Mạnh mẽ tinh thần chống dịch trong ca khúc Việt
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam (3-9-2021) với truyền thống "Âm nhạc đồng hành cùng dân tộc", Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức sêri chương trình với tiêu đề "Tiếng hát át COVID". Cùng hàng trăm ca khúc được các nhạc sĩ sáng tác thời gian gần đây với chủ đề về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của những người làm âm nhạc đã mang lại nguồn sức mạnh tinh thần to lớn.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam với một nội dung đặc biệt, theo một hình thức đặc biệt. Theo đó, chương trình số 1 trong sêri chương trình ca nhạc với tiêu đề "Tiếng hát át COVID" diễn ra vào sáng ngày 27-8 với hình thức trực tuyến, được đông đảo công chúng cả nước đón nhận.
Chương trình có sự tham gia của nhiều nhạc sỹ trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những tác phẩm biểu diễn trong chương trình đã được chọn lọc từ đợt vận động sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam về đề tài phòng, chống dịch COVID - 19. Chương trình đã tạo được hiệu ứng đặc biệt khi trong gần 120 phút phát sóng đã có hơn 7.000 lượt người xem và nhiều bình luận tích cực, ủng hộ của khán giả.
Tiếp nối sự thành công đó, chương trình số 2 ra mắt công chúng vào đúng ngày kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam (3-9), được livetreams trên fanpage cũng như đăng tải trên website của Hội Nhạc sĩ. Chương trình gồm 17 ca khúc mới được các nhạc sĩ sáng tác trong những ngày giãn cách xã hội, thay cho lời tri ân đến các lực lượng nơi tuyến đầu cũng như mong muốn dịch bệnh sẽ lùi xa để xã hội quay trở lại với cuộc sống thông thường.
Sêri chương trình âm nhạc đặc biệt ấy là kết quả của hai đợt phát động sáng tác ca khúc về đề tài phòng, chống COVID-19 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Đợt phát động đầu tiên vào tháng 4-2020 đã thu về 200 tác phẩm. Sau đó được chọn lọc thành tập gồm 100 ca khúc với tiêu đề "Niềm tin". Tiếp theo, chương trình nghệ thuật online "Niềm tin - chúng ta là người chiến thắng" cũng được thực hiện trình làng một số ca khúc được yêu mến trong đợt sáng tác này. Đợt phát động thứ 2 vào tháng 7-2021 đã nhận được 400 ca khúc. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn ra 20 ca khúc để dàn dựng, thu âm, ghi hình, dựng thành clip với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn văn công Quân khu 1, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội cùng các nghệ sĩ như NSND Quốc Hưng, ca sĩ Lan Anh, ca sĩ Tùng Dương... để dành tặng công chúng và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Chia sẻ trên báo chí, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định, âm nhạc là vũ khí sắc bén và nhanh nhạy, luôn đồng hành cùng dân tộc trên chặng đường xây dựng đất nước. Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã bùng phát và diễn biến phức tạp. Trong tình hình đó, các nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục bám sát tình hình thời sự, có những tác phẩm mang thông điệp ý nghĩa như một liệu pháp chữa trị cho tâm hồn bằng âm nhạc, góp phần phòng, chống, đẩy lùi đại dịch. Âm nhạc luôn đóng vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - nghệ thuật. Chính vì vậy, bên cạnh tổ chức đợt sáng tác, biểu diễn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc thi "Giai điệu nơi tuyến đầu" cũng như có thêm những kế hoạch xây dựng các chương trình ca nhạc trực tuyến gửi tới đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Chỉ trong một thời gian ngắn phát động mà hàng trăm ca khúc ra đời cho thấy niềm đau đáu, tâm huyết của các nhạc sĩ trước những hậu quả mà dịch bệnh gây ra. Từ những nhạc sĩ lão thành cho tới các nhạc sĩ trẻ đều hăng hái sáng tác như muốn góp một phần công sức của mình để đưa âm nhạc thứ "vũ khí mềm" phát huy được sức mạnh trong mùa dịch.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, tác giả khá quen thuộc với công chúng yêu nhạc Việt cũng đã đóng góp ca khúc nói lên tình cảm của người dân đối với các y, bác sĩ, những chiến binh áo trắng đang từng ngày, từng giờ giành sự sống về cho người bệnh. Trong đó tiêu biểu là ca khúc "Sài Gòn ơi, trái tim ta đó", phổ nhạc từ bài thơ của nhà báo Lê Văn Nuôi. Nhạc sĩ Phạm Viết Tuân với ca khúc "Cảm ơn những trái tim yêu người" như lời cảm ơn chân thành nhất gửi tới các y bác sĩ, tình nguyện viên trên tuyến đầu chống dịch và cũng gửi gắm mơ ước một ngày mai cuộc sống sớm bình yên trở lại. Nhạc sĩ Võ Thiên Lan từ tâm dịch TP Hồ Chí Minh thì tràn đầy lạc quan, hy vọng qua ca khúc "Thành phố tôi quyết thắng đại dịch". Ca khúc như một lời cảm ơn những lực lượng đã hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến gian khổ này. Qua đó khẳng định tình đoàn kết, sự chung tay giúp đỡ sẽ là sức mạnh để chúng ta chiến thắng dịch bệnh... Còn rất nhiều những sáng tác nữa như "Cùng nhau vượt qua mùa dịch" của nhạc sĩ Ngọc Khuê, "Khúc ca chiến sĩ biên phòng" của nhạc sĩ Trọng Tĩnh...
Khác với những lĩnh vực nghệ thuật khác phải im lìm "ngủ đông" khi dịch bệnh bùng phát, đời sống âm nhạc chỉ vắng bóng những chương trình lớn và khán giả không được xem trực tiếp còn lại vẫn có một đời sống riêng khá sôi động. Đặc biệt, đề tài COVID lại mang đến cho âm nhạc một lượng ca khúc phong phú hơn bao giờ hết. Cảm xúc trước khó khăn mà dịch bệnh mang đến, ý thức công dân trong mỗi nhạc sĩ đã khiến họ cùng gặp nhau ở đề tài này. Không ít nhạc sĩ mang tài năng, tâm huyết của mình ghi lại những tháng năm không thể nào quên bằng âm nhạc.
Điều đáng nói là không phải tới khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức các cuộc phát động sáng tác, chúng ta mới có một lượng ca khúc khổng lồ như thế. Từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, nhiều sáng tác đã ra đời và ghi được dấu ấn trong lòng công chúng trong và ngoài nước như "Ghen - Covy", "Đánh giặc Corona", "Màu áo anh hùng", "Việt Nam sẽ chiến thắng", "Diệt giặc Corona"... Điều đặc biệt là trong mảng ca khúc về đề tài này có sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ. Họ đã thổi vào những ca khúc "tuyên truyền" sắc màu mới, hấp dẫn, thu hút. Chính vì thế, từ những em nhỏ đến người già ở nhiều vùng miền trên đất nước cũng thuộc nằm lòng ca từ, giai điệu này.
Đặc biệt ca khúc "Ghen - Covy" do nhạc sỹ Khắc Hưng viết lời, ca sĩ Min và Erik thể hiện đã tạo thành cơn bão với truyền thông quốc tế và mạng xã hội. Hàng loạt tờ báo, đài truyền hình ở Mỹ, Hàn Quốc... gọi tác phẩm này là "hiện tượng". Những ca khúc của các nhạc sĩ trẻ tràn đầy tinh thần khỏe khoắn, tinh thần lạc quan.
Không thể kể hết đã có bao nhiêu ca khúc ra đời trong hoàn cảnh dịch bệnh này như "Tự hào thầy thuốc Việt Nam", "Bác sĩ ơi nụ cười", "Thiên sứ, Những con đường rộng mở về cuộc sống", "Người mẹ ngành y"... cho thấy những người làm nhạc luôn đồng hành cùng cuộc sống để nói lên được những tâm tư sâu thẳm của trái tim.
Không chỉ mang âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ, mảng ca khúc về đề tài này còn có những bản tình ca da diết như ca khúc "Người đi trong gió" của nhạc sĩ Nguyễn An Hiếu. Ca từ giàu sức biểu cảm, giai điệu thiết tha, ca khúc là một bản tình ca đẹp giữa mùa dịch bệnh. Da diết nhưng không bi lụy mà vẫn ngời lên khát vọng cống hiến của những lực lượng tuyến đầu. Xúc động về tình người giữa tâm dịch, nhạc sĩ Sa Huỳnh đã viết ca khúc "Đôi mắt nCOV". Ca khúc do cả gia đình nhạc sĩ thực hiện như nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng phối khí, Sa Huỳnh và con gái thu âm.
Mảng đề tài phòng, chống COVID còn thu hút cả những tác giả không chuyên. Thầy giáo trẻ Nguyễn Thái Dương sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh đã cho ra đời một loạt ca khúc như "Sài Gòn tôi sẽ", "Thành phố gì kỳ", "Sài Gòn thương"... vẽ lên những bức tranh bằng âm nhạc về TP Hồ Chí Minh giữa mùa dịch bệnh. Có sắc màu trầm buồn của giãn cách, vắng lặng nhưng vẫn chứa đầy những sắc màu tươi sáng của tương lai, hy vọng.
Có thể nói, với đặc tính dễ đi vào lòng người, âm nhạc giữ vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại và chứa đựng sức mạnh vĩ đại. Âm nhạc có khả năng xoa dịu nỗi đau cơ thể và tinh thần, làm vơi đi những vất vả, gian nan và góp phần lan tỏa năng lượng tích cực cho con người. Mảng ca khúc phong phú về đề tài phòng, chống dịch bệnh là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự nhiệt tình chung tay của những người làm nhạc trong cuộc chiến chống COVID - 19 còn nhiều gian nan.