Miên man sóng hàng dương Phan Thiết
Với tôi thành phố Phan Thiết tựa như một tấm khăn voan bềnh bồng trên sóng biển. Bãi Đồi Dương trong xanh luôn hát bài ca dịu dàng mỗi khi bình minh lóe sáng. Lần nào tới Phan Thiết tôi cũng dừng chân trên cầu Lê Hồng Phong để ngắm dòng sông Cà Ty nhộn nhịp với những đoàn tàu đánh cá. Câu thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu ngày nào lại vọng về: "Sông Cà Ty chảy lặng/ Bên biển cá Cồn Chà/ Một ngàn thuyền gắn máy/ Đi đánh cá gần xa" (Phan Thiết).
Bài ca cánh sóng
Phan Thiết có hai con sông chảy qua trước khi thoát ra biển Đông. Đó là sông Phú Hài và Cà Ty tựa như hai bím tóc của công chúa Pô sha I nư một biểu tượng của thành phố. Trung tâm là sông Cà Ty phân đôi khu dân cư cũ (phía Nam) bên chợ Phan Thiết sầm uất và khu đô thị mới (phía Bắc) có bãi Đồi Dương thơ mộng. Dòng sông Cà Ty bắt nguồn từ thượng nguồn núi rừng Tánh Linh. Đoạn chảy qua thành phố Phan Thiết dài chừng hơn 7km theo con triều lên xuống. Con sông luôn tấp nập tàu thuyền đánh cá của dân vạn chài đổ về bến cảng.
\Một dấu ấn mang phong vị Phan Thiết chính là tháp nước bên sông (gần cầu Lê Hồng Phong). Hiện nay tháp nước không còn được sử dụng vì lưu lượng dung tích không cung cấp đủ dùng cho mọi người. Đây là tháp nước được xây dựng năm 1928 với bản thiết kế khá độc đáo. Tác giả của nó chính là cố Hoàng thân Xu Pha Nu Vông (Lào). Vào thời gian đó ông là kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang. Tháp nước được giữ lại coi như một biểu tượng hữu nghị giữa hai nước Việt - Lào.
Đáng chú ý tòa tháp này đậm bản sắc tộc Việt với hai tầng mái ngói hình bát giác trên thân bể nước tựa như một ngôi chùa ở một vùng thôn quê Việt Nam. Tháp cao 32 mét với đế là những chân cột tạo hình trụ bát giác. Đồng thời tòa tháp còn luôn được treo cờ tổ quốc tạo nên một kỳ đài lớn của thành phố Phan Thiết. Có thể nói hiện tháp trở thành một thắng cảnh bên dòng sông Cà Ty.
Thi sĩ Từ Nguyễn có lần qua đây đã viết: "Phan Thiết nồng nàn tình biển mặn/ Cồn cào thương nhớ về Đồi Dương/ Tháp nước mơ chi mà nín lặng?/ Xui nửa hồn ai vọng cố hương" (Phan Thiết tôi về). Còn dòng sông Cà Ty luôn vang lên trong bài ca của người dân Phan Thiết với câu ca: "Sông Quao xuôi về Cà Ty, dòng sữa chung ngọt ngào, ngàn đời, ngàn đời nuôi nấng tình người" (Bình Thuận quê hương tôi). Và đó cũng là hình ảnh "Cà Ty ơi! Bồng bềnh cánh chim bay ra biển/ Thuyền cá tôm rạo rực ngày về/ Ta sẽ hát với mặt trời và sóng/ Cùng dòng sông cuồn cuộn đam mê"…
Ngược dòng thời gian, bên sông Cà Ty còn đọng lại cảm xúc thân thương với mọi du khách khi đến với ngôi trường Dục Thanh (hình thành từ năm 1907). Màu sắc cổ kính từ mái ngói âm dương tới những mảnh vườn hoa xum xuê quanh giếng đá ong tạo nên không gian bồi hồi tĩnh lặng. Đây là ngôi trường mà Bác Hồ đã từng dừng chân dạy học một thời gian trước khi lên còn tàu ở Bến cảng Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh).
Ngôi trường Dục Thanh (Giáo dục Thanh thiếu niên) ở số nhà 39 đường Trưng Nhị. Ai tới đây cũng được ngồi vào lớp học mà Bác dạy học ngày nào. Vẫn còn đó bảng đen còn vương bụi phấn trên tay Người. Vẫn còn đó những bàn ghế mòn nhẵn với thời gian và tiếng trống lớp còn vang góc sân trường. Nơi Bác đọc sách năm xưa luôn in bóng hình Người trên vách gỗ. Mọi người bồi hồi soi mình bên giếng nước trong vắt mà Bác vẫn múc tưới cây khế cuối vườn. Ánh nắng tràn khắp khu vườn quanh trường như một bức tranh cổ kính tô đậm mái ngói rêu phong. Thời gian! Biết bao ký ức thân thương đã trở về với những vần thơ của Xuân Hoàng: "Phan Thiết! Lòng sao ngỡ quá quen/ Ngã ba lóa nắng. Một hàng hiên/ Nhà trường một mái, tường vôi trắng/ Một góc sầu đông, hương tím lên" (Phan Thiết).
Chuyện bên sông Phú Hài
Cầu vượt qua sông Phú Hài nằm trên đường số 1. Trận chiến ác liệt đã xảy ra tại đây. Muốn vào giải phóng thành phố Phan Thiết buộc quân đội ta phải tiêu diệt được cứ điểm cầu Phú Long. Sáng 8/4/1975, quân đội ta tiến từ phía Tây dọc sông Phú Hài tiến thẳng vào đường số 1 và vượt qua cầu Phú Long. Bọn địch điên cuồng cho máy bay và pháo binh phản kích hòng đánh phá khu vực cầu Phú Long. Chúng muốn chiếm lại cửa ngõ chính vào Phan Thiết. Cuộc bắn phá quyết liệt diễn ra tại đây liên tục mấy ngày liền nhưng quân đội ta đã bắn rơi nhiều máy bay và trụ vững bảo vệ cầu Phú Long. Cùng lúc đó quân và dân địa phương đã vượt qua cầu Phú Hài tấn công đồn địch trên đỉnh đồi Bà Nài (Lầu Ông Hoàng). Quân đoàn 2 đã nhanh chóng vào giải phóng Phan Thiết vào sáng ngày 19/4/1975.
Nhà thơ Hữu Thỉnh có người anh đã hy sinh trên mặt trận giải phóng Bình Thuận. Ông đã tới Phan Thiết để tìm mộ của người thân và đã viết bài thơ "Phan Thiết có anh tôi". Đó là những câu thơ cháy bỏng ruột gan: "Em đã qua những cơn sốt anh qua/ Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp/ Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết/ Em một mình đứng khóc ở sau xe". Sau đó nhà thơ gửi gắm những tự sự thiết tha: "Không nằm trong nghĩa trang/ Anh ở với đồi anh xanh cỏ/ Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình/ Đồi ở đây cũng là con của mẹ". Rồi những tưởng vọng trong tâm hồn nhà thơ trào dâng nỗi thương cảm về một huyền thoại: "Đèn thành phố soi người đi câu cá/ Anh không ngủ người đi câu không ngủ/ Biển đêm đêm trò chuyện với hai người/ Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi".
Nàng thơ công chúa Pô Sha I Nư
Những ngọn tháp Chăm trên đồi (Bà Nài) bên sông Phú Hài (phường Phú Hài) luôn ánh lên vẻ đẹp muôn thuở ám ảnh khôn nguôi. Biểu tượng công chúa Po Sha I nư ra đời hơn 800 năm tạo nên dấu ấn vùng vịnh Phan Thiết. Vũ điệu Apsara luôn bay bổng trên ngọn sóng cuộn trào. Câu chuyện tình qua bao thế hệ của công chúa Pô Sha I nư (con gái lãnh chúa Chăm-Bình Thuận) luôn đánh thức lòng người. Một cuộc sống hạnh phúc là ước mơ của nàng nhưng đã đổ vỡ.
Nàng vượt qua đau khổ tìm tới niềm vui sống với những người dân cần lao quanh vùng biển Phan Thiết. Bài ca lao động và tình yêu con người đã chế ngự tâm hồn nàng. Bà con được nàng dạy trồng cây đánh cá. Họ còn được học giăng lưới ra khơi và tự tay làm những con thuyền của mình. Những bầy trẻ cùng nàng ca múa và cất lên tiếng ca trước biển khơi. Người Chăm đã thờ nàng và tôn vinh như một vua bà. Người đã sinh ra quê hương này và trao cuộc sống cùng niềm vui cho họ bao đời nay.
Hình tượng Apsara biểu tượng cho những nàng tiên Chăm vẫn còn đó cùng những vũ điệu cháy bỏng tình yêu muôn thuở. Nhà thơ Inrasara người Chăm đã từng ngợi ca: "Tôi khẽ chạm vào em/ Tôi vỗ mạnh vào em/ Em vỡ trong tiếng nói/ Em cất tiếng hát/ Khi tôi đánh thức vào em/ Đường nét và hình khối, dáng đứng và điệu cười/ Apsara/ Apsara" (Apsara-Tháp nắng). Sóng nước dòng sông Phú Hài dịu dàng trôi ra biển Đông. Những cơn gió rừng đổ xuống làm quẫy lên đầu ngọn sóng ngập tràn nắng vàng rạng rỡ. Những câu thơ của thi sĩ Trần Nhật Thu lung linh đứng trước cửa biển dưới chân tháp Pô Sha I nư: "Quá nửa đời người tôi trở về đây/ Ứa nước mắt trước biển chiều Phan Thiết/ Hết cách xa rồi. Đất nước chừ thống nhất/ Cả ngọn gió mặn mòi rất thật của đời tôi" (Gió mặn Phan Thiết).