Nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang: Tôi may mắn vì âm nhạc đi cùng tâm hồn mình
Khá lâu rồi nghệ sĩ piano Lưu Hồng Quang lại trở về Việt Nam và chuẩn bị cho concert của anh tại Hà Nội mang tên “Hanoi The Transcendence”, trình diễn 12 tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại Franz Liszt. Anh nói, anh đang bước vào một hành trình mới, hướng vào bên trong mình để chinh phục những tác phẩm vĩ đại của nhân loại. Với anh, đó là những giá trị chân thực và ý nghĩa nhất của âm nhạc.
- Anh luôn dành những chuyến trở về Việt Nam với những tình cảm đặc biệt. Lần này, anh sẽ mang đến cho công chúng Việt Nam điều gì?
+ Lần trở về này chất chứa nhiều cảm xúc vì đây là buổi diễn độc tấu đầu tiên tôi chơi tại quê nhà sau hơn 2 năm rưỡi đại dịch COVID. Thời gian phong toả vì bệnh dịch thật khó khăn nhưng nhờ khoảng lặng đó tôi đã có cơ hội học và tập luyện những tác phẩm mà trước đây hiếm khi có thời gian hoặc không tưởng tượng được mình có thể thực hiện được, trong số đó là chùm 12 Transcendental etudes (tạm dịch là 12 khúc Etude siêu việt) của Franz Liszt.
Và đặc biệt hơn là vào tháng 12 năm nay là dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không - Hà Nội 12 ngày đêm, và đồng thời kỉ niệm 5 năm ra đời của đơn vị biểu diễn chuyên nghiệp Maestoso - ban tổ chức của chương trình này. Đây là một niềm vinh hạnh lớn lao cho tôi khi biểu diễn trong những dấu mốc ý nghĩa như vậy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - mái trường mà tôi chập chững từ những nốt đàn đầu tiên.
- Vì sao anh chọn 12 tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại Franz Liszt biểu diễn lần này? Nó có ý nghĩa như thế nào trong sự nghiệp của anh?
+ Từ “transcendental” còn có nghĩa là vượt qua mọi ngưỡng của giới hạn, với kỹ thuật, cường độ và nội dung, qua những dao động lớn nhất về hình ảnh, mọi tầng cảm xúc và tư tưởng. Đây là chương trình công phu nhất mà tôi từng thực hiện trong sự nghiệp. Các nghệ sĩ đã biểu diễn chương trình này đều là những người tôi vô cùng ngưỡng mộ từ thời sinh viên như Lazar Berman, Boris Berezhovsky, George Cziffra và gần đây nhất trong thế hệ trẻ là Daniil Trifonov và Yunchan Lim. Sự điêu luyện và chiều sâu của các bậc thầy đã truyền cho tôi một cảm hứng lớn lao và có thêm động lực để đóng góp những bước khởi điểm trong thời kì hội nhập của nước nhà vào các giá trị nghệ thuật cao cả của âm nhạc cổ điển - ngôn ngữ tinh thần nhân văn nhất của cả nhân loại.
Việc quyết định chơi bộ 12 Etudes Transcendental này đến với tôi giống như một ánh sáng mới và một ngọn núi mới đầy thách thức cần nhiệt huyết để chinh phục. Trong một đêm tăm tối chán nản bởi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tôi như đã được đánh thức bởi ngọn lửa mãnh liệt trong phần biểu diễn toàn bộ 12 Transcendental Studies của nghệ sĩ người Nga Daniil Trifonov. Tôi bắt đầu chơi thử một vài bản và được giáo sư hướng dẫn gợi ý rằng tại sao không thử chơi toàn bộ 12 Transcendental Studies này.
Ý tưởng này như một tia sáng giúp tôi vượt qua được những bóng tối trong tinh thần và tôi đã có một mục tiêu mới để hoàn thành, một thách thức không hề dễ dàng. Tôi hy vọng đêm diễn này có thể truyền cảm hứng tới các nghệ sĩ trẻ cổ điển Việt Nam, để họ thêm tự tin vào tiềm năng của mình và trong thời gian tới có thể bắt đầu thử sức cũng như chia sẻ cùng công chúng những tác phẩm, chuyên đề về âm nhạc cổ điển mang tầm vóc như vậy.
- Âm nhạc của Liszt “vạm vỡ, đòi hỏi một lối chơi đàn đầy học thuật, đẳng cấp và hoa mỹ”. Anh đã chinh phục và kết nối với âm nhạc của Liszt như thế nào?
+ Tôi không những yêu âm nhạc mãnh liệt của Liszt mà tôi vô cùng mến mộ ông như một nhà văn hóa, cách tân lỗi lạc của thế kỉ 19. Ông không những là một nghệ sĩ độc tấu vô song mà còn là nhà soạn nhạc với những bước đi táo bạo trong những ngôn ngữ âm nhạc mới. Ông còn là một chỉ huy, một người thầy (những năm cuối đời Liszt có đến hàng nghìn học trò mà ông không lấy tiền học). Tôi có thể cảm nhận tất cả những yếu tố đó khi chơi nhạc của ông, âm nhạc của ông thật hào hiệp, cao thượng, xen lẫn cả sự phóng khoáng lẫn chiều sâu.
- Tôi nhớ, trong cuộc trò chuyện cách đây khá lâu, anh nói rằng, sẽ tiếp tục con đường học tập và chinh phục những giải thưởng. Đến bây giờ, hành trình đó của anh đã đi đến đâu?
+ Có thể nói bây giờ cách tôi đi trên con đường hoàn thiện những giá trị của một nghệ sĩ thực thụ không chỉ còn giới hạn ở những cuộc thi. Hai năm COVID đã làm tôi có nhiều suy nghĩ sâu xa hơn về âm nhạc hơn là những giải thưởng. Hiện nay sự thi đua lớn nhất của tôi lại hướng vào bên trong mình. Đó là thể hiện chân thật nhất, hoàn thiện nhất ý nghĩa của âm nhạc. Và điều đó cho tôi sự tự tin mở rộng tiếp cận sâu hơn vào các tuyển tập của các tác giả, trọn bộ các chùm tác phẩm với toàn bộ sự phong phú trong ngôn ngữ thể hiện của họ, thay vì chỉ tập đơn lẻ một vài tác phẩm để phù hợp với thể lệ các cuộc thi trước đây. Chương trình 12 transcendental studies của Liszt là thử thách đầu tiên để tôi bắt đầu hành trình mới này.
- Âm nhạc, với anh là lẽ sống. Có lẽ, khán giả sẽ cảm nhận thấy điều đó khi anh chơi đàn, đắm chìm trong thế giới âm thanh của anh. Từ bao giờ, âm nhạc với anh lại quan trọng đến thế?
+ Khi còn nhỏ, tôi đã được bố dạy đàn, nó thấm vào tôi lúc nào không biết nữa. Lớn hơn một chút, học cấp 3, tôi đã có những CD nhạc cổ điển đầu tiên. Tôi vẫn nhớ tất cả tiền tiết kiệm bỏ túi tôi đều dành mua đĩa nhạc. Tôi vào nhạc viện, du học ở nước ngoài, gặp và được những người thầy lớn khai sáng cho mình ý nghĩa của một nghệ sĩ dương cầm tuyệt vời thế nào. Đến chặng đường thi đấu, gặp gỡ các anh tài 4 phương, quả thật mới thấm câu nói - học thầy không tày học bạn thế nào. Rồi tôi dạy học, dìu dắt các em, nuôi nấng những cái mầm trong mình thế nào, truyền cho các em tình yêu với âm nhạc như những người thầy đã truyền cho mình... Và đương nhiên, mối giao cảm khi có thể chơi nhạc cho khán giả, khoảnh khắc đó kì diệu thế nào, cây đàn, khán phòng, khán giả, nghệ sĩ, âm nhạc, tất cả cùng hoà với nhau để sinh ra những âm thanh từ im lặng, và dõi theo cuộc đời của những âm thanh đó cho đến khi nó lại quay trở về lặng im. Tôi cảm thấy thật may mắn khi âm nhạc đã luôn sát cánh cùng tâm hồn của mình.
- Dù sống ở Úc nhưng tâm hồn, trái tim anh luôn hướng về Việt Nam. Quê hương có ý nghĩa như thế nào đối với những nghệ sĩ sống xa như anh?
+ Quê hương là chùm khế ngọt, tôi luôn luôn nhớ về quê hương với tình cảm và niềm tự hào. Ở đó có mái ấm gia đình, những kỉ niệm thời thơ ấu, cả những va vấp trong cuộc sống... Quê hương còn là những ký ức về một dân tộc hào hùng, đi qua hai cuộc chiến tranh. Trên chuyến bay trở về Sydney từ Hà Nội, tôi đã được xem một bộ phim nói về chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, và chính sau chuyến bay đó cũng là thời điểm mà đại dịch COVID diễn biến phức tạp, công việc của tôi đã phải tạm ngừng trì hoãn tại Việt Nam trong vòng hai năm. Những thước phim làm tôi rung động và để lại nhiều ấn tượng khó phai. Năm 2022 này, khi các đường bay đã dần mở cửa, nền kinh tế trở lại sau đại dịch, cũng là dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, tôi đã có kế hoạch và sẽ trở về để cùng đối thoại và chia sẻ thông qua âm nhạc cùng khán giả quê nhà trong sự kiện ý nghĩa và không kém phần đặc biệt này.
- Nghệ sĩ dương cầm thường cô đơn, điều này có vẻ đúng với anh khi đến bây giờ Quang vẫn sống độc thân?
+ Tôi sống độc thân nhưng tôi không thật sự cảm thấy lúc nào cũng cô đơn. Tôi nghĩ rằng mỗi người, ở mỗi giai đoạn đều có cách tìm được trạng thái cân bằng của mình. Trong giai đoạn hiện tại, tôi hoàn toàn cống hiến năng lượng của mình cho âm nhạc và cho học sinh. Trong âm nhạc và trong cuộc sống, tôi tìm được những tiếng nói chung, như ta vẫn gọi là tri kỉ. Tôi thấy hạnh phúc và may mắn khi có những đồng nghiệp, học sinh, và các giáo sư mà qua năm tháng đã thân thiết như một gia đình. Sẽ tới một lúc nào đó, tôi có một gia đình của riêng mình khi tôi gặp một người hoàn toàn chấp nhận tôi là chính tôi với toàn bộ ưu khuyết của mình cũng như tôi đối với người đó.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.