Một câu chuyện nhỏ góp vào một tình yêu lớn

Thứ Năm, 30/03/2023, 10:16

Chủ quyền biển đảo luôn là đề tài ý nghĩa và hấp dẫn với văn học. Nhưng ở địa hạt văn học thiếu nhi, phải đốt đuốc mới tìm được những cuốn sách khai thác đề tài này. "Trường Sa! Biển ấy là của mình" của nhà văn Tiểu Quyên là bộ sách hiếm hoi như thế.

Vừa ra mắt, bộ sách "Trường Sa! Biển ấy là của mình" đã tạo được dư chấn với cộng đồng yêu văn chương và sự hưởng ứng nhiệt tình của các em nhỏ. Bởi đã rất lâu rồi, làng sách thiếu nhi mới đón nhận một tác phẩm về đề tài biển đảo. Những buổi giao lưu, tìm hiểu kiến thức biển đảo trong lứa tuổi tiểu học được khuấy động trên cả nước nhờ cảm hứng từ bộ sách này.

Bộ sách gồm hai tập "Phong ba nơi đầu sóng" và "Biển ấy là của mình". Lấy góc nhìn ngộ nghĩnh, đáng yêu của chú cún tên Phong Ba, bộ sách tranh "Trường Sa! Biển ấy là của mình" của nhà văn Tiểu Quyên và tranh minh họa của họa sĩ Thanh Phan giúp những kiến thức về quần đảo Trường Sa và chủ quyền biển đảo thiêng liêng trở nên gần gũi, sinh động với độc giả nhỏ tuổi.

2 tieu quyen.jpg -0
Nhà văn Tiểu Quyên kể chuyện chú cún Phong Ba cho các em nhỏ.

Cùng những người bạn mang cái tên mặn mòi vị biển như Ốc Nhảy, Cát, Sóng Trắng, Đại Dương, anh Bão Táp, bác Phi Lao…, chú cún Phong Ba nghịch ngợm dần khám phá bao điều thú vị trên đảo Sinh Tồn. Đó là những loài cây đặc trưng trên đảo như cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp… Đó là luống rau xanh mướt mà lính hải quân ngày đêm chắt chiu từng giọt nước ngọt, là buổi chào cờ thiêng liêng trên cột mốc chủ quyền, là mùa xuân rộn ràng với chiếc bánh chưng gói bằng lá bàng vuông…

Sang tập hai, kiến thức về lịch sử quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được lớp học bác Phi Lao giảng giải cho lũ cún nhỏ. Những khái niệm mới mẻ như "âu tàu", "hải đăng", "đảo nổi", "đảo chìm" cũng được bác Phi Lao cắt nghĩa rất dễ hiểu. Sự hy sinh của các chiến sĩ trên đảo Gạc Ma được nhắc nhớ nhẹ nhàng như một nỗi mất mát chẳng thể nào nguôi ngoai. Dù cuộc sống trên đảo còn khó khăn thiếu thốn, nhưng sức sống lạc quan, mãnh liệt của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió không bao giờ dập tắt. Các chiến sĩ vẫn vững vàng tay súng canh gác cho một phần máu thịt của Tổ quốc. Một câu chuyện nhỏ góp vào cho một tình yêu lớn - tình yêu biển đảo quê hương.

Chất liệu làm nên cuốn sách được nhà văn Tiểu Quyên chắt lọc từ chuyến tác nghiệp trên quần đảo Trường Sa vào tháng 4/2019. Chuyến đi để lại cho chị nhiều kỷ niệm khó quên. Đặt chân lên đảo, tận mắt chứng kiến công việc và cuộc sống của quân dân, những người con của đất liền mới thấm thía sâu sắc tiếng gọi Tổ quốc thiêng liêng. Giọt nước mắt của anh lính trẻ khi lần đầu nghe giọng nói từ đất liền, ngọn rau xanh oằn mình trên cát bỏng hay giọt nước ngọt chắt chiu… đều khiến Tiểu Quyên bồi hồi, rưng rưng.

"Tôi không bao giờ quên buổi chia tay ở đảo Trường Sa Lớn. Lúc đó trời đã xẩm tối, tàu chuẩn bị nhổ neo để về đất liền. Ở trên boong tàu, mọi người cùng hát những bài ca yêu Tổ quốc. Và ở bến cảng, các chiến sĩ và em thiếu nhi cũng cất lời đáp từ. Tình yêu đất nước gửi gắm qua giai điệu và lời chia sẻ giữa biển trời hôm ấy khiến tôi vô cùng xúc động. Không chỉ tôi mà mọi người trong đoàn đều không cầm được nước mắt trước giờ phút chia ly bịn rịn. Với những điểm đến trên đất liền, ta rời đi và dễ dàng quay trở lại nhiều lần. Còn với Trường Sa thì khác, hầu như mỗi người chỉ có thể đặt chân đến một lần trong đời".

Sau chuyến đi này, chị bắt tay viết cuốn truyện dài mang tên "Cà Nóng chu du Trường Sa" dành cho lứa tuổi thiếu niên từ 11 đến 15 tuổi. Cuốn sách là hành trình khám phá vẻ đẹp biển đảo lẫn câu chuyện lịch sử oai hùng của một chiếc máy ảnh. Tác giả chia sẻ: "Khi viết "Cà Nóng chu du Trường Sa", tôi từng nghĩ rằng giá mà có thể thực hiện song song một bộ sách tranh cho các bé dưới 10 tuổi. Tôi mong mình có thể mang đến cho các bé một câu chuyện dễ thương, sinh động mà cũng có ý nghĩa, giàu cảm xúc về nơi đầu sóng. Vì đã có trải nghiệm, có độ lùi thời gian nhất định so với cuốn "Cà Nóng chu du Trường Sa", lại viết cho lứa tuổi rất nhỏ nên tôi không gặp nhiều khó khăn khi viết "Trường Sa! Biển ấy là của mình". Mình chỉ cố gắng làm sao để câu chuyện không bị khô khan, sáo rỗng, hướng đến nội dung dễ thương, nhẹ nhàng".

Trái với Tiểu Quyên, dù chưa một lần đặt chân đến Trường Sa nhưng bằng cách tham khảo các thước phim và hình ảnh tư liệu, họa sĩ Thanh Phan (sinh năm 1998) đã mang đến những bức tranh minh họa sống động, chân thực. Cô chăm chút tỉ mỉ từng chiếc lá phong ba, đóa hoa bàng vuông nở e ấp trong đêm đến cảnh huy hoàng, bừng sáng ở quần đảo khi cơn bão đi qua. "Từ lâu tôi đã mong muốn vẽ một cuốn sách về chủ quyền biển đảo, và khi nhận được bản thảo "Trường Sa! Biển ấy là của mình", tôi xúc động lắm. Một câu chuyện truyền tải thông điệp rất sâu sắc nhưng tác giả lại chọn một điểm nhìn dễ thương và gần gũi vô cùng. Nhưng tôi có đôi chút áp lực khi nhận bản thảo vì đây là một đề tài mới và có thể hơi xa lạ với các bạn nhỏ vì Trường Sa có lẽ rất khác với các bãi biển và đảo du lịch khác của Việt Nam mình" - nữ họa sĩ bộc bạch.

1 bo sach.jpg -0
Bộ sách “Trường Sa! Biển ấy là của mình” của nhà văn Tiểu Quyên.

Dòng văn học viết về biển đảo, đặc biệt là về Trường Sa không thiếu, nhưng đa số đều dành cho độc giả trưởng thành. Không ít ý kiến cho rằng, có lẽ do đề tài Trường Sa có gì đó nặng tuyên truyền, khô khan nên khó "văn học hóa" để truyền đạt đến các em thiếu nhi. Dưới góc độ của một người cầm bút, nhà văn Tiểu Quyên cho rằng đề tài biển đảo không hề khô khan. Biển vốn dĩ rất đẹp và câu chuyện về biển có rất nhiều điều có thể sáng tạo thỏa sức trên văn chương. Tuy nhiên, có lẽ do mọi người thường nghĩ đề tài này có cái gì đó mang tính tuyên truyền hoặc khó viết cho các bé, hoặc cũng có thể do nhiều nhà văn chưa quan tâm nên có rất ít tác phẩm ra đời.

Trước Tiểu Quyên, hầu như không có tác phẩm văn học đúng nghĩa viết về Trường Sa cho các em nhỏ. Gần chục năm trước, chỉ có một tập của bộ truyện tranh "Thần đồng đất Việt" khai thác chủ đề này dưới góc độ trẻ thơ hóm hỉnh, đáng yêu, văn phong sáng tạo. Còn hầu hết sách viết về biển đảo cho các em vẫn nặng thông tin tư liệu cung cấp kiến thức. Chẳng hạn như cuốn sách "Tôi kể em nghe những chuyện Trường Sa" của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy. Còn tiểu thuyết "Biển xanh màu lá" của anh lại dành cho độc giả trưởng thành. Truyện ký "Đảo chìm" của Trần Đăng Khoa, tiểu thuyết lịch sử "Hùng binh" của Đặng Ngọc Hưng cũng dành cho người lớn.

Chính vì nhận thấy sự khuyết thiếu rất lớn này, Tiểu Quyên đã bắt tay thực hiện ngay hai tác phẩm "Cà Nóng chu du Trường Sa" và "Trường Sa! Biển ấy là của mình". Điều tâm đắc nhất của chị chính là góp phần công sức nhỏ bé trong việc xây đắp, nuôi dưỡng tình yêu biển đảo, Tổ quốc thiêng liêng trong tâm hồn trẻ thơ.

Điều khá tiếc nuối là sắp tới, Tiểu Quyên sẽ không còn khai thác chủ đề biển đảo trong các tác phẩm kế tiếp. Chị tâm niệm: "Với Trường Sa, tôi coi như mình đã hoàn thành nhiệm vụ với hai bộ sách này rồi. Tôi không viết nữa mà để các cây bút khác tiếp tục khai phá. Thông qua hai bộ sách, tôi mong đó như một lời khích lệ để các tác giả cùng thế hệ hoặc các em nhà văn trẻ có thể tiếp tục khai thác đề tài này. Đừng nghĩ rằng chủ đề biển đảo là khô khan. Bởi còn rất nhiều điều thú vị để viết về biển đảo Việt Nam ở vô vàn góc độ khác nhau. Điều quan trọng là mình viết như thế nào. Khi chúng ta tìm được một con đường đầy cảm xúc, đầy những tâm tư, trăn trở thì tôi tin tác phẩm ấy sẽ vượt khỏi mọi khuôn mẫu, lề thói mà mọi người áp đặt. Bản thân tôi cũng từng nhận được sự khích lệ từ các nhà văn tiền bối cũng như sự động viên của bạn đọc cả nước để hoàn thành hai tác phẩm trên. Vậy nên tôi tin rằng mọi người đều có thể viết những tác phẩm hay về Trường Sa cho thiếu nhi, làm đầy lên dòng sách về đề tài này".

Mai Quỳnh Nga
.
.