Ngán ngẩm chuyện đời tư trên sóng truyền hình

Thứ Sáu, 13/01/2023, 09:11

Một thời, chuyện đời tư nghệ sĩ trở thành thỏi nam châm hút khách trên màn ảnh nhỏ. Nhưng giờ đây, sức hút của đề tài này suy giảm rõ rệt dù số lượng chương trình không ngừng tăng lên mỗi ngày.

So với thời hoàng kim cách đây 5 năm, số lượng talkshow truyền hình xoáy sâu vào chuyện đời nghệ sĩ vẫn khá đông đảo. Các nhà đài, đơn vị sản xuất thi nhau ra mắt chương trình mới trong một thời gian ngắn. Mới ra mắt hồi cuối tháng 8 có "Người kể chuyện đời" do nghệ sĩ Trung Dân làm người dẫn dắt, gợi chuyện để cùng trò chuyện với từng nghệ sĩ trong mỗi tập. MC Quyền Linh cũng được giao vai trò tương tự trong talkshow "Du hành ký ức" để cùng nghe những trải lòng đắng chát của người nổi tiếng sau ánh hào quang. Ngoài hai "tân binh" trên còn có vô số chương trình mới chào sân như "Gõ cửa thăm nhà", "Đời nghệ sĩ", "Lối ra", "Gõ cửa trái tim", "Bác có khỏe không", "The Khang show"...

Đăng lại các tập phát sóng lên YouTube, số lượng người theo dõi trung bình khoảng vài chục ngàn mỗi tập. Những tập nào có ngôi sao trẻ đang hút khách, chẳng hạn như diễn viên hài Huỳnh Lập trong chương trình "Du hành ký ức" thì lượt view mới chạm hơn một trăm nghìn. Nhìn lại talkshow về đời tư nghệ sĩ hồi năm 2018 - 2019, sức hút của các chương trình hiện tại rõ ràng đang giảm sút thảm hại. Các tập phát sóng của "Sau ánh hào quang", "Chuyện tối nay với Thành", "Gương hai chiều", "Anh bờ vai", "Lần đầu tôi kể"... ngày trước đạt vài triệu lượt xem mỗi tập là chuyện hết sức bình thường. Cũng vì sức hút ấn tượng như thế nên loạt chương trình với format tương tự nối nhau lên sóng, mặc khán giả bắt đầu bội thực và thuộc làu chuyện mà nghệ sĩ sắp kể.

Trở lại sau hai năm đại dịch, loạt chương trình mới ra mắt gần đây không thoát khỏi format cũ kỹ. Điểm chung vẫn là nghệ sĩ ngồi ở trường quay tâm sự, trò chuyện với người dẫn chuyện. Khung cảnh trường quay đơn điệu, lặp đi lặp lại vài khung hình. MCV Media có hai chương trình về đời tư nghệ sĩ phát sóng song song là "Người kể chuyện đời" và "Du hành ký ức".

Ngán ngẩm chuyện đời tư trên sóng truyền hình -0
Ca sĩ Hồ Trung Dũng chia sẻ chuyện đời trong chương trình “Du hành ký ức”.

Xem qua vài số, dễ nhận thấy cách quay, dựng của hai chương trình này y chang nhau. Từ thước phim giới thiệu sơ lược về nghệ sĩ đến việc gặp gỡ trên trường quay đều giống đến khung hình, bộ bàn ghế hay background là chiếc ti vi, cassett, cái tủ cổ xưa.... Có cảm tưởng nhà sản xuất dùng chung một format, một sân khấu cho cả hai chương trình. Chưa bàn đến nội dung, chỉ nhìn hình thức thôi, khán giả đã buồn ngủ. Cách dẫn dắt câu chuyện đều đều, gương mặt MC không mới mẻ bởi Trung Dân, Quyền Linh tuy là nghệ sĩ quen thuộc, thân thiện với khán giả nhưng cả hai đều không phải là những tên tuổi ăn khách.

Dường như nhà sản xuất mặc định rằng chương trình hút khách hay không nằm ở tên tuổi và câu chuyện của khách mời. Khổ nỗi câu chuyện hấp dẫn, ít người biết đến lại như lá trên cây mùa thu. Bởi hầu hết tâm tình mà nghệ sĩ trao gửi thì người xem ít nhiều biết đến từ các chương trình tương tự trước đó hoặc trên báo chí. Kể ra cũng kẹt cho nhà sản xuất. Những nghệ sĩ sẵn sàng mở lòng để kể chuyện đời tư, góc khuất riêng mình không phải là nhiều. Trong khi đó, số chương trình đời tư thì nhan nhản như nấm sau mưa. Rút cuộc, nghệ sĩ phải chạy show mệt nghỉ từ chương trình này sang chương trình khác. Có từng đó chuyện nhưng họ kể lể hết kênh này đến kênh kia, đến mức khản giả thuộc làu làu.

Thậm chí có khán giả còn "ma xó" đến mức chỉ cần giới thiệu tên nghệ sĩ, họ có thể đoán không trật một li chuyện mà nghệ sĩ ấy sắp kể. Chẳng hạn, nếu khách mời là Cát Phượng thì cô không thể bỏ qua cuộc hôn nhân ngắn ngủi với diễn viên Thái Hòa. Nếu đó là Hari Won thì chuyện tình với Trấn Thành, những lời "vu vạ" khi cô chia tay rapper Tiến Đạt hay chuyện cô chữa bệnh... sẽ được khơi lại. Nhắc tới Hương Giang Idol là nhắc tới chuyện cô lột xác từ thân xác đàn ông sang phụ nữ và con đường ca hát lẫn chinh phục vương miện hoa hậu chuyển giới ở Thái Lan. Vân vân... Nội dung cũ mèm và dễ đoán như thế thì bảo sao khán giả không chịu ngồi lại trước màn ảnh nhỏ?

Chưa kể, rất nhiều thông tin về đời tư nghệ sĩ đã được nhà đài tận dụng triệt để khi họ tham gia gameshow. Khoảng chục năm trở lại đây, gameshow nở rộ, giới nghệ sĩ siêng chạy gameshow đến độ khán giả gần như không còn bắt gặp họ trong các hoạt động nghệ thuật cá nhân. Từ ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ cải lương đến người mẫu, đạo diễn...., tất tần tật đều quay cuồng với gameshow. Họ xuất hiện ở tất cả các vai trò có ghi hình: từ giám khảo, huấn luyện viên, MC đến người chơi, thậm chí là khán giả.

Trong các chương trình như "Thách thức danh hài", "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5", "Nhanh như chớp", "Cuộc đua kỳ thú", "Bạn muốn hẹn hò", "Ơn giời cậu đây rồi"..., bí mật đời tư nghệ sĩ liên tục bị đồng nghiệp bóc phốt nhau trên sóng truyền hình. Trấn Thành, Trường Giang rất nhiều lần lôi nhược điểm cơ thể hay chuyện hậu trường không mấy hay ho của các đồng nghiệp nữ để "dìm hàng". Nhiều chuyện nghệ sĩ không muốn công khai nhưng vẫn bị đồng nghiệp đá xéo.

Chẳng hạn hồi Anh Tú và Diệu Nhi quen nhau, hai người cố gắng giữ kín, không công khai mối quan hệ trước công chúng. Nhưng các đàn anh đồng nghiệp liên tục trêu nghẹo, làm khó mỗi khi hai người xuất hiện chung khiến cả hai dở khóc dở cười còn khán giả thì tha hồ đoán già đoán non. Xem gameshow nhiều, khán giả phần nào nắm được thông tin về nghệ sĩ nên họ không quá mặn mà với các chương trình khai thác đời tư.

Ngán ngẩm chuyện đời tư trên sóng truyền hình -0
Diễn viên Thái San phải lên tiếng xin lỗi ca sĩ Hà Phương vì ekip “Gõ cửa thăm nhà” cắt ghép tâm sự của anh, khiến khán giả hiểu lầm tình cảm cả hai.

Trong khi chương trình khai thác đời tư vẫn dậm chân tại chỗ thì chương trình giải trí hiện nay không ngừng cải tiến, đổi mới về hình thức lẫn nội dung. Cách bố trí sân khấu, trường quay luôn thật bắt mắt, cuốn hút người xem từ cái nhìn đầu tiên. Cũng là cuộc thi ca hát nhưng "Ca sĩ mặt nạ" có format, thử thách và cách thức thi hoàn toàn khác đã trở thành một chương trình khiến khán giả phát cuồng, còn giới chuyên môn phải tâm phục, khẩu phục. Sự vượt trội về hình thức và chất lượng của "Ca sĩ mặt nạ" đã đánh bại hầu hết gameshow khai thác lĩnh vực âm nhạc trong năm như "The Heroes", "Rap Việt"...

Chưa kể, những lùm xùm trước đây của chương trình về đời tư khiến khán giả dần ác cảm rằng đó là những chương trình ôn nghèo kể khổ, vượt khó thành tài của nghệ sĩ. Nhiều câu chuyện vượt quá sức tưởng tượng khiến công chúng khó có thể tin đó là sự thật, nhất là sau vụ việc của diễn viên C.H khi anh thú nhận nhiều câu chuyện giật gân mình kể trên sóng truyền hình là do kịch bản của chương trình sắp xếp sẵn, anh chỉ việc diễn. Ngoài ra, việc thú nhận những rắc rối, bí mật đời tư của mình có thể ảnh hưởng đến danh dự người khác.

Trước đây, vụ Lê Giang tố nghệ sĩ Duy Phương bạc đãi mình khi hai người còn chung sống trong chương trình "Sau ánh hào quang" đã khiến giới nghệ sĩ lẫn dư luận tranh cãi dữ dội. Sự việc căng thẳng đến nỗi nghệ sĩ Duy Phương đâm đơn kiện nhà sản xuất "Sau ánh hào quang" bôi nhọ mình. Hay mới đây, diễn viên Thái San phải vội vã gửi lời xin lỗi ca sĩ Hà Phương vì những chia sẻ của anh bị ekip sản xuất "Gõ cửa thăm nhà" cắt ghép theo hướng dễ khiến khán giả hiểu lầm tình cảm của cả hai.

Vì những cú phốt này, khán giả mất lòng tin còn nghệ sĩ thì đâm ra dè chừng. Họ không thoải mái để trải lòng thật sự mà lên truyền hình chủ yếu đề quảng bá, PR bản thân hoặc góp chuyện hài hước. Điều này càng khiến chương trình dạng đời tư ngày càng nhàn nhạt và mất dần khán giả.

Rõ ràng chuyện hậu trường của nghệ sĩ luôn là điều mà công chúng thời nào cũng quan tâm. Họ yêu ai, làm gì, chịu những khổ cực, mất mát, đánh đổi như thế nào để làm nghề, để cống hiến cho công chúng... đều được khán giả mong muốn nghệ sĩ chia sẻ. Công chúng có nhu cầu lắng nghe thì ngược lại, bản thân nghệ sĩ cũng có nhu cầu chia sẻ, giãi bày cùng người hâm mộ để khán giả hiểu, thông cảm và tiếp tục ủng hộ con đường nghệ thuật của mình.

Các chương trình đời tư là cầu nối gắn kết để nghệ sĩ và khán giả hiểu nhau hơn, từ đó có thể cùng nhau rút ra bài học ý nghĩa cho mình. Nhưng để các chương trình như thế lấy lại sức hút thì nhà sản xuất phải "động não" hơn nữa để cho ra đời những format hấp dẫn, khuyến khích người nổi tiếng chia sẻ chuyện hữu ích, ý nghĩa chứ không nên chăm chăm đánh bóng bản thân mình hoặc bêu xấu người khác.

Mai Quỳnh Nga
.
.