Một góc nhìn về phim trăm tỷ

Thứ Sáu, 18/03/2022, 11:37

“Bẫy ngọt ngào” (Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư) và “Chuyện ma gần nhà” (đạo diễn Trần Hữu Tấn) là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi đạt doanh thu dẫn đầu trong số phim Việt ra rạp những tháng đầu năm 2022. Đó thực sự là tín hiệu vui cho sự trở lại của điện ảnh Việt sau thời gian “đóng băng” vì dịch bệnh. Tuy nhiên, chất lượng của hai bộ phim “trăm tỷ” trên có thực sự được như kỳ vọng?

Những điểm “cộng”

Những năm gần đây, Tết Nguyên đán và ngày lễ tình nhân Valentine 14-2 dần trở thành mùa phim được các nhà sản xuất Việt chú trọng. Mùa phim năm nay được đánh giá là sôi động khi có sự xuất hiện của nhiều phim Việt phải hoãn chiếu trước đó vì dịch bệnh. Theo đánh giá của giới chuyên môn, phim ra rạp dịp Tết và Valentine năm nay có thuận lợi lớn nhất chính là sự mong chờ, háo hức của khán giả được quay trở lại rạp. Tuy nhiên, hạn chế là ở chỗ, các rạp chiếu chưa được mở ở tất cả các địa phương (vào thời điểm đó có Hà Nội) bên cạnh tâm lý của một số khán giả e ngại đến nơi tập trung đông người.

Chọn ra rạp vào thời điểm lễ tình nhân 14-2, “Bẫy ngọt ngào” và “Chuyện ma gần nhà” nhanh chóng nhận được sự chú ý của giới truyền thông khi liên tiếp lọt vào top phim có doanh thu cao nhất. Theo thống kê của BoxOffice Việt Nam, tính đến hết ngày 5/3/2022, “Bẫy ngọt ngào” đã đạt đến doanh thu gần 85 tỷ đồng, “Chuyện ma gần nhà” doanh thu gần 64 tỷ đồng. Trong đó “Bẫy ngọt ngào” hiện là phim Việt có doanh thu cao nhất tính từ đầu năm đến nay.

Một góc nhìn về phim trăm tỷ -0
Với doanh thu hơn 80 tỷ đồng, “Bẫy ngọt ngào” hiện là phim có doanh thu cao nhất trong những tháng đầu năm 2022.

Đánh giá một cách khách quan thì “Bẫy ngọt ngào” là một bộ phim “xem được”. Đó là phiên bản “nâng cấp” của webdrama “Chiến dịch chống ế” từng gây được sự chú ý trên mạng xã hội. “Bẫy ngọt ngào” được đánh giá cao khi khai thác chủ đề mới, táo bạo nhưng có vẻ như không thực sự hợp với không khí lãng mạn của ngày Valentine: Bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Tuy nhiên, chính vì khai thác chủ đề này mà “Bẫy ngọt ngào” gây tò mò với khán giả khi những cảnh nóng táo bạo trong phim được dùng như một “chiêu chủ đạo” để PR cho phim.

Phim có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng như Quốc Trường (vai Đăng Minh), Minh Hằng (vai Quỳnh Lam), Diệu Nhi (vai Linh Đan), ca sĩ Bảo Anh (vai Camy) và Thuận Nguyễn (vai Ken). Phim xoay quanh cuộc sống của cô gái xinh đẹp Camy với người chồng bên ngoài là doanh nhân thành đạt nhưng bên trong là một người đàn ông bệnh hoạn, ghen tuông vô cớ và thường xuyên bạo lực tình dục vợ. Bên cạnh Camy là những người bạn thân luôn sát cánh cùng cô để giải quyết mọi rắc rối: Nhà thiết kế thời trang xinh đẹp Quỳnh Lam, luật sư Linh Đan và chàng trai Ken.

Diễn xuất tốt của dàn diễn viên là điểm cộng lớn của “Bẫy ngọt ngào”. Các diễn viên, từ vai chính đến vai phụ đều thể hiện tròn vai và có màu sắc, cá tính riêng. Ca sĩ Bảo Anh lần đầu “chạm ngõ” điện ảnh cũng thể hiện rất tốt vai diễn Camy với chiều sâu nội tâm và nhiều màu sắc cảm xúc. Đây là vai diễn nhận được nhiều lời khen từ khán giả. Bảo Anh diễn tự nhiên, có cảm xúc, lời thoại rõ ràng.

Được biết đây là phim điện ảnh đầu tay của nữ đạo diễn trẻ, người được coi là “phù thủy” tạo MV hit trong showbiz Việt – Đinh Hà Uyên Thư. Chính vì vậy, bối cảnh, hình ảnh, màu sắc, góc quay… trong “Bẫy ngọt ngào” rất đẹp mắt và đậm chất điện ảnh. Sự xuất hiện ngắn ngủi của một số ca sĩ hàng đầu của showbiz Việt như Đàm Vĩnh Hưng, Quang Hà… cũng góp phần tạo thêm hiệu ứng cho phim.

“Chuyện ma gần nhà” lựa chọn đề tài kinh dị. Đây cũng là bộ phim gây nhiều tranh cãi nhất trong những bộ phim ra rạp kể từ đầu năm. Nhiều ý kiến khen nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng, “Chuyện ma gần nhà” là sự thất bại của một phim kinh dị Việt. Điểm cộng của “Chuyện ma gần nhà” chính là khai thác đề tài kinh dị ở đô thị - mảng đề tài được coi là “mỏ vàng” khi hướng tới đối tượng khán giả đô thị mà ở họ luôn bị ám ảnh về một câu chuyện ma nào đó. Đồng thời, đây cũng là mảng đề tài chưa được khai thác nhiều trong điện ảnh Việt thời gian qua. Bối cảnh phim là Sài Gòn và các tỉnh miền Tây những năm 1990 – 2000 thực tế, gần gũi làm tăng cảm giác kịch tính, sợ hãi cho khán giả, nhất là khán giả miền Nam khi xem phim.

Một góc nhìn về phim trăm tỷ -0
Một cảnh trong phim “Chuyện ma gần nhà”.

Nội dung được xây dựng với ba câu chuyện nhỏ khác nhau, khai thác yếu tố hù dọa khác nhau. Đó là câu chuyện về người phụ nữ trên xe nước mía được vẽ từ chân dung ngôi sao nổi tiếng sớm biến mất với gương mặt bị hủy hoại. Câu chuyện về căn chung cư với nhiều linh hồn trú ngụ và câu chuyện về một nhà ngoại cảm bị ma không đầu đeo bám. Cách kể chuyện theo dạng tuyển tập các câu chuyện nhỏ cũng làm mạch phim mới lạ, thu hút. Âm thanh trong phim khá hiệu quả với những cảnh quay kịch tính, đẩy cảm xúc cho người xem.

Và những hạt sạn…

Từ hai bộ phim “Bẫy ngọt ngào” và “Chuyện ma gần nhà” có thể thấy rằng, cố gắng tìm kiếm, khai thác đề tài, chất liệu mới là điều mà các nhà sản xuất đang hướng tới. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận và là tín hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt bởi điện ảnh Việt đang thiếu những đề tài mới lạ, táo bạo và mang tính thời sự cao. Mặc dù được đánh giá cao ở sự tìm tòi khai thác đề tài mới nhưng “Bẫy ngọt ngào” và “Chuyện ma gần nhà” đều bị “soi” ở phần kịch bản. Kịch bản phim vẫn là điểm yếu của phim Việt nói chung và điện ảnh Việt nói riêng.

“Bẫy ngọt ngào” không được đánh giá cao về kịch bản. Nhiều khán giả cho rằng, nội dung phim còn đơn giản, dễ đoán và cái kết phim giáo điều, chưa thực sự ấn tượng. Cuộc sống hai mặt của doanh nhân thành đạt Đăng Minh lộ diện ngay từ những phút đầu của bộ phim khiến bộ phim mất đi sức hấp dẫn, dễ đoán tình tiết. Kế hoạch trả thù của nhóm bạn nhằm giúp Camy thoát khỏi cuộc hôn nhân bi kịch với Đăng Minh được cho là đơn giản, thiếu kịch tính và sự bất ngờ cần thiết.

Tương tự như vậy, “Chuyện ma gần nhà” bị đánh giá là hạn chế trong cách trình bày, liên kết nội dung phim. Phim được kể theo dạng tuyển tập khá mới mẻ nhưng độ liên kết các câu chuyện lại thiếu logic. Ngoài câu chuyện đầu đơn giản nhưng được dẫn dắt tốt thì hai câu chuyện tiếp theo lại có cách kể thiếu mạch lạc. Nhiều khán giả cho rằng, khi thưởng thức phim, họ có cảm giác như xem ba bộ phim ngắn rời rạc, thiếu sợi dây kết nối để đẩy cảm xúc lên cao. Bên cạnh đó, phần tạo hình, kỹ xảo và ánh sáng phim còn nhiều hạn chế, làm giảm các tình tiết kinh dị trong phim.

Một vấn đề nữa cần phải nói đến chính là khâu PR của “Bẫy ngọt ngào” và “Chuyện ma gần nhà”. Hai bộ phim được PR quá đà trên truyền thông thành ra gây phản cảm. Trên nhiều diễn đàn mạng, một số khán giả bày tỏ sự thất vọng vì phim không được như kỳ vọng.

Qua “Bẫy ngọt ngào” và “Chuyện ma gần nhà” cho thấy, công tác kiểm duyệt phim thời gian gần đây đã có nhiều đổi mới, cởi mở hơn với các nhà sản xuất. Thậm chí, có người nói rằng, đạo diễn, nhà sản xuất phim đã có thêm “đất” để thỏa sức sáng tạo nghệ thuật. Những nhà sáng tạo và cơ quan kiểm duyệt ngày càng tìm được tiếng nói chung để mang đến cho khán giả những thước phim chân thực, chất lượng và nhiều cảm xúc nhất. Tuy nhiên, ngay cả như vậy nhưng với “Bẫy ngọt ngào”, tôi lại thấy có quá nhiều cảnh nóng, nóng một cách quá đà, không cần thiết trong bộ phim kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Và tôi lại tự hỏi, tại sao những cảnh nóng không cần thiết ấy lại không bị cơ quan kiểm duyệt tuýt còi?

Dẫu sao, nói gì thì nói, “Bẫy ngọt ngào” và “Chuyện ma gần nhà” vẫn là hai trong số những phim đáng xem nhất đầu năm 2022. Doanh thu trăm tỷ là một chuyện nhưng đáng mừng hơn là nó phát đi tín hiệu tích cực cho sự trở lại của điện ảnh Việt thời gian tới…

Tường Phạm
.
.