Nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền: Nửa thế kỉ, một đào võ khó thay thế

Thứ Bảy, 15/06/2024, 14:42

Cho đến bây giờ, giới mộ điệu cải lương chẳng thể nào tìm ra một Triệu Thị Trinh trong vở “Nhụy Kiều tướng quân” và Bùi Thị Xuân trong “Nữ tướng Cờ Đào” như NSƯT Diệu Hiền. Tên tuổi của bà đóng dấu cho những vai diễn nữ trung hào kiệt lẫy lừng khắp các sân khấu lớn đến nỗi khán giả định danh Diệu Hiền là “Đệ nhất đào võ”.

“Nữ tướng” của cải lương

Diệu Hiền sinh năm 1945, quê gốc Bạc Liêu, mồ côi cha thuở lên 5 tuổi. Vậy nên, mãi sau này, khi đã là một tên tuổi lừng danh sân khấu, những đồng tiền kiếm được, bà luôn bao bọc, chăm lo cho mẹ, các em, thậm chí con cháu mà chẳng màng dành dụm gì cho mình. Tính khí khoáng đạt hệt như giọng hát hào sảng rổn rảng thanh âm ngân cao vút và đầy sự uy nghi. Dường như, làn hơi đó trời định sẵn dành riêng cho bà, cho một vị nữ tướng oai phong lẫm liệt trên sân khấu, nhưng cũng hào hiệp trượng nghĩa trong đời thường.

Nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền: Nửa thế kỉ, một đào võ khó thay thế -1
Nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền.

Sau khi cha mất, bà và mấy anh chị em theo mẹ lên Sài Gòn sống trên chiếc ghe rách nát cập bến Rạch Bầu. Nhưng, máu mê cải lương cứ vậy lớn dần qua chiếc radio nhỏ, thứ tài sản quý của mẹ bà hồi đó. Trong lần được mẹ dắt đi coi cải lương của đoàn Kim Thanh, ánh đèn sân khấu như có hấp lực dẫn dụ khiến bà bắt đầu nung nấu ý chí. Bà xin mẹ cho đi theo các đoàn hát. Cản ngăn mãi chẳng được, mẹ bà phủi tay nói lẫy biểu bà muốn đi đâu thì đi. Vậy là 14 tuổi, bà gom đồ theo gánh hát Hoa Lan - Xuân Liễu ở đình Phú Nhuận.

Chạy tà lọt cho những vai không tên, không thoại, lăn lóc từ đoàn này qua đoàn khác, đổi nghệ danh vài lần nhưng như duyên tổ an bày, trong lần thế vai mà cái nghệ danh Diệu Hiền đã đến với bà và bắt đầu chói sáng. Lần đó đoàn Hoa Sen lưu diễn trên Đà Lạt, bà được đôn lên thế vai ni cô Diệu Hiền trong vở “Hoa tàn trong am vắng”, khán giả ấn tượng đến nỗi gặp bà ngoài đời cứ kêu riết Diệu Hiền. Với bà, tên mình như tổ cho, mà tổ cho thì nhận và giữ gìn trong gần 70 năm đứng trên sân khấu. Năm 1993, bà được phong tặng NSƯT.

Tháng 4/2024, NSƯT Diệu Hiền hội ngộ cùng NSƯT Hoài Thanh trong chương trình Học viện cải lương, đây chính là “cặp đôi sóng thần” tạo nên vai diễn kinh điển Triệu Thị Trinh và Lê Minh trong vở “Nhụy Kiều tướng quân” đã lấy rất nhiều nước mắt của khán giả mộ điệu. Vai diễn Triệu Thị Trinh với điệu bộ oai phong cùng giọng hát sang sảng ngân vang vừa thể hiện khí chất lẫm liệt, vừa thấy được cái tình nữ nhi giữa nợ nước thù nhà và yêu thương lứa đôi. Câu vọng cổ “Lê Minh ơi ngày đưa tiễn năm xưa ta có hẹn khúc khải hoàn ca uống chung rượu đào thưởng công người dũng tướng. Sao người vội bỏ ra đi khi lửa đao binh vừa tắt lịm giữa sa... trường” trong trường đoạn độc diễn của Diệu Hiền như một thương hiệu gần nửa thế kỉ qua chẳng nghệ sĩ nào tái hiện được.

Bà có giọng kim, lên cao vút nhưng dày và pha được chất thổ vào, đó là đặc trưng của riêng Diệu Hiền, một tố chất trời ban để phù hợp những trường đoạn độc diễn cần sự biểu đạt nội tâm phức tạp. Câu vọng cổ được bà chuốt vang rền, uy dũng nhưng bắt đầu xuống xề lại nức nở, vỡ òa những xúc cảm. Bà đóng bộ, xuống tấn, đưa tay tra kiếm và khóc rồi cười. Điệu cười gằn như dằng xé tâm can trước sự hy sinh của người anh, người dũng tướng cùng chinh chiến trước cơn nguy biến của nước nhà. Lớp độc diễn này lấy đi nước mắt của khán giả một cách tài tình. Thế hệ đàn em, đàn cháu sau này vẫn luôn nói Diệu Hiền đã có khoảnh khắc “thần sầu” cho vai diễn đó để đời tên bà. Lớp độc diễn kinh điển và câu vọng cổ mang thương hiệu chính mình đã theo Diệu Hiền ruổi rong khắp từ Bắc chí Nam, thậm chí lưu diễn nước ngoài từ đầu những năm 80 cho đến tận bây giờ. Thoảng khi, trong các cuộc giao lưu gặp gỡ, khán giả lẫn bạn bè văn nghệ vẫn yêu cầu bà hát lại câu vọng cổ này.

Tình sân khấu về khuya

Hơn 10 năm trước, NSƯT Diệu Hiền chọn rời ngôi nhà nhỏ ở khu chung cư cũ để về Viện dưỡng lão Nghệ sĩ sống chung cùng bạn bè văn nghệ của mình. Bà có 5 người con, phần lớn cũng lấy sân khấu làm kế sinh nhai nên đôi lúc chỉ mình bả lủi thủi ở nhà. Bà nhất định dọn về viện dưỡng lão để tự do cuộc sống chính mình, với bà những năm tháng đằng đẵng xa nhà theo đoàn hát, sống cảnh gạo chợ nước sông quen dần lối “hồ thỉ tang bồng” nên bó buộc mình trong 4 bức tường chật hẹp không ai trò chuyện khiến bà thêm bứt rứt. Về viện dưỡng lão, bà có những người bạn nghệ sĩ, có những buổi tối quây quần kể chuyện đời, chuyện nghề, chuyện thăng trầm của sân khấu. Dẫu biết ánh hào quang đã lùi lại phía sau theo tuổi đời, theo bệnh tật, nhưng kí ức chính là thứ khiến những người như bà đi tiếp quãng đường “sân khấu về khuya” này.

Trong mớ kí ức của đời mình, mỗi lần nhắc lại bà vẫn rùng mình trước tai nạn năm 1979 khiến bà phải nghỉ hát hàng tháng trời. Lần đó đoàn diễn ở Cà Mau, chiếc ghe chở đoàn không may bị bốc cháy, bà bị phỏng nặng 2/3 lưng, phải nằm trên lá chuối non để thân thể không tươm mủ. Tay trái bà bị teo cơ, không cử động được. Khoảnh khắc đó, may thay, có người học trò đang vang danh khắp các sân khấu cải lương bỏ mọi sô diễn để chạy về Hậu Giang chăm sóc bà. Tỉ mỉ lo từng miếng cháo, bài thuốc, rồi động viên tinh thần cho bà.

Nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền: Nửa thế kỉ, một đào võ khó thay thế -0
Nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền trong vai Triệu Thị Trinh.

Chính lúc chới với đó, bà mới nghiệm ra cái tình sân khấu nó không chỉ là bạn diễn mà còn có thể hơn cả ruột rà máu mủ. Bà được người học trò vực dậy, tạo điều kiện, cho bà tiền mua đất, sửa nhà. Chỉ cần bà muốn làm gì, người học trò đó luôn xuất hiện cạnh bên. Như cái cách mà bà đã đến với anh những tháng ngày anh còn trẻ, những quãng đường lầm lỡ và luôn dang tay nâng đỡ để sau này sân khấu cải lương có được “Ông hoàng Hồ Quảng”, bởi bà nhìn ra được tố chất của anh chàng đó, ngay từ những bước đi chập chững trên sân khấu.

Người học trò đó của bà là NSƯT Vũ Linh. Rất nhiều lần chính Vũ Linh cũng thừa nhận đời mình dọc ngang chẳng ngán ai, chỉ sợ mỗi Diệu Hiền. Bà vừa là thầy, là mẹ, là chị bảo ban Vũ Linh từng nét đứng, dáng đi, tay ra bộ, chân đi xuyến, cách lấy hơi... Ngày Vũ Linh mất, dẫu vừa qua cơn bệnh nặng và đi lại khó khăn, bà vẫn nhất quyết đến viếng đứa em này. Trong lần chuyển nơi ở từ Viện dưỡng lão Nghệ sĩ về Viện dưỡng lão Thị Nghè, bước đi lấp bấp nhưng tay bà vẫn ôm chặt tấm di ảnh của Vũ Linh.

Sân khấu luôn có cái tình, chỉ cần sống tử tế, làm nghề đàng hoàng, tự khắc tổ sẽ đãi. Bà dùng đời mình thị phạm căn dặn thế hệ đi sau như vậy. Gần 70 năm đứng trên sân khấu, bà có một tình bạn đẹp với NSND Bạch Tuyết. Hai người đi chung đoàn từ năm 16 tuổi, cứ vậy mà gắn bó và yêu thương nhau cho đến ngày nay. Rất nhiều lần Bạch Tuyết sợ bà ở viện dưỡng lão buồn, kêu bà về nhà Bạch Tuyết ở chung. Biết tính bà không thích làm phiền ai, Bạch Tuyết hứa cất riêng cho bà một phòng đầy đủ tiện nghi cho bà sống thoải mái. Nhưng, năm lần bảy lượt bà đều từ chối. Bạch Tuyết cũng thường xuyên ghé thăm bà ở viện dưỡng lão. Hay, khi bà cần đi đâu chỉ chịu Bạch Tuyết đưa đón. Ngược lại, giờ bà lui về an dưỡng, không còn nhận lời xuất hiện trên sân khấu, nhưng nếu đó là sô diễn của Bạch Tuyết thì bà sẽ gật đầu. NSƯT Diệu Hiền là người sống trọn vẹn tình nghĩa, từ vai diễn trên sân khấu đến cuộc đời bên ngoài cũng vậy.

Những ngày đầu tháng 4/2024, bà đến giao lưu cùng khán giả của Học viện Cải lương, 79 tuổi, dẫu không còn khỏe, nhưng dưới ánh đèn sân khấu, nghe đờn rao, nghe nhịp song lang là bà lại gạt bỏ tất cả để thành nữ tướng trong những vở tuồng mà mãi chẳng thể tìm được người thay thế.

Tống Phước Bảo
.
.