Nghệ sĩ ngoại đổ bộ gameshow Việt: Cơn gió lạ hay chiêu trò câu view?
Ngày càng nhiều gameshow truyền hình sẵn sàng mời nghệ sĩ quốc tế góp mặt để tạo sức hút mới. Thế nhưng sau màn ra mắt ồn ào, chưa kịp mang lại làn gió lạ cho chương trình, những ngôi sao ngoại này dần trở nên “vô hình” trong mắt khán giả.
Được mong chờ nhất trong loạt gameshow âm nhạc sắp lên sóng có “Tân binh toàn năng” và “Em xinh say hi”. “Tân binh toàn năng” gây chú ý với màn quảng bá rầm rộ về sự xuất hiện ba ngôi sao người Hàn Quốc Hyuk Shin, Jinyoung Jang và Sungpil Kim.
Hyuk Shin đảm nhiệm chức giám đốc đào tạo và phát triển chương trình. Jinyoung Jang và Sungpil Kim làm huấn luyện viên thanh nhạc, giúp các thí sinh nâng cao chuyên môn. Là gameshow Việt đầu tiên mạnh tay chịu chi để mời ba nhân vật quyền lực của K-pop đồng hành, nhà sản xuất kỳ vọng “Tân binh toàn năng” không chỉ là một gameshow mà trở thành bệ phóng tạo ra những nghệ sĩ trẻ toàn năng có tri thức và bản lĩnh, đủ sức cạnh tranh khi bước ra thị trường âm nhạc thế giới.
Khởi động chậm hơn, “Em xinh say hi” chưa công bố cụ thể dàn thí sinh lẫn ekip chuyên môn đứng sau. Tuy vậy khán giả ít nhiều dự đoán được những gương mặt đình đám sẽ tham gia chương trình như ca sĩ Phương Mỹ Chi, Pháo, Lâm Bảo Ngọc, Orange, Ly Ly... Họ cũng dự đoán chương trình sẽ có một vài nghệ sĩ quốc tế tham gia giao lưu, tranh tài cùng các thí sinh như phiên bản “Anh trai say hi” đã làm. Bởi cầm trịch hai chương trình này đều cùng một nhà sản xuất. “Anh trai say hi” từng mời Nanon Korapat - nam diễn viên điển trai Thái Lan vốn rất được giới trẻ Việt Nam hâm mộ.

Năm ngoái, chương trình “Rap Việt” gây sốc khi mời rapper người Thái Lan F.Hero ngồi vào ghế giám khảo. Tương tự, cuộc thi “Miss Universe Vietnam 2024” cũng làm nóng truyền thông khi công bố dàn huấn luyện viên kỹ năng trình diễn gồm toàn sao Thái: Lukkade Metinee, Nathalie Ducheine, Eyes Sarucha, Mark Kingpayom, Wachirawitch Pitisirithanaboon. Không kém cạnh, “The Next Gentleman - Quý ông hoàn mỹ 2024” có Lukkade và DJ Matoom.
DJ Matoom cũng từng góp mặt với vai trò cố vấn ở gameshow “Người ấy là ai”. “The New Mentor” có “nữ hoàng chuyển giới” Nong Poy, Cris Horwang, Lukkade Metine, Sonia Couling… ngồi vào vị trí quyền lực cùng hoa hậu chuyển giới Hương Giang. Không dừng lại ở gameshow tranh tài mà ngay cả gameshow hẹn hò như “Đảo Thiên Đường” cũng mời thí sinh Hàn Quốc, Canada để ghép đôi với thí sinh Việt.
Gameshow hiện nay như trăm hoa đua nở trên sóng truyền hình. Để cạnh tranh, chương trình phải sở hữu dàn thí sinh mới giàu nội lực, có câu chuyện và cá tính độc đáo. Nhưng lực lượng này vốn đã ít ỏi còn bị phân tán mỏng cho nhiều chương trình. Nguồn thí sinh mới cạn kiệt trong khi lực lượng người chơi là nghệ sĩ lại quá quen thuộc với khán giả. Có nghệ sĩ chạy show dày đặc trên mọi “mặt trận” khiến người xem phát ngán. Để đổi gió và nâng cấp chương trình, nhà sản xuất dần chuyển hướng tìm đến nghệ sĩ nước ngoài.
Xu thế cởi mở của thị trường truyền hình trong nước giúp việc mời sao ngoại trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy vậy hầu bao có hạn nên đa số nhà sản xuất ưu ái mời nghệ sĩ ở các thị trường gần gũi với Việt Nam như Thái Lan, Hàn Quốc. Việc mời sao ngoại cũng cho thấy sự thay đổi trong tư duy làm chương trình: không chỉ phục vụ khán giả trong nước mà còn tính đến yếu tố lan tỏa ra quốc tế - thông qua các nền tảng như YouTube, TikTok, các kênh mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện. Đối với các nghệ sĩ nước ngoài, Việt Nam là một thị trường mới nổi tiềm năng. Gameshow là cơ hội để họ thử sức, ghi dấu ấn, đồng thời tiếp cận khán giả Việt một cách gần gũi, thân thiện.
Không thể phủ nhận hiệu ứng truyền thông khi gameshow Việt mời nghệ sĩ quốc tế. Sự xuất hiện của “phù thủy tạo hit” Hyuk Shin khiến “Tân binh toàn năng” được cộng đồng yêu âm nhạc đón chờ và trông đợi xem Hyuk Shin sẽ làm nên “phép màu” nào cho các nhóm nhạc Việt thế hệ mới. Hay “Rap Việt” mùa bốn khiến dân tình đứng ngồi không yên để xem rapper F.Hero chấm thi kiểu gì? Mục đích gây sự chú ý ban đầu nhờ sao ngoại ít nhiều đã đạt được.
Nếu chỉ nhìn vào sự hoành tráng của những cái tên, hẳn khán giả lầm tưởng đây là bước tiến vượt bậc của gameshow Việt trong việc hội nhập và vươn ra khu vực. Nhưng không hẳn là vậy. Sau màn ra mắt rầm rộ của những nhân vật này, tham vọng đường dài của nhà sản xuất là mang đến món ăn lạ và chất lượng cho công chúng xem chừng bị “phá sản”.
Phần lớn nghệ sĩ quốc tế chỉ tham gia một vài tập với thời lượng ít ỏi rồi im hơi lặng tiếng, mờ nhạt dần trong mắt khán giả. Nanon Korapat được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng độc đáo của “Anh trai say hi” khi anh cùng các anh trai khác tập luyện và trình diễn tiết mục. Song vì bận rộn với lịch trình riêng, “nam thần” người Thái Lan chỉ tham gia được duy nhất một buổi tập ghép đội hình. Fan hâm mộ của anh được phen chưng hửng vì thần tượng xuất hiện vài phút ngắn ngủi trên tivi.

Riêng nghệ sĩ quốc tế đảm nhiệm vai trò quan trọng như giám khảo, huấn luyện viên bị khán giả đặt câu hỏi: “Liệu họ có thể hiểu và đánh giá chính xác phần trình diễn bằng tiếng Việt của các thí sinh?”. Dù được kỳ vọng sẽ mang đến góc nhìn mới về rap, giúp các thí sinh Việt Nam tiếp cận với sự phát triển của dòng nhạc này trên phạm vi quốc tế, nhưng những gì rapper người Thái F.Hero làm được là gây ra cuộc tranh cãi nảy lửa cho khán giả.
F.Hero làm giám khảo khách mời ở vòng “Chinh phục”. Nhiều ý kiến cho rằng F.Hero không biết tiếng Việt, không am hiểu về thị trường âm nhạc Việt thì dựa trên cơ sở nào F.Hero có thể đưa ra quyết định thí sinh nên về đội của huấn luyện viên nào. Ở một chương trình mà dân mạng nói đùa rằng thí sinh thường xuyên dùng “tiếng Việt nâng cao” bằng cách chơi chữ lắt léo, thâm thúy như “Rap Việt”, F.Hero quả là phải toát mồ hôi do rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa. Ý kiến này càng trở nên xác đáng khi những tập đầu phát sóng, vị giám khảo này toàn dùng tiếng Thái để nhận xét thí sinh chứ không phải tiếng Anh.
Rào cản ngôn ngữ lẫn văn hóa khiến ngôi sao ngoại quốc bị biến thành “bình hoa di động” trang trí cho gameshow, không có “đất” để thể hiện mình. Không ngạc nhiên khi những cái tên đình đám như F.Hero hay dàn huấn luyện viên Lukkade Metinee, Nathalie Ducheine, Eyes Sarucha… không để lại ấn tượng gì với khán giả dẫu chương trình đi đến hồi kết. Loạt thí sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau khiến “Đảo Thiên Đường” như show nước ngoài chứ không phải ghi hình ở Việt Nam. Khán giả than trời vì xem gameshow Việt nhưng lại phải đọc phụ đề để hiểu người chơi đang nói gì khiến trải nghiệm của họ không trọn vẹn.
Việc “chi đậm” để mời sao quốc tế về làm giám khảo, cố vấn, hay khách mời thực chất không sai nếu được đặt trong một chiến lược tổng thể hợp lý. Đó là khi kịch bản đủ sâu, biên tập đủ tinh và ekip đủ nhạy bén để lồng ghép vai trò của sao ngoại vào trục chính của nội dung mà không làm mất bản sắc Việt.
Để làm được điều đó, nhà sản xuất cần có định hướng nội dung rõ ràng, chuẩn bị kỹ lưỡng về kịch bản, vai trò và cách xuất hiện của nghệ sĩ ngoại. Đồng thời, các nghệ sĩ quốc tế cũng cần chủ động tìm hiểu văn hóa Việt để tăng tính tương tác với thí sinh và khán giả. Gameshow, sau cùng vẫn là sân chơi của nội dung, cảm xúc và sự đồng điệu văn hóa. Cái bắt tay xuyên biên giới sẽ chỉ có ý nghĩa khi đặt trên nền móng vững vàng của sự hiểu biết và tương tác hai chiều chứ không phải sự xuất hiện thoáng qua nửa vời.
Nếu chỉ đơn thuần mượn tên tuổi nghệ sĩ quốc tế để câu view, nước cờ này rất dễ biến thành con dao hai lưỡi. Khán giả quay lưng trong khi sao ngoại dần e dè, ngại ngần bắt tay với thị trường Việt. Khán giả ngày nay không chỉ cần cái tên hot, mà quan trọng hơn là sự kết nối cảm xúc thật sự giữa nghệ sĩ - nội dung - người xem. Trên hết vẫn là bản sắc, yếu tố bản địa không bị lấn át bởi làn sóng ngoại lai. Thiếu đi những điều đó thì mọi sự góp mặt dù có nổi danh đến đâu cũng khó lôi kéo công chúng ngồi trước màn ảnh nhỏ.