Một thoáng Tây Đô

Chủ Nhật, 27/07/2025, 15:41

Chúng tôi đến Cần Thơ vào một ngày hè rực nắng, khi thành phố vừa sáp nhập từ 3 tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Trải qua bao lần tách nhập thì nơi đây luôn giữ vị thế là đô thị phát triển bậc nhất miền sông nước Cửu Long. Chỉ vỏn vẹn có một ngày không thể thăm thú nhiều nơi, chúng tôi đến Bảo tàng Cần Thơ, để hiểu về lịch sử gần 300 năm từ thời khai hoang mở đất cũng như có cái nhìn toàn cảnh về đô thị này.

Ngay tại sảnh chính là bức tranh phù điêu khổ lớn mô tả cảnh ghe tàu ngược xuôi, đồng lúa ruộng vườn trải dài, phía trên cùng đề câu ca dao quen thuộc:

Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về

Theo chân cô thuyết minh của bảo tàng, chúng tôi được quay ngược về mốc thời gian từ năm 1739, khi vùng đất được khai mở với tên gọi Trấn Giang. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, qua nhiều lần thay đổi tên gọi cùng địa giới hành chính, từ Vĩnh Thanh, Vĩnh Định, Phong Phú thời nhà Nguyễn; rồi hạt, tỉnh, thị xã Cần Thơ thời Pháp thuộc; giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, tồn tại cả thị xã Cần Thơ lẫn tỉnh Cần Thơ, mà có lúc chính quyền Việt Nam Cộng hòa gọi là tỉnh Phong Dinh.

Một thoáng Tây Đô -0
Một đoạn sông trên đường đến chợ nổi Cái Răng.

Năm 1976, tỉnh Hậu Giang ra đời hợp nhất 3 tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ. Đến năm 1991 thì chia tỉnh Hậu Giang thành Cần Thơ và Sóc Trăng. Năm 2003 lại chia tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ. Và giờ đây, tháng 7/2025, thành phố Cần Thơ nhập lại từ Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng để thành đầu tàu phát triển của miền Tây Nam Bộ.

Về tên gọi, xưa kia tiếng Khmer gọi vùng đất này là Prek Ruessei nghĩa là “sông tre”. Còn cái tên Cần Thơ thì có nhiều giải thích. Theo dân gian, thời trước ở đây trồng nhiều rau cần, rau thơm, các bà các chị gánh đi bán cất tiếng rao, “cần thơm”, đọc trại thành Cần Thơ.

Theo một số tài liệu nghiên cứu theo hướng các địa danh Việt hóa thì cho rằng từ Cần Thơ rất gần với ngữ âm của từ Khmer, Trei Kantho, nghĩa là "cá sặc rằn” hay "cá sặc bổi". Dù có nguồn gốc từ đâu, Cần Thơ luôn là vùng đất đai màu mỡ, lắm cá nhiều tôm, phong phú sản vật; là vựa lúa phương Nam. Chỉ vào ghe lúa ăm ắp trưng bày ở góc bảo tàng, cô thuyết minh cất giọng hò ngọt lịm kể về những vựa lúa trải theo mênh mang sóng nước:

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền
Anh thương em thì cho bạc cho tiền
Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê…

Cần Thơ còn được nhiều người biết đến với cái tên Tây Đô. Một số giả thiết cho rằng tên gọi này có từ khoảng năm 1918 - 1919, trong loạt bài du ký "Một tháng ở Nam Kỳ" đăng trên Tạp chí Nam Phong, cụ Phạm Quỳnh, người vừa là nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn, vừa là Thượng thư Bộ Lại triều Nguyễn, đã kể lại cảm xúc của mình khi lần đầu tiên đến miền đất Tây Nam Bộ: “Cần Thơ có cái vẻ mỹ miều xinh xắn, sạch sẽ phóng khoáng, thật xứng tên làm tỉnh đầu miền tây (La capitale de L'Ouest - Tây Đô). Đường phố thênh thang, nhà cửa san sát, các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn, có chỗ coi xinh đẹp hơn ở Sài Gòn”. Và có lẽ từ đó, biệt danh Tây Đô dù không chính thức trên văn bản, vẫn được dùng để nói về vùng sông nước xinh đẹp này.

Nhiều người nói đến Cần Thơ thì không nên bỏ qua chợ nổi Cái Răng, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Buổi sớm hôm đó, khi trời còn lờ mờ chưa tỏ mặt, chúng tôi hẹn nhau xuống thuyền từ khách sạn Đoàn 30 ở ven sông để trải nghiệm đời sống bến thuyền kẻ chợ của miền sông nước. Thuyền nổ máy giòn giã rẽ đám lục bình tạo nên những gợn sóng xô nhau trên mặt nước. Gió sông, gió trời cùng nhau ùa vào khoang mát rượi.

Phía trên đầu, mảnh trăng mỏng hình lưỡi liềm lơ lửng thành một vệt mờ nhạt, nấn ná neo lại bầu trời trước khi ngày mới bắt đầu. Tôi đưa mắt ngắm hai bên bờ, nào chợ nào nhà san sát tạo nên quang cảnh sầm uất. Thành phố sông nước nên thật lắm cầu. Cứ một quãng vài trăm mét lại thấy một cây cầu vắt ngang, nổi bật nhất là cầu Cần Thơ xa mờ trong sương sớm. Được biết năm 2010 tại thời điểm hoàn thành thì đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á.

Tôi lân la hỏi chuyện anh tài công về tên Cái Răng. Anh Bảy, tuổi gần lục tuần, xởi lởi trả lời bằng giọng Nam Bộ rặc. Dân gian kể rằng từ thời khai hoang, vùng này có nhiều cá sấu, chúng lại mê nghe đờn ca tài tử. Một lần ghe rước dâu đi qua vẳng lời ca tiếng đờn, một con cá sấu khổng lồ nghe thấy bu quanh làm chìm ghe rồi nuốt luôn cô dâu. Chú rể mất vợ, quyết trả thù, đóng cọc chặn xung quanh chờ nước rút vây bắt con cá kia, đem chặt thành nhiều khúc quăng đi các nơi cho hả dạ. Các bộ phận rơi trúng nơi nào thì đặt tên cho nơi ấy, những địa danh Đầu Sấu, Cái Da, Cái Răng… ra đời như thế.

Còn tìm hiểu trong cuốn "Tự vị tiếng nói miền Nam" của học giả Vương Hồng Sển thì cho biết, Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer, Karan nghĩa là ông táo, “Nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và “karan”, chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông Cái đến đậu ghe chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, người mình phát âm biến ra "Cái Răng" rồi trở nên địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn”.

Khi xưa đường bộ chưa phát triển thì đường thủy là giao thông độc tôn ở vùng sông nước, để đưa hàng hóa nông sản đi các nơi. Những chỗ giao nhau của các nhánh sông thành điểm ghe thuyền mua bán tấp nập, từ đó chợ nổi ra đời tạo nên nét văn hóa trên bến dưới thuyền đặc sắc.

Một thoáng Tây Đô -1
Một ghe trái cây trên chợ nổi.

Các gia đình sinh hoạt trên một chiếc ghe, cũng là ngôi nhà, là đời sống của khách thương hồ. Họ có những “biển hiệu” rất độc đáo, dùng cây sào treo thứ mình bán cắm ở đầu thuyền, gọi là “cây bẹo”. Trái cây rau củ áo quần phấp phới tung bay trong gió. Từ xa nhìn liền biết ngay thuyền đó bán gì.

Đất phương Nam trù phú sản vật nên tính tình người dân rất hào sảng, mua bán đếm chục không cân kéo gì, mà chục đây là chục có đầu, mười hai mười ba có khi mười bốn. Đời thương hồ lênh đênh trên sóng nước, họ dùng lời ca tiếng hát làm vui, giai điệu đờn ca tài tử có mặt khắp nơi theo dòng chảy của con nước lớn ròng, trên những bến thuyền neo đậu.

Anh Bảy kể, hồi anh còn nhỏ hay theo má ra chợ nổi, mà đúng hơn là anh say ngủ trong khoang còn má chèo xuồng đi khi đêm còn phủ dày cả vùng sông nước. Anh hồi tưởng, xưa kia chợ nổi Cái Răng là chợ đầu mối rau củ của cả vùng, mua bán cả ngày, nhóm từ 2 - 3 giờ sáng, tầm 4 - 5 giờ là vô cùng nhộn nhịp.

Anh thường thức giấc bởi những âm thanh huyên náo, bởi tiếng nói cười hòa vào tiếng khua mái chèo, tiếng nước vỗ mạn thuyền ì oạp. Anh nói cả đời gắn với sông, cái tiếng nước ngấm sâu vào mình như tiếng thở. Giờ đã có nhà kiên cố trên bờ, có xe máy chạy vù vù, anh vẫn thèm cái cảm giác phiêu dạt trên sông, nhớ cảnh ghe xuồng rẽ đôi con nước lững lờ trôi về phía trước. Tôi hỏi, bởi vậy anh mới chọn làm tài công chở khách du lịch à. Anh cười hiền gật đầu.

Ngày nay đường bộ mở mang, xe máy ô tô khắp nơi, thêm các khu chợ sầm uất trên bờ, chợ nổi dần thưa vắng hoạt động bán mua. Chợ Cái Răng giờ chuyển sang hình thái du lịch để bảo tồn nét văn hóa đặc trưng cho khách thưởng lãm.

Thuyền chạy độ nửa giờ thì tới chợ. Xung quanh có nhiều thuyền khác chở du khách cùng tới nơi, không quen nhưng bất giác mọi người cùng giơ tay chào nhau vui vẻ. Anh Bảy cho thuyền chạy một vòng để chúng tôi tham quan các nghề quê đặc sản miền sông nước như nghề làm kẹo dừa, làm bánh, nghề làm hủ tiếu với những sợi sặc sỡ sắc màu từ rau củ quả… để chiêm ngưỡng nét sáng tạo cùng bàn tay khéo léo của người dân nơi đây.

Một lát sau, thuyền neo lại cho chúng tôi ăn sáng. Chỉ hai món đơn giản, hủ tiếu và bún riêu cua. Ngồi trên bè vừa xì xụp ăn vừa cảm nhận nhịp lắc lư, vừa nghe tiếng nước vỗ ì oàm, quả là cảm giác thú vị. Xa xa, một số du khách vắt vẻo trên mũi ghe nhâm nhi ly cà phê, hào hứng đón chào ngày mới bắt đầu trên miền sông nước. Chợ nổi có khá nhiều ghe thuyền chở trái cây tươi rói vừa hái từ vườn, chào mời du khách, tạo nên cảnh bán mua vui mắt. Những cô gái da trắng nõn nà mặc áo bà ba, cầm chùm dâu da xanh mởn, chùm chôm chôm đỏ lựng chào mời, thật duyên dáng.

Hoàng Ngọc Thanh
.
.