Triển lãm "Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc"

Minh họa không phải để lấp chỗ trống

Thứ Hai, 03/07/2023, 10:44

Tranh minh họa từ lâu đã là một yếu tố không thể thiếu của báo chí, góp phần làm nên sự sống động, thành công của các ấn phẩm. Các họa sĩ đã để lại tên tuổi cùng dấu ấn cá nhân của mình qua các tác phẩm vẽ minh họa truyện ngắn, chuyện dài kỳ, bút ký, tản văn, thơ... Họa sĩ Lê Tiến Vượng khẳng định rằng: “Vẽ minh họa cho các tờ báo vừa là cái duyên, cái thú, vừa là cái nghiệp mà mỗi họa sĩ tự tạo nên cho mình. Và minh họa, với họ, không phải để lấp chỗ trống”.

Sức hút của vẽ minh họa

Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức triển lãm toàn quốc “Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc” lần thứ 3 tại 16 Ngô Quyền nhằm đưa đến cho công chúng yêu Mỹ thuật báo chí xuất bản những gương mặt thân quen, những minh họa xuất sắc đã nhiều năm nay xuất hiện thường xuyên trên các trang báo, trang sách toàn quốc.

Triển lãm giới thiệu tới công chúng hơn 1.000 tác phẩm minh họa tiêu biểu với phong cách vẽ đa dạng, phong phú của 55 họa sĩ đến từ khối báo chí và xuất bản trên toàn quốc. Qua những câu chuyện nghề, những chia sẻ kinh nghiệm của các nghệ sĩ, công chúng được tiếp cận những góc nhìn đa chiều về nghệ thuật vẽ minh họa của báo chí Việt Nam - một loại hình nghệ thuật đã và đang song hành cùng báo chí trong kỷ nguyên số.

các tác phẩm minh họa của hoạc sĩ lê tiến vượng.jpg -0
Các tác phẩm minh họa của họa sĩ Lê TIến Vượng.

Họ là những cây đa cây đề trong làng minh họa như họa sĩ Đặng Tiến, họa sĩ Ngô Xuân Khôi, họa sĩ Phạm Hà Hải, họa sĩ Đỗ Phấn... với những tác phẩm minh họa trên các ấn phẩm Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Hà Nội mới cuối tuần... Bên cạnh các họa sĩ gạo cội là những gương mặt mới như họa sĩ Bùi Việt Duy (sinh năm 1991- Bắc Giang), người minh họa sách giáo khoa môn Tiếng Việt, Ngữ văn của Nhà xuất bản Giáo dục; nữ họa sĩ Lê Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ sĩ trẻ gây ấn tượng với những minh họa về phụ nữ, trẻ em...

Minh họa báo chí Việt Nam đã đồng hành cùng báo chí từ gần hai thế kỷ (tờ báo đầu tiên ở Gia Định xuất bản năm 1865). Các tờ Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ Quân đội có tranh minh họa khá nhiều, kích thước lớn, phóng khoáng và bay bổng, chủ yếu minh họa cho các sáng tác văn học.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng - Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 (Hội Mỹ thuật Việt Nam) khẳng định: “Có thể nói, ngoài một vài họa sĩ chính kiêm vẽ minh họa cho tòa báo, tạp chí hay nhà xuất bản gọi là chuyên nghiệp, thì hầu hết các họa sĩ kể trên đều là họa sĩ sáng tác tranh các thể loại trước khi là họa sĩ minh họa, nên có họa sĩ vẽ một phong cách cho nhiều tờ báo và có họa sĩ vẽ nhiều phong cách cho các tờ báo khác nhau”.

Trong một bài viết nói về các minh họa trên báo xuân miền Nam trước năm 1975, tác giả Phạm Công Luận rút tít lớn: “Minh họa quyết định sự thu hút của trang báo”. “Điều này là hẳn nhiên, không có gì phải bàn cãi. Như chúng ta đều biết, các tín hiệu từ hình vẽ đến mắt độc giả với vận tốc của ánh sáng. Với đặc trưng ngôn ngữ mang tính toàn cầu, không cần phiên dịch, các bức minh họa đóng vai trò không thể thiếu trong thông tin báo chí. Minh họa không phải để lấp chỗ trống, không phải chỉ thuần tuý làm đẹp mà đó là một kênh thông tin” - họa sĩ Ngô Xuân Khôi khẳng định.

Chúng ta đã có các họa sĩ chuyên thiết kế và minh họa báo chí thành công, thành danh cùng các tờ báo và các nhà xuất bản như: Họa sĩ Thành Chương, Phạm Minh Hải Báo Văn nghệ, họa sĩ Thanh Toàn Báo Hà Nội mới, họa sĩ Đỗ Dũng Báo Phụ nữ Việt Nam, họa sĩ Tiến Vượng Báo Thiếu niên Tiền phong, họa sĩ Lê Tâm Báo Công an nhân dân, họa sĩ Nguyễn Mạnh Tiến Báo Quân đội nhân dân, họa sĩ Anh Dũng Báo Tiền Phong, họa sĩ Phùng Mỹ Trâm Báo Giáo dục thời đại, họa sĩ Đặng Tiến Tạp chí Cửa Biển, Hải Phòng. Khối Xuất bản có: họa sĩ Ngô Xuân Khôi NXB Phụ Nữ, Tạ Huy Long NXB Kim Đồng, Bích La NXB Giáo dục, Đức Lâm NXB Trẻ… họ là những họa sĩ chuyên nghiệp, thành danh gắn bó với tòa báo, nhà xuất bản nơi họ làm việc… Đặc biệt ấn phẩm Văn nghệ Công an luôn nhận được sự đồng hành của nhiều họa sĩ tên tuổi như họa sĩ Lê Tâm, họa sĩ Lê Tiến Vượng, họa sĩ Đặng Tiến, họa sĩ Lê Trí Dũng... Chính họ với những nét vẽ tài hoa, góc cạnh của mình đã làm nên sự sống động, hấp dẫn của tờ báo trong nhiều năm qua.

các tác phẩm minh họa của họa sĩ ngô xuân khôi.jpg -0
Các tác phẩm minh họa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

Theo họa sĩ Ngôi Xuân Khôi: “Mỗi người một cá tính, một phong cách khác nhau, nhưng có điểm chung là tranh của họ đều đẹp và phù hợp với các tờ báo mà họ được mời cộng tác. Chỉ vài ba nét vẽ đơn sơ đen trắng, đầy xúc cảm mà rất có hồn, bố cục chặt chẽ, mảng nét khúc chiết nửa như gợi mở, nửa như khái quát chưng cất mà thành… Có họa sĩ luôn tìm tòi sáng tạo, lấy cảm hứng từ hình tượng văn học, từ ý tứ văn chương để tạo hình, lựa chọn cách thể hiện, đa dạng hóa bút pháp, đồng cảm với người viết để cộng hưởng, để phù hợp với giọng điệu của từng tác giả. Với những họa sĩ như vậy độc giả luôn bất ngờ, khó đoán trước họ vẽ gì và vẽ như thế nào. Nhưng cũng có những họa sĩ cá tính mạnh, họ luôn áp đặt lối vẽ. Với gương mặt và dáng vẻ đã định hình rất riêng ấy họ càn lướt qua các trang văn bất chấp tác giả hay câu chuyện đến từ vùng miền văn hóa nào…”.

Thách thức của minh họa báo chí trong kỷ nguyên số

Với một lịch sử lâu đời đồng hành cùng báo chí, minh họa trên báo chí, xuất bản cũng có nhiều thay đổi trong kỷ nguyên số. Có thể nói thực trạng câu chuyện nghệ thuật minh họa báo chí, đặc biệt là báo in đang trải qua thời kỳ thách thức, việc minh họa báo chí đang chuyển dần sang các trang báo điện tử, nên tốc độ vẽ kỹ thuật số, xử lý cần cực nhanh, cực rẻ để thích ứng với các thể truyền thông đa phương tiện và các trang thông tin điện tử luôn phải nhanh và mới.

Theo họa sĩ Lê Tiến Vượng, hiện nay chỉ những tờ báo “thuần” văn hóa - văn nghệ là vẫn luôn cần sự song hành của các họa sĩ vẽ minh họa như Báo Văn nghệ, Văn nghệ công an, Thời báo Văn học nghệ thuật, Tạp chí Văn nghệ quân đội; hay những tờ báo có ra ấn phẩm cuối tuần, cuối tháng; các tạp chí văn nghệ địa phương, các số chuyên đề văn chương thì “đất” cho tranh minh họa vẫn còn. Tuy nhiên, đang dần có một xu hướng dịch chuyển rõ rệt sang minh họa trên báo điện tử.

Họa sĩ Lê Tiến Vượng khẳng định: “Dù cho báo chí truyền thông đa phương tiện phức tạp đến đâu, hiện đại đến đâu thì vẫn phải cần đôi tay khối óc người họa sĩ vẽ minh họa thể hiện tài năng độc đáo khác biệt mà không hệ điều hành hay robot nào có thể thay thế được. Để dẫn dụ, mê hoặc người đọc báo in hay báo mạng, việc đầu tiên vẫn phải cần “tiếng sét ái tình” từ những hình ảnh, những nét vẽ minh họa đắm say của các họa sĩ tài hoa, cùng các ban Biên tập biết tận dụng nghệ thuật minh họa giúp cho sự lan tỏa của bài báo và góp phần thành công của tờ báo ngày xưa cũng như hôm nay”.

Cùng đồng quan điểm về vấn đề này, họa sĩ Ngô Xuân Khôi cũng cho rằng: “Trí tuệ nhân tạo ra đời, với khả năng vẽ vời siêu phàm chắc chắn đang là mối “đe dọa khủng khiếp” với những người vẽ minh họa. Nhưng có lẽ giống như trong một xã hội văn minh, tất cả đều là sản phẩm công nghệ thì người ta lại trân quí, thấy giá trị hơn đồ handmade. Những bức minh họa được sinh ra từ nguyên cớ văn học, từ câu chuyện, từ nhân vật của nhà văn và làm tròn sứ mệnh của mình khi song hành với văn chương, với báo chí, chắp cánh cho văn chương, làm sáng rõ ý nghĩa, thông điệp câu chuyện thông qua ngôn ngữ tạo hình”.

Linh Nguyễn
.
.