Nghệ thuật truyền thống múa rối: Rộn ràng đón mùa xuân
Nhà hát Múa rối Thăng Long ra đời được 55 năm và được biết đến với danh hiệu "Nhà hát duy nhất tại châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm". Sự tồn tại và phát triển của nhà hát thể hiện sức sống bền bỉ của một môn nghệ thuật truyền thống khắc họa đời sống tinh thần của người Việt phong phú, đa dạng. Dịp Tết này, Nhà hát đã chuẩn bị nhiều tiết mục đặc sắc để phục vụ khán giả.
Nghệ thuật truyền thống múa rối ở nước ta được chia làm hai loại: múa rối cạn và múa rối nước. Nếu như múa rối cạn khá phổ biến và xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới thì múa rối nước là loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo duy nhất chỉ có tại Việt Nam. Điểm đặc biệt của múa rối nước là loại hình này được biểu diễn ngay trên mặt nước với thủy đình dựng lên làm nơi các nghệ sĩ đứng đằng sau điều khiển rối.
Bận rộn chuẩn bị cho mùa xuân mới
Nhà hát múa rối Thăng Long phục vụ khán giả các chương trình múa rối truyền thống, những ngày thường nhà hát biểu diễn từ 4 đến 7 suất. Dịp tết số lượng khách tăng lên theo đó cũng nhiều suất diễn để có thể phục vụ được tất cả khách du lịch, tham quan đến Hà Nội vào dịp tết.
Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Quốc Khanh chia sẻ: "Với mong muốn được đưa văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đến đông đảo khán giả Việt Nam cũng như du khách quốc tế, các chương trình múa rối nước của chúng tôi luôn cố gắng để giữ được tinh thần của loại hình nghệ thuật cũng như phong cách đặc trưng của nhà hát".
Trong tháng 11, nhà hát đã tập luyện, dàn dựng và ra mắt vở múa rối nước "Hoàng đế cờ lau". Đây là một vở dựng theo phong cách múa rối nước truyền thống, nhưng các con rối được tạo hình đặc biệt và câu chuyện mang hơi thở của văn hóa nghệ thuật đương đại. Trong vở diễn này, đạo diễn đã kết hợp ngoài múa rối nước truyền thống còn đưa vào các con rối cạn, rối que để cùng biểu diễn. Sự kết hợp đó tạo nhiều bất ngờ, thú vị cho khán giả. Vở diễn này đã đạt được Huy chương vàng tại Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024.
Đây cũng là một trong những tiết mục được Nhà hát biểu diễn phục vụ khán giả trong dịp Xuân Ất Tỵ 2025 tới. Ông Khanh cho biết, các nghệ sĩ rất hào hứng khi được mang một vở múa rối nước kết hợp với múa rối cạn về đề tài lịch sử truyền thống để biểu diễn phục vụ khán giả trong dịp mùa xuân mới. Qua vở diễn này, khán giả, đặc biệt là các em học sinh, thiếu nhi có thêm cơ hội được tiếp cận, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử thông qua nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Một trong những vở múa rối que thành công và góp phần tạo nên thương hiệu của Nhà hát Múa rối Thăng Long là vở diễn "Tấm Cám". Vở diễn này đã được dàn dựng và biểu diễn hơn 30 năm về trước. Chính từ vở diễn này, một thế hệ nghệ sĩ tài năng của Nhà hát đã khẳng định được vị trí và thành công của mình. Hướng tới kỷ niệm 55 năm thành lập Nhà hát và để phục vụ khán giả dịp Xuân Ất Tỵ 2025, Ban lãnh đạo Nhà hát đã quyết định dựng lại vở diễn này.
Tham gia vở diễn "Tấm Cám" phiên bản 2024 có các gương mặt nổi bật của nhà hát như NSƯT Thanh Hương, NSƯT Thu Huyền, NSƯT Thùy Dương… Họ là những gương mặt nghệ sĩ có thời gian hoạt động nghệ thuật lâu năm và có thời gian gắn bó cùng với sự phát triển của nhà hát. Vở diễn với mong muốn giới thiệu không chỉ một loại hình nghệ thuật múa rối que mà còn kết hợp những điều đặc sắc của loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Phiên bản "Tấm Cám" năm 2024, Nhà hát sử dụng kịch bản của sân khấu chèo truyền thống, các nghệ sĩ múa rối sẽ diễn, thoại và hát chèo. Tiết mục hứa hẹn sẽ mang đến nhiều điều đặc sắc và thú vị cho khán giả đến thưởng thức dịp Tết này.
Ngoài ra vào đêm Giao thừa và mùng 1 Tết, đoàn nghệ sĩ của Nhà hát còn tham gia biểu diễn các chương trình nghệ thuật chào mừng năm mới tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Với nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc, đa dạng loại hình nghệ thuật từ rối cạn, rối que đến các bản nhạc, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc để chào xuân. Một số tiết mục như: "Cô bé thượng ngàn", múa rối tay "Hoa ban đỏ" luôn thu hút được đông đảo khán giả yêu thích mỗi lần biểu diễn trong chương trình chào xuân".
Theo NSƯT Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát: "Nhà hát đã chuẩn bị hàng tháng cho các tiết mục múa, hát chào Xuân mới. Các vở diễn đã lựa chọn các tích trò dân gian đặc sắc nhất từ hàng trăm tích trò cổ trong kho tàng múa rối Việt Nam. Thông qua ngôn ngữ trình diễn của nghệ thuật múa rối, các nghệ sĩ không chỉ mang lại cho người xem những phút giây thư giãn, giải trí mà còn truyền đi thông điệp về lịch sử, văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống, góp phần làm nên bản sắc Việt Nam".
Khó khăn nghề múa rối
Chuẩn bị bước sang năm thứ 26 gắn bó với Nhà hát, NSƯT Bạch Quốc Khanh chia sẻ: "Với loại hình múa rối, người nghệ sĩ phải dùng tài năng của mình để những con rối vô tri biểu diễn một cách thật cảm xúc và toát lên cái hồn của nhân vật. Đó là điều khó khăn so với những loại hình sân khấu khác, nghệ sĩ là người trực tiếp trình diễn còn với múa rối thì nghệ sĩ không phải là người xuất hiện trên sân khấu mà gián tiếp biểu diễn thông qua con rối".
Ông Khanh cũng cho biết thêm, với nghệ thuật múa rối nước bốn mùa đều phải làm việc ở dưới nước vì vậy người nghệ sĩ luôn phải xác định những khó khăn đặc thù của nghề để xác định con đường nghiêm túc, lâu dài với nghề. Khi xuống nước, người nghệ sĩ phải mặc trang phục bảo hộ như quần áo cao su, đi găng tay để bảo vệ cơ thể khỏi bị ướt. Một ngày biểu diễn, các nghệ sĩ sẽ phải làm việc từ 5 đến 8 tiếng đồng hồ ở dưới nước. Vào mùa xuân, mùa lạnh, sự khó khăn ấy như tăng lên gấp đôi. Dù người nghệ sĩ cố mặc nhiều quần áo để đỡ lạnh nhưng làm việc lâu thì hơi lạnh, hơi nước vẫn ngấm vào người và không thể tránh khỏi các bệnh nghề nghiệp như đau xương khớp, nhức mỏi.
Ngoài ra, môi trường làm việc sau sân khấu của người nghệ sĩ múa rối nước khá ẩm ướt, kèm theo khói, pháo, tiếng ồn âm nhạc đạo cụ dẫn đến có những người gặp các vấn đề về thị giác, thính giác. Âm nhạc ở trong sân khấu, khán giả đến xem biểu diễn thì thấy rất vui nhộn, rất sôi động, tuy nhiên với người nghệ sĩ, làm việc liên tục 5-7 tiếng thì đó lại trở thành vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Bên cạnh đó việc điều khiển những con rối nặng, ngấm nước cũng là thách thức không hề dễ dàng với những người nghệ sĩ, đặc biệt với nghệ sĩ trẻ mới vào nghề. Chính những khó khăn đó cũng là chiếu "phễu" nhằm thanh lọc với những nghệ sĩ không có đủ đam mê, nhiệt huyết. Sự tự hào vì những cống hiến với nghệ thuật, sự ghi nhận của khán giả và quan trọng nhất chính là tình yêu với văn hóa truyền thống trong mỗi người nghệ sĩ giúp chúng tôi vượt qua hết mọi khó khăn của nghề - NSƯT Quốc Khanh bày tỏ.
Chút bâng khuâng người nghệ sĩ dịp Tết
Những ngày Tết thường các gia đình đều sum họp và mọi người tranh thủ nhóm tụ bạn bè để thăm hỏi, vui chơi cùng nhau, còn với nghệ sĩ Quốc Khanh, 25 năm làm việc tại Nhà hát múa rối Thăng Long, anh chưa bao giờ nghỉ tết. Nhà hát có 2 đoàn diễn viên sẽ làm cách nhật ngày làm, ngày nghỉ và cứ luân phiên như vậy trong 365 ngày không kể ngày lễ, tết.
Ông Khanh chia sẻ: "Thông thường có năm tôi diễn vào đêm 30, có năm diễn vào mùng 1. Tôi sẽ có 3-5 suất diễn trong rạp sau đó ra hồ Hoàn Kiếm để tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả dịp giao thừa, đầu năm. Nếu nói là không bâng khuâng thì không đúng vì ngày lễ, tết ai cũng muốn được về bên gia đình để sum họp. Nhưng chúng tôi cứ miệt mài từng ngày như vậy từ năm này qua năm khác và có lẽ tôi sẽ tiếp tục duy trì cho đến ngày mình về hưu".
NSƯT Quốc Khanh nhấn mạnh, mỗi công việc có một đặc thù riêng và những khó khăn về môi trường cũng như thời gian làm việc đều vượt qua hết bởi với người nghệ sĩ, được biểu diễn là một may mắn. Hơn nữa họ còn là những người nghệ sĩ góp phần giữ gìn và mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả. Một chút nỗi niềm nhỏ đấy của những người nghệ sĩ mà mang lại niềm vui cho rất nhiều khán giả thì điều đó cũng xứng đáng.
Nhờ có những Nhà hát và những nghệ sĩ vượt qua những khó khăn thử thách của nghề mà các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và múa rối nói riêng vẫn bền bỉ trường tồn và khẳng định theo thời gian, thắp sáng tình yêu di sản văn hóa dân tộc, ươm mầm cho thế hệ tương lai gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống. Để mỗi mùa xuân về, những tích trò lại rộn ràng trong điệu nhạc xuân.