“Ngược chiều bình an” - câu chuyện về những người anh hùng chạy về phía lửa
Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) hy sinh trong vụ hỏa hoạn tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội năm 2022, vở kịch “Ngược chiều bình an” của Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến những câu chuyện đầy xúc động về lòng quả cảm và sự hy sinh cao cả của người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH.
Từ câu chuyện có thật
“Ngược chiều bình an” kể câu chuyện về những người chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH trong cuộc chiến đấu khốc liệt với “giặc lửa". Vở kịch làm về một đề tài vốn bị định kiến là khô khan nhưng lại rất hấp dẫn, xúc động, không quá nặng về tính chính luận. Cùng với câu chuyện về những người lính mà trung tâm là 3 nhân vật: Vũ Trọng Thanh, Ngô Trung Tuấn, Hoàng Nhật Linh, “Ngược chiều bình an” giúp người xem hiểu hơn về người lính cứu hỏa, không chỉ trong công tác mà còn trong cuộc sống đời thường.

Nội dung vở kịch khai thác câu chuyện có thật về 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CNCH hy sinh trong vụ hỏa hoạn tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy năm 2022. “Ngược chiều bình an” (đạo diễn: NSƯT Kiều Minh Hiếu; kịch bản: Thiên Ân) có sự tham gia diễn xuất của NSND Lâm Tùng, NSƯT Nông Dũng Nam, Thế Nguyên, Ba Duy, Vũ Tuấn, Thanh Hường, Hồng Quang, Diễm Hương, Hồng Phúc, Hà Vy… Vở kịch đang được công diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam và dự Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng người chiến sĩ CAND năm 2025 do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức.
Đây là một vở kịch hấp dẫn với nhiều pha gay cấn, hồi hộp trong cuộc chiến sinh tồn với giặc lửa. Điều thú vị là, đạo diễn Kiều Minh Hiếu không ca ngợi hình tượng chiến sĩ Công an bằng những chiến công mà anh đi từ những câu chuyện giản dị, đời thường, từ những tâm tư, tình cảm của những người lính.
Đó là câu chuyện của một người Đội trưởng Đội Phòng cháy, chữa cháy về gánh nặng cơm áo gạo tiền; về nỗi lo lắng, ám ảnh của người thân trước những nguy hiểm luôn rình rập khi anh làm nhiệm vụ; là tâm sự của một cán bộ trẻ với tình yêu sâu đậm và dự định lập gia đình với cô gái đã luôn sát cánh bên anh trong thời gian dài; là hoài bão của cậu thanh niên trẻ đang thực hiện nghĩa vụ tại Đội Phòng cháy, chữa cháy…
Mỗi người một câu chuyện nhưng họ đều là những "chiến binh", những "anh hùng" trong thời bình. Mỗi khi có nhiệm vụ, họ gác lại những lo toan, bộn bề trong cuộc sống cá nhân để "chạy về phía lửa" - nơi ngược hướng của sự bình an. Ngọn lửa đã được dập tắt nhưng lòng dũng cảm, sự hy sinh của các anh sẽ còn mãi với thời gian.
Sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam dù nhỏ nhưng dưới bàn tay tài hoa của ê kíp dàn dựng, không gian ấy có sự chuyển biến liên tục từ hiện trường vụ hỏa hoạn, trụ sở của những người lính, đến vũ trường cao cấp, len lỏi nơi quán trà đầu phố, vào từng gia đình người lính... Nhiều câu chuyện, nhiều số phận, nhiều gia đình được chuyển tải cùng lúc trên sân khấu, gọn gàng và đầy xúc động, chạm đến được nhiều nỗi niềm, những trăn trở, suy tư của người lính.
Trường đoạn cuối khi 3 người lính ngã xuống đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả và của chính các diễn viên. Sự hy sinh giữa thời bình của các anh đã làm lay động rất nhiều trái tim…. Nhưng hơn cả sự bi thương, vở kịch đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về lòng dũng cảm và sự hy sinh của những người lính cứu hỏa. Họ đã sống và chiến đấu không chỉ vì nhiệm vụ, mà vì bình yên của bao người khác.
Còn nhiều dư địa để khai phá về đề tài Công an
Hình tượng người chiến sĩ Công an đã được đưa lên sân khấu khá nhiều. Chúng ta có hẳn những cuộc thi về hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu được tổ chức hàng năm. Các tác giả đã khai thác nhiều câu chuyện xúc động về chiến công và cuộc sống của những người chiến sĩ Công an trong thời bình. Họ đóng vai trò quan trọng để bảo vệ sự bình yên của cuộc sống.
Tuy nhiên, việc đưa một câu chuyện có thật về một lực lượng chuyên ngành lên sân khấu (Phòng cháy, chữa cháy) là điều không đơn giản. Trong “Ngược chiều bình an”, đạo diễn và ê kíp sáng tạo đã tham vấn nghiệp vụ từ Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy, chữa cháy, đồng thời có sự tư vấn, hỗ trợ của Tổ Phòng cháy, chữa cháy thuộc Công an quận Hoàn Kiếm trước đây.

Trao đổi về vở kịch “Ngược chiều bình an”, đạo diễn, NSƯT Kiều Minh Hiếu cho biết, đây là tác phẩm được Nhà hát Kịch Việt Nam chuẩn bị từ trước, mới đưa vào dàn dựng, biểu diễn, dự kiến tham gia Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng người chiến sĩ CAND năm 2025. Đầu tư cho vở diễn này theo đúng chức năng của Nhà hát là phải bám sát đời sống xã hội, những gương tiên tiến điển hình, người tốt việc tốt, hướng đến sự hy sinh cao cả, trong đó có những chiến sĩ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Tác phẩm thể hiện tiếng nói của Nhà hát Kịch Việt Nam đối với các hiện tượng trong đời sống, xã hội.
Đạo diễn Kiều Minh Hiếu cho biết: “Chúng tôi muốn khắc họa chân dung những người lính cứu hỏa không chỉ trên chiến tuyến với ngọn lửa, mà còn trong những khoảnh khắc đời thường - nơi họ mang trong mình nỗi lo, niềm tự hào và cả những hy sinh thầm lặng. Vở kịch không chỉ là câu chuyện về sự mất mát, mà còn là lời tri ân dành cho những con người sẵn sàng lao vào nguy hiểm để bảo vệ sự bình yên cho người khác”. Điều này không đơn giản nhưng với tình yêu, sự trân trọng, cảm phục từ những câu chuyện có thật ngoài đời mà ê kíp sáng tạo đã cùng nhau tạo nên một tác phẩm nghệ thuật xúc động, lay động trái tim người xem.
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Tuấn Minh (tác giả kịch bản Thiên Ân) cho biết, sân khấu thường chú ý tới khai thác, đề cao những hình tượng và sự hy sinh của người chiến sĩ CAND. Nhưng trong vở kịch này, ê kíp sáng tạo mong muốn khai thác thật sâu về cuộc sống đời thường cũng như những khó khăn, vất vả và cả những nỗi sợ hãi của bản thân người lính, nỗi sợ hãi, thắc thỏm của những người thân trong gia đình mỗi khi có đám cháy… Chính những yếu tố đời thường, sâu thẳm trong nội tâm của người lính mới làm nên những điều vĩ đại.
Anh chia sẻ thêm: “Đề tài hình tượng người chiến sĩ Công an và bình yên cuộc sống là một đề tài hấp dẫn, còn nhiều dư địa để khai thác. Sân khấu với sức mạnh của mình là tương tác trực tiếp với khán giả sẽ là một kênh truyền tải có giá trị, lan tỏa hơn nữa vẻ đẹp và sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ giữa thời bình. Nhiệm vụ của sân khấu là làm sao truyền tải được những câu chuyện đó một cách bình dị, xúc động để có thể chạm tới trái tim khán giả hôm nay”.
Có thể nói, cuộc chiến vì bình yên cuộc sống của các chiến sĩ Công an vẫn còn rất nhiều câu chuyện, nhiều góc khuất… Đó là những những cuộc đối mặt với sinh tử, lựa chọn giữa an toàn cá nhân và sinh mạng của người khác… và đôi khi, cái giá phải trả cho lòng dũng cảm không phải ai cũng hiểu… Sân khấu, cần nhiều những câu chuyện như thế để giúp khán giả hiểu hơn về cuộc sống và sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ Công an.