Nặng như... vương miện!

Thứ Sáu, 13/01/2023, 12:32

Ai đó đã nói, "Khi đội vương miện hoa hậu nghĩa là bạn phải làm hoa hậu cả đời". Sức nặng của chiếc vương miện tuy rất vô hình nhưng lại có khả năng gây áp lực nặng nề đối với người sở hữu nó, đặc biệt với những người đẹp giành được vương miện từ khi còn quá trẻ. Giữ cho chiếc vương miện ấy luôn lung linh tỏa sáng và coi nó như một cây thánh giá, miễn nhiễm với các loại quyền lực của ma quỷ, thực sự không phải là một lựa chọn dễ dàng.

Không phải ngẫu nhiên mà công chúng giờ đây khá thờ ơ với các cuộc thi sắc đẹp. Người ta đã từng tổng kết, năm 2022, có tới hơn 20 cuộc thi sắc đẹp diễn ra khắp trong Nam ngoài Bắc, trên rừng dưới biển, các danh hiệu loạn đến nỗi để thuộc tên thôi cũng khó. Người sở hữu vương miện vì thế cũng nhan nhản. Sau tất cả, chất lượng và mục đích của các cuộc thi mới là điều đáng bàn, bởi vì, ngoài danh hiệu hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong tổ chức, có truyền thống hơn 30 năm (kể từ cuộc thi hoa hậu đầu tiên vào năm 1988), mà nhiều người đóng đinh, "Chỉ có hoa hậu này mới là... hoa hậu", thì các cuộc thi người đẹp khác ít được người ta nhớ tới. Tuy thế, cuộc thi nào cũng có vương miện và áp lực đến từ những chiếc vương miện luôn luôn là thật.

image_6487327.jpg -0
Hoa hậu Đỗ Thị Hà bị chỉ trích là khóc giả tạo trên sân khấu khi trao lại vương miện cho tân hoa hậu.

Còn nhớ, trong đêm đăng quang, Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã khóc, mà theo nhiều người đánh giá, đó là những giọt nước mắt tức tưởi. Bởi vì, ngay từ khi cuộc thi chưa diễn ra, Đỗ Thị Hà đã vấp phải vô số lời đàm tiếu về nhan sắc không hề dễ chịu đến từ cộng đồng mạng và đến từ chính dư luận phóng viên theo dõi cuộc thi này. Thế nên, khi đăng quang, những giọt nước mắt của cô không chỉ là vui mừng mà đó còn là những giọt nước mắt tức tưởi, và cả ẩn chứa trong đó một sự mà người viết đồ rằng, như một lời tuyên bố của Đỗ Thị Hà: Tôi đã làm được và làm rất tốt.

Nhưng đó mới chỉ là khởi điểm "nhẹ nhàng" mà sức nặng của chiếc vương miện mang tới. Cho đến giờ, sau 2 năm đăng quang, dư luận vẫn chỉ trích nhan sắc của cô. Mới đây nhất, cô còn bị cho là "diễn" trong đêm chung kết cuộc thi hoa hậu, được cho là đã khóc một cách giả tạo tại thời điểm trao lại vương miện cho tân hoa hậu. Trả lời báo chí, Hoa hậu Đỗ Thị Hà cho biết: "Tôi trải qua 2 năm nhiệm kỳ đầy sóng gió, khó khăn và chỉ dùng 5 phút cuối cùng trên cương vị đương kim hoa hậu để tri ân, cảm ơn những người xung quanh mình. Đó hoàn toàn là những điều tôi xứng đáng nhận được", cô nói. Suốt hai năm qua, Đỗ Thị Hà đã đối diện với sự chỉ trích, cay nghiệt của dư luận. Với một cô sinh viên, việc quan trọng nhất là học tập, thì đã có nhiều tháng, như cô tâm sự với báo chí, cô mất ngủ triền miên vì những dư luận không hay về mình.

Nói một cách công bằng thì nhan sắc của Đỗ Thị Hà ngày càng thăng hạng, đẹp hơn rất nhiều so với hồi đăng quang. Nhưng để giữ gìn được hình ảnh "tròn trịa" của một hoa hậu, không bị bắt gặp trong quán bar say xỉn, không có ảnh cặp kè cùng giai lạ, không có phát ngôn nào cần phải chấn chỉnh, là một sự cố gắng không hề dễ chịu đối với một cô gái trẻ, khi mà cô vẫn phải sống một cuộc sống của chính mình, như bất cứ một nữ sinh viên nào khác...

Hỏi một cô gái sau cánh gà đợi giờ lên sân khấu thi hoa hậu: Mục đích đi thi hoa hậu để làm gì? Chắc chắn sẽ nhận được đến 90 phần trăm câu trả lời là: Để lan tỏa cái đẹp đến với công chúng, để làm được nhiều việc có ích cho xã hội, để có cơ hội làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, trẻ em vùng cao khó khăn. Còn lại, chỉ có ít người dám trả lời câu hỏi một cách thật thà, dũng cảm: Em đi thi hoa hậu để thay đổi cuộc sống, để được giàu có hơn, để lấy chồng đại gia. Thực tế không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nơi cũng vậy thôi, cứ có danh là có tiền. Càng nổi tiếng, cơ hội kiếm tiền càng nhiều, đồng nghĩa với việc có cơ hội gặp được những người đàn ông có sự nghiệp, giàu có. Đó là một mong muốn chính đáng và hết sức hợp "quy luật": Người đẹp là của đại gia và nên là của đại gia. Người đẹp cũng như một viên kim cương quý, người thực sự đẳng cấp mới sở hữu được viên kim cương ấy. Thế nên, nhiều cô gái mơ ước được làm hoa hậu, có cô đi thi nhiều lần, mỗi lần được lọt vào một vòng sâu hơn, nhưng có cô mãi mãi cũng chỉ dừng lại ở vòng "gửi xe", tuy thế thì ước mơ của họ chưa bao giờ dừng lại. May mắn như Trịnh Chân Trân, phải đến lần thứ ba dự thi, cô mới đoạt vương miện Á hậu 1 trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam tổ chức năm 2004. Năm đó, cô đã 24 tuổi, cái tuổi được coi là già để mà đi thi hoa hậu. Sắc đẹp hình thể, sắc đẹp tri thức giúp cô giữ vững được màu sắc chiếc vương miện dù đã gần 20 năm trôi qua. Hình như, cô đã chọn một cuộc sống kín tiếng, không scandal, như cách mà nhiều người đẹp đã chọn, như Hoa hậu Bùi Bích Phương, hoa hậu đầu tiên của Việt Nam đã lựa chọn. Cách của Bùi Bích Phương là không tham gia showbiz, không tham gia mạng xã hội, và cô cũng là một trong những người đẹp cho đến giờ vẫn giữ gìn được sự "sạch sẽ" của vương miện.

Một trong những hoa hậu cảm nhận rõ nhất "sức nặng" của chiếc vương miện, phải kể đến Hà Kiều Anh. Cô cũng là người dám thẳng thắn thừa nhận trong một talkshow, mục đích đi thi hoa hậu của mình là để thay đổi cuộc sống. Cô cho biết, catxe của người mẫu thời đó chỉ tiền trăm, nhưng catxe của hoa hậu là tiền triệu, cô mong muốn có được khoản thu nhập gấp mười lần người mẫu đó nên đăng kí thi hoa hậu thôi.

Người đẹp này đăng quang từ năm 16 tuổi, cái tuổi thậm chí sáng ngủ muộn mẹ còn phải gọi dậy đi học. Và chỉ sau đêm đăng quang không lâu, tràn ngập các mặt báo là các bài viết chỉ trích về việc Hà Kiều Anh trước đó đã tham gia đóng một cảnh khỏa thân trong phim, dư luận cho rằng đây là một chiêu trò để PR nhan sắc của cô, trước khi thi hoa hậu. Kể như bây giờ thì cũng thấy bình thường, nhưng cách đây 20 năm, đó là một cái gì đó khó chấp nhận. Và trong đằng đẵng từng ấy năm gắn vào tên tuổi mình danh xưng "hoa hậu", Hà Kiều Anh đã không ít lần bị dư luận xô ngã bởi những câu chuyện liên quan đến đời tư của mình, từ việc người chồng đầu dính vòng lao lý đến những chuyện kín, chuyện hở mà giới thạo tin hay "buôn" với nhau lúc trà dư tửu hậu, dù lỗi không xuất phát từ cô, đủ thấy áp lực nặng nề mà cái vương miện mang đến cho Hà Kiều Anh khủng khiếp đến nhường nào.

Cũng vướng vào câu chuyện "người đẹp và đại gia" như Hà Kiều Anh là hoa hậu Nguyễn Thị Huyền. Sau đăng quang, dư luận đồn rằng cô được một thiếu gia quen thói chơi ngông săn đón. Nhưng cuộc tình này nhanh chóng nguội tàn và đã lâu lắm rồi, không ai còn thấy cô xuất hiện trên truyền thông, rộn rã như lúc đăng quang nữa. Cách xuất hiện và rút lui của người đẹp này thực sự gây nuối tiếc cho nhiều người, bởi nhan sắc của cô khi ấy, được đánh giá là đại diện cho nhan sắc truyền thống phương Đông thuần khiết, hồn hậu. Một cô á hậu khác từng đi vào seri phim "Cảnh sát hình sự", khi ngoài đời lấy chồng là một thiếu gia nghiện ngập con quan, dù cô chẳng liên quan gì đến tội trạng của anh chồng, nhưng người ta vẫn chĩa mũi dùi vào cô, vì đơn giản cô là... á hậu.

Còn "nàng hậu" Kỳ Duyên thì đến thời điểm hiện tại, "gánh nặng" vương miện mới gọi là nhẹ nhàng hơn đối với cô, chứ hồi mới đăng quang, dư luận khắt khe, soi mói cả tư thế ngủ say trên máy bay của cô và hình ảnh được cho là hút thuốc lá của cô cũng bị rò rỉ. Hoa hậu nghĩa là không được phép được sống chính con người thật của mình, muốn "nổi loạn" một tí cũng phải nhìn trước ngó sau, muốn xả stress cùng đám bạn cũng phải cảnh giác xem có cái điện thoại nào đang bật chế độ camera chĩa vào mình không. Giờ thì Kỳ Duyên được coi là "tạm ổn" khi chăm chỉ review đồ ăn và chọn cách giữ gìn hình ảnh trên mạng xã hội khá "sạch sẽ".

Có lẽ đúng nghĩa và đúng hướng hơn cả là "nàng hậu" H'Hen Nie. Những đóng góp cho xã hội, cho đồng bào, cho buôn làng mình của cô, sau khi đoạt vương miện, luôn được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. H'Hen Nie trong tương lai chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục là hình ảnh lan tỏa điều tốt đẹp đến cho cộng đồng và vì thế, tên tuổi của cô cho đến giờ vẫn hot, không bị chìm nghỉm như số đông nhan sắc khác.

Đoạt vương miện đã khó, nhưng phải làm hoa hậu cả đời còn khó hơn nhiều! 

Đinh Hiền
.
.