Nghe nhạc phải... bật phụ đề

Thứ Năm, 11/11/2021, 18:36

"Đã là ca sĩ thì phải hát hay"- nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong khẳng định chắc nịch. Trước khi hát hay thì yếu tố tiên quyết là phát âm tròn vành rõ chữ. Nhưng dường như đó là chuyện "xưa rồi Diễm". Ca sĩ bây giờ không cần hát hay, thậm chí hát không ra hơi, không rõ lời mà vẫn nổi tiếng ầm ầm.

Sơn Tùng M-TP gây ngạc nhiên khi hát rõ lời ca khúc "Muộn rồi mà sao còn" vì anh nổi tiếng hát nuốt âm, lướt chữ.

"Muộn rồi mà sao còn" - ca khúc mới đây nhất của Sơn Tùng M-TP trở thành một sự kiện chấn động showbiz. Chấn động bởi đây là ca khúc đầu tiên anh chàng hát rõ lời đến vậy! Thật ra từ ca khúc "Chúng ta của hiện tại", anh đã bắt đầu hát rõ lời. Nhưng phải đến "Muộn rồi mà sao còn" thì Sơn Tùng mới hát rõ hoàn toàn, giúp người nghe lần đầu cũng hiểu ca khúc nói về điều gì. Lâu nay, Sơn Tùng vốn nổi tiếng là ca sĩ chuyên hát không rõ lời. Các ca khúc "làm mưa làm gió" của anh như "Chạy ngay đi", "Cơn mưa ngang qua", "Hãy trao cho anh", "Có chắc yêu là đây", "Lạc trôi"…đều đánh đố người nghe.

Mỗi lần tung MV mới trên YouTube, muốn biết anh chàng hát gì, khán giả phải chịu khó nghe đi nghe lại hàng chục lần. Nhiều người nghe đến chục lần vẫn không hiểu thì cách nhanh nhất là bật phụ đề. Lắm khi bật phụ đề xong mới ngớ người: Hóa ra chàng ta hát tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh, tiếng Hàn. Ấy thế mà gần như toàn bộ bài hát, người nghe cứ phải căng tai ra đoán từng lời một. Trên nền giai điệu dồn dập, phức tạp, Sơn Tùng hát nhanh, thường lạm dụng kiểu hát đè, trộn và nối giọng khiến phần lời hát trở nên rối rắm, khó nghe kịp. Nhiều khán giả nói đùa: "Sơn Tùng là nghệ sĩ Việt đầu tiên khiến tôi phải đọc phụ đề".

Người ta đoán sở dĩ Sơn Tùng hát không rõ lời là do anh chàng cố tình như thế. Làm vậy mới khiến công chúng xem đi xem lại MV, nghe đi nghe lại bài hát. Lượt view do đó mà cũng tăng lên. Để khán giả hiểu bài hát dần dần là cách anh chàng gây ghiện cho một bộ phận công chúng. Bởi nói cho công bằng, âm nhạc của Sơn Tùng rất bắt tai. Chỉ tiếc là Sơn Tùng hát y như ngậm sạn. Cưỡng âm cũng là một lỗi khiến ca từ trở nên khó nghe. Khi viết bài "Chạy ngay đi", chữ "ngang trái" trong câu "Không còn ai cạnh bên em ngày mai, tạm biệt một tương lai ngang trái"  bị Sơn Tùng M-TP cưỡng âm nên nhiều người nghe thành "một tương lai ngang trời".

 Học hỏi chiêu thức của chàng ca sĩ gốc Thái Bình, rất nhiều ca sĩ đua đòi làm theo. Danh sách ca sĩ khiến khán giả không hiểu họ hát cái gì cứ dài ra. Đó là Chi Pu (ca khúc "Em nói anh rồi"), Hương Giang Idol (Em hơi mệt với bạn thân anh), Bích Phương (Bùa yêu, Đi đu đưa đi), Hồ Ngọc Hà, Hari Won, Trọng Hiếu Idol… Mới đây, còn có Jack, Erik và Binz góp mặt.

Chi Pu vốn sở hữu chất giọng mỏng, yếu. Mỗi khi hát live, cô luôn bị phô, gắt. Nhạc đi một đằng, giọng đi một nẻo. Khi làm MV, hiệu ứng phòng thu giúp giọng của Chi Pu bớt "tra tấn" khán giả hơn, chỉ ngang phè phè như đang đọc. Tuy vậy, đôi chỗ ở quãng giọng thấp của bài "Từ hôm nay", "Cung đàn vỡ đôi", "Anh ơi ở lại"…khán giả không hiểu cô nàng đang thủ thỉ cái gì. Giọng hát trở thành thứ yếu nên Chi Pu tích cực đầu tư cho phần giai điệu hấp dẫn, vũ điệu thật bắt mắt cùng với hình ảnh, cốt truyện thu hút. Tất cả yếu tố đó giúp các MV như "Talk to me", "Đóa hoa hồng", "Cung đàn vỡ đôi"… vẫn nghiễm nhiên đạt mốc trăm triệu view. Nhưng đến MV "Em nói anh rồi" thì không hiểu cô học đòi kiểu gì khiến chất giọng méo mó như người ngoài hành tinh. Khán giả không thể nghe nổi một chữ.

Chàng ca sĩ Erik thì chuyên hát giọng mũi. Lên sân khấu, kiểu giọng này lập tức bị đuối. Khi trình diễn ca khúc "Có tất cả nhưng thiếu anh", khán giả ví Erik như con cá mắc cạn. Giọng Erik thậm chí còn yếu hơn cả ca sĩ hát bè. Anh hát phều phào không ra hơi. Nhiều chữ bị nuốt, lấp. Đến đoạn điệp khúc, Erik phải gồng cứng người lấy hơi khiến âm thanh đặc nghẹt, bức bí. 

Nổi đình nổi đám gần đây là Binz. Nhưng ai lần đầu nghe qua "Big City Boi", "Gene", "They Said", "Ok"… cũng lắc đầu kêu ca vì không nghe rõ lời. Chàng rapper này luôn viết ca từ theo kiểu Tây - Ta lẫn lộn, chẳng theo một quy tắc nào. Rất nhiều từ, câu tiếng Anh được Binz chêm ngẫu hứng vào câu tiếng Việt.

Chẳng hạn như: "Anh vẫn fly on the beat, yeah that's Touliver/ Diss tụi nó mà sao nghe vẫn giống như là thơ (Yeah)/ Yeah I'm killing them, killing them softly/ Leave'em dead with a poem, that's my hobby/ Huh, nghe nói là rapper mất dần/ Hah, nghe nói là rap Việt mất chất (Yeah)/ Hah, send the verse to the oldschool homie. Tất cả anh nghe chỉ là… " (They said). Ca từ như vậy cộng thêm cách thể hiện cà giật và giọng lơ lớ của Binz thì đố ai nghe mà không phải bật phụ đề. Nhưng Binz vẫn nổi như cồn.

Đi đâu cũng thấy người ta nghe nhạc Binz, khán giả Nguyễn Dũng buộc miệng: "Thật sự không thấy Binz hay ở chỗ nào hoặc cá nhân mình thấy thế. Rap cứ giật giật, không rõ lời nghe rất khó chịu". Khán giả Quang Minh cũng đồng ý kiến: "Kiểu hát này về bản chất không phù hợp ngôn ngữ tiếng Việt. Rap Âu Mỹ thì một từ của họ gồm nhiều âm, tiếng Việt đa số đơn âm nên khi đọc nhanh rất khó nghe". 

Kiểu ca khúc như lẩu thập cẩm không phải là hiếm trong làng nhạc Việt. Thậm chí nó đang trở thành trào lưu. Không chỉ song ngữ Việt - Anh theo dạng bất quy tắc như Binz mà còn có ca khúc nhồi nhét đến ba, bốn thứ tiếng như Việt - Anh- Hàn - Nhật… Nhóm nhạc Lime và LipB hay thể hiện những ca khúc như thế với lý do định dạng của nhóm theo mô hình K-pop. Hát tiếng Việt đã khó nghe nên khi hát "nhạc thập cẩm", họ càng khiến khán giả đau đầu.

Tình trạng hát không rõ lời rộ lên thành "mốt" đang khiến thị hiếu âm nhạc của giới trẻ bị bóp méo. Ca sĩ Phương Thanh từng kêu trời: "Chính xác là khán giả hiện nay không nghe hát mà chỉ xem hát!". MV nào có cốt chuyện kịch tính, đầu tư hình ảnh cuốn hút thì họ phát cuồng, thế thôi. Nhiều khán giả nhiệt thành của các nghệ sĩ trên lại cho rằng hát mà người ta không nghe rõ thì mới chất, mới thời thượng, đúng chuẩn ngôi sao. Đây là căn bệnh tương tự như kiểu chào hỏi nuốt mất lưỡi của không ít ca sĩ trên sân khấu. Lâu nay, rất nhiều ca sĩ mở màn tiết mục bằng cách chào khán giả nhanh như chớp hoặc thều thà thều thào trong micro. Khán giả không biết họ nói cái gì. Nhưng người ta vẫn châm chước vì phần trình diễn sau đó đều được thể hiện tốt. Nay căn bệnh này truyền sang cả phần hát.

Nói về lớp đàn em, ca sĩ Ánh Tuyết thừa nhận chị không thể hiểu và cảm nhận nổi bài hát của họ. Theo ca sĩ Ánh Tuyết, việc hát không rõ lời đã và đang khiến chất giọng của ca sĩ bị xem nhẹ. Những bạn trẻ ôm mộng dấn thân vào con đường ca hát dễ bị định hướng lệch lạc. Rằng chỉ cần nhảy đẹp, diễn giỏi, ngoại hình ưa nhìn và lắm chiêu trò thì ca khúc dở tệ cũng nổi đình nổi đám. Rằng giọng hát có dở, có thô, thậm chí phát âm ngọng nghịu… vẫn đủ chuẩn làm ca sĩ nổi tiếng như thường. Người ca sĩ không cần nhọc công khổ luyện. Riêng về giới sáng tác thì nhạc sĩ Lê Quang nhận định: "Dường như nhạc sĩ trẻ họ không quan trọng chăm chút lời ca, thông điệp nữa mà chỉ chú trọng giai điệu và nhạc nền cho hấp dẫn là được. Đó là điều vô cùng tai hại cho tương lai nhạc Việt".

Phan Thi Uyên
.
.