Ngô Thanh Vân: Triền môi thơm dẫn lối
Ngô Thanh Vân hiện đang là Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai, một số ít cây bút nữ thuộc thế hệ viết văn 8X còn bền bỉ trên cao nguyên lộng gió này. Dẫu bố mẹ đều đến từ miền gió Lào xứ Nghệ, nhưng Vân lại sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, nên mỗi con đường, mỗi hàng cây, mỗi góc phố như thắm thiết vào trong vùng ký ức đầy thương tưởng và luyến nhớ của cô nàng.
1. Có lần tôi ngồi cùng Ngô Thanh Vân giữa bạt ngàn gió của phố núi Pleiku, nghe Vân kể những câu chuyện của phố bằng ký ức rất đỗi trong veo. Khắc giây đó, tôi thấy một tình yêu bồng bềnh như sương giăng đầy trong mắt Vân. Tựa thể, chỉ cần gõ chân qua một góc nhỏ nào đó của thênh thang núi đồi cao nguyên này, Ngô Thanh Vân cũng có thể kể cho mọi người nghe một câu chuyện. Và thường những câu chuyện của Vân lại mềm như những cơn say ngọt.
Ngô Thanh Vân hiện đang là Phó chủ tịch Hội VHNT tỉnh Gia Lai, một số ít cây bút nữ thuộc thế hệ viết văn 8X còn bền bỉ trên cao nguyên lộng gió này. Dẫu bố mẹ đều đến từ miền gió Lào xứ Nghệ, nhưng Vân lại sinh ra và lớn lên ở Gia Lai, nên mỗi con đường, mỗi hàng cây, mỗi góc phố như thắm thiết vào trong vùng ký ức đầy thương tưởng và luyến nhớ của cô nàng.
Trước khi dành trọn vẹn tâm sức mình để sống với văn chương, Ngô Thanh Vân đã có 20 năm công tác ở Trường Đại học Lâm Nghiệp, phân hiệu Gia Lai. Từ bục giảng chuyển qua phụ trách văn chương, Vân miệt mài tìm kiếm và tạo dựng một thế hệ viết trẻ của Gia Lai.
2. Mới đây, những ngày hè của năm 2024, Vân mời tôi lên Gia Lai để giao lưu chia sẻ cùng các cây bút trẻ và thiếu nhi của Gia Lai. Quả thực, tôi thấy một sự cần mẫn và nhiệt tâm dành cho văn chương ở chị. Để quy tụ gần 40 em đến với lớp viết này, có em Vân phải gửi thư mời xuống từng huyện. Cũng có trường hợp phải vận động phụ huynh cho các em tham gia. Rồi đôn đáo chạy xin quà tặng, thu gom bài vở sau lớp viết và tìm nơi đăng tải để các em có thêm động lực duy trì lửa đam mê với văn chương.
Tôi thấy Vân quá cực. Nhưng Vân vẫn cười nhẹ tênh, trồng một cái cây, là phải chăm bẵm tận tình, đôi khi không phải một năm mà nhiều năm sau nữa, mới thấy được mùa hoa, mới nhìn được sự kết trái. Văn chương vốn dĩ là con đường không dễ đi, vậy nên, chỉ cần làm được điều gì cho lớp người viết trẻ của Gia Lai, Vân luôn tận tụy lẫn hy sinh đôi ba thứ.
Có lẽ cái hy sinh lớn nhất là sự lùi lại, tạm gác những cảm xúc văn chương, để bày biện những hoạt động thiết thực nhằm tìm kiếm những lớp kế thừa cho văn chương Gia Lai. Thoảng khi Vân đăng vài bài thơ, năm ba tản văn trên các báo rồi mất hút giữa sự rộn ràng của văn đàn. Đáng ra, với độ chín của tuổi tác và sự trải nghiệm, Ngô Thanh Vân sẽ dạt dào xúc cảm, tác phẩm sẽ đều đặn hơn, nếu Vân chịu cho mình thời gian.
Nhưng, có những đêm trao đổi công việc đến tận khuya, vẫn là những câu chuyện chỉnh sửa bài cho các cây bút trẻ, là chuyện tổ chức hoạt động, là chuyện làm sao để nuôi nấng những bước chân vụng dại của các em để trưởng thành và vững vàng. Tôi luôn khuyên Vân nên cân bằng mọi thứ. Bởi như cuộc đời này, kỳ thực, muôn triệu loài hoa đều đúng mùa mới nở. Chỉ khi ấy, hương sắc mới khiến người ta rung cảm. Văn chương cũng vậy, tâm và tình đủ đầy thì trang viết tự khắc sẽ lay động độc giả.
3. Dạo gần đây, Vân bắt đầu vẽ, những bức tranh giản đơn phong cảnh hữu tình, hoặc thiên nhiên xanh lành. Thể như chính Vân trút lòng mình ở một phương diện khác, không bằng văn chương. Rồi Vân tham gia các giải chạy bộ, hồ hởi khoe thành tích của mình lên trang cá nhân. Tôi vẫn chúc mừng, nhưng tôi sợ Vân chẳng còn xúc cảm với văn chương, hoặc văn chương chẳng nắm níu được cô gái xinh đẹp có ánh mắt trong veo và đôi môi tươi tắn này.
Nhưng, có lẽ tôi đã lo quá xa, từ trong những âm trầm của quãng sống, cô gái phố núi ấy vẫn chắt chiu một góc nhỏ đời mình dành cho văn chương. Như trong sương mờ phố núi này, Vân đã ở đấy, hiện diện trong bảng lảng, khẽ khàng ghi chép lại, chỉ chờ đúng một mùa hạnh ngộ nào đó, duyên chạm đến thì lại trình làng một ấn phẩm.
Một sớm ngày Sài Gòn hiền queo bất chợt, Vân gửi tôi tập tản văn “Vân môi say phố”. Câu chữ trong tập tản văn này dường như có một lực hút dắt tôi phiêu du cùng phố núi cao nguyên đầy sương, đầy gió, đầy sự chiêm nghiệm của một người phụ nữ soi phố bằng đôi môi tươi, ánh mắt biết cười và tâm mình biết tĩnh. Chính cái tĩnh tại giấu trong lòng của Vân khiến câu chữ của Vân nhẹ nhàng trôi êm như một người say những ngọt ngào. Cơn say bất tận chẳng khiến người ta sướt mướt, không làm người ta khật khưỡng. Cơn say phố của Vân bâng lâng một nỗi ngọt ngào.
Phố như là nhà của Vân, tôi nghĩ vậy. Bởi mỗi câu chuyện Vân thủ thỉ trong tập tản văn này, như một ấp yêu ôm trọn vào tâm khảm của người con gái Pleiku. Để từ đó, câu chữ nảy lên trang viết một nỗi niềm thao thiết. Tôi từng rất thích tản văn “Ơn phố với những tình trầm” của Ngô Thanh Vân đăng trên Chuyên đề Văn nghệ Công an.
Tôi nhớ khi đọc tản văn này, tôi đã nhắn với Vân, có thể với thơ Vân đầy bay bổng cùng thanh âm của phố núi, nhưng với tản văn, Vân là một cô gái yêu kiều ngồi nghe những thanh âm đó rơi xuống phố. Cái rơi thật khẽ, thật chậm, đủ để tao khách chiêm nghiệm và bóc tách từng thanh âm một. Sự thấu thị đó khiến phố trong tản văn của Vân có độ lắng của triết luận sống. Phố là nhà, nhà cũng là phố. Chúng có thể lạc giữa phố, nhưng chẳng ai lạc nhà mình cả. Giữa bước chân lạc lõng với phố, tin chắc sẽ có lúc mình nhận ra đời mình mang ơn phố rất nhiều.
“Ơn phố với những ân tình sâu nặng, để những lúc chạnh lòng em vơi dần cảm giác cô đơn. Ơn phố những đêm vắng lạnh, thanh âm lách cách từ bàn phím như tiếng đêm đồng hành chia sẻ. Để những lúc lắng lòng gạn những băn khoăn em lại gõ vào đêm những kí tự lòng mà trút cạn tâm tư. Để ngày mai khi tiếng chuông báo thức vang lên, em lại áo khăn má đỏ môi hường hòa mình vào phố”.
4. Ngô Thanh Vân từng đạt thành công với văn chương rất sớm. Năm 2009, Vân đoạt Giải thưởng “Tác giả trẻ” của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2009). Rồi liên tiếp đoạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Gia Lai lần 2 (2005-2010), lần 3 (2010-2015), và các giải thưởng hàng năm của Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai. Năm 2011, Vân nhận giải Tư cuộc thi thơ trên Tạp chí Văn học nghệ thuật Xứ Thanh.
Tính đến tập tản văn này, Ngô Thanh Vân đã sở hữu cho riêng mình 8 ấn phẩm, gồm 4 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và 2 tập tản văn. Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy sự đắm đuối dành cho văn chương của Ngô Thanh Vân, dẫu có quãng thời gian cây bút nữ này chọn cho mình một quãng trầm để sống, và làm công tác quản lý. Nhưng, với hình thức nào, thì cũng dễ dàng nhận ra một Ngô Thanh Vân luôn đau đáu cùng văn chương.
Tập tản văn lần này của Ngô Thanh Vân không chỉ là chuyện của phố mà kỳ thực, soi chiếu vào vỉa tầng cảm xúc và độ triết luận sẽ thấy phố ôm vào lòng mình những mảnh đời. Chính những nương náu đó, khiến thân phận con người tìm được một sức sống xanh lành như phố. Phố núi này vẫn mờ sương, vẫn ngàn ngạt gió, vẫn biếc xanh cây cỏ, và bốn mùa tuần tự cứ xuân, hạ, thu, đông, rồi lại xuân. Con người ta cũng nhìn vào phố để thấy phố thay đổi diện mạo theo mùa, phố nảy nở theo thời gian, phố khang trang theo thời cuộc phát triển. Phố sống một cách mạnh mẽ đi qua nắng mưa thì há gì người mình lại lẳng lặng chìm vào phố.
Từ “Chợ đêm”, “Bay cao cánh diều”, “Lời ru tao nôi”, đến “Mưa phố” hay “Dấu môi”… những câu chuyện nhặt nhạnh trên hành trình sống với phố núi này cho thấy một sự mẫn cảm độc đáo và đầy đặn cảm xúc của Ngô Thanh Vân.
Kể về phố thị đã lưu dấu gót chân mình da diết say, đã ướm vào môi thơm nồng nàn hơi sương, đã lưu vào tâm khảm bao rần rật gió và hơn hết đã cho một Pleiku sống động hơn thì có lẽ chọn tản văn là lựa chọn hoàn hảo nhất đối với Ngô Thanh Vân. Chỉ có điều khi khép tập tản văn lại, sợ rằng bao kẻ say phố như Vân đã say. Lo rằng bao kẻ sẽ lưu dấu môi mình với phố như Vân đã từng. Ấy thế thì chắc phố lại sinh ra thêm khối người ruổi rong với lòng đầy mộng mơ. Từ phố mà thương. Từ thương mà vương lòng mình. Mà khi đã vương một lần, thì ngàn bước chân của quãng sống tiếp theo, mãi luôn đi về phía phố.
Tôi nhớ có lần ngang qua những dốc vắng mờ sương. Vân từng nói, ai đến Pleiku này đều vấn vương lòng mình. Tôi hỏi tại sao. Vân cười bâng lâng. Ở đây, luôn có những triền môi thơm dẫn lối. Hình như đêm đó, tôi cũng lang thang suốt mấy ngã đường mờ sương nhân ảnh.