Một “Cơn giông” trên màn ảnh giữa mùa dịch

Thứ Sáu, 24/09/2021, 10:18

Bộ phim “Cơn giông” của đạo diễn Trần Ngọc Phong chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của cố nhà văn Lê Văn Thảo, có lẽ là tác phẩm điện ảnh duy nhất được khởi quay, dàn dựng và cấp phép trong mùa dịch COVID-19 năm nay. Mặt khác, từ trang văn đến màn ảnh cũng là một thử thách thú vị dành cho những ai từng biết đến “Cơn giông”.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong năm nay 61 tuổi, từng được biết đến qua các bộ phim “Trận đấu cuối cùng”, “Ba người đàn ông năm”, “Biển đợi”, “Không cân sức”, “Tình như chiếc bóng năm”, “Trọn kiếp lênh đênh”, “Bão rừng”, “Hoàng hôn ấm áp”. Đạo diễn Trần Ngọc Phong là con trai của nhà văn Trần Công Tấn, nên từ lâu ông đã ấp ủ làm một bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Vì vậy, khi được Hãng phim Giải Phóng giao thực hiện bộ phim “Cơn giông”, đạo diễn Trần Ngọc Phong rất háo hức để bước vào một cuộc chinh phục công chúng điện ảnh.

Một  “Cơn giông” trên màn ảnh giữa mùa dịch -0
Đạo diễn Trần Ngọc Phong.

Sau 20 năm ra đời, tiểu thuyết “Cơn giông” của nhà văn Lê Văn Thảo đã chính thức xuất hiện trên màn bạc. Bộ phim “Cơn giông” được đạo diễn Trần Ngọc Phong khởi quay vào tháng 3/2021 tại Cần Giờ, được dàn dựng vào những ngày phương Nam bùng phát dịch COVID-19, và vừa được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến để kịp trở thành ứng viên ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 dự kiến tổ chức ở Huế vào tháng 11/2021. Bộ phim “Cơn giông” có dung lượng 100 phút, do Hãng phim Giải Phóng sản xuất, khi nộp bản dựng xin cấp phép, hoàn toàn không bị Hội đồng duyệt phim Quốc gia yêu cầu cắt bỏ hay chỉnh sửa bất kỳ chi tiết nào. Chứng tỏ đạo diễn Trần Ngọc Phong đã có những tiết chế nhất định khi đưa lên phim những nhân vật phóng túng mà nhà văn Lê Văn Thảo xây dựng trong tiểu thuyết “Cơn giông”.

Tiểu thuyết “Cơn giông” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016). Tiểu thuyết “Cơn giông” được in lần đầu tiên vào năm 2002, sau đó được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng văn học Đông Nam Á. Tiểu thuyết “Cơn giông” cũng nằm trong số những tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 của nhà văn Lê Văn Thảo.

Là một đồng nghiệp, nhà văn Tô Hoàng thổ lộ về tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thảo: “Nhiều bạn đọc, đặc biệt là các bạn đọc trẻ, đã nói với tôi rằng, đọc đến trang cuối cuốn “Cơn giông” thì họ muốn òa khóc. Không phải khóc vì xót thương số phận chìm nổi của các nhân vật đâu. Họ khóc vì giữa cuộc sống với cái ác hình như đang được tháo cũi sổ lồng, tại sao tấm lòng nhà văn vẫn ấm áp, tin yêu đến thế để mà còn nhận ra, còn rung động và cổ súy cho lòng nhân ái, điều thiện căn”. Thế nhưng, khi được mời chuyển thể kịch bản phim cho “Cơn giông”, nhà văn Tô Hoàng đã loay hoay nhiều tháng và trả lại tiền đặt hàng vì nhiều chi tiết quá phức tạp, phù hợp với văn chương hơn điện ảnh.

Kịch bản phim “Cơn giông” được biên kịch Ngô Hoàng Giang cặm cụi chuyển thể trong hơn 5 năm. Đạo diễn Trần Ngọc Phong tiếp tục hoàn chỉnh kịch bản phân cảnh với sự bổ sung vào câu chuyện một số nhân vật từ vài truyện ngắn khác của nhà văn Lê Văn Thảo như “Ông cá hô”, “Đi thăm chồng”… để khắc họa rõ hơn thân phận người miền Tây sông nước.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong nói về bộ phim “Cơn giông” bằng sự hào hứng: “Đây cũng là câu chuyện về những con người và vùng đất miền Tây với nhiều cung bậc cảm xúc. Chuyện phim xoay quanh nhân vật tên Bằng, là người gốc Cà Mau, xuất thân là một đứa trẻ mồ côi được nhặt sau một cơn giông. Sau nhiều năm lưu lạc, anh trở về quê hương với quyết tâm tìm ra gốc gác của mình. Và cũng chính từ quê hương sông nước phù sa, tiếp xúc với những con người quê chân chất, hào sảng đã khiến anh thay đổi thành một con người khác. Bằng, cuối cùng cũng đã tìm thấy được cha ruột của mình, tình yêu cũng đến với anh như một câu chuyện đẹp có hậu, giàu tính nhân văn”.

Một  “Cơn giông” trên màn ảnh giữa mùa dịch -0
Một cảnh trong bộ phim “Cơn giông”.

Nhà văn Lê Văn Thảo từng quan niệm: “Điều quan trọng nhất của nhà văn theo tôi là tính chân thực. Một chút phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chương là hỏng. Nhà văn có tài là người biết bỏ cái gì, chứ không phải viết cái gì. Nhà văn đâu chỉ nên miêu tả một cách khách quan, lạnh lùng về nhân vật và diễn biến sự việc. Nhà văn phải biết lắng cảm xúc, có sự gạn lọc, không đứng ngoài và đứng trên sự thật. Tôi gần gũi nhiều hơn với những người bình thường, những người nghèo khổ, dân dã, những người có thân phận hẩm hiu, bất hạnh”.

Lúc sinh thời, nhà văn Lê Văn Thảo hé lộ về nhân vật Bằng trong tiểu thuyết là kiểu người “khát khao vẫy vùng, ưa tự do, tính cách ngang tàng, bất cần; lòng thương người, sự thô nhám, ăn sóng nói gió. Nghĩa là Bằng có những gì tiêu biểu cho bản chất của những người “dân ấp, dân lân” đi khai khẩn đất hoang ở Nam Bộ”. Ngoài nhân vật chính Bằng tự chặt đước dựng nhà ở chỗ heo hút nhất bên bờ sông Ông Trang, trong “Cơn giông” còn có những con người khá độc đáo khác như Sáu Thiên, Long Cụt, cô tiếp viên Thủy, ông già Trăm Tuổi…

Tiểu thuyết “Cơn giông” viết về vùng đất Cà Mau, nên đạo diễn Trần Ngọc Phong có sự tâm đắc riêng: “Có thể nói, làm phim về đề tài miền Tây với tôi đúng là như “cá gặp nước”, nên đây là tác phẩm chúng tôi dành nhiều tâm huyết. Đúng ra phim được quay tại Cà Mau, nhưng khi khảo sát bối cảnh, việc tìm ra những rừng đước mênh mông như miêu tả đã không thể đáp ứng. Những cảnh vật đậm chất nguyên sơ ngày xưa đã thay bằng việc bê tông hoá, phân lô nuôi tôm, hải sản… muốn tìm bối cảnh đoàn làm phim phải đi đò máy cả 5-6 tiếng nên quá nhiêu khê. Thật may, khi quay về Cần Giờ tìm được Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn được bảo tồn, chúng tôi mừng rơn khi nhận thấy đúng nơi xảy ra câu chuyện của “Cơn giông”. Đoàn phim đã dựng cảnh, tập trung tại đây hơn tháng trời để hoàn thành những cảnh quay theo đúng tiến độ”.

“Cơn giông” phản ánh những cuộc đời trôi dạt ở một không gian bộn bề. Nhà văn Lê Văn Thảo đã miêu tả với những phác thảo trong tiểu thuyết: “Cả khu chợ tan hoang. Quán Hai Chất bị tốc mái, khách khứa vẫn tấp nập. Bằng lên quán uống cà phê, mặc Thủy và gã con trai tìm người phụ cáng đưa bà mập đi bệnh viện. Hai Chất vẫn yên vị trên chiếc ghế mây, như không hề có cơn giông, báo tin ông Sáu Thiên đã đưa đứa con gái mù ra chợ Cà Mau gặp tay người Mỹ, tránh được cơn giông, kêu Bằng ra đó có chuyện cần bàn. Rồi lại báo tin trại cải tạo cho người đi tìm Bằng”. Do đó, từ văn chương đến điện ảnh, cũng là một thách thức cho cả êkíp làm phim lẫn công chúng.

Một bộ phim được hoàn thành giữa bối cảnh COVID-19 như “Cơn giông” chắc chắn ẩn chứa không ít tò mò với giới mộ điệu. Riêng đạo diễn Trần Ngọc Phong thì tâm sự: “Xem lại những phân cảnh, tôi càng xúc động với những thước phim nhiều cảm xúc mà các diễn viên cùng ê kíp đã vất vả với nhau trong những khu rừng sình lầy, bước chân xuống là ngập sâu đến thắt lưng, khiến không ít lần chúng tôi bị mắc kẹt phải chờ giải cứu. Diễn viên vào vai, nhất là Trung Dũng lăn xả hết mình trong phân cảnh trồng rừng để kịp con nước, ê kíp thực hiện, đạo diễn cũng không khác gì hơn. Hàng chục con người đã miệt mài từ sáng sớm đến đêm khuya, nhưng đổi lại chúng tôi đã có những nhân vật sống động, với câu chuyện chắc chắn sẽ mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc”.

Đạo diễn Trần Ngọc Phong từng có kinh nghiệm làm nhiều bộ phim về cuộc sống sông nước như “Những nẻo đường phù sa”, “Bình minh châu thổ”, “Duyên nợ Miền Tây”, “Sông phố nhà ghe”… nên lần này bộ phim “Cơn giông” cũng không nằm ngoài khả năng kiểm soát. Thử thách đáng kể nhất của đạo diễn Trần Ngọc Phong chính là thị trường phim. Khán giả Việt đang hào hứng với dòng phim nặng tính giải trí, thì một bộ phim nhiều ưu tư mệnh kiếp long đong như “Cơn giông” chẳng khác gì một phép thử phiêu lưu. 

 

Gia Quan
.
.