Người thổi bùng sức sống sơn mài truyền thống

Thứ Sáu, 15/09/2023, 14:55

Nguyễn Tấn Phát - người họa sĩ trẻ của vùng đất Sơn Tây xứ Đoài là của hiếm rất đặc biệt. Phát có quan điểm nghệ thuật độc đáo, anh cho rằng, những sản phẩm vừa phải có giá trị nghệ thuật, nhưng đồng thời cũng phải chinh phục được những thẩm mỹ của đời sống thường nhật.

Trong quãng thời gian làm nghề của mình, tôi may mắn gặp và tiếp xúc với nhiều người. Người có năng khiếu hội họa thì nhiều. Người được công nhận là họa sĩ cũng không ít. Thế nhưng, người hiến dâng hết mình cho lao động nghệ thuật, để rồi từ đó tìm ra một lối đi riêng, ít “đụng hàng” và luôn đau đáu việc đưa mỹ thuật đến gần với cuộc sống đời thường lại là của hiếm.

Nguyễn Tấn Phát - người họa sĩ trẻ của vùng đất Sơn Tây xứ Đoài là của hiếm rất đặc biệt. Phát có quan điểm nghệ thuật độc đáo, anh cho rằng, những sản phẩm vừa phải có giá trị nghệ thuật, nhưng đồng thời cũng phải chinh phục được những thẩm mỹ của đời sống thường nhật.

Người truyền lửa sơn mài

Hẹn gặp họa sĩ Nguyễn Tấn Phát nhiều lần nhưng dường như chưa đến duyên. Cuối cùng, phải mãi vào một chiều cuối hạ tôi mới được gặp anh ở làng cổ Đường Lâm. Đến tận nơi, “mục sở thị” không gian sống và làm việc của Phát, cá nhân tôi tự dưng thấy tiếc. Đó là sự tiếc nuối rằng mình đã không thể đến thăm anh sớm hơn. Không gian làm việc của Phát có thể nói là một không gian “đặc quánh” của nghệ thuật. Đó là những khuôn tranh trên gỗ mít, là những con giống trâu, hổ, mèo, chó… rất đáng yêu, ngộ nghĩnh và bắt mắt.

nghệ nhân nguyễn tấn phát bên những sản phẩm độc đáo..jpg -1
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát bên những sản phẩm độc đáo.

Phát bảo, anh từng sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau như tranh sơn dầu, tranh bột màu… để trải nghiệm, nhưng cuối cùng, anh vẫn chỉ tìm thấy chính mình ở sơn mài. Đề tài của sơn mài thì rất nhiều nhưng lối rẽ mang lại cho anh nhiều cảm hứng sáng tác nhất vẫn là văn hóa dân gian. Phát làm sơn mài theo cách và chất truyền thống, tức là sơn mài để tạo ra hồn cốt, ra thẩm mỹ chứ không phải mài để sơn lên như sơn ô tô, xe máy… Những sản phẩm Phát làm ra có thể vừa là vật trang trí (decor) trong không gian sống, vừa có thể làm vật đựng đồ xinh xắn. Sơn mài càng kỳ công, chất liệu càng tốt thì tạo ra sản phẩm càng giá trị.

Nghe kể, Nguyễn Tấn Phát là người gốc Sơn Tây và nhà ở làng cổ Đường Lâm. Từ nhỏ, Phát đã đam mê hội họa. Anh vẽ mọi lúc, mọi nơi, vẽ bằng mảnh ngói vỡ trên tường đất, vẽ bằng cọng que trên cát, lên mặt đường... Năng khiếu vẽ cùng tình yêu, niềm đam mê học hỏi nghệ thuật truyền thống được chắp cánh thăng hoa khi Phát thi đậu Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành sơn mài. Phát ham học và nghiêm túc với đam mê của chính mình. Chẳng thế mà, ngày sinh viên, cứ khi nào rảnh là bạn bè lại thấy anh về làng sơn mài Hạ Thái (Thường Tín) xin học nghề từ các nghệ nhân kỳ cựu. Phát bảo, anh học ở trường, học ở những người đi trước về nghề. Anh tiếp cận sơn mài qua các họa sĩ, nghệ nhân khắp nơi, qua sách vở, đặc biệt là những di sản văn hóa - những linh vật ở đình chùa Việt Nam, để từ đó tự nghiệm ra cho bản thân một lối đi riêng trên con đường nghệ thuật.

Tốt nghiệp, Nguyễn Tấn Phát mở doanh nghiệp tư nhân ở thị xã Sơn Tây, chuyên làm tranh, đồ gia dụng, đồ trang sức khảm trai, sơn mài. Không chỉ dừng lại ở đó, với ước ao được góp phần gìn giữ, phát huy và nâng tầm nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam, cách đây chừng 10 năm, Phát đã tổ chức lớp học miễn phí về sơn mài cho những người có nhu cầu và yêu nghệ thuật. Đến nay, việc truyền nghề vẫn đang được anh duy trì, song do tính chất phức tạp và độ khó của sơn mài, không thật sự có nhiều người đủ khả năng và kiên nhẫn để theo đuổi. Vì thế, từ đầu mùa hè năm 2023, Nguyễn Tấn Phát quyết định mở thêm lớp trải nghiệm in tranh khắc gỗ miễn phí dành cho các em nhỏ, học sinh, du khách đến Làng cổ Đường Lâm để lan tỏa mạnh mẽ hơn tình yêu với mỹ thuật truyền thống.

Anh bảo, anh mong muốn là người truyền lửa, thắp lên cảm hứng, giúp thế hệ trẻ có khát khao học nghề có thể nắm được cách làm sơn mài, hiểu rõ lịch sử của nghề sơn mài, qua đó thêm hiểu, thêm yêu văn hóa, đời sống của người Việt, thêm trân quý, nâng niu nghề thủ công truyền thống của cha ông, đồng thời làm tốt hơn nữa sứ mệnh quảng bá, gìn giữ những vốn quý của dân tộc.

Chọn một lối đi riêng

Nếu như điêu khắc sơn mài mèo trên gỗ mít và tre chứa đựng nhiều giá trị truyền thống thì sự kết hợp với chất liệu đá ong là một sự đột phá mang nhiều mỹ cảm. Nguyễn Tấn Phát đã chắt lọc, liên nối các chất liệu với văn hóa dân gian, với biểu tượng kiến trúc Bắc bộ để làm nên những bộ tượng đồ sộ, độc bản và nguyên bản. Chẳng thế mà, Phát đã từng gây ấn tượng mạnh với những bộ sưu tập tượng điêu khắc sơn mài đồ sộ như 1010 tượng trâu, 2022 tượng hổ và năm nay là 2023 tượng mèo.

Mỗi tác phẩm điêu khắc sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chứa đựng nhiều tâm huyết, kỳ công. Tôi chạm vào một tác phẩm mèo vờn cá cách điệu mà Phát trưng bày. Tác phẩm này đẹp, không lẫn vào sản phẩm nào và có sức lôi cuốn kỳ lạ. Hỏi ra mới biết, mỗi tác phẩm của Phát làm ra đều là độc bản và thường phải mất cả tháng mới hoàn thành. Dĩ nhiên, sự kỳ công của sản phẩm phải trải qua hàng chục công đoạn, từ lên ý tưởng, đến đục, đẽo tạo dáng cho khối gỗ, rồi phủ lên cả chục lớp sơn, đánh bóng, khảm trai, vẽ tạo phần hồn…

Có một điểm tôi thấy ở Phát, đó là chất liệu anh dùng thường là sơn ta truyền thống, nhưng là họa sĩ sơn mài đương đại và hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: mỹ thuật chuyên sâu, thủ công mỹ nghệ, quà tặng, du lịch... nên Phát cũng làm sơn mài một cách đa dạng. Sơn mài của Phát luôn tuân thủ cách làm truyền thống vì nó tạo nên sự khác biệt của sơn mài Việt Nam với sơn mài nước khác.

khách du lịch hào hứng trải nghiệm những sản phẩm của nguyễn tấn phát.jpg -0
Khách du lịch hào hứng trải nghiệm những sản phẩm của Nguyễn Tấn Phát.

Hôm ở cơ sở làm việc của Phát, tôi cũng tình cờ gặp chị Hoa - một khách du lịch cũng chung niềm đam mê với nghệ thuật sơn mài. Chị Hoa bảo, nhìn những sản phẩm của Phát, chị thấy không lẫn vào đâu được. Đó là những sản phẩm có hiệu ứng thẩm mỹ độc đáo, đưa nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống. Dễ thấy nhất là các tác phẩm tượng điêu khắc sơn mài của Nguyễn Tấn Phát, anh đã khéo léo kết hợp nó với công năng sử dụng như làm đèn ngủ, đốt trầm, khay đựng trái cây, lọ cắm hoa… vừa có thể sử dụng để trưng bày, nhưng đồng thời cũng có những giá trị ứng dụng riêng biệt và độc đáo.

Nguyễn Tấn Phát là một người nghiêm túc với sáng tạo nghệ thuật. Mỗi ngày, anh dành phần lớn thời gian để làm việc. Đôi khi thời gian ngủ chỉ vài tiếng mỗi ngày. Mọi sự cố gắng đều được đền đáp xứng đáng. Thầm lặng và bền bỉ đeo đuổi nghề, năm 2011 Nguyễn Tấn Phát nhận được giải thưởng về “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố Hà Nội”. Giải nhất Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2014. Năm 2017, khi mới 36 tuổi, Nguyễn Tấn Phát đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”, nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Thủ đô được vinh danh trong năm… Ngoài ra, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng là một trong những hội viên tiêu biểu của Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội. Nhiều năm liền Anh đã được Hiệp hội trao tặng Giấy khen, được Sở Công thương, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội… trao tặng Bằng khen.

Giã từ Đường Lâm và tạm biệt nghệ nhân trẻ tài hoa khi những vạt nắng cuối chiều phủ vàng trên mái đình Mông Phụ, tôi vẫn ấn tượng mãi với hình ảnh độc bản, sự cần mẫn đầy sáng tạo trong mỗi sản phẩm của Phát. Tôi nhận ra rằng, trong sâu thẳm những suy tưởng, mơ ước của mình, Nguyễn Tấn Phát luôn ôm ấp hi vọng đưa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam phủ khắp năm châu. Đó có thể là sự cố gắng và nỗ lực còn rất dài nhưng hoàn toàn có cơ hội. Bởi những sản phẩm của Nguyễn Tấn Phát có mẫu mã, kiểu dáng biến hóa đa dạng và ngày càng tinh tế, mang đậm bản sắc Việt Nam. Đó là “chìa khóa” giúp nghệ nhân làng cổ “mở cửa”, ghi vào lòng khách hàng những ấn tượng sâu đậm.

Ở chiều không gian gần hơn, Phát đã và đang làm được việc mà rất ít những nghệ sĩ làm được. Anh đang từng ngày thầm lặng lan tỏa tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, mang đến sản phẩm du lịch hấp dẫn cho làng cổ Đường Lâm, giúp mảnh đất quê hương anh có thêm sức hút với bước chân du khách.

Xuân Hoa
.
.