! Viết về triều đại nhà Mạc nhưng tác giả lại chọn đặc tả về cuộc đời của nhân vật lịch sử có thật Phạm Thọ Khảo - từng đỗ Tiến sĩ, làm Lễ bộ thượng thư Tả thị lang dưới triều vua Mạc Mậu Hợp, triều đại cuối cùng của nhà Mạc ở đất Thăng Long. Khác với các tác giả viết tiểu thuyết lịch sử thường dựng lại bối cảnh lịch sử, những hoạt động chính của nhân vật trong mối quan hệ với các nhân vật cùng thời, ở đây Lục Hường để cho nhân vật chính tự kể chuyện đời mình.

Ngoài Lục Hường còn có hàng loạt tác giả 9x khác ghi dấu ấn ngay từ tác phẩm đầu tay như Phạm Bá Diệp với tiểu thuyết “Yagon - Những kẻ vô cảm” lấy cảm hứng từ đạo mẫu và truyền thuyết dân gian. Phạm Thúy Quỳnh có “Trăng trong cõi” kể về vị hoàng đế nhiều tai tiếng Lê Long Đĩnh dưới góc nhìn nội tâm. Đặng Hằng đưa độc giả ngược về quá khứ của con dân Đại Việt thế kỷ XIII trong “Nhân gian nằm nghiêng”. Trang viết mượt mà, giàu xúc cảm và hình ảnh của cô không chỉ tái hiện cuộc kháng chiến vệ quốc của nhân dân ta mà còn đầy ắp nét đẹp tinh hoa văn hóa Việt như thú thưởng trà, các món ăn ngon, lối ăn mặc... “Những đứa con cổ tích” của tác giả Bạch Đằng lại là câu chuyện xuyên không của một nữ sinh lạc về thế giới cổ tích, thần thoại Việt Nam. 

Các tác giả không chờ khi văn chương chín muồi cùng tuổi đời từng trải rồi mới viết, mà ngay khi cầm bút, họ đã hăm hở khơi mạch những đề tài, thể loại tưởng như quá thách thức như văn hóa, lịch sử triều đại. Vỉa quặng lịch sử đã được họ khoác hồn cốt mới bằng góc nhìn đa chiều và phản biện, chứ không quá phụ thuộc vào lối mòn khô khan của chính sử. Điều quan trọng, thứ họ viết không chỉ là lịch sử, mà còn là tái hiện lại cả bức tranh về văn hóa, nghi lễ, tập tục, trang phục của các vương triều trong chiều dài 4.000 năm văn hiến.

“Khai thác đề tài dã sử - lịch sử khá khó khăn nhưng tôi rất hứng thú khi càng tìm hiểu, càng thêm yêu đất nước, lịch sử ngàn năm văn hiến. Và tôi muốn truyền tình yêu đó lên trang sách và đưa nó đến độc giả. Để bổ sung kiến thức và thu thập chất liệu viết nên “Trăng trong cõi”, tôi được sự hỗ trợ nhiệt tình của nhiều nhà nghiên cứu uy tín. Chắc chắn thời gian tới tôi tiếp tục khai thác đề tài này dù biết lắm chông gai” - tác giả Phạm Thúy Quỳnh quả quyết. Còn Trần Tuyết Hàn thì chia sẻ: “Được hòa nhập cùng mọi người trong xu hướng người trẻ viết sử, tôi cảm nhận được rằng, dòng chảy của lịch sử Việt Nam đang được diễn đạt qua rất nhiều phong cách, góc độ, hình thức, làm cho lịch sử được tiếp cận rất dễ dàng, đầy lôi cuốn và dễ ghi nhớ”.

Theo dõi sâu sát văn chương trẻ, nhà lý luận phê bình văn học Trần Hoài Anh nhận định: “Nhiều người tỏ ra băn khoăn cho rằng các nhà văn trẻ quên lịch sử, quên dĩ vãng.Họ không quên đâu, mà họ thể hiện lịch sử, những vấn đề của quá khứ bằng cách nhìn của những người trẻ. Và chúng ta phải chấp nhận cái nhìn đó bởi văn học bao giờ cũng có nhiều ngã rẽ, nhiều dòng chảy, nhiều suy tư chứ chúng ta không thể nhất nhất một cách nhìn”. Với trang viết về lịch sử, cây bút trẻ đang dần tạo lối đi riêng, gửi gắm những mộng ước và suy nghĩ thế hệ. Qua đó, họ phần nào khơi gợi niềm say mê với lịch sử dân tộc cho bạn bè cùng trang lứa.

Mai Quỳnh Nga
.
.