Múa đương đại: Trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc

Thứ Năm, 24/10/2024, 13:47

Tại hội thảo khoa học bàn về “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại” tổ chức ở Kon Tum trong khuôn khổ Tuần lễ Múa 2024, nhiều diễn giả đã đặt ra vấn đề quay trở về truyền thống, lấy chất liệu truyền thống cho những tác phẩm múa đương đại. Nhưng, truyền thống sẽ được sử dụng thế nào để không làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của nó mà vẫn kết nối được với đời sống hôm nay?

Chú trọng vào phá cách sẽ làm mất bản sắc của múa Việt

Múa đương đại là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt và không bị ràng buộc bởi những quy tắc cứng nhắc như múa cổ điển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, múa đương đại tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, phản ánh các vấn đề xã hội và văn hóa hiện đại. Tuy nhiên, một thách thức lớn trong quá trình sáng tạo múa đương đại là làm thế nào để bảo tồn và phát huy yếu tố dân tộc Việt mà không bị “hòa tan” bởi các yếu tố quốc tế. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các biên đạo và nghệ sĩ, tránh để bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một.

văn hóa truyền thống được khai thác trong vở múa sesan.jpg -0
Văn hóa truyền thống được khai thác trong vở múa “Sesan”.

Theo Tiến sĩ, NSND Nguyễn Anh Phương, thông qua sự kết hợp ngôn ngữ múa dân tộc kết hợp đa dạng các dòng múa khác như: múa cổ điển châu Âu, múa đương đại phương Tây và các thể loại chuyển động khác đang diễn ra trên sân khấu nước ta, các nhà biên đạo thể hiện sự bứt phá, tìm tòi trải nghiệm suy tư về nội dung để phản ánh đa dạng vấn đề của xã hội đương đại, vận dụng nhiều phương pháp, thủ pháp mới trong sáng tạo. Nhiều tác phẩm múa có giá trị nghệ thuật cao đã mang đến một góc nhìn khác về phong cách sáng tác cùng cung bậc cảm xúc khác biệt cho người xem, vừa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời như hơi thở mới thổi vào đời sống nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay”.

Có thể dẫn chứng một số tác phẩm như “Nguồn sáng” (NSND Phạm Anh Phương, NSND Nguyễn Hồng Phong); “Con tạo xoay” (biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh); thơ múa “Ký ức dòng Lam” (NSND Lữ Kiều Lê, NSƯT Phạm Thanh Tùng, NSUT Thanh Hằng); tổ khúc múa “Đông Hồ” (biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh); Vở múa “Nón” (Ngọc Khải); tác phẩm múa ngắn như: “Hồn gió Việt” (NSND Phạm Anh Phương); “Ngô trên đá” (NSND Nguyễn Minh Thông); “Mẹ mặt trời” (NSND Trần Xuân Thanh ); “Đôi bạn” (BĐ Nguyễn Thị Tuyết Minh)... Rõ ràng, như một nhà nghiên cứu khẳng định: “Sự kết hợp đa dạng các dòng ngôn ngữ múa đã làm phong phú và hấp dẫn cho đời sống nghệ thuật múa nước nhà. Các tác phẩm múa dân tộc - hiện đại đã đáp ứng xu thế thời đại ngày nay”.

Rõ ràng, vấn đề vận dụng giá trị truyền thống và giá trị hiện đại trong tác phẩm múa vẫn luôn là đề tài được giới nghệ sĩ múa Việt Nam quan tâm. Cũng còn có ý kiến trái chiều về việc giữ nguyên các giá trị truyền thống trong múa dân tộc hay việc chấp nhận các hướng đi mới như: kết hợp múa dân tộc với múa đương đại để tạo nên tác phẩm múa vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở của thời đại.

Thực tế, đời sống nghệ thuật múa Việt Nam thời gian qua đã xuất hiện không ít tiết mục gây cảm giác sống sượng bởi sự kết hợp thiếu tinh tế giữa các dòng ngôn ngữ múa cùng các giá trị thẩm mỹ khác nhau đã tác động tới hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm. Theo đó, sự kết hợp ngôn ngữ giữa múa dân tộc Việt Nam với các dòng ngôn ngữ múa khác chưa tạo thành độ “ngọt”, bởi thiếu sự nghiên cứu chuyên sâu và sự tinh tế cần thiết, nên có nhiều tác phẩm không tạo được sự hứng thú cho người xem, thậm chí bị cho là phản cảm. Dẫn đến tính thuyết phục chưa cao, chưa đi vào chiều sâu văn hóa để khai thác yếu tố dân tộc.

Theo Thạc sĩ Hà Thái Sơn (Học viện Múa Việt Nam): “Một tác phẩm múa đương đại quá tập trung vào các yếu tố kỹ thuật phức tạp hoặc quá cách điệu có thể khiến khán giả khó hiểu hoặc cảm thấy xa lạ. Điều này dễ khiến khán giả khó tính quay lưng lại với nghệ thuật múa, bởi họ luôn mong muốn tìm thấy sự kết nối với văn hóa dân tộc qua tác phẩm múa. Khi bản sắc dân tộc bị xói mòn, tác phẩm sẽ dần mất đi tính gắn kết với khán giả trong nước, làm giảm giá trị tinh thần và cảm xúc mà nghệ thuật múa có thể mang lại. Tóm lại, việc quá chú trọng vào sự phá cách trong múa đương đại có thể làm mất đi giá trị truyền thống của nghệ thuật múa Việt. Những câu chuyện và hình ảnh văn hóa dân tộc có nguy cơ bị làm mờ đi, biến tác phẩm trở thành một bản sao không mang tính đặc thù”.

Xu hướng tất yếu

Theo ông Phùng Quang Minh (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh): “Tiếp thu múa hiện đại của phương Tây giúp cho biên đạo múa có thêm chất liệu, phương tiện để sáng tạo, không thể phủ nhận những giá trị của múa hiện đại mang lại, bởi nó bổ sung những yếu tố mới cho sáng tạo tác phẩm, mang hơi thở hiện đại, tấm gương phản chiếu thời đại, phản ánh khả năng khám phá kỳ diệu của cơ thể, khả năng tư duy, sáng tạo cách nghĩ, cách thể hiện đa chiều phù hợp với xã hội đương đại, tuy nhiên không nên lạm dụng, sao chép một cách thái quá để đánh mất bản sắc văn hóa, phong cách múa của dân tộc mình. Múa hiện đại như một làn gió mới mang lại nhiều giá trị tích cực làm phong phú về ngôn ngữ tạo sự sống động trong dòng chảy hội nhập, nhưng đến giai đoạn này đã qua thời gian trải nghiệm sự mới lạ, háo hức với các trường phái múa, tự phát như là một trào lưu đã không còn. Chúng ta cần phải gạt bỏ những động tác, ngôn ngữ múa tự do vô định không mang lại những giá trị về thẩm mỹ”.

vở múa đương đại nón.jpg -1
Một cảnh trong vở múa đương đại “Nón”.

Ông Minh khẳng định: “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại sẽ giúp người biên đạo trong quá trình xây dựng tác phẩm dựa vào những yếu tố về văn hóa, con người, môi trường tự nhiên với những giá trị bản địa và cái đẹp mang tính biểu tượng, đặc trưng để sáng tạo ra tác phẩm của mình nhằm phản ánh cuộc sống, lý giải những hiện tượng tự nhiên theo cách cảm, cách nghĩ của mình. Tác phẩm múa thành công phải nói về vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước và con người hòa cùng hơi thở của thời đại, xây dựng tác phẩm là người truyền đi những thông điệp có giá trị “Chân - Thiện - Mỹ” thông qua tác phẩm múa, mang tới cho công chúng cái nhìn “Nghệ thuật vị nhân sinh” hướng tới những giá trị tốt đẹp. Nghệ thuật múa luôn mang trong mình sứ mệnh giữ gìn và phát huy tinh hoa bản sắc, văn hóa dân tộc để nghệ thuật múa Việt Nam vươn xa hơn trong xu thế hội nhập”.

Vì thế, NSND Lê Ngọc Cường cho rằng: “Trong thời đại khoa học công nghiệp 4.0, nếu không quay về yếu tố gốc, yếu tố cội nguồn dân tộc thì những bài hát, điệu múa do người máy sáng tạo ra cũng chỉ là một điệu nhảy vô hồn của “cái máy múa” mà thôi. Do đó, “xu thế quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại” là một xu thế khách quan đối với tất cả các loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật chuyển động.

Điều quan trọng là người nghệ sĩ phải thấu hiểu truyền thống, những di sản giá trị của ông cha để lại để trên cơ sở đó, khoác cho truyền thống những chiếc áo mới của ngôn ngữ múa đương đại, để sự kết hợp không bị lệch tông, không sống sượng... và điều quan trọng là truyền thống không bị méo mó khi mang danh sự sáng tạo. Chỉ khi có được sự hòa quyện đó, chúng ta mới có những tác phẩm giá trị để tiếp cận với giới trẻ và mang văn hóa Việt đến gần hơn với công chúng bằng ngôn ngữ múa.

Theo Thạc sĩ Hà Thái Sơn: “Để ứng dụng múa đương đại trong sáng tác mà vẫn giữ được yếu tố dân tộc Việt, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cấp quản lý, các trường nghệ thuật và cộng đồng. Các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý, chương trình giảng dạy sáng tạo từ các trường đào tạo, cùng với nhận thức cộng đồng được nâng cao sẽ giúp bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa Việt Nam một cách bền vững và hiện đại, không mất đi bản sắc”.

Việt Hà
.
.