Nghệ sĩ piano Lưu Đức Anh: Tôi là chính mình nhất lúc chơi đàn
Khá lâu rồi, nghệ sĩ Lưu Đức Anh mới có một concert riêng của mình. Ở đó, khán giả cảm nhận tình yêu, sự tận hiến của người nghệ sĩ dành cho âm nhạc. Dù bận rộn với những tâm huyết để góp phần mang âm nhạc cổ điển đến gần với công chúng, nhưng Lưu Đức Anh nói, anh hạnh phúc và được là chính mình nhất lúc chơi đàn.
- Chúc mừng Lưu Đức Anh với 2 đêm diễn ở Hà Nội và sắp tới là TP Hồ Chí Minh, mang tới cho khán giả 2 đại diện xuất sắc của trường phái cổ điển Vienna (Wolfgang Amadeus Mozart - Ludwig van Beethoven) cùng những bản Nocturne, Mazurka hay Valse quen thuộc của Frédéric Chopin và Franz Liszt. Anh có thể chia sẻ về các đêm diễn đặc biệt này?
+ Khá lâu rồi tôi không biểu diễn một chương trình độc tấu lớn (recital) tại Việt Nam, chương trình recital gần nhất tại Việt Nam là vào năm 2019, sau đó vì ảnh hưởng của dịch cũng như bận rộn với rất nhiều dự án âm nhạc khác nên tôi chưa thể đầu tư cho một chương trình recital. Tuy nhiên, trong năm 2024, tôi có may mắn được làm việc với hãng đàn Bosendorfer, một trong những hãng đàn cao cấp nhất của thế giới đến từ Áo, chúng tôi cùng chia sẻ tầm nhìn, những dự án âm nhạc mong muốn được thực hiện và nhận được sự hỗ trợ khổng lồ từ hãng là cây đàn concert grand 280VC, tài trợ đặc biệt cho Việt Nam thông qua Cuộc thi Piano Quốc tế Việt Nam, một dự án tôi đang triển khai trong năm 2025. Cây đàn tuyệt vời này là động lực rất lớn để tôi, dù bận rộn nhưng vẫn cố gắng chuẩn bị một chương trình đồ sộ và chất lượng, cống hiến cho khán giả Việt Nam một buổi hòa nhạc giàu cảm xúc.
- Quả thực, lâu rồi khán giả Hà Nội mới lại được thưởng thức tiếng đàn của Lưu Đức Anh. Khi anh chơi đàn, chúng tôi cảm nhận trọn vẹn tình yêu của anh dành cho âm nhạc. Với rất nhiều vai trò mà anh đang làm, một nghệ sĩ, một người thầy, một người kiến tạo, tổ chức... Anh thấy anh là chính mình nhất lúc nào?
+ Dù đang sống với âm nhạc ở rất nhiều vị trí nhưng có lẽ tôi vẫn tìm thấy mình trọn vẹn nhất trên sân khấu biểu diễn. Chỉ có thông qua những phím đàn, tôi mới có thể thực sự thể hiện con người mình như thế nào. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất để làm nên một nghệ sĩ thành công, đó là khả năng thể hiện được toàn bộ con người mình qua cây đàn.
- Đó là một thế giới tràn ngập tình yêu với âm nhạc và chỉ âm nhạc mà thôi. Cũng vì tình yêu đó mà anh dấn thân, kết nối thực hiện những dự án mang âm nhạc cổ điển đến với công chúng như MAESTOSO - dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật - sáng tạo mà anh theo đuổi khi trở về Việt Nam. Đến nay, hành trình đó đã hơn 5 năm, anh thấy mình đã đi đến đâu trong hành trình này?
+ Đó là một hành trình tuy chưa dài nhưng đã có rất nhiều diễn biến đáng nhớ. Chúng tôi khởi đầu vô cùng thuận lợi khi là một trong những tổ chức tiên phong trong lĩnh vực này, cộng với sự ủng hộ và yêu mến của quý khán giả. Sau đó, trải qua thời gian dài vì dịch bệnh, chúng tôi buộc phải giảm tối đa số lượng chương trình vì không có kinh phí, tài trợ. May mắn, trong thời gian đó chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của Viện Goethe để thực hiện chuỗi hòa nhạc "Âm nhạc thế kỷ 20", giới thiệu các tác phẩm hiện đại - đương đại, rất nhiều chương trình trong chuỗi đã được thực hiện dưới hình thức online. Khi dịch bệnh qua đi cũng chính là lúc phong trào biểu diễn âm nhạc cổ điển nở rộ.
Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với Toong cho các chương trình hòa nhạc quy mô nhỏ tầm 50-70 khán giả, mang không khí ấm cúng, gần gũi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp những khó khăn mà tôi nghĩ tất cả các đơn vị khác đều gặp phải. Đầu tiên, đó là việc thu hút bán vé cho âm nhạc cổ điển. Bây giờ đang có rất nhiều chương trình và tôi nghĩ một khán giả dù yêu âm nhạc đến mấy cũng không thể thu xếp mua vé đi nghe 3-4 buổi hòa nhạc liên tục hằng tháng. Khi nguồn khán giả không ổn định thì chúng tôi lại gặp các vấn đề liên quan tới nghệ sĩ.
Hầu hết nghệ sĩ ở Việt Nam đều tâm huyết mong muốn được biểu diễn, nhưng tâm huyết đến đâu thì họ cũng phải mưu sinh. Họ không thể biểu diễn mà không có thù lao. Và, khi phải biểu diễn ở một chương trình mà ngay cả mong muốn tối thiểu là đông khán giả tới dự cũng không có thì rất khó để họ có tiếp động lực tập luyện, tham gia biểu diễn. Đây thực sự là những vòng lặp luẩn quẩn rất khó giải quyết, đòi hỏi các đơn vị phải liên tục đổi mới trong hình thức tổ chức để tạo sự thu hút cũng như tươi mới cho cả khán giả lẫn nghệ sĩ.
- Những vấn đề này có là cản trở cho anh và các đồng nghiệp trên con đường dấn thân với âm nhạc cổ điển ở Việt Nam?
+ Tôi đang ở đầu hành trình. Càng đi, tôi càng thấy xa và nhiều lúc thấy nản. Chắc chỉ vì tình yêu nghệ thuật có phần mù quáng cũng như sự yêu quý, mong muốn giúp đỡ đồng nghiệp mới giữ được động lực để tôi tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
- NSND Đặng Thái Sơn nói, mỗi lần về nước ông đều mang chuông báo động về âm nhạc cổ điển nhưng không ăn thua. Ông nói rằng, Việt Nam có truyền thống nhạc cổ điển cả thế kỷ, nhưng các nước khu vực đang vượt ta "ầm ầm". Sống và làm việc ở Việt Nam nhiều năm nay, anh có chia sẻ gì về điều này?
+ Tôi cũng đã có cơ hội được trải nghiệm và chứng kiến sự phát triển âm nhạc ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và tôi có thể khẳng định là tốc độ phát triển của họ rất nhanh. Hiện tại, chúng ta vẫn có thể "tạm thời" đứng ngang về trình độ cũng như sự tự hào về truyền thống đào tạo âm nhạc cổ điển nhưng nếu cứ để nguyên, không có sự thay đổi, tôi nghĩ chúng ta sẽ bị bỏ rất xa đến mức không thể đuổi kịp nữa. Và, việc thay đổi này tôi nghĩ chắc chắn không thể do một vài cá nhân hay tổ chức đơn lẻ.
- Rõ ràng, hiện nay đời sống âm nhạc cổ điển đang khởi sắc, bằng chứng là chúng ta có khá nhiều sân khấu lớn nhỏ dành cho nhạc cổ điển. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là khán giả. So với nhạc pop hay các dòng nhạc khác thì âm nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn còn lặng lẽ, khán giả chưa nhiều. Anh nghĩ thế nào về sự mất cân bằng đó?
+ Ở bất cứ quốc gia nào cũng đều có sự mất cân bằng như vậy. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, nhạc cổ điển vẫn có được sự đầu tư và tài trợ lớn hơn. Việt Nam còn nhiều khó khăn nên nhạc cổ điển chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Tôi thấy buồn khi chứng kiến nhiều nghệ sĩ Việt Nam rất giỏi, chỉ vì không có cơ hội phát triển tại quê nhà mà không thể theo đuổi sự nghiệp âm nhạc hoặc đang rất vất vả để có thể duy trì sự nghiệp, tệ hơn nữa là đánh mất niềm đam mê với âm nhạc. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận bởi bất cứ sự thay đổi hay phát triển lớn nào đều phải trải qua thời gian dài, có khi phải qua nhiều thế hệ. Tôi mong muốn mình sẽ vẫn kịp nhìn thấy được sự phát triển đó trước khi không thể sống với âm nhạc được nữa.
- Vâng. Tôi cảm nhận được tình yêu trọn vẹn của anh dành cho âm nhạc, bởi trước những khó khăn, anh vẫn không từ bỏ và còn ấp ủ nhiều dự án để lan tỏa âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Sắp tới sẽ là dự án gì, anh có thể chia sẻ?
+ Sắp tới có lẽ là dự án lớn nhất cũng như "tất tay" nhất của tôi từ trước đến giờ. Đó là Cuộc thi Piano Quốc tế Việt Nam 2025 (VIPCF 2025). Tôi là người đã đi thi, sau này đi chấm thi, đưa học sinh đi thi, có thể nói đã trải qua gần trăm cuộc thi trên thế giới, tôi hiểu tầm ảnh hưởng của một cuộc thi chất lượng có thể mang lại cho mỗi nghệ sĩ trẻ cũng như sự thúc đẩy cho phong trào học tập, biểu diễn âm nhạc. Tôi mong muốn có thể dùng kinh nghiệm của mình để truyền cảm hứng cho thế hệ các học sinh piano trẻ của Việt Nam thông qua cuộc thi này. Tôi và hội đồng chuyên môn đã thiết kế một mô hình vô cùng sáng tạo cho cuộc thi để tất cả các bạn học sinh ở mọi trình độ đều có thể tham gia và thử thách mình ở những giới hạn mà mình mong muốn. Tôi hy vọng cuộc thi sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ từ các bạn thí sinh cũng như các thầy, cô giáo tâm huyết.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!