Nghệ sĩ với Tết xưa và Tết nay
Tết Nguyên đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết cổ truyền, là dịp lễ đầu năm mới theo cách tính lịch âm. Ở Việt Nam, Tết được tính bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp với lễ cúng Táo Quân và tiếp theo là lễ cúng tất niên chiều 30 Tết, ngày cuối cùng của năm cũ, và lễ cúng giao thừa đón năm mới vào giây phút đầu tiên trong ngày đầu tiên bước sang năm mới. Nhiều nơi còn có thêm lễ cúng đưa ông bà ông vải vào ngày mồng 3 Tết. Sau lễ cúng đưa ông bà ông vải hoặc lễ hạ cây nêu, coi như đã hết Tết.
Tết là dịp để các gia đình sum họp bên nhau, cùng thăm hỏi người thân, dành những lời chúc phúc tốt đẹp mừng nhau trong năm mới và thực hiện tục thờ cúng ông bà tổ tiên trong 3 ngày Tết. Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện thú vị về Tết xưa và Tết nay cùng các nghệ sĩ Việt với những trải nghiệm Tết của họ.
NSND Thanh Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam): Chỉ cần bước chân vào chùa thành tâm thắp một nén nhang là đã có Tết
- Với chị, Tết xưa và Tết nay khác nhau những gì?
+ Ngày xưa thời còn chưa làm quản lý thì gần như Tết năm nào tôi cũng đi lưu diễn ở nước ngoài phục vụ kiều bào xa Tổ quốc. Những tích chèo cổ, lời hát xẩm, câu hát văn, cung đàn tiếng hát làm ấm lòng người xa quê. 9 năm nay, từ ngày lên làm quản lý Nhà hát Chèo, tôi không còn đi lưu diễn mà ở nhà để lo chu toàn cho nhà hát. Nhà hát Chèo có hai địa điểm, nơi làm việc ở khu văn công Mai Dịch, nơi biểu diễn tại rạp Kim Mã (phố Kim Mã) một chốn đôi nơi mà mình cũng coi hai địa điểm này như ngôi nhà chung của mình và anh chị em trong nhà hát.
9 năm nay, chu trình đều răm rắp là sau khi làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên chiều 30 Tết, rồi hương khói dọn dẹp cho đến gần sang thời khắc năm mới, tôi tới cơ quan ở khu văn công Mai Dịch đón giao thừa, trực tiếp thăm hỏi những gia đình cán bộ nhân viên ở lại nhà hát. Mọi người cùng nhau sang cơ sở hai của Nhà hát Chèo Việt Nam là rạp Kim Mã thắp hương ban thờ, cũng có mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, câu đối đỏ, chúc Tết những nhân viên trực tại rạp, kết thúc đi bộ sang chùa ngay cạnh rạp để thắp hương đầu xuân. 4 địa điểm đó cả chục năm nay không bao giờ thay đổi, mình đi một vòng tròn và trở về nhà vào lúc 4 giờ sáng.
Sang ngày mồng 1 Tết, tôi vẫn làm trách nhiệm của một người chủ trong gia đình làm mâm cơm cúng tổ tiên ông bà, xong đến cơ quan trực, đến chiều qua thăm bên nhà nội. Tới chiều muộn bao giờ tôi cũng đi dự vấn hầu khai hội đầu xuân của một người rất nổi tiếng. Là một nghệ sĩ hát chèo, hát xẩm, hát văn, mình được ăn lộc Tổ, trong hát văn ca ngợi công lao to lớn của các vị Thánh, Mẫu có trong đạo thờ tam, tứ Phủ của người Việt, nên đến đền, phủ vào dịp Tết là mình đắm say với những câu ca tiếng đàn.
- Chị thường cầu gì vào đầu năm?
Cái gì mình yêu thì mình sẽ tìm đến, trước đây mỗi lần đi lưu diễn nước ngoài đến nơi nào có ngôi chùa, ngôi đền ở gần đấy là mình phải sắp xếp tới cho bằng được, nếu không đến được sẽ cảm thấy như thiếu một cái điều gì đó, không thoải mái trong lòng. Cũng không cần mâm cao cỗ đầy, mà chỉ cần bước chân vào chùa thành tâm thắp một nén nhang thôi, cũng không cần phải cầu gì ghê gớm cả, mong cho bản thân và gia đình được khoẻ mạnh, bình an, mọi người anh chị em và các cháu trong nhà hát công việc được hanh thông, năm nay mong dịch Covid đừng hoành hành để mọi người có thể chạy chương trình. Thành tâm khấn lễ thì mình thấy an lòng, tâm an đó cũng xuất phát từ: “Con người có tổ tiên nguồn cội, đất có thổ công, sông có hà bá”.
Đạo diễn, NSND Phạm Nhuệ Giang: Trước Tết bao giờ cũng đi du xuân các tỉnh vùng cao phía Bắc
- Ai cũng có quá khứ và gọi tên kỉ niệm, với một đạo diễn sinh ra trong một gia đình đặc biệt làm nghệ thuật nức tiếng như chị, hẳn sẽ có những điều thú vị?
+ Hà Nội ngày nay đã khác xưa nhiều lắm, những con phố rộng dài, những đại lộ và toà nhà cao tầng, những khu đô thị mở rộng. Phố phường cũng ồn ào, đông đúc hơn, cuộc sống hối hả và gấp gáp nhưng trong những giây phút lắng lòng và sống chậm lại sẽ nhớ tới Hà Nội của một thời khói lửa. Đó là những năm trước giải phóng, dân mình còn nghèo, tiêu chuẩn Tết của gia đình theo bố tôi (NSND Phạm Văn Khoa) mỗi người được 1kg gạo nếp. Nhà có 3 người được 3 kg gạo. 1 kg gạo nếp gói được 2 bánh chưng. 3 bố con được 6 bánh chưng. Bố tôi là người quảng giao, đông bạn bè, nên gạo chưa về tới nhà là đã sang nhà bạn để bạn bè gói bánh chưng hộ. Tết năm nào cũng vậy, ngoài 6 bánh tiêu chuẩn ra, bao giờ cũng được bạn bè của bố tặng thêm cho 4 bánh chưng. Bánh chưng ngày đó không nhiều nhân như bây giờ. Thời đó, không có tủ lạnh, nhiều khi bánh chưa kịp ăn đến để bị mốc thì bố tôi lại cắt chỗ mốc vứt đi rồi cho vào chảo rán vàng.
Tuổi thơ tôi học ở trường nhạc, ấn tượng của tôi về Tết là thấy bố phải xếp hàng rất vất vả ở cửa hàng mậu dịch để có được một túi đồ Tết. Về đến nhà, bố mở túi đồ ra có một ít trứng chim, hộp mứt, cùng một túi nhỏ thịt lợn mua tem phiếu. Bây giờ chắc không ai hình dung ra tiêu chuẩn Tết chỉ có thế. Đến những năm sau giải phóng, nếp sống cũng thay đổi. Nhà tôi có chiếc tủ lạnh nhỏ nhưng chẳng bao giờ có đủ bánh chưng để cho vào tủ. Cuộc sống khốn khó của những năm tháng sau chiến tranh vẫn mong đến Tết để đêm 30 nghe tiếng pháo Bình Đà, sang sáng mồng 1 xác pháo đầy trước ngõ, được ăn con gà cúng đêm 30, gia đình có nồi măng, mộc nhĩ để nấu miến hay ngửi được mùi thơm của nem rán.
- Vâng, những bà, những mẹ ngồi rửa từng chiếc lá dong bên vòi nước ở khu tập thể, hay buổi tối trời se lạnh cả đám trẻ ngồi quây xung quanh nồi nấu bánh chưng xanh bên bếp lửa bập bùng là hình ảnh quen thuộc của Tết Hà Nội xưa...
+ Hồi đó, nhà ai ngày Tết gói được nhiều bánh chưng thì được coi là nhà giàu. Nhiều nhà có thể gói mấy chục cân gạo và cứ mỗi lần nhìn thấy bánh chưng được vớt ra xếp thành một hàng dài trên kệ gỗ một gia đình nào đó, trong lòng tôi hơi gato một tý vì nghĩ gia đình họ giàu hơn gia đình mình.
Bố tôi là một người phóng khoáng, ông không bao giờ có khái niệm phải giữ tiền, ông hào phóng với bạn bè và con cái trong gia đình. Mỗi khi nhận được tiền lương là ông lại tới quán ăn của người Hoa trên phố Hàng Buồm mua thịt quay về cho anh em tôi ăn và cứ đến cuối tháng là hết tiền, gia đình lại lâm vào tình cảnh túng bí. Chính vì vậy nên Tết với gia đình là cả một sự vật lộn nhưng dù có nghèo đến mấy thì năm nào trong nhà cũng phải có một cành đào rất đẹp. Ông thường nói: “Tết mà trong nhà không có cành đào thì không phải là Tết”.
Bố tôi thích bích đào, đó là giống đào hoa nở to, cánh dầy. Thời xưa, Tết cổ truyền món ăn tinh thần chính là cành đào. Sáng đến chiều 30 là gần như nhà nào cũng có một lọ hoa to để chơi Tết.
Bố chồng tôi - NSND Hải Ninh cũng rất thích đào, nhưng là giống đào rừng Tây Bắc nẩy nụ bung hoa rất đẹp. Ngày bố chồng tôi còn sống, hàng chục năm như thông lệ đều đặn vào ngày 26, 27 Tết, hai vợ chồng tôi cùng nhóm bạn lên các tỉnh miền núi để tìm chọn một cành đào rừng mang về cho ông. Nhà tôi nhỏ nên không để được cành đào rừng cao đến vài ba mét nhưng bên nhà bố chồng tôi không gian rộng, anh Thanh Vân rất chiều cha, thường chọn cành đào rừng thân mốc to, khoẻ, gốc xù xì đa phần là chơi qua rằm đến tận ra giêng. Từ ngày bố chồng tôi mất, hai vợ chồng tôi hàng năm vào dịp giáp Tết vẫn có những chuyến đi lên các tỉnh miền núi phía Bắc như Mộc Châu, Sơn La, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Tà Xùa ngắm cảnh sắc của đất trời vào xuân. Chuyến đi du xuân của chúng tôi từ 2 đến 3 ngày về tới Hà Nội vào 29 Tết, hai vợ chồng lại rủ nhau vòng ra các chợ hoa làng hoa Nghi Tàm, Âu Cơ, chợ hoa phố Hàng Lược mua bó hoa tươi và bao giờ cũng chọn cành đào nhỏ để lên ban thờ cúng ông bà tổ tiên...
NSND Thu Hà: Chọn phương tiện xe buýt để du xuân là trải nghiệm cực kì thú vị
- Một người phụ nữ dịu dàng và có tâm hồn mây gió phong phú như chị hẳn cái Tết cũng sẽ rất đặc biệt!
+ Ngày Tết với phụ nữ ngậm ngùi nhiều lắm, những kí ức, những tương lai, và cả sự mơ mộng. Dịp Tết đó là sự kết thúc của năm cũ và chào đón năm mới với biết bao nhiêu thắc mắc, không biết năm tới sẽ có điều gì tới với mình, người ta gọi mùa xuân là mùa của hi vọng.
Mình thích lắm không khí Tết ở Hà Nội, vì lúc đó để có giây phút tĩnh lặng và đường phố đẹp thì phải là những ngày Tết mà khoảnh khắc đấy không nhiều, chỉ có thể là 30 Tết, mồng 1, bây giờ mồng 2 Tết phố phường đã đông. 30, mồng 1 đi thăm ai cũng rất vắng vẻ, ngày Tết ở Hà Nội mình chỉ nghĩ đến việc đi chùa. Sáng ngày mồng 1 sang nhà bà ngoại xong, tất cả đi đến những ngôi chùa trong khắp thành phố để lễ.
Trừ những năm về quê, còn nếu ở Hà Nội, tới khi trưởng thành và cả bây giờ khi gia đình có tất cả các phương tiện nhưng mình vẫn thích cảm giác được lên xe buýt để đi chơi. Nhiều năm liền, mình lên xe buýt đi chùa là cái thú cực kì sung sướng. Và mình sẽ chọn đi tuyến Hồ Tây đầu tiên. Xe buýt sẽ đưa vòng quanh hồ, mình đi khắp các chùa, cứ đến chùa nào là mình lại nhảy xe buýt xuống rồi dạo bộ vào chùa hay lắm. Mình chọn Hồ Tây vì đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng bậc nhất của Hà Nội, với nhiều sự tích từ đời xưa truyền lại, đặc biệt là các ngôi chùa cổ được xây dựng từ đời Lý, thời Trần, gắn liền với Phật giáo Việt Nam. Bao quanh hồ là các ngôi chùa ở đường Lạc Long Quân như chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên, chùa Thiên Niên hay chùa Kim Liên trên phố Từ Hoa trong làng Nghi Tàm, chùa Võng Thị ở phố Võng Thị, chùa Tứ Liên ở đường Âu Cơ, chùa Hoằng Ân nằm gần phủ Tây Hồ ở phường Quảng An, chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam nằm cạnh Hồ Tây ở cuối đường Thanh Niên...
Mình cũng chọn xe buýt làm phương tiện để đi tứ trấn, mùa xuân cảnh quan chỗ nào cũng đẹp, sự trải nghiệm xe buýt cực kì thú vị. Năm nay, nếu không bùng dịch Covid, mình cũng vẫn thích đi xe buýt, cảm giác đấy thật tuyệt vời. Ngày Tết xe buýt vắng vẻ, mình ngồi trên xe qua cửa kính ngắm phố phường, ngày thường mình có được trải nghiệm những điều đấy đâu vì đường phố quá đông đúc. Cả một năm bận rộn công việc và gặp gỡ bạn bè nên dịp Tết là thời gian mình chỉ dành gặp những người thân ruột thịt trong gia đình và đi chùa, đi đền, đi đình.
- Ồ quả thật rất bất ngờ, vì một “Bạch Cúc doanh nhân sắc sảo”, một “Thu Hà tiểu thư của lá ngọc cành vàng” lại có sở thích vô cùng giản dị và bình dân đến vậy...
+ Ngày Tết mình cũng như bao nhiêu người khác, lo sắm sửa Tết. Mình có thói quen mua cành đào cắm Tết. Kể cả những năm về quê ăn Tết thì mình cũng phải đi sắm đào từ những ngày trước đó để cắm vào bình ở nhà trên Hà Nội. Việc mua đào sớm để chưng Tết cũng là thú mà mình đã làm hàng chục năm nay.
Từ tháng 11 âm lịch đến ra giêng lúc nào cũng có sự kiện, sinh nhật mình xong là cắm cây thông Noel, sau cây thông Noel dẹp vội để cành đào vào, xong rồi chọn quất, khi tàn đào mình lại cắm cành lê trắng. Bạn vừa nói đến sự nổi tiếng trong nghệ thuật của mình. Nói thật mình không phải là người giàu có, nên mình thành công, mình rực rỡ trong nghệ thuật, mọi người nhìn mình ở một vị trí nào đó chỉ ở lĩnh vực nghề nghiệp thôi, còn cuộc sống đời thường của mình vẫn giản dị quê kiểng như vốn thế. Mình đừng vì những sự thành công trong nghệ thuật mà tỏ ra cao sang quá, không ai gần mình đâu. Tiếp xúc với bạn bè, bà con lối xóm, nếu mà mình nghĩ mình như đang ở trên sân khấu thì có khi chính mình không gần được người ta chứ không phải người ta không gần được mình, dẫn đến mình sẽ luôn luôn là người cô đơn. Là người làm nghệ thuật, mình càng phải quảng giao gặp gỡ nhiều người giàu và thành đạt trong xã hội, cũng như người lao động bình thường. Với một người nghệ sĩ thì mình càng sống hoà đồng, càng có thêm nhiều những trải nghiệm đời sống, những kinh nghiệm quý giá từ thực tiễn. Người nghệ sĩ của nhân dân là vậy.
- Xin trân trọng cảm ơn chị!
NSND Tự Long: Không khí ngày giáp Tết tạo cho mình cảm giác rất kì lạ
- Anh thích Tết chứ?
+ Từ ngày bé đến bây giờ, Tết vẫn luôn làm cho mình rạo rực, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ ông bà, cha mẹ. Đối với các bạn trẻ bây giờ, có thể sẽ không còn những cái Tết như mình hồi xưa nữa bởi vì cuộc sống quá đầy đủ khiến cho cái bánh chưng có thể ăn bất cứ lúc nào chứ không phải đợi đến Tết mới được ăn, đợi đến Tết mới được ngửi vỏ hộp mứt, đợi đến Tết mới được mặc bộ quần áo mới, đợi đến Tết mới được mừng tuổi.
Cuộc sống bây giờ được cho tiền là bình thường, người ta có thể gửi phong bì cho nhau ở bất cứ cuộc nào từ dịp sinh nhật, chúc mừng Tết tây, lâu lâu đến chơi với nhau mà không biết mua cái gì thì cũng tặng nhau cái phong bì. Điều đó lột tả cuộc sống ngày nay rất đầy đủ, thực tế nhưng cảm giác thiêng liêng của 3 ngày Tết thì không còn được như ngày xưa, mọi thứ ranh giới giữa ngày bình thường và Tết dường như đã bị xoá nhoà.
Ai đó có nghĩ Tết sẽ quá mệt mỏi với các lễ nghĩa và tìm cách trốn Tết bằng việc vợ chồng con cái đi nghỉ hoặc đón một cái Tết ở một nơi nào đó xa xôi, một đất nước khác để tránh đi cái cảm giác là năm nào cũng phải gói bánh chưng, thịt lợn, gói giò, dưa hành, đi lễ… Tết còn phải đi mừng tuổi người này, gặp mặt người kia.... Nhưng cái sự mệt mỏi ấy tôi lại nghĩ là sự mệt mỏi cần phải có ở mỗi con người, nhất là những con người mang nặng tư duy truyền thống, mang nặng tình cảm đối với gia đình, quê hương. Đám trẻ ngày nay sẽ không có được cảm xúc giống như mình ngày xưa vì chúng không lớn lên trong bối cảnh đó. Nhưng thật là tiếc nếu Tết truyền thống dần mất đi những nghi thức thiêng liêng, thì chúng ta sẽ đánh mất dần bản sắc của người Việt. Kiều bào ở nước ngoài sống xa xứ và giàu có nhưng họ không bỏ được phong tục của quê hương, nơi xa họ vẫn tổ chức Tết cổ truyền.
Bây giờ mà mất đi hơi thở của Tết thì sẽ không còn những giá trị truyền thống nữa. Tại sao trong đêm 30 Tết, trong thời khắc giao thừa, giao thời giữa đất trời và con người, một nén nhang được châm lên, lúc đấy với tôi tất cả mọi thứ như bị ngưng lại. Chỉ trong thời khắc rất là đặc biệt ấy, chúng ta cảm nhận được sự ngưng lại đấy đó chính là hơi thở của Tết. Những người hoài niệm, sống nặng về truyền thống lễ giáo gia đình, họ chỉ mong lưu giữ lại cảm xúc đấy, và với họ, Tết họ sẽ biết nâng niu và trân trọng giá trị tinh thần của cha ông ta để lại.
Trẻ con thích Tết vì chúng chẳng phải nghĩ gì. Ngày xưa, khi còn khó khăn, mỗi lần đến Tết, tôi lại thấy bố có vẻ khổ sở. Tôi hay nói với bố mình là: “Tại sao bố cứ sợ Tết như thế?”. Nhưng mình hiểu vì ngày đấy, ông bà cha mẹ mình còn nghèo lắm, cả gia đình cứ phải để dành đồ ăn thức uống, cái gì ngon nhất cho mấy ngày Tết, nhưng bây giờ trẻ con không còn cái cảm giác đấy nữa. Thích Tết là thích cảm giác, không khí của Tết, chứ ai đó nói không thích Tết tôi tin rằng do người đó lo lắng, mệt mỏi quá nhiều những chuyện khác trong cuộc sống, hoặc họ chưa từng được hạnh phúc, hay gia đình hạnh phúc thì mới sợ Tết, chán Tết. Với tôi, cảm giác Tết mà được đi chọn quất, chọn đào, ra chợ hoa ngày Tết, không khí của ngày giáp Tết tạo cho mình cảm giác rất kì lạ và không phải lúc nào cũng có được không gian và không khí đấy.
- Là gương mặt Táo quen thuộc của truyền hình trong chương trình: “Gặp nhau cuối năm”, hẳn anh còn có nhiều cái Tết vô cùng bận rộn?
+ Gần Tết ai cũng bận đối nội, đối ngoại, với riêng các nghệ sĩ thì bận các chương trình kịch mục. Tết nhiều khán giả ngóng đợi chương trình Táo quân, một chương trình gắn liền với hơi thở của rất nhiều người, trong đấy có những bạn trẻ người Việt. Một lần, một bạn trẻ nói với tôi: “Chú ơi, cả một kí ức tuổi thơ của cháu là chương trình Táo quân. Tết của sinh viên buồn vì không có tiền, về quê ăn bám bố mẹ, xe cũng không có để đi, chúng cháu nằm nhà mong ngóng không biết chương trình Táo quân năm nay có gì hay. Bố chuẩn bị ban thờ tổ tiên ông bà chiều 30, mẹ cũng tranh thủ dọn dẹp nhà tinh tươm gọn gàng để 8 giờ tối là cả nhà quây quần xem Táo quân”. Lần khác, gặp một anh lái xe Grap, anh nói: “Tôi xem Táo từ ngày còn trẻ đến giờ đã gần 20 năm, đã có vợ có con và giờ có thêm cháu rồi. Tối 30 Tết, cả gia đình mấy thế hệ cứ đợi đến giờ để được xem chương trình Táo quân, những khuôn mặt Tự Long, Xuân Bắc, Công Lý, Quốc Khánh, Chí Trung, Vân Dung như một món đặc sản không thể thiếu trong dịp Tết tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới”.