Nghệ sĩ và niềm tin vào chính mình

Thứ Bảy, 30/11/2024, 14:30

Nếu tất cả những gì chúng ta có thể biết và trải nghiệm là chính bản thân mình, thì làm sao có thể sống trọn vẹn nếu ta từ chối chính mình ngay cả khi chưa thử cố gắng? Nếu chúng ta ẩn mình hoặc ngăn cản bản thân vì sợ bị người khác từ chối, về bản chất, chúng ta đang từ chối chính mình trước tiên; người duy nhất mà chúng ta thực sự và không thể tránh khỏi phải sống cùng?

Hành trình từ mất tất cả đến có tất cả của Emil Ferris

Emil Ferris (1962), sinh ra tại phía Nam Chicago, Mỹ, có bố mẹ đều là nghệ sĩ. Từ khi sinh ra, Ferris đã được bác sĩ chẩn đoán rằng bà sẽ không thể sống quá tuổi 30. Thêm vào đó, cho tới năm 3 tuổi bà mới có thể cất những bước đi đầu tiên trong cuộc đời. Trong những năm tuổi thơ ấy, vì không thể đi lại, bà chọn vẽ làm người bạn thân của mình. Gặp vấn đề thể chất, tham gia các trò chơi hoạt động với chúng bạn là một điều khó khăn, bà chọn kết bạn bằng cách kể chuyện. Từ đó nghệ thuật và kể chuyện chính là lối thoát cho tuổi thơ khó khăn của bà.

image001.jpg -0
Emil Ferris. (Ảnh JOEL SAGET)

Qua nhiều năm nỗ lực chữa trị, bà chứng minh rằng bác sĩ đã sai khi vượt qua tuổi 30. Vào thời gian ấy, bà có cơ hội đi Los Angeles để theo nghiệp viết lách. Nhưng cuối cùng bà lại chọn ở lại Chicago để chăm sóc cô con gái sơ sinh của mình. Vì là một người mẹ đơn thân, bà đã phải cố gắng rất nhiều để trang trải cuộc sống. Bà vừa vẽ minh họa, vừa làm đồ chơi cho bộ sưu tập Happy Meal Toys của McDonalds. Đó có thể đã là một cuộc sống ổn định, cho tới khi một sự kiện bất ngờ xảy ra vào năm Ferris 40 tuổi, thay đổi hoàn toàn cuộc đời bà.

Sau bữa tiệc sinh nhật của mình, Ferris bị nhiễm virus Tây sông Nile do muỗi cắn, dẫn đến mê sảng kéo dài 3 tuần. Khi tỉnh dậy, bà được chẩn đoán liệt nửa thân dưới, nhưng điều tồi tệ hơn là tay phải của bà bị tổn thương nghiêm trọng, khiến bà không thể cầm bút - thứ duy nhất giúp bà kiếm sống.

Sau nhiều tuần điều trị, bà quyết định bắt đầu lại từ đầu. Vì tay không thể cầm bút, Ferris nhờ con gái dùng băng dính cố định cây bút vào tay mình. Dù không thể vẽ như trước, bà phải thay đổi kỹ thuật vẽ hoàn toàn. Quá trình này rất khó khăn và tốn nhiều thời gian để làm quen, nhưng cuối cùng, Ferris đã hoàn thành bức vẽ đầu tiên: chân dung của chính mình. Bức tranh còn đặc biệt ở chỗ, dưới chân dung của bà, cô con gái 6 tuổi đã vẽ thêm một cảnh tượng - bà đứng dậy khỏi chiếc xe lăn và hoàn toàn khỏe mạnh.

Nhờ niềm tin vào bản thân và nghệ thuật, Ferris không từ bỏ. Bà nộp hồ sơ vào Học viện Nghệ thuật Chicago - nơi cha mẹ bà từng học. Trong đơn ứng tuyển, Ferris thẳng thắn chia sẻ rằng bà không thể làm những gì mình đã làm trước đây và không có khả năng chi trả học phí. May mắn thay, bà không chỉ được nhận mà còn nhận được một suất học bổng toàn phần. Bà đã tận dụng cơ hội này để phát triển phong cách riêng của mình, và đặc biệt là để theo đuổi đam mê viết truyện tranh.

image003.jpg -1
Tác phẩm đầu tiên của Emil Ferris sau khi hồi phục.

Lớn lên với Mad Magazine và các tác phẩm của Charles Dickens, bà đã nuôi trong mình đam mê kể chuyện bằng hình ảnh. Nhưng một biến cố tuổi thơ đã khiến đam mê ấy bị chôn vùi khi bà bị người chú bạo hành khi đang xem hoạt hình. Sang chấn ấy nghiêm trọng tới nỗi Ferris đã không thể xem hoạt hình hoặc vẽ theo phong cách hoạt họa trong hàng thập kỷ. Giờ đây, nhờ niềm tin vào nghệ thuật, bà đã vượt qua tất cả rào cản tâm lý để tốt nghiệp với đồ án truyện tranh gồm 24 trang. Bà đã tự bước lên bục tốt nghiệp bằng chính đôi chân của mình dù cho bác sĩ can ngăn. Đó như một sự khẳng định về ý chí và niềm tin vào chính mình của Ferris.

Ferris tiếp tục sáng tác không ngừng, làm việc 16 giờ mỗi ngày. Học viện cấp cho bà một khoản trợ cấp nhỏ, đủ để duy trì việc sáng tác. Nhưng khi khoản tiền này cạn kiệt, Ferris bắt đầu làm công việc dọn dẹp nhà cửa, tới tối, bà lại quay về thắp tiếp ngọn lửa đam mê. Tình trạng tài chính khó khăn kéo dài, thậm chí bà phải mượn bạn bè tiền để sống qua ngày. Có những lúc không thể mượn được tiền, bà phải đến siêu thị ăn thử sản phẩm miễn phí và uống cà phê miễn phí ở ngân hàng.

Tình trạng ấy được duy trì tận 6 năm. Trong thời gian đó, người đại diện của Ferris đã gửi bản thảo đi khắp nơi, và họ bị từ chối không chỉ 1 mà đến tận 48 lần. Cuối cùng, Nhà xuất bản Fantagraphics đã quyết định xuất bản tác phẩm đầu tay của Ferris, "My Favorite Thing is Monsters". Tuy nhiên, một thách thức khác lại xuất hiện khi công ty vận chuyển 10.000 bản in từ Trung Quốc về Mỹ gặp phải sự cố tài chính, dẫn đến tàu bị chính quyền Panama tịch thu. Trong 6 tháng, Ferris đã lỡ mất dịp phát hành tác phẩm của mình, hơn hết, bà không hề biết số phận những cuốn truyện ấy sẽ đi về đâu với con tàu chở hàng. Cuộc sống khó khăn của bà chỉ còn trông chờ vào số bản in ấy, và giờ tương lai của bà gần như vô định. Ferris phải kêu gọi cộng đồng quyên góp tiền để giúp bà có thể sống qua ngày.

image005.jpg -2
Bìa sách “My Favorite Thing Is Monsters”.

Cuối cùng, sau 6 tháng, những bản in của "My Favorite Thing is Monsters" cũng được chuyển đến và tác phẩm của Ferris chuẩn bị đến tay công chúng. Tháng 2/2017, “My Favorite Thing is Monsters” chính thức được xuất bản, ở thời điểm đó, tác giả cuốn sách đang trong tình trạng nghèo đói cùng cực. Tác phẩm nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ các nhà phê bình và độc giả. Ferris xuất hiện trên các tờ báo lớn như The New Yorker, The New York Times, và The Guardian. "My Favorite Thing is Monsters" trở thành một hiện tượng, với nét vẽ độc đáo, được tạo ra từ giấy kẻ ô ly và bút bi - những vật liệu hết sức đơn giản và rẻ tiền. Nhưng chính niềm đam mê, sự ám ảnh và niềm tin vào bản thân mới là thứ tạo nên giá trị của tác phẩm. Ferris đã không từ bỏ khi đối diện với khó khăn. Bà tin tưởng vào bản thân và đam mê của mình, bất chấp mọi thử thách. Hành trình của bà là một minh chứng cho việc kiên trì theo đuổi ước mơ và không bao giờ từ bỏ dù cuộc sống có nghiệt ngã đến đâu. "Số phận" là một khái niệm mà Ferris không chấp nhận, và bà đã chứng minh rằng, chỉ cần niềm tin và sự kiên định, mọi thứ đều có thể thay đổi.

Niềm tin vào nghệ thuật là niềm tin vào chính mình

Từ câu chuyện của Emil Ferris, chúng ta có thể thấy được vai trò của niềm tin là quan trọng đến thế nào trong cuộc sống, đặc biệt là trong nghệ thuật. Nghệ sĩ luôn là những người có sự nhạy cảm tuyệt vời, cũng vì điều đó khiến cho họ rất dễ gục ngã trước những cú sốc. Bù vào đó, khi họ đã tin tưởng bản thân và con đường họ chọn, họ trở nên bất khả chiến bại.

Nghệ thuật là một con đường đầy gian nan, và nghệ sĩ chính là những người hiểu rõ điều đó nhất. Từ việc tài chính bấp bênh, cho đến việc dù có tài năng đến đâu, họ vẫn phải vật lộn để kiếm sống, đôi khi phải làm tất cả để lấp đầy chiếc bụng đói. Đến việc hy sinh đời sống cá nhân để phục vụ nghệ thuật. Có thể người đời nhìn vào họ như những kẻ điên rồ, lập dị và bất chấp tất cả, nhưng thực chất, để có thể sống như vậy, nghệ sĩ cần một niềm tin vững vàng vào chính mình và con đường mình đang đi.

Các nghệ sĩ, nhà tư tưởng, nhà văn vĩ đại và những người tương tự không nhất thiết vĩ đại chỉ vì họ có quyền tiếp cận với một nguồn thông tin hay một trạng thái tồn tại cao cấp, độc quyền nào, mà vì họ sẵn sàng đối diện và thể hiện một cách chân thật những gì họ cảm nhận trong từng khoảnh khắc của cuộc sống, bất chấp việc điều đó có thể phản ánh như thế nào so với chuẩn mực chung. Và qua đó, họ không chỉ hé lộ quan điểm độc đáo của mình về thế giới, mà còn những suy nghĩ và cảm giác ẩn giấu trong lòng nhiều người khác, những người cũng cảm nhận như vậy. Có thể nói, nghệ sĩ và nhà văn vĩ đại nổi tiếng không vì họ nói ra điều mà chưa ai nghĩ đến hay trải qua trước đây, mà vì họ nói lên điều mà hầu hết chúng ta đều cảm thấy, nhưng lại không chắc chắn liệu mình có đúng khi làm như vậy không.

Tuy nhiên, niềm tin phải luôn đi đôi với suy nghĩ thấu đáo. Không thể đơn giản nói rằng "vì tôi tin vào điều này, nên bạn cũng phải làm như vậy" hoặc "vì niềm tin của tôi, tôi có quyền đánh đổi sự an lành của người khác". Niềm tin xuất phát từ trái tim, nhưng trái tim của nghệ sĩ luôn đầy ắp đam mê và nhiệt huyết. Tuy nhiên, song hành với niềm đam mê đó, chúng ta cần giữ một cái đầu lạnh và một đôi mắt mở to. Thành công sẽ đến với những ai kiên định với con đường của mình, nhưng cũng biết giữ sự tỉnh thức để không đánh mất đi những giá trị đạo đức và tình cảm quý giá.

Tèo Phạm
.
.