Năm 2023, điện ảnh Việt hồi sinh?

Thứ Năm, 09/02/2023, 16:38

Đại thắng của “Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2” ở phòng vé dịp Tết Quý Mão trở thành cú hích với các nhà làm phim Việt. Từ cú hích mạnh mẽ này cộng với hiệu lực của Luật Điện ảnh sửa đổi, điện ảnh nước nhà được kỳ vọng sẽ hồi sinh rực rỡ trong năm 2023 với hàng loạt tác phẩm hấp dẫn, đa dạng.

Sau 10 ngày ra rạp, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành đã vượt mốc 300 tỷ đồng doanh thu. “Chị chị em em 2” có Ngọc Trinh và Minh Hằng đóng chính cũng gặt hái lợi nhuận khả quan khi thu về hơn 75 tỷ đồng với thời gian tương tự. Cú bùng nổ phòng vé của hai phim này khiến giới chuyên môn lẫn công chúng không khỏi kinh ngạc.

1-thai-hoa-va-thu-trang.jpg -0
Thái Hòa và Thu Trang trong phim "Chuyện xóm tui: Con Nhót mót chồng".

Đại thắng của “Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2” chứng tỏ khán giả không hề quay lưng với phim Việt, thậm chí họ đang khát, rất khát một tác phẩm ra tấm ra món để mạnh tay mở hầu bao. Trước thời điểm hai phim này trình làng, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh quả quyết: Sự thành bại của phim Việt trong năm 2023 phụ thuộc rất lớn vào lần xuất quân của “Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2”. Bởi nếu phim thất bại, bết bát ở phòng vé, thì coi như khán giả sẽ mất niềm tin vào phim Việt. Nó kéo theo hiệu ứng domino cho hàng loạt tác phẩm điện ảnh trong năm. Rất may mắn, hai phim này đã thành công vang dội khiến khán giả lấy lại kỳ vọng, tạo đà cho hàng loạt tác phẩm mới trình làng, cũng như nhà sản xuất mạnh dạn bấm máy những tác phẩm táo bạo, mới mẻ hơn.

Bên cạnh đó, sự khơi thông và ưu ái của Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh được áp dụng từ ngày 1/1/2023 hứa hẹn sẽ chắp thêm đôi cánh cho điện ảnh Việt trong thời gian tới. Luật Điện ảnh có nhiều yếu tố giúp kích thích sáng tạo, như tiêu chí phân loại phim giúp nhà làm phim không phải bó hẹp mình, nhờ vậy dễ dàng lồng ghép những yếu tố để hấp dẫn khán giả; khuyến khích phát triển điện ảnh tư nhân, tăng cường xã hội hóa trong sản xuất, phát hành. Phim Việt không chỉ được ưu tiên trong khung giờ vàng mà còn được tăng suất chiếu.

Cụ thể, ở Điều 9 về “Tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam” có quy định: “Phim Việt Nam phải được chiếu trong hệ thống rạp chiếu phim, đặc biệt vào các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ. Tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim được thực hiện theo lộ trình sau: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm. Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 bảo đảm đạt ít nhất 20% tổng số suất chiếu trong năm”.

Từ hai cú hích này, chỉ mới đầu năm nhưng số phim xếp hàng ra rạp đã khiến khán giả hoa mắt. Ra rạp vào đầu tháng 2 có phim “Vong nhi” của đạo diễn Hoàng Tuấn Cường. Đây là tác phẩm theo thể loại tâm lý, kinh dị - tâm linh do NSƯT Hạnh Thúy viết kịch bản. Phim kể về một cặp vợ chồng cưới nhau đã lâu nhưng mãi chưa có con. Nhưng khi tin vui đến cũng là lúc người vợ đối mặt với hàng loạt hiện tượng kỳ bí từ một oan hồn hài nhi. NSƯT Hạnh Thúy cho biết, kịch bản này được chị ấp ủ bảy năm qua, nhất là khi chị bắt tay thực hiện chương trình talkshow “Giữ lấy mầm sống” nói về vấn nạn nạo phá thai ở giới trẻ.

Dời lịch chiếu dịp Tết vào phút chót, “Siêu lừa gặp siêu lầy” sẽ ra mắt khán giả vào ngày 24/3. Phim kể về cặp lừa đảo “một đẹp trai - một siêu xấu” do Anh Tú và Mạc Văn Khoa thủ vai. Dạng phim hài hước, bình dân dự đoán sẽ là miếng mồi câu khách khi đa số khán giả thích dòng phim mang lại tiếng cười vui vẻ, bối cảnh dung dị. Do đó “Chuyện xóm tui: Con Nhót mót chồng” với sự trở lại của “ngôi sao phòng vé” Thái Hòa và “hoa hậu hài” Thu Trang được kỳ vọng làm nên chuyện. Cùng ra rạp đợt lễ 30/4 như “Chuyện xóm tui: Con Nhót mót chồng” là “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” nằm trong chuỗi series “Lật mặt” ăn khách của Lý Hải.

Các dự án khai thác đề tài táo bạo, đổi mới và bám sát thị hiếu giới trẻ (khán giả chính của phòng vé) có “Fanti”, “Móng vuốt”, “Khi ta hai lăm”… Nếu “Móng vuốt” của đạo diễn Lê Thanh Sơn khai thác về đề tài sinh tồn của một nhóm bạn trẻ khi mắc kẹt giữa khu rừng hoang vu với loài thú dữ thì “Fanti” lại đi sâu vào mặt trái của những thần tượng mạng xã hội.

Thảo Tâm và Hồ Thu Anh vốn là những hot girl mạng xã hội ngoài đời thực. Vì vậy hai cô gái được cho là rất hợp vai khi hóa thân thành hai cô nàng nổi tiếng với hàng triệu người theo dõi. Trong “Fanti”, kể từ khi nổi tiếng, cả hai đều đối mặt với một anti-fan luôn có những tương tác khó hiểu, đầy săn đuổi, đe dọa… Không mang màu sắc tâm lý - giật gân như hai phim trên, “Khi ta hai lăm” lại là bản nhạc thanh xuân tươi sáng nhưng không kém phần gay cấn với những bí mật phía sau hậu trường của những chàng ca sĩ điển trai.

2-fanti.jpg -0
Phim "Fanti" khai thác mặt trái của các người đẹp nổi tiếng trên mạng xã hội.

Dạng phim lấy cảm hứng từ các nhân vật nổi tiếng một thời và dễ thu hút khán giả như kiểu “Chị chị em em 2” hay “Em và Trịnh” thì có “Công tử Bạc Liêu”. Cuộc đời với giai thoại “đốt tiền nấu trứng” và thú ăn chơi trác táng bên vô số bóng hồng của Công tử Ba Huy được đưa lên màn ảnh. Đây là điều khiến công chúng trẻ vô cùng tò mò, háo hức bởi nói như đạo diễn Lý Minh Thắng: "Nhiều hành động của ông, nếu ở thời hiện đại, vẫn có thể khiến người xem ngạc nhiên vì sự táo bạo".

Các dự án phim chờ ra rạp trong năm nay còn rất dài, trong đó xuất hiện nhiều cái tên gây sốt như: “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, “Người đẹp Tây Đô”, phim dã sử “Quỳnh hoa nhất dạ”, “Huyết rồng”, phim giả tưởng về ma cà rồng “Người Mặt Trời”, “Cố nội anh là Thủy Tinh”, phim giật gân - kinh dị “Ký ức ở lại”, “Tết ở làng địa ngục” ... Có thể thấy, mùa phim 2023 quy tụ đa dạng các thể loại và đề tài, được dự đoán là bữa tiệc đặc sắc thú vị theo từng mùa cho khán giả.

Nhìn lại năm 2022, hàng loạt phim thảm họa, kịch bản rời rạc, nội dung phi lý đến cách diễn xuất hời hợt, dàn dựng cẩu thả khiến người xem vô cùng ngán ngẩm dù họ ngóng chờ phim Việt trở lại đường đua sau hai năm đại dịch. Chất lượng tệ hại của “Cù lao xác sống”, “Kẻ thứ ba”, “Virus cuồng loạn”, “Huyền sử vua Đinh”, “Ở bển làm chi”… khiến số ít phim có nội dung tốt, được giới chuyên môn đánh giá cao như “Tro tàn rực rỡ”, “Đêm tối rực rỡ”, “Thanh Sói”… cũng bị ảnh hưởng lây. Từ những cú “dớp” này, khán giả tỏ ra thận trọng và khó tính hơn khi đến rạp. Để đáp ứng mong mỏi của khán giả, các nhà sản xuất không ngừng tìm tòi, thử nghiệm cái mới. Và muốn thành công, họ không còn cách nào khác là phải làm ra những bộ phim thật chất lượng.

Tuy nhiên, chất lượng thôi chưa đủ. Nhìn lại thành công của “Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2”, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng góp phần không nhỏ là vai trò của công tác truyền thông, quảng bá. Trong thời đại số, chưa bao giờ vai trò của truyền thông mạng xã hội phát huy mạnh mẽ như bây giờ. Không dừng lại ở những phân cảnh giới thiệu đơn thuần mà bao nhiêu câu thoại, tình huống đóng đinh vào lòng khán giả luôn được nhà sản xuất “nhả miếng” liên tục trên Facebook, TikTok, YouTube… tạo thành một trào lưu gây sốt. Rõ ràng, phim hay nhưng phải được truyền thông mạnh, cộng với hiệu ứng truyền miệng, bàn luận sôi nổi thì mới mong mời gọi được khán giả.

Mai Quỳnh Nga
.
.