Một lát cắt ngang 3 giải Goncourt của thập niên 2020
Mới đây, tác phẩm chiến thắng giải thưởng Goncourt danh giá của Pháp vào năm 2020 - “Bất thường” của Hervé Le Tellier - đã được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam.
Hợp nhất với “Con cháu của họ cũng thế thôi” (Nicolas Mathieu, chiến thắng năm 2018) và “Sống vội” (Brigitte Giraud, được xướng tên năm 2022), cả 3 tác phẩm đã tạo nên một góc nhìn ấn tượng và rất đa dạng về các chủ đề mà văn học đương đại Pháp hiện đang xoay quanh cũng như tính cởi mở của những người cầm cân nảy mực cho giải thưởng này.
Goncourt theo đó là giải thưởng quan trọng nhất trong số 6 giải thưởng danh giá của đất nước châu Âu này, bên cạnh các giải thưởng như Renaudot, Femina hay Medicis… Trải qua hơn một thế kỷ hình thành, nó đã giúp những tác giả có được danh tiếng, dù món tiền được giữ nguyên từ đó đến nay chỉ còn tương đương vỏn vẹn có 10 euro, nhưng ảnh hưởng về mặt doanh số mà nó tạo ra là rất khổng lồ.
Chẳng hạn, “Bất thường” ngay khi tuyên bố chiến thắng thì đã nhanh chóng tẩu tán được 1 triệu bản cũng trong năm đó, và là thành tích vô tiền khoáng hậu mà bất cứ tác giả hay công ty sách nào cũng muốn sở hữu. Giải thưởng thường được chọn ra vào tháng 11 tại nhà hàng Drouant cổ kính, nơi các thành viên của Viện Hàn Lâm nhóm họp để tìm ra người chiến thắng cuối cùng.
Trong những năm qua, giải Goncourt tiếp tục cho thấy bản thân vẫn là danh hiệu được thèm muốn nhất và đáng khao khát nhất của văn chương Pháp, bởi chất lượng được đảm bảo qua những giám khảo uy tín, có gu thưởng thức đặc biệt và quan trọng nhất là không bảo thủ. Điều đó chỉ có thể được nhìn thấy qua 3 tác phẩm chiến thắng cách năm từ 2018 đến 2022, bởi đây đều là những cuốn tiểu thuyết có phong cách viết cũng như nội dung, bối cảnh hoàn toàn khác biệt.
Có cuốn thuộc về tự truyện, xoáy sâu vào nỗi đau quá khứ, có cuốn thể nghiệm một cách triệt để với những góc nhìn về xã hội đương đại được thể hiện cuốn hút, hấp dẫn… nhưng cũng có cuốn theo hướng phản ánh hiện thực truyền thống. Có thể nói chính việc kết hợp được giữa quá khứ là phong cách Pháp cùng những đổi mới sát sườn hiện thực đã mang đến những dấu ấn cho giải thưởng này.
Văn chương Pháp từ trước đến nay vẫn luôn có được vị trí đặc biệt mỗi khi nhắc đến. Nó không chỉ có một phong vị duy nhất mà thú vị thay, bởi tính chất lịch sử, chính trị khác biệt, mà nó còn quăng mình ra xa hơn biên giới đất nước.
Trong nước, thế kỷ 19 là sự lãng mạn nhưng hiện đại của Flaubert, của Proust, nhưng cũng đồng thời là cái hài hước, là chủ nghĩa tự nhiên sát sườn hiện thực của Zola, Balzac… Thế kỷ 20 đi theo Làn sóng mới của điện ảnh cũng chứng kiến sự ra đời của nhóm văn chương OuLiPo với những thử nghiệm về mặt hình thức, khi cố khai thác toàn bộ tiềm năng toán học của văn chương mà những đại diện tiêu biểu có thể kể đến Perec, Queneau hoặc cả Italo Calvino từ nước Ý láng giềng…
Ngoài nước, đó là di sản của chế độ thuộc địa mà cánh tay nó đã vươn ra khỏi biên giới quốc gia, để đến với châu Phi của Tahar Ben Jelloun (“Đứa trẻ cát”, “Đêm thiêng”...) hay “Đông Dương” của Marguerite Duras (“Người tình”, “Đập chắn Thái Bình Dương”...). Do đó dù cho nhìn nhận ở khía cạnh nào thì văn chương Pháp cũng bị chi phối bởi cả dòng chính (trong nước) lẫn dòng phụ (ngoài nước). Đây chính là điểm đặc biệt khiến nó trở nên độc nhất, không thể thay thế.
Và rồi điều này cũng được kế thừa trong những cuốn sách thắng giải Goncourt. Ở đó ta thấy được tính hiện thực kết hợp cùng cái trào lộng mỉa mai của Nicolas Mathieu trong “Con cháu của họ cũng thế thôi”. Là một cuốn sách có dung lượng lớn, nó tập trung vào 3 thanh thiếu niên ở ngưỡng trưởng thành, qua đó phơi bày những điều tồn đọng với một nước Pháp cuối thế kỷ 20.
Nhân vật của nó có tính điển hình đậm chất “kinh điển” - từ một chàng trai con nhà trung lưu không có gì nổi trội, một cô nàng thượng lưu con nhà chính trị gia và một chàng khác là dân nhập cư từ châu Phi xa xôi. Bằng thủ thuật “deus ex machina” - tạo một nút thắt mang tính định mệnh để toàn câu chuyện xoay chuyển - mà tam giác này đã gặp được nhau, từ đó làm nên những mối quan hệ mà giữa những một nửa để ghép thành cặp, ta càng được thấy thêm cái sắc bén của những thiếu thốn. Tương lai nào chờ đón họ, giữa một nước Pháp muôn đời vẫn thế khi con người ta không thể tìm thấy lối ra cho mình?
Trong khi đó, ở “Sống vội”, một truyền thống khác cũng được gợi ra đó là sử dụng chất liệu tự truyện. Đây là xu hướng quen thuộc đến nỗi mỗi khi nhắc đến đất nước của kinh đô ánh sáng, ta không thể không nghĩ ngay đến nó. Có thể kể ra những Annie Ernaux, Patrick Modiano với những thiên hồi ức được cắt ngắn thành những tác phẩm lạnh lùng, trung dung… đã được gọi tên ở Nobel Văn chương. Ngoài ra đó còn là Camille Laurens với “Con gái”, “Tình ca xúc cảm”... hay Camille de Toledo với “Một dòng họ Do Thái”…
Brigitte Giraud cũng theo hướng đó, viết về những diễn biến tâm trạng khi người hôn phu của bà bất ngờ qua đời trong một vụ tai nạn giao thông từ trên trời rơi xuống. Từ đó mà cuốn sách biến thành những dòng “giá như…” dài miên man vô tận, đi từ động cơ trực tiếp cho đến gián tiếp, đi từ những sắp đặt vẫn còn logic cho đến tận những huyễn tưởng không liên can gì. Cuốn sách được viết tiết chế và chỉ đơn thuần là một vũ trụ của cảm xúc hỗn độn mà bất cứ ai cũng có một lúc nào đó rồi sẽ gặp phải.
Trong khi đó “Bất thường” của Hervé Le Tellier lại là tác phẩm vô cùng khác biệt về mặt thử nghiệm. Là cựu chủ tịch thứ 4 của nhóm OuLiPo, trong tác phẩm này, nhà văn bậc thầy đã dùng những khái niệm đương thời nhất, từ đa vũ trụ, người ngoài hành tinh, hố đen, trò chơi giả lập… để đặt giả thiết rằng nếu con người có một bản sao cho thấy rằng mình luôn không thực sống thì sao? Rằng nếu ta chỉ là giả lập của một mô hình nào đó, rằng nếu “ở kia” cũng có những người như ta, thì ta phải sống thế nào?
Đậm tính triết học và khai mở toàn bộ những khả năng của văn chương bằng nền tảng toán học, đây là cuốn sách khiến ta phải tự hỏi mình những câu hỏi nguyên bản nhưng được thể hiện bằng những dấu ấn phá cách, hiện đại và độc đáo đến không thể ngờ. Có thể thấy rằng cả 3 tác phẩm tuy thuộc 3 xu hướng khác nhau của văn học Pháp nhưng có điểm chung là đã kế thừa những truyền thống văn chương đặc biệt. Tuy vậy, không dừng ở đó mà chúng còn phát triển lên một cách khác biệt.
Dễ thấy nhất là tính thời sự đã được đề cập. Chẳng hạn tác phẩm của Nicolas Mathieu không chỉ có giá trị để phản ánh riêng cho một nước Pháp, mà khi bỏ hết bối cảnh và những chi tiết gán cho đặc trưng nơi này, ta sẽ thấy được một câu chuyện chung tương đối phổ quát của những người trẻ khi mà thiết chế của toàn xã hội không thể bắt kịp khát vọng của họ. Ở đó ta thấy sự chuyển biến từ quá trình phi công nghiệp hóa vẫn còn dai dẳng cho đến ngày nay, trong khi làn sóng nhập cư và chảy máu lực lượng lao động từ một nơi có chất lượng sống cao sang các quốc gia láng giềng nhiều cơ hội hơn... vẫn chưa ngưng nghỉ. Nó là câu chuyện của một nước Pháp thập niên 1990 nhưng cũng là của những năm 2020, của đất nước bên dòng sông Seine cũng như bất cứ quốc gia nào cũng phải đối mặt...
Trong khi đó với tôn chỉ mở rộng tiềm năng của văn chương, trong “Bất thường”, ta có thể thấy độ trễ của diễn biến xã hội và nội dung tiểu thuyết đã được rút gọn rất ngắn. Đơn cử Hervé Le Tellier đã ám chỉ đến những tác phẩm sáng tạo bậc nhất và gây được tiếng vang lớn trong giới giải trí đại chúng của những năm qua như “Ma trận”, “Black Mirror”… để lấy cảm hứng về “thế giới không tưởng” cho cuốn sách này, và cũng không hề che giấu điều đó.
“Bất thường” có thể được nhìn như việc khai thác từ các khả thể của xác suất dù là nhỏ nhất, cho đến khái niệm vô tận của topo hay các giả thuyết siêu hình… Bằng góc nhìn khác lạ, 8 nhân vật trong cuốn sách này cũng đại diện cho rất nhiều hình mẫu ngoài kia, từ người nhập cư, những người chịu đàn áp bởi xã hội thượng lưu... cho đến những người giàu có nhưng không bình yên hay những em bé bị ảnh hưởng tâm lý bởi các vấn đề gia đình... Qua đó khiến cho câu chuyện có độ phủ rộng cũng như tạo nhiều đồng cảm cho độc giả ở nhiều độ tuổi và nhiều thế hệ.
Qua 3 tác phẩm điển hình nhưng lại đa dạng và nhiều màu sắc bất ngờ, có thể thấy giải Goncourt danh giá đã phản ánh được một nền văn học Pháp đương đại vừa kế thừa các truyền thống như hiện thực, tự truyện, thể nghiệm… nhưng cũng không ngừng mở rộng biên giới, để kể câu chuyện của một nước Pháp đương đại nói riêng và toàn thế giới nói chung trong bối cảnh những sự biến đổi ngày càng nhanh hơn và không ngừng lại.