Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thành Xuân Anh: Sen của giang hồ

Thứ Sáu, 06/05/2022, 14:02

“Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng/ Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Mỗi lần cầm máy lên chụp sen, trong đầu ông lại ngân vang câu ca dao ấy. Đời ông có khác mấy đời sen. Một thời ngang dọc giang hồ. Ngoi lên từ bùn, rũ những lấm lem đầu đời mà dâng những đóa hoa thanh khiết cho người...

“Lòng mẹ” là triển lãm lần thứ 13, triển lãm mới nhất của Thành Xuân Anh - nhiếp ảnh gia chuyên chụp hoa sen. Triển lãm đánh dấu chặng đường 30 năm cầm máy và sinh nhật lần thứ 66 của ông. Trong không gian của Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, 66 tác phẩm nói lên cái tình của người nghệ sỹ.

Nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh tâm sự: “Trong những bức ảnh của tôi, lá sen tượng trưng cho sự che chở, bao bọc của mẹ. Hoa sen là hiện thân của người con. Còn người cha chính là đài sen. Vì chỉ có đài sen mới gieo xuống hạt giống để mai này lên mầm lá mới”.

Bức ảnh “Công cha” là một đài sen khô đã ngả bóng. Hạt mầm kề đó vươn lên, nương chiếc lá bé nhỏ, xanh tơ vào thân đài sen già. Có bức ghi lại chiếc lá sen khô che chở búp sen trắng bung nở tỏa hương. Có bức là gia đình quây quần với lá sen, hoa sen, đài sen. Trong các bức ảnh đó, Thành Xuân Anh yêu nhất bức “Trái tim mẹ”. Hình chiếc lá sen như trái tim, ủ lấy búp sen như trái tim hồng nhỏ bé.

thanh.jpg -0
Nhiếp ảnh gia Thành Xuân Anh.
Đã 15 năm, Thành Xuân Anh gắn bó với sen. Năm 2007, khi mở nhà hàng Bò tơ Xuân Anh ở Củ Chi, phía trước nhà hàng có một ao sen. Mỗi khi buồn chán, mệt mỏi với công việc, cứ sáng sớm ông lại xách máy ra đó, vừa ngắm vừa chụp hoa sen. Sớm tinh sương, cánh hoa khẽ khàng bung nở, hương hoa đưa thoảng trên mặt hồ. Thật nhẹ nhàng, thanh khiết làm sao! Chiếc ao nhỏ như chốn để ông thiền, nhẩm lại nhịp kinh kệ năm nào má đọc ông nghe. Hình hài má ẩn hiện trong mỗi cánh sen. Ôi chao ông nhớ, nhớ cái tuổi thơ đã trôi tận phương nào, mang theo dáng hình và giọt nước mắt của má. Cả tuổi trẻ thằng con “trời đánh” đã làm má cạn khô dòng nước mắt.

Má đặt tên cho cậu con út vừa chào đời là Nguyễn Phước Thành (khi trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, ông lấy nghệ danh là Thành Xuân Anh). Như một sự bù đắp cho đứa con sớm mồ côi cha, bà hết lòng chiều chuộng con. Nhưng “Con không cha như nhà không nóc”. Được mẹ nuông chiều, Thành đâm ra hư đốn. Cậu bỏ học, ưa chơi bời, phá phách với lũ bạn.

10 tuổi đầu, Thành đã là tay nhóc con dắt gái cừ khôi cho tụi lính Mỹ. Mỗi lần dắt mối thành công, cậu cười tít mắt khi được đám lính thảy cho vài tờ bạc, mấy chị gái bán hoa dúi cho lon nước, viên kẹo. Ở nhà, cậu quậy tung làng xóm. Chiều chiều, Thành rình tụi đi học võ về để chặn đường, gây sự đánh nhau. Dù cậu chẳng hề có chút võ vẽ nào nhưng cái máu liều mạng chẳng biết sợ ai khiến đối thủ thua trận chạy dài.

Càng tự hào về thành tích dắt gái, đánh đấm bao nhiêu thì Thành càng làm má nát ruột gan bấy nhiêu. Bà xách Thành về, trói lại rồi tẩn ông con một trận nên thân. Khổ nỗi càng đánh, Thành càng lì. Có bữa, má sắp sẵn 12 cây roi. Đánh gãy giữa chừng thì thay cây khác. Gãy hết 12 cây roi, lưng với mông Thành chằng chịt vết lằn rớm máu mà nó vẫn không chừa. Điên lên, bà đâm muối ớt trét vô vết thương khiến cậu con xót quá nhảy loi choi xin tha. Vậy mà qua hôm sau, nó lại lẩn nhà trốn đi mất. Mấy lần má xích vô cột nhà cũng không ăn thua. Được sổ lồng, Thành trốn má đi biệt.

Lang bạt kỳ hồ, du thủ du thực, ông không dám viết một lá thư nào về cho má. Tự đáy lòng, ông hiểu mình là đứa con bất hiếu. Đó là đại tội. Nhiều năm trời không nhận được thư con, má ông cứ nghĩ thằng Thành đã chết. Thôi thì ông cứ để má nghĩ như vậy cho nhẹ lòng, còn hơn má biết con mình tù tội. Chỉ đến năm 1981, khi chỉ còn 3 tháng nữa sẽ ra tù, ông mới viết thư về nhà để má biết mình còn sống. Vậy mà con chưa kịp về, má đã nhắm mắt xuôi tay. Khi khâm liệm má, các anh trai mới biết lá thư của cậu con út được má cất cẩn thận trong túi áo. Ông về khóc nấc bên mộ má…

screen shot 2022-05-07 at 23.06.04.jpg -0
screen shot 2022-05-07 at 23.06.26.jpg -1
Hai tác phẩm tại triển lãm “Lòng mẹ”.

Cuộc sống khốn khó khi ấy đẩy Thành Xuân Anh hết trượt dài trong vũng lầy tội lỗi này đến vũng lầy tội lỗi khác. Phải hơn nửa đời người tù tội, Thành mới trở về con đường thiện lương. Năm 1992, khi ra tù lần 2, ông nhận được món quà của người vợ bên Mỹ. Đó là chiếc máy ảnh Nikon mới cáu. Vậy là Thành đến ngay Hội Nhiếp ảnh theo học chỉ sau hai tháng rời… cánh cổng nhà tù. Học xong, ông cầm máy đi chụp ảnh dạo, chụp ảnh liên hoan, tiệc cưới rồi chuyển sang chụp ảnh chân dung.

Với Thành Xuân Anh, nhiếp ảnh không chỉ là kế sinh nhai đơn thuần mà còn là con đường cho ông hoàn lương. Đúng như lời ông tâm sự: “Nhiếp ảnh đã cứu vớt đời tôi”. Một đồng nghiệp của ông đã chia sẻ: “Khả năng đưa con người trở nên lương thiện của nhiếp ảnh không mấy ai nói đến nhưng Thành Xuân Anh đã nhận ra để dấn thân theo đuổi đến hôm nay. Có lẽ sự đối diện của ống kính trước cuộc sống dễ làm cho người cầm máy phân biệt phải trái cũng như khả năng nhận diện, tìm tòi cái đẹp trong cuộc sống. Nhiếp ảnh có thể từng bước dẫn dắt con người xa rời cái xấu, cái ác để đến với cái tốt, đến với những giá trị chân thiện mỹ”.

Từ khi có cái ao sen trước sân nhà hàng, tập tành chụp sen, ông bỏ hẳn việc chụp ảnh chân dung để gắn bó với sen. Bởi sen cho ông về bên má và tìm lại chính mình. Những tác phẩm về sen như một lời tạ tội với má. Mồ côi cha từ nhỏ, sớm bỏ má lang bạt giang hồ, giờ đây ông mới thấm thía nỗi khát khao có một mái ấm đủ đầy, hạnh phúc. Những bức ảnh đong đầy tình cha, tình mẹ và thấm đẫm hương thiền. Ngắm nhìn đóa sen vươn lên kiêu hãnh từ bùn để rồi ta như lạc vào cõi Niết Bàn, siêu thoát khỏi thực tại lắm lọc lừa, phiền muộn.

Thành Xuân Anh không bao giờ sắp đặt cảnh vật trước khi bấm máy. Anh cũng không biết photoshop là gì nên các tấm hình đều toát lên vẻ đẹp tự nhiên và hồn cốt sinh động. Xác định chủ đề, trước mắt có gì, ông sẽ nương theo ánh sáng, góc chụp để thể hiện điều mình muốn gửi gắm. Tài năng của Thành Xuân Anh thể hiện rõ ở cách sử dụng ánh sáng tài tình trong từng bức ảnh. Dường như chỉ có ống kính của Thành Xuân Anh mới khiến sen toát lên hết nội lực và trở nên lung linh, huyền ảo lạ kỳ đến vậy. 

Ai cũng biết sen mọc thành dây, thành cụm trong đầm. Nhưng khi nở hoa, sen chỉ là một đóa đơn độc chứ không thành nhánh, thành chùm như những loài hoa khác. Vẻ đẹp của sự cô độc có khác gì kiếp giang hồ một thời của Thành Xuân Anh. Ngoi thẳng từ bùn lầy để hồi sinh, Thành Xuân Anh không chỉ dâng cho người những bức ảnh về sen mà anh còn là một trong những nghệ sĩ rất chăm chỉ thiện nguyện.

13 cuộc triển lãm về sen, về mẹ, anh đều dành hết tiền đấu giá tác phẩm để tặng cho các quỹ ủng hộ trẻ em nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Tại triển lãm “Lòng mẹ” mới đây, số tiền bán ảnh được anh gửi tặng Quỹ phát triển nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài, thuộc Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh. Làm từ thiện như một cách anh chuộc lại phần nào lỗi lầm, qua đó gửi lời tri ân với cõi người đã dang rộng vòng tay chào đón đứa con lầm lỗi trở về…

Mai Quỳnh Nga
.
.