Một gương mặt âm nhạc thành Nam

Thứ Năm, 22/09/2022, 15:07

Nói là gương mặt thành Nam bởi nghệ sĩ này hiện đang sinh sống và làm việc ở thành phố Nam Định chứ anh ở tầm quốc gia với những hiệu quả và sức lan tỏa lớn. Anh là NSƯT, nhạc sĩ Kiều Dư, Giám đốc Trung tâm Văn hóa 3-2 Nam Định, Chủ tịch Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Nam Định và Trưởng bộ môn âm nhạc trong Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh này.

Lâu nay, ở mọi địa phương, Đoàn ca múa nhạc và Trung tâm Văn hóa (TTVH)  là hai cơ quan tách biệt, chỉ cùng chung cấp trên trực tiếp là Sở Văn hóa. Một nơi là đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, lo việc dàn dựng các tiết mục để biểu diễn phục vụ nhân dân (đoàn ca múa). Một nơi lo những sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho quần chúng, mang tính phong trào (Trung tâm Văn hóa).

Những năm gần đây, nhiều nơi, trong đó có Nam Định đã sáp nhập hai cơ quan này. Vậy là Kiều Dư phải gánh trên vai hai trọng trách: Trưởng đoàn văn công và Giám đốc TTVH, nghĩa là vừa làm chuyên nghiệp, lại vừa làm cả nhiệm vụ chăm lo phong trào văn hóa, văn nghệ cho quần chúng. Ngoài ra, lại đảm đương công tác bên Hội Văn nghệ. Công việc của anh hiện tại là của 5-7 người trước đây vì trong TTVH lại có cả điện ảnh, chiếu bóng, triển lãm, thể thao gộp vào.

Một gương mặt âm nhạc thành Nam -0
NSƯT Kiều Dư biểu diễn tại một hội nghị.

Vậy mà Kiều Dư vẫn làm rất “ngon lành”, chẳng có vẻ gì là tất bật, vất vả. Trông anh cũng khá thư thái, an nhàn với nhiều giây phút gặp gỡ, thù tạc cùng bạn bè, những khoảnh khắc dạo bộ một mình để tìm cảm hứng sáng tác. Con số mấy trăm ca khúc ra đời cho thấy anh đã giành được một tỷ lệ thời gian đáng kể cho sáng tác. Nói đến các nhạc sĩ có quê hoặc từng sống nhiều năm ở Nam Định hiện nay không thể không nhắc đến Kiều Dư sau những tên tuổi bậc cha, chú nổi tiếng như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ, Lê Thương, Vũ Trọng Hối, Văn Ký, Văn An, Trần Quý, Đỗ Minh, Trần Viết Bính, Bùi Đình Thảo…

Nếu ai có được cả hai hoạt động sáng tác (nhạc sĩ) và ca hát (ca sĩ) thì thường sẽ nghiêng, lệch về một bên hơn. Ví như các cố danh ca Quốc Hương, Trần Khánh, Trần Thụ có sự nghiệp ca hát lớn hơn sáng tác. Ngược lại, những Thịnh Trường, Trần Tiến, Thế Hiển, Minh Quang lại có nhiều thành tựu về sáng tác hơn là ca hát. Kiều Dư “đi cả hai chân” ngang nhau.

Tuy nhiên, ở hoạt động ca hát, đã từng qua nhiều năm làm ca sĩ ở Đoàn Ca múa Hà Nam Ninh (trước đây), hát hàng trăm bài hát trên sân khấu, từ khi làm “sếp”, lại không còn ở tuổi sung sức nhất của nghiệp ca hát như trước, anh đã nhường lại “đấu trường” cho thế hệ đàn em là học trò, quân của mình, lui về hậu trường đảm nhiệm vai trò huấn luyện, dàn dựng và tạo mọi điều kiện cho các em phát triển tài năng. Mặc dù giọng anh bây giờ vẫn tốt, chuẩn, tuy đã ở tuổi U60.

Tôi nhớ mãi một kỷ niệm về Kiều Dư. Đó là năm 1984 hay 1985 gì đó (không nhớ rõ), một lần tôi đến thăm NSND Quý Dương ở phố Lương Sử (Hà Nội). Đến đúng lúc ông đang dạy mấy cậu học sinh ở nhà. Tôi để ý thấy một cậu có giọng baryton (nam trung) dày, ấm áp, rất giống giọng ông thầy Quý Dương. Hai trò còn lại là giọng ténor (nam cao), tôi không mấy chú ý vì loại giọng này luôn có nhiều, nếu không có màu đặc biệt sẽ không gây được ấn tượng cho người nghe.

Quý Dương cho học trò giải lao ít phút để tiếp tôi. Rồi ông nói tôi có bài gì cần hát hình thức tốp ca nam thì ông dựng luôn cho mấy bạn này. May quá, lúc này tôi vừa viết xong một bài hát. Thế là Quý Dương tập luôn cho mấy trò để thu thanh. Chỉ có 3 người mà hát rất vang, dày như một tốp ca hàng chục người.

Sau đó, thi thoảng tôi vẫn đến chơi với Quý Dương để “học mót” ông mấy “chiêu” ca hát cho hay hơn. Nhưng không bao giờ gặp lại mấy cậu trò kia của ông nữa. Bẵng đi 37 năm sau, cho đến mùa hè năm nay (2022), có việc về Nam Định, tôi và Kiều Dư gặp lại nhau. Nhận ra ngay từ phút đầu, không một giây phải “nhớ lại”. Kiều Dư vẫn còn nhớ bài hát gần 40 năm trước của tôi mà anh từng cùng mấy bạn thu thanh giúp, trong khi tôi là tác giả lại quên.

Một gương mặt âm nhạc thành Nam -0
Nhạc sĩ, NSƯT Kiều Dư tập cho các diễn viên .

Chàng Kiều Dư năm ấy chỉ chừng 20, 21 ruổi. Nay đã là một nhạc sĩ, ca sĩ (NSƯT) nổi tiếng ở quê hương, rất nhiều người biết và yêu mến, một Giám đốc với gia tài hơn 300 ca khúc và rất nhiều bài anh đã hát ở khắp các địa bàn trong tỉnh phục vụ nhân dân. Kiều Dư có giọng hát nam trung dày, ấm áp, giàu màu sắc, lại mang yếu tố kịch tính, có thể hát nhiều dạng bài từ trữ tình đến anh hùng ca, giống như người thầy mình - cố NSND Quý Dương.

Sau 37 năm mới gặp lại, tôi và Kiều Dư nhanh chóng trở nên thân tình và dễ dàng đồng cảm mọi chuyện. Đúng lúc tôi vừa viết xong một ca khúc cần một giọng trữ tình sâu lắng thể hiện, bèn ngỏ ý muốn Kiều Dư hát và thu thanh giúp làm kỷ niệm. Anh vui vẻ nhận lời ngay và chỉ sau một tuần đã đáp ứng đúng nguyện vọng của tôi. Giọng anh không màu mè, chải chuốt mà rất đỗi tự nhiên. Tôi thích cái chất sâu sắc mà thoải mái, hát như cái mạch âm nhạc vốn dĩ vẫn chảy ra tự nhiên như thế. Con người anh thế nào, giọng hát và ca khúc của anh như vậy.

Anh có dáng người khỏe mạnh, rất nam tính với trang phục giản dị, mọi lời nói và cử chỉ có vẻ luôn đúng mực, chững chạc. Có lẽ nhiều năm làm quản lý - tuy là quản lý một đơn vị nghệ thuật - đã tạo nên cái phong cách có phần chân phương, mẫu mực đó. Hằng ngày sống, tiếp xúc, làm việc với một “bày thiên nga” múa hát nhưng anh có vẻ như một sư thầy trong nhà chùa và một cha cố trong nhà thờ. Con người như thế mà lại cho ra được những ca khúc có giai điệu khá mượt mà, “ướt át” cũng thật khá thú vị. Ngay cả một số bài mang tính chất “công ty ca”, “đơn vị ca” nhưng cũng không bị gò ép, khô cứng như nhiều nhạc sĩ vẫn mắc phải.

Tôi từng trêu (mà là hỏi thật) Kiều Dư: “Ngày ngày luôn ở bên cạnh, tiếp xúc, làm việc với nhiều người đẹp, lại là sếp của họ, có khi nào Kiều Dư phải dùng lý trí để chế ngự tình cảm tự nhiên không?”. Rất chân thành, anh trả lời: “Em chẳng thấy có gì đặc biệt phải sử dụng đến lý trí như anh nói mà chỉ thấy áp lực công việc vì luôn bận rộn với rất nhiều nhiệm vụ. Việc nào cũng phải chạy theo thời gian”.

Lại hỏi: “Bây giờ dẫu sao cũng đã qua tuổi trẻ thì thấy vậy hay trước đây, thời trai trẻ cũng thế vì học xong ở Nhạc viện, Kiều Dư đã về ngay đoàn văn công tỉnh nhà làm ca sĩ?”. Trả lời: “Hồi trẻ, lúc chưa lấy vợ cũng vậy. Chắc cơ địa và trái tim em có cấu tạo đặc biệt nên thế”. Nghe Kiều Dư nói, nghe sáng tác và chứng kiến công việc hàng ngày của anh, tôi bỗng nhớ đến một bậc đàn anh, người bạn vong niên khả kính của mình là cố nhạc sĩ Trần Chung. Ngoài vợ ra, ông không bao giờ để ý đến bất cứ một bóng hồng nào dù có “chim sa, cá lặn” đến đâu.

Mà vợ ông lại là một phụ nữ chân phương, mộc mạc, ngoại đạo âm nhạc, công việc hàng ngày không dính dáng chút nào đến nghề của chồng trong khi ông luôn đến các hội diễn ca nhạc để thu thanh, giới thiệu trên làn sóng nên có nhiều cơ hội tiếp xúc với các cô gái trẻ. Trần Chung được các cô gái rất quý, luôn bá vai bá cổ ông mà trêu nhưng ông vẫn “trơ như đá, vững như đồng”. Vậy mà các ca khúc của ông lại cực kỳ lãng mạn, hơn xa những vị nhạc sĩ đa tình, luôn đắm chìm trong tình ái.

Hầu hết các bài hát của Kiều Dư đều tập trung vào các chủ đề tình yêu lứa đôi và quê hương Nam Định. Đặc biệt, anh có sự đồng cảm lớn với nhà thơ Nguyễn Thế Minh là một gương mặt thơ quen biết ở Nam Định khi hai người cùng tạo nên khá nhiều ca khúc có hiệu quả như: “Một thoáng thành Nam”, “Khúc tình thu”, “Về Nam Định nghe em”, “Hồn quê”, “Đừng xa nhé”… Tuy được đào tạo chính quy về thanh nhạc chứ không phải là sáng tác nhưng do luôn khiêm tốn học hỏi, chịu khó nghe nhiều tác phẩm thành công của những nhạc sĩ lớp cha, anh mà ca khúc của Kiều Dư đã có sức thuyết phục người nghe. Giai điệu của anh có hồn, có bản sắc riêng. Kết cấu gọn gàng, hợp lý.

Luôn bận rộn với công việc, thấy rõ hiệu quả của những chương trình mình tổ chức, tạo nên và chứng kiến thế hệ đàn em trưởng thành là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của Kiều Dư. Anh là một gương mặt âm nhạc nổi trội, không thể thay thế ở vùng đất học và phủ Thiên Trường, nơi có hào khí Đông A vẫn còn tỏa sáng mãi đến hôm nay.

Nguyễn Đình San
.
.