Mối "giao cảm" đặc biệt của đạo diễn Việt Linh và con gái
Nữ đạo diễn Việt Linh và con gái Hải Anh vừa có buổi giao lưu với độc giả Hà Nội trong buổi ra mắt phiên bản tiếng Việt cuốn tiểu thuyết bằng tranh đặc sắc có tên "Sống", được Hải Anh và người bạn thân là Pauline Guitton - một họa sĩ Pháp sáng tác.
Ra mắt lần đầu vào đầu năm 2023 và nhanh chóng gây ấn tượng với độc giả tại Pháp, đầu năm 2024 "Sống" vượt qua rất nhiều tác phẩm sách minh họa Pháp ngữ, đoạt giải "Prix du Jury oecuménique de la BD 2024".
Lựa chọn hình thức viết tiểu thuyết bằng tranh mới lạ nên ngay từ khi còn là bản thảo, tác phẩm "Sống" đã nhận được hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ xuất bản La Scam dành cho những tác phẩm xuất sắc bằng Pháp ngữ. "Sống" là câu chuyện về một người mẹ kể cho con gái về những kí ức li kì xuyên suốt khoảng thời gian 7 năm bà sống và làm việc ở chiến khu trong thời gian từ năm 1969 đến 1975. Người mẹ ấy chính là nữ đạo diễn Việt Linh - một tên tuổi lớn của nghệ thuật điện ảnh đã quen thuộc với khán giả qua các bộ phim truyện nhựa đặc sắc như "Gánh xiếc rong" (1988), "Dấu ấn của quỷ" (1992), "Chung cư" (1999) "Mê Thảo - thời vang bóng" (2002)... Việt Linh còn là tác giả và chủ biên Tủ sách điện ảnh được khởi xướng từ năm 2006 với nhiều tác phẩm như: "Dạo chơi vườn điện ảnh", "Ý tưởng nghề nghiệp", "Chơi cùng cấu trúc". Còn cô con gái trong truyện chính là nữ tác giả Hải Anh - con gái của nữ đạo diễn Việt Linh và chồng bà là ông Trần Hải Hạc - một trí thức Việt kiều có tiếng tại Pháp.
Hải Anh sinh năm 1993, lớn lên ở quận 13 Paris trong không khí gia đình luôn hướng về nguồn cội Việt Nam. "Sống" là tác phẩm đầu tay của Hải Anh với tư cách tác giả - biên kịch sau khi lấy bằng Thạc sĩ kinh tế học văn hóa rồi đến bằng điện ảnh. Năm 2020, Hải Anh chuyển đến sống ở TP Hồ Chí Minh và hiện cô làm việc trong lĩnh vực nghe nhìn và xuất bản, đi lại giữa Việt Nam và Pháp. Để cuốn sách hoàn thiện nhất, đạo diễn Việt Linh đã cùng Hải Anh và họa sĩ Pauline về sống ở Việt Nam 9 tháng để hai tác giả trẻ có được những cảm nhận chân thực, gần gũi nhất về Việt Nam cũng như bối cảnh của câu chuyện.
Chia sẻ với độc giả, đạo diễn Việt Linh cho biết: "Tôi với mẹ tôi không nói chuyện với nhau nhiều nhưng tôi với con gái tôi lại như 2 người bạn. Cuốn sách là những câu chuyện mà Hải Anh đã góp nhặt và ghi nhớ suốt từ những năm tháng tuổi thơ mà tôi đã trò chuyện với con. Điều bất ngờ với tôi là, trẻ con ghi nhớ hết những gì mà người lớn kể. Tôi cũng không ngờ những câu chuyện đời thường mà tôi kể cho Hải Anh nghe lại có ngày đi vào trang sách như thế. Tôi không hề tham gia vào việc chỉnh sửa hay góp ý cho tác phẩm mà chỉ được đọc khi nó đã thành hình như nhiều người khác. Ban đầu tôi cũng thấy một số chi tiết cần thay đổi, nhưng sau đó thấy không cần thiết, bởi cuốn sách không chỉ có lời kể của tôi mà còn được thể hiện qua con mắt của Hải Anh cũng như họa sĩ Pauline...".
Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách song song khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ: Một là cô thiếu nữ trong kí ức người mẹ - cô gái trẻ đầy bỡ ngỡ đang cố gắng thích nghi hòa mình vào cuộc sống tại chiến khu; hai là một thiếu nữ trẻ hiện đại, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp đang cố gắng kết nối với mẹ và quá khứ, để hiểu thêm về mẹ mình và về cội nguồn. Trong 7 năm sống tại chiến khu, cô thiếu nữ Linh đã làm quen các chiến sĩ cách mạng - những người đưa cô đến với cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc cũng như đến với điện ảnh. Những câu chuyện quá khứ trong "Sống" không phải những đối đầu gay cấn ta - địch, mà là những khoảnh khắc ngày thường nơi chiến khu cùng cha, cùng những người đồng đội sống, làm việc, làm phim đầy đam mê trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, trong làn bom rơi bão đạn và trong tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời.
Đan xen với những kỉ niệm quá khứ đầy rung động của người mẹ là cuộc sống hiện tại, được khắc họa dưới góc nhìn của người con gái. Cô thiếu nữ tên Linh ngày nào giờ đã trở thành một đạo diễn đương đại nổi tiếng của Việt Nam, nhưng trong sâu thẳm con người bà vẫn chịu ảnh hưởng của quá khứ. Người con gái của bà mang dòng máu Việt, sinh ra, lớn lên tại Pháp gặp rất nhiều khó khăn để có thể hiểu, kết nối với người mẹ sống trong thời chiến và với cội nguồn Việt Nam trong mình. Theo từng câu chuyện, người con gái dần hiểu rõ hơn về người mẹ, về quá khứ của dân tộc, để từ đó thông cảm, chia sẻ đồng thời tạo dựng chiếc cầu nối với quá khứ, rút ngắn khoảng cách thế hệ, văn hóa.
Tác giả Hải Anh tiết lộ: "Với tôi. Dùng tiếng mẹ đẻ và giữ nguyên dấu để đặt tên cho cuốn tiểu thuyết bằng tranh này là điều hết sức quan trọng khi xuất bản lần đầu tiên ở Pháp. "Sống" là từ nảy ra trong tâm trí tôi khi mẹ kể tôi nghe những cuộc phiêu lưu ly kỳ thời niên thiếu của bà. Và mặc dù câu chuyện cá biệt, tôi quyết định tóm tắt mỗi ký ức bằng một động từ tiếng Việt để có thể ghi khắc những ký ức ấy vào chủ đề phổ quát hơn…".
Chia sẻ lý do tại sao cô làm truyện tranh mà không làm phim hay thuần tiểu thuyết, tác giả Hải Anh cho biết, một trong những lý do đó là vì cô và Pauline đều mê truyện tranh và từ nhỏ thường xuyên chia sẻ truyện tranh với nhau: "Gia đình tôi có truyền thống làm điện ảnh nhưng tôi cảm giác truyện tranh sẽ là thể loại phù hợp hơn bởi những ký ức của mẹ kể không theo thứ tự và truyện tranh cũng đem lại sự nhẹ nhàng hơn. Mỹ, Nhật, Pháp là những quốc gia có lượng người đọc truyện tranh nhiều nhất thế giới. Hai truyện tranh rất nổi tiếng là "Persepolis" của Marjan Satrapi và "Maus" của Art Spielgerman cũng đã tạo rất nhiều cảm hứng cho tôi!".
Còn họa sĩ trẻ Pauline thì cho biết cô rất xúc động khi được nghe những câu chuyện liên quan đến nhiều thế hệ trong gia đình người bạn thân. Hai người bạn đồng tác giả đã tìm những bản lưu trữ, thông tin trên Internet để có được những phác thảo một cách chính xác nhất về khung cảnh chiến khu xưa cũng như thể hiện được màu sắc hài hòa. Qua nét vẽ sinh động của một họa sĩ trẻ tài năng người Pháp, những trang truyện tranh của "Sống" đã phác ra một mảng kí ức sống động lịch sử của dân tộc, phác ra hình ảnh về những người Việt thời kháng chiến và thời nay, cũng đồng thời thể hiện những giao cảm tuổi trẻ của hai thế hệ mẹ - con; kháng chiến - hòa bình; dân tộc - hội nhập...
Theo chia sẻ của đạo diễn Việt Linh, có lần bà từng định viết cuốn hồi ký "Khi mình bằng tuổi nhau" bởi vì khi bà sinh con, ở cái tuổi như tuổi mẹ mình ngày xưa thì bà mới thấu hiểu mẹ mình và học được cách bao dung người khác. Nhớ về những năm tháng sống trong rừng và học làm phim trong điều kiện ngặt nghèo và thiếu thốn, đạo diễn Việt Linh tâm sự: "Tôi rất may mắn khi vào rừng cũng là thời điểm ba tôi đi cùng làm phim "Đường ra phía trước" với đạo diễn Hồng Sến. Suốt một tháng đó trải qua rất nhiều cung đoạn, tôi không còn nhớ những con đỉa cắn, không còn nhớ những khó khăn ngày đó, mà tôi chỉ thấy một điều rằng: "Điện ảnh rất thiêng liêng!". Bởi vì chú Hồng Sến và ba tôi bất cứ lúc nào có thể bị máy bay bắn và những người dân công đó vẫn chạy để ba tôi và chú Hồng Sến quay giữa bom đạn. Chính vì thế, đối với tôi điện ảnh là rất thiêng liêng và không dễ dàng. Về sau tôi đi học ở trường VGIK bên Nga và trở về làm những phim sau hòa bình, tôi học được nhiều từ những bậc đàn anh trong nghề. Trong đó, đạo diễn Trần Văn Thủy, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã dạy tôi rằng: "Chúng ta dù muốn nói bất cứ điều gì cũng phải bắt nguồn từ con người!".
Hiện nữ đạo diễn Việt Linh đã hơn 70 tuổi và gặp vài vấn đề sức khỏe, nhưng bà vẫn làm việc tích cực và mở sân khấu kịch Hồng Hạc ở TP Hồ Chí Minh. Những năm vừa qua, đạo diễn Việt Linh hoạt động chủ yếu trong vai trò Biên kịch - Đạo diễn - Giám đốc nghệ thuật sân khấu Hồng Hạc (ra mắt tháng 12/2015). Một số tác phẩm của sân khấu được khán giả đón nhận như "Thiên Thiên" (đạo diễn Việt Linh, Phạm Hoàng Nam), "Tro tàn rực rỡ" (đạo diễn Lê Thụy), "Giờ của Quỷ" (đạo diễn Hồng Ánh), "I am đàn bà" (đạo diễn Hạnh Thúy), hay những vở thể nghiệm như "Ngộ nhận" (đạo diễn Tây Phong), "Tấm và hoàng hậu" (đạo diễn Thiên Huân).