Người nhốt một ngàn con cọp trong lòng
Có một đêm, không nhớ đêm nào của những ngày bận bịu cuối năm, điện thoại reo lên gắt gao lúc 23g đêm, khiến tôi giật mình. Hóa ra chị Lê Thị Mây. Nhà thơ Lê Thị Mây.
Dễ có đến gần chục năm chị Mây không liên lạc. Lần cuối phải tầm năm 2016, 2017 gì đó, chị đến tặng tôi bộ "Tuyển tập Lê Thị Mây" nặng chừng 5 kg. Mỗi lần nhìn thấy cái dáng vẻ tất tả với túi sách nặng trĩu trên tay, lòng tôi rưng rưng bái phục sức lao động cả một đời chị dành cho văn chương chữ nghĩa.
Bấy lâu không thấy chị mang sách tặng tôi, tôi cũng không nhớ đến chị. Cuộc sống vội vã bộn bề, tôi quên bức chân dung "Nỗi buồn như con cọp rình mồi tháng chạp" tôi từng viết về chị năm nào.
Chị Mây tíu tít, giọng run nhưng vẫn trong trẻo rõ ràng: “Như Bình ơi, chị Mây đây! Chị Mây của em có một nghìn con hổ trong lòng đây. Chưa ai viết chân dung về chị mà nhiều người đọc như em. Chưa ai gọi NỖI BUỒN CỦA CHỊ NHƯ CON CỌP RÌNH MỒI THÁNG CHẠP. Chị nhớ lắm! Chỉ có em nhìn ra con hổ trong chị. Mà trong chị có ngàn con hổ chứ không chỉ một đâu”.
Chị nói đến đấy tự dưng trí nhớ ập về. Trí nhớ xô ngã tôi trong một khoảnh khắc. Tự dưng tôi trào nước mắt. Chao ôi người viết hàng trăm bức chân dung văn nghệ có thể quên, nhưng người là nhân vật thì hình như họ luôn nhớ. Không ít lần tôi dở khóc, dở cười khi gặp lại nhân vật của mình. Họ rối rít kể, rối rít nhắc lại những kỉ niệm, những tâm đắc khi chân dung họ hiện lên dưới ngòi bút “trúng tim” của tôi. Chị Lê Thị Mây đã không quên tôi theo cách đó.
![nhà van nhu bình và nhà tho trang thanh tham nhà tho lê th%3f mây .jpg -0](https://img.cand.com.vn/resize/800x800/NewFiles/Images/2025/01/27/Nha_van_Nhu_Binh_va_nha_tho_Tran-1737946539351.jpg)
Ngay lập tức tôi hình dung chị Mây đang lọt thỏm trong căn nhà đầy sách. Đang ngồi đâu đó trên cái bàn viết cũ kỹ chật chội ngộp thở bộn bề bởi bản thảo để gọi mình. Tôi biết, chị Mây không ngừng ghi chép lại kí ức, như sợ không chép ra kịp, một ngày kí ức sẽ đánh mất của chị cái gia tài quý giá chị dày công nhớ tiếc, giữ gìn.
Đầu dây bên kia, chị Mây vẫn tha thiết: “Như Bình ơi! Chị vừa đọc tập thơ của em trên mạng. Họ gửi cho chị bản PDF sách của em. Chị đọc mà thích quá! Chao ôi là nhớ em. Trong lòng em có cả ngàn con thú đấy Như Bình ạ, nhưng mà những con thú dễ thương. Chị ốm lắm, chị không còn nhiều thời gian, chị thèm và mong em đến thăm chị. Chị thèm có tiếng người em ạ”.
Chị Mây xúc động vì lần đầu tiên đọc thơ của tôi. Còn tôi xúc động vì chị vẫn nhớ tôi quá đậm sâu, nhớ bài báo tôi viết về chị. Hai chị em vồ lấy nhau trong nỗi nhớ ùa về.
Hóa ra chị Mây và chồng đều bị trọng bệnh, chị kể bệnh viện trả cả anh và chị về từ năm 2016. Chị chăm chồng liệt giường một chỗ thêm 6 năm nữa rồi anh mất năm 2022. Vì yếu bệnh, lại chăm chồng liệt giường một chỗ, nên chị Mây càng ốm yếu. Anh mất đi ở tuổi 81, lẽ thường chị như trút được gánh nặng vất vả vì khi chị là bệnh nhân nặng, chăm một bệnh nhân nặng hơn, đủ hiểu chị đã trải qua cực nhọc đến thế nào. Thế mà sau khi chồng mất, chị Mây rơi vào trầm cảm. Chị nằm liệt giường hàng năm trời, chị nói. “Như Bình ơi, may mà có những câu thơ chị vịn vào đứng dậy em ạ. Không có thơ chắc chị đã đi rồi”.
Ôi chị Mây, đúng là cả đời chị sống với thơ, bằng những câu thơ. Cả đời này với chị không có mối bận tâm nào to lớn hơn thơ và chữ. Cả đời, chị tằn tiện, hầu như không chi tiêu gì quá ngoài lối sống tối giản đến mức có thể. Cả đời, chị chỉ hào phóng mỗi với thơ và những gì liên quan đến chữ. Bao nhiêu tiền lương chị dành dụm để in thơ làm tuyển tập sách.
Lấy chồng, suất lương của chị nuôi cả anh, và dành dụm để làm tuyển tập các bài báo của chồng và bố chồng chị để in sách. Một tay chị lọ mọ đi thu thập từng bản thảo của chồng, của bố chồng tại các thư viện. Rồi tự tay đánh máy, làm tròn bản thảo, gửi nhà xuất bản, bỏ tiền in. Khi già cả anh đau ốm, có miếng đất em gái mua cho chị thời trẻ, cũng nhờ em bán đi để nuôi chồng nuôi mình.
Một người phụ nữ đi qua cuộc chiến tranh với những nỗi ám ảnh và vết xước khủng khiếp trong tâm trí. Chiến tranh có nhiều cách hủy diệt con người khác nhau. Không phải cứ mất người, cứ máu chảy, bị thương tích mới là hủy diệt. Chiến tranh không lấy đi của chị Mây điều gì cả, nhưng chiến tranh đã choáng ngợp sâu sắc trong tâm thức chị, trong tâm trí chị, để khiến cho tâm hồn trong trẻo như sương mai của chị nằm lại mãi mãi ở chiến trường mà không thể bước ra bình thường lành lặn hồn nhiên sống tiếp với cuộc đời.
Ngay cả giờ này, ngẫm đoạn trường chị đã trải qua trong cuộc hôn nhân ngỡ là bờ vai ấm đầu tiên và sau cuối của chị thì dường như không thể vậy. Nói về những đoạn trường đã qua, chị kể chị chưa một lần nào cáu giận chồng dù anh có khi vô thức làm chị đau đớn về thể xác lẫn tinh thần thì chị vẫn rơm rớm nước mắt bảo với tôi: “Em à, sau anh là điệp điệp trùng trùng những người lính. Sau anh là cuộc chiến tranh của cả dân tộc. Chị làm sao có quyền than vãn với cuộc đời”. Chiến tranh ảnh hưởng sâu đậm ở chị Mây là thế, nó làm cho chị không còn “bình thường” khi ở lại với cuộc đời hôm nay.
Tôi đến thăm chị Mây cùng nhà thơ Trang Thanh và cây bút trẻ Trang Thuỵ ngay sau đó. Căn nhà cũ của chị có duy nhất hai thứ làm tôi chú ý, đó là cái bàn thờ rộng chị để thờ ông bà, cha mẹ chồng và chồng. Và thứ nữa là mấy tủ sách đóng ngay ngắn cao chạm trần trong đó để chật kín những sách là sách. Còn lại cái giường đơn sơ, chiếc bàn học cũ từ những năm 80 chật chội bé nhỏ chị vẫn dùng để viết trên đó hàng vạn con chữ, hàng trăm đầu sách vẫn bộn bề như xưa. Chị cũng như một pho sách đã cũ. Một pho sách cố sống kiệt mình những giây phút cuối cùng với những gì cuộc đời này đã chất vào chị.
Chị Mây không khác với lần gặp của tôi 10 năm trước. Vẫn bộ quần áo cũ không thể cũ hơn, khoác thêm cái áo cộc tay cũ chắc giữ lại chút hơi hướm của chồng. Ba chị em ôm nhau khóc cười… Câu chuyện mặn cùng nước mắt.
Chao ôi! Một Lê Thị Mây còn lại thuần khiết trinh bạch của “Người đàn bà tiền sử”. Người đàn bà có một ngàn con hổ gãy chân phủ phục trong lòng….
Đêm ấy ba chúng tôi tận khuya mới về.
Về đến nhà tôi đã thấy chị nhắn qua Zalo tôi cái bản thảo chi chít chữ nói rằng các em về rồi chị viết thơ tặng ba em. Tôi hầu như không đọc được gì trên bản thảo viết tay nhoè nhoẹt. Sáng sớm tinh mơ hôm sau, chị Mây đã nhắn tôi đêm qua chị không ngủ, chị gửi thơ tặng em trong email của em rồi.
Ôi chị Mây! “Người đàn bà tiền sử” của tôi, người nhốt trong trái tim 1.000 con hổ cúi đầu. Nếu không còn thơ, chị sẽ sống bằng gì? Nếu không còn thơ, chị sẽ vịn vào đâu để đứng dậy?
Lê Thị Mây
SÔNG MỘT BỜ THIẾU NỮ
Sông La sông Lam chị em trời sinh đôi
Đất nước sinh đôi hai chị em gái
Sóng dạt dào sông đi đi mãi
Bến bờ nào cũng bồi đắp phù sa
Cũng bồi lở bên thương bên nhớ
Gió qua cầu cởi áo ngàn xa
Như Bình Bông ta cắm gió ngẩn ngơ
Như một đóa hồng vàng đấy nhé
Bức tranh lụa mười một chạp rung khẽ
Cửa sổ hằng khuya soi bóng chị em
Em gái ạ sông Lam là chị
Sông La soi hồn chạy dọc đài Ngang
Sông sinh đôi Thạch Hãn Lệ Giang
Hải Văn Quan đẹp nhất đất nước
Em làm dâu chị cũng làm dâu
Những dòng sông không sang đò dọc
Sông chảy hoài theo đất nước hình chữ S
Kiến tạo ví dặm hò lơ hò khoan
Em và chị thả vòng biển trời trăm lẽ
Eo thon khuôn mặt sáng trăng tròn
Khi hao khuyết muốn cười sang nhà bạn
Dù bao nhiêu vẫn luôn tỏa sáng
Đếm dấu chân qua muôn nẻo phố Nhài
Yêu bấy nhiêu xin sông chảy Phố Nhài
Em và chị vòng ôm con gái
Đã xa xôi từng vệt sáng sao Khuê
Hạt ánh sáng bay trong vũ trụ
Các thiên hà trôi mãi biếc thanh
Và nín lặng gợi bao điều NASA xoay vòng khám phá
Tại vì sao sông thiếu nữ một bờ
Ngôi thứ hai hình dung sao đực cái
Để sinh ra tiểu vũ trụ Con Người
Để sinh muôn đất nước sông sánh đôi
Nhân loại được ngày cười, ngày té nước
Ngày ném cà chua ngày hội trống Việt Nam
Ngày con trẻ thưởng Trung thu phá cổ
Như Bình ạ tháng mười còn vài hôm nữa
Bánh đòn bánh chưng bà canh lửa quanh năm
Dư dả bánh, đường, gạo muối gom hàng cứu trợ
Làng Nủ qua cơn lũ lụt nắng cười
Sông La sông Lam sinh đôi nắng cười
Nhật Lệ Thạch Hãn nắng cười
Đò ơi chèo nhẹ đáy sông đồng đội yên nằm
Kháng chiến trường kỳ đánh xâm lăng
Im lặng biếc xanh tâm tư em gái
Nặng hai vai bóng thiếu phụ cuối mùa
Chảy qua Phố Nhài tranh lụa cọ màu vẽ sắc mưa…