Nghệ sĩ Quang Trưởng: Duyên phận phải “chèo”

Thứ Bảy, 09/12/2023, 12:52

Quang Trưởng, một nghệ sĩ tài năng trẻ của Nhà hát Chèo Hà Nội. Đam mê cháy bỏng cùng với tài năng trời phú và sự rèn luyện nỗ lực không mệt mỏi trên sàn tập đã đưa tên tuổi của nghệ sĩ Quang Trưởng trở nên quen thuộc, gần gũi với khán giả yêu chèo Thủ đô.

Ngoại hình đẹp, sáng sân khấu, giọng hát ấm áp, truyền cảm, lối diễn đầy cảm xúc, điêu luyện của anh đã nhanh chóng chinh phục những khán giả khó tính và hiếm hoi khi nghệ thuật truyền thống đứng trước những nguy cơ, thách thức trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay. Quang Trưởng thuộc thế hệ nghệ sĩ kế cận, là đào, kép chính để sân khấu chèo Thủ đô luôn đỏ đèn mời gọi và giữ chân khán giả, khiến họ chìm đắm trong làn điệu của những chuyện xưa, tích cũ hay những câu chuyện mang hơi thở hiện đại nhưng vẫn chứa đựng lòng vị tha, nhân hậu và tình yêu thương sâu sắc giữa người với người trong xã hội nhiều cám dỗ và lắm bon chen.

ảnh 1 - chân dung nghệ sĩ quang trưởng.jpg -0
Nghệ sĩ Quang Trưởng.

Từ tuổi thơ miền trung du…

Quang Trưởng sinh ra ở xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đó là một làng thơ mộng ven sông Thao phù sa đỏ ửng như màu má cô đào lẳng. Trưởng lớn lên trong không gian tràn ngập cổ tích, dân ca của bà, của mẹ. Trước đây, bà nội Trưởng là văn công. Bà từng đi biểu diễn cho bộ đội ở tuyến lửa trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Tiếng hát cao vút, trong trẻo của cô thôn nữ năm nào cất lên giữa giờ giải lao hay đêm văn nghệ đã át đi tiếng bom rơi, đạn nổ và cổ vũ, động viên tinh thần cho những người lính, giúp họ thêm yêu quê hương, vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Bà thường hát dân ca Bắc bộ và những làn điệu chèo viết lời mới với tiết tấu vui tươi, rộn ràng theo điệu Đào liễu, Luyện năm cung, Chức cẩm hồi văn… mà đến tận bây giờ nhiều khán giả ngày ấy còn hâm mộ.

Trưởng vẫn nhớ câu chuyện bà kể trên chõng tre ngoài sân giữa một đêm hè trăng sáng, đó là câu chuyện trời sinh ra con giun có mắt, còn con tôm thì không có mắt. Con tôm lấy làm ghen tức. Một lần, con tôm nghĩ ra kế hỏi mượn mắt của con giun một lúc để nhìn cảnh vật xung quanh cho thỏa nỗi ước mong rồi sẽ trả lại ngay. Con giun vốn tính thật thà lại tin tưởng bạn nên tháo đôi mắt cho con tôm mượn. Con tôm có mắt thì thích quá nên nảy sinh lòng tham không trả lại mắt cho con giun nữa. Từ đó, con tôm có mắt mà con giun thì không. Con tôm mượn được mắt thì đeo vội nên mắt nó vẫn còn lồi ra ngoài như sắp rụng.

Rồi câu chuyện trâu cho bò mượn yếm và cũng bị bò cướp mất yếm. Về sau trâu nhẫn nại kéo cày, kéo bừa trong gió rét vụ đông, đến cái yếm cũng chẳng có mà đeo, nhưng nó cứ lầm lũi bước đi không một lời oán thán. Trưởng bảo bà, con giun, con trâu dại quá bà nhỉ, nhưng cháu cũng thương nó lắm. Những câu chuyện cổ tích của bà đã dạy cho Trưởng bài học về lòng tin giữa con người với con người trong cuộc đời và tình thương với những thân phận thấp cổ, bé họng, chịu nhiều thiệt thòi. Những câu chuyện ấy cũng gần gũi với chèo, mượn chuyện loài vật để gửi gắm bài học nhân sinh, tư tưởng của con người.

Trong chèo, cái thiện thường thắng cái ác, điều tốt đẹp sẽ lấn những xấu xa, thấp hèn. Như con tôm có mắt, con bò có yếm có sống an nhiên không nếu những phẩm giá, lương tri được đánh thức từ trong sâu thẳm cõi lòng. Trưởng yên lặng nằm nghe rồi thiếp đi trong lòng bà từ bao giờ, tiếng chim năm trâu sáu cột từ đồng xa vẫn vọng vào trong giấc mơ thơ bé. Trong giấc mơ, Trưởng thấy con tôm đã tự trả mắt cho con giun, con bò đã trả yếm cho con trâu mà không cần đòi giống cái kết có hậu trong những vở chèo cổ như các sĩ tử tốt bụng, hiền lành luôn đỗ đạt, làm quan còn người vợ thì chung thủy, tiết hạnh cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng. Trưởng ngủ rồi mà nụ cười vẫn nở lấp lánh trên môi.

Mẹ Trưởng hát cũng rất hay, thời môi son, má phấn cũng từng muốn làm ca sĩ nhưng nhà nghèo quá nên đành gác lại ước mơ. Mỗi tiếng hát, vai diễn, điệu múa sau này trên sân khấu của Trưởng đều có hình bà, dáng mẹ giữa làng quê có ngọn đồi bát úp tràn ngập cổ tích, dân ca. Trưởng làm nghệ sĩ chuyên nghiệp là Trưởng đang viết tiếp ước mơ còn dang dở của bà, của mẹ.

Trưởng thường đi chăn bò trên đồi cọ. Trời trưa nắng gắt cũng là lúc bò no cỏ nằm nhai lại bóng râm. Trưởng tìm một gốc cọ tỏa bóng và ngồi hát cải lương. Ở làng thời đó, người làng nghe hát cải lương nhiều hơn hát chèo, những chiếc băng đĩa cải lương được treo trên gánh hàng rong được người bán chở bằng xe đạp đi khắp các đường thôn. Những làn điệu cải lương, tân cổ do ca sĩ Phi Nhung, Mạnh Quỳnh hát, Trưởng hát một lần là thuộc, vài lần là đã giống lắm rồi. Đến tối, Trưởng sang nhà cụ nội ngủ rồi hát cải lương cho cụ nghe. Cụ khen hay lắm, thằng cu này giỏi quá. Lúc đó, Trưởng mới học lớp 2 trường làng.

Đến năm lớp 3 thì cụ nội mất. Thế là chẳng còn cụ nội nữa để nghe Trưởng hát mỗi đêm. Đám tang cụ, Trưởng khóc như mưa rào vào hè. Tâm hồn nhạy cảm, tinh tế của một cậu bé hiền lành, nhân hậu đã biết thế nào là chia ly, mất mát trong kiếp người. Để sau này, Trưởng đem những buồn vui của thời thơ bé vào trong những nhân vật để diễn trên sân khấu, bắt đầu từ nỗi buồn của mình trong đám tang cụ nội.

Căn nhà ba gian có hàng cau liên phòng đón ngọn đông phong và giàn trầu xanh um trên bể nước giờ vắng quá chỉ còn bà nội. Những ngày giỗ tết, bà vẫn đợi Trưởng về để ngồi bên bếp lửa nghe Trưởng khoe về một làn điệu chèo khó Trưởng mới học, về một vai diễn mới mà Trưởng mới nhận. Trưởng về làng rồi lại đi xa, mang xuống chiếng chèo Thủ đô tình đất, tình người trung du trong mỗi vai diễn, mỗi làn điệu. Trưởng đang âm thầm, nỗ lực làm tốt vai trò của một nghệ sĩ biểu diễn trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, để nghệ thuật chèo - viên ngọc quý mà cha ông để lại được lưu truyền và lan tỏa qua bao nhiêu thế hệ, để viên ngọc ấy ngày càng được mài giũa mà tỏa sáng giữa nhân gian.

Đến kép chính Nhà hát Chèo Hà Nội

Anh trai của Trưởng đã theo nghề tuồng của ông bà trẻ trong họ làm diễn viên ở Nhà hát Tuồng Việt Nam. Bố không muốn Trưởng theo nghề “phường hát”. Trưởng có chút đam mê công nghệ, bố muốn Trưởng trở thành một lập trình viên công nghệ thông tin. Lúc Trưởng thi đỗ vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng là khi nhận được giấy báo của trường Đại học Hùng Vương. Bố bảo nếu đã chọn nghề chèo thì sướng khổ phải chịu, như duyên phận phải chiều. Trước khi thi, Trưởng đăng ký học lớp tạo nguồn 10 ngày. Cũng lo lắng vì các bạn học cùng nếu không phải con nhà nòi thì cũng đến từ vùng đất chiếng chèo nức danh thiên hạ.

ảnh 3 - và phá cách với vai bờm.jpg -1
Nghệ sĩ Quang Trưởng phá cách với vai Bờm.

Lúc thi, vốn liếng ít ỏi mà Trưởng có là làn điệu Lới lơ vừa mới thuộc lời. Thế mà Trưởng xuất sắc vượt qua ba phần thi hát, múa, diễn và vinh dự giành được ngôi vị thủ khoa đầu vào khoa Kịch hát dân tộc năm đó, một kết quả khiến bạn học và thầy cô không khỏi bất ngờ và khâm phục. Sau 4 năm miệt mài đèn sách, Trưởng cũng là thủ khoa đầu ra với tấm bằng loại giỏi. Trưởng đầu quân về Nhà hát Chèo Việt Nam trong hai năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, nhưng Trưởng kịp nhận vai chính Văn Nhường, một ông quan thanh liêm trong vở chèo "Thần giữ của" được phát sóng trên chuyên mục Nhà hát truyền hình.

Đời sống của người nghệ sĩ còn nhiều khó khăn, có lúc Trưởng cảm thấy tuyệt vọng muốn bỏ nghề, nhưng trong tim vẫn cháy bỏng ngọn lửa đam mê với chèo. Lời bố còn vẳng bên tai khiến Trưởng giật mình bởi đã chấp nhận đánh đổi tương lai để theo đuổi nghệ thuật. Trưởng lại xin đầu quân về Nhà hát Chèo Hà Nội. Trước khi thi tuyển vào nhà hát, Trưởng thi với tâm thế rất thoải mái với suy nghĩ nếu không đỗ thì duyên chèo đã hết, sẽ chuyển sang làm nghề khác, lúc đó không còn gì phải ân hận, tiếc nuối. Nhưng duyên chèo hết sao được khi Trưởng còn nhiều đam mê và tài năng đến thế.

Đến nay, Trưởng đã được các nhà hát giao 6 vai chính. Nếu ở 5 vai diễn trước, Trưởng khá an toàn, chỉn chu trong một kép thư sinh mực thước, khuôn mẫu thì đến vai diễn Bờm là một cuộc lột xác ngoạn mục. Bờm của Trưởng vừa có nét ngây thơ, tinh nghịch của một cậu bé thôn quê lại vừa có sự điêu luyện, cảm xúc của một nghệ sĩ đang vào độ chín. Và giọng hát ngọt ngào, ấm áp của Trưởng đã khiến khán giả phải lay động can tràng mà rơi nước mắt ở nhiều trường đoạn. Trưởng đã đưa ký ức của mình vào trong vai diễn. Tuổi thơ miền trung du rừng cọ, đồi chè của Trưởng hiện ra thật đẹp đẽ như mùa xuân tỏa nắng trang kim trên sân khấu chèo rộn rã trống chiêng.

Trưởng kéo cao khóa áo khoác, đội mũ bảo hiểm rồi lên xe nổ máy. Quán cà phê sắp đóng cửa và những người khách ra về gần hết. Đường phố vắng mãi chỉ còn ngọn đèn đứng gác. Hàng sấu trút lá xuống mặt hồ như muôn nghìn nốt nhạc. Đêm nay Hà Nội gió lạnh đầu mùa…

Hoàng Anh Tuấn
.
.