"Mảnh đất thử thách" với cây bút nữ dân tộc thiểu số
Các tác giả nữ người dân tộc thiểu số viết về chiến tranh và hậu chiến nhằm tri ân quá khứ, bởi đó là trách nhiệm với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Họ viết về những con người trong chiến tranh với những số phận cụ thể, đời thường, không phải chỉ anh hùng với ý chí quật cường, dũng cảm mà ở đó còn có những đấu tranh giằng xé, những mất mát và cả những khát vọng hóa giải hận thù sau cuộc chiến.
Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc là nguồn cảm hứng lớn cho sáng tác văn học nghệ thuật. Đối với văn học dân tộc thiểu số, những tác phẩm đã có tuy chưa thực sự tạo thành một dòng chảy mãnh liệt nhưng cũng đã có những dấu ấn quan trọng về cả thơ, truyện ngắn, trường ca, tiểu thuyết...
Các tác giả nữ người dân tộc thiểu số viết về chiến tranh và hậu chiến nhằm tri ân quá khứ, bởi đó là trách nhiệm với những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Họ viết về những con người trong chiến tranh với những số phận cụ thể, đời thường, không phải chỉ anh hùng với ý chí quật cường, dũng cảm mà ở đó còn có những đấu tranh giằng xé, những mất mát và cả những khát vọng hóa giải hận thù sau cuộc chiến.
Phóng viên Văn nghệ công an có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền - Viện Văn học về nội dung này.
- Đội ngũ những cây bút nữ dân tộc thiểu số viết về đề tài hậu chiến hiện nay như thế nào, thưa tiến sĩ?
+ Đề tài chiến tranh đã được phản ánh trong văn học nhiều thế kỷ, và khi đất nước đã hòa bình nhưng những xúc cảm, dư âm mà nó mang lại luôn mới mẻ, thôi thúc người cầm bút. Chúng ta đã có riêng một giai đoạn có thể tạm gọi là văn học chiến tranh (thời kỳ 1945-1975) và dư âm của nó còn ở lại chừng hơn 20 năm cuối thế kỷ XX. Sang giai đoạn hiện nay, những năm đầu của thế kỷ XXI, khi nhiều đề tài khác hấp dẫn người cầm bút, đặc biệt là những người sáng tác trẻ thì một thực trạng đáng báo động là những sáng tác hay về mảng đề tài này còn nhiều thiếu hụt.
Văn học dân tộc thiểu số hiện nay đã được quan tâm hơn, được dày công nghiên cứu, tuy nhiên mảng đề tài về chiến tranh nói chung và vấn đề hậu chiến nói riêng vẫn còn nhiều khoảng trống, mặc dù thực sự trong kho tàng ấy có nhiều tác phẩm hay, độc đáo. Thế hệ đầu tiên như Nông Quốc Chấn, Nông Viết Toại (dân tộc Tày), Đinh Sơn (dân tộc Mường), Bàn Tài Đoàn (dân tộc Dao)... xứng đáng được gọi là nhà thơ cách mạng tiêu biểu cho thơ ca dân tộc thiểu số thế kỉ XX.
Ở thời điểm hiện tại, có liền kề 3 thế hệ nhà văn, nhà thơ cùng sáng tác, cùng có nhiều trang viết hay về chiến tranh, nhưng thành công thực sự được ghi nhận ở những tác giả trưởng thành từ trong cuộc chiến như Triều Ân, Y Phương, Y Điêng, Ma Đình Thu, Mã A Lềnh, Triệu Kim Văn và sau này là những tác giả có những khám phá mới từ chất liệu hiện thực bề bộn. Về văn xuôi có các gương mặt như Kim Nhất, HLinh Niê, Vi Thị Kim Bình, Hà Thị Cẩm Anh, Lý Lan, Bùi Thị Như Lan, Hoàng Thị Cành. Về thơ có các cây bút như Nông Thị Ngọc Hòa, Hoàng Kim Dung, Bùi Thị Tuyết Mai, Chu Thùy Liên, Đinh Thị Mai Lan, Bế Phương Mai, Nông Thị Tô Hường, Hoàng Thanh Hương, Vi Thùy Linh, Đàm Thị Hải Yến, Phùng Thị Hải Yến...
- Những vấn đề nào được các tác giả người dân tộc thiểu số tập trung khai thác? Đề tài hậu chiến có phải là một mảnh đất đầy thử thách với họ?
+ Nếu trước 1975, cảm hứng sử thi - ngợi ca Tổ quốc, nhân dân là chủ đạo trong văn học của các tác giả người Kinh, thì sau năm 1975 văn học bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ thức tỉnh của ý thức cá nhân. Văn học dân tộc thiểu số tuy chuyển động chậm hơn nhưng cũng bắt đầu có những đổi thay. Đề tài được mở rộng, từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, từ những câu chuyện anh hùng đã hướng đến cuộc sống quen thuộc hằng ngày, từ vận mệnh chung của dân tộc đến số phận cá nhân và cả những tổn thất đau thương do chiến tranh để lại. Văn học dân tộc thiểu số thời kì này đã thâm nhập sâu hơn những khía cạnh bộn bề, phức tạp của cuộc sống và thế giới tinh thần của con người, đặc biệt là những vấn đề về con người cá nhân; phản ánh cuộc sống không chỉ là mặt nổi mà còn ở những mặt khuất, ở giới hạn giữa cái “không thể” và “có thể”.
Cái đòi hỏi cấp thiết là đưa văn học trở về với những gì chân thực của cuộc sống, kể cả đó là những đau khổ, bi kịch được các nhà thơ người Kinh nói nhiều trong các sáng tác của mình - nhất là sau đổi mới. Thu Bồn thì “ta là đất thôi xin đừng nặn ta thành những tượng thần”. Khi cuộc sống khác, một hiện thực mới mở ra, văn học nghệ thuật cần hướng đến một đối tượng phản ánh mới, đáp ứng thị hiếu của công chúng mới. Hòa mình vào hiện thực mới, không có nghĩa là từ bỏ hoàn toàn những đề tài đã cũ. Họ mượn chiến tranh để nói những vấn đề phía sau mang đến những diễn ngôn về nỗi đau, về quyền sống và hạnh phúc con người. Trong văn học dân tộc thiểu số, cái phản ánh và cảm hứng ngợi ca dường như ở lại lâu hơn, tuy cũng đã xuất hiện nhu cầu nhận thức tối đa hiện thực của cả bên ta và đối phương một cách toàn vẹn, đầy đủ hơn.
- Theo tiến sĩ, điểm giống và khác nhau như thế nào giữa những cây bút nữ dân tộc Kinh và những cây bút dân tộc thiểu số cùng đề tài này?
+ Có một chiến tranh mang gương mặt phụ nữ từ những tác phẩm của Võ Thị Xuân Hà, Dạ Ngân... tái hiện sự khốc liệt của cuộc chiến qua cách thể hiện cảm xúc. Còn phụ nữ trong tác phẩm của các cây bút dân tộc thiểu số lại có cách thể hiện khác. “Chim Noộc Phầy” bắt đầu câu chuyện bằng một nỗi buồn (như cách vào đề quen thuộc của văn xuôi Bùi Thị Như Lan). Người vợ dù nhận tin chồng hi sinh nhưng vẫn nuôi niềm tin anh sẽ trở về nên ngày đêm mong ngóng. Người chồng đi bộ đội khi nghe gia đình báo tin vợ có thai thì nghĩ cô ăn ở hai lòng, dù bị thương cũng không muốn gia đình biết.
Câu chuyện tuy có những tiểu tiết chưa thực sự thuyết phục nhưng cách viết cuốn hút người đọc bởi những so sánh rất thú vị. Ở đó cho thấy lối viết đầy say mê cảm tính và chính sự không tỉnh táo trong giải quyết tình huống truyện ấy lại mang đến một ngầm ẩn phía sau. Phải chăng, việc không đẩy lên tận cùng để truy nguyên cơn cớ vì sao người chồng một mực không báo tin về gia đình là một cách nhà văn “giải vây”, “mềm hóa”, “bào chữa” cho một vài tình huống vốn dĩ không còn xa lạ với người lính khi đi chiến trận...
Tuy thế, dừng lại phân tích sâu hơn tình huống truyện của “Chim Noộc Phầy” sẽ thấy có một vài điểm đáng suy ngẫm. Ở thông điệp truyền tải, truyện không chỉ nhấn vào sự bao dung của người phụ nữ đến mức oan ức cũng chẳng có ý định tìm lại công bằng cho bản thân. Người phụ nữ ấy được xây dựng tạo một cảm giác chân thực, từ việc có thai với chồng rồi chịu sự ghẻ lạnh của nhà chồng. Thái độ sống đó không đơn giản là chịu đựng, nhẫn nhịn như cách mà con người thành phố hiện đại có thể không chấp nhận. Theo chúng tôi, đó đúng hơn là một sự lựa chọn mang tính văn hóa đầy hồn hậu của những con người đã bao đời gắn bó sâu nặng với thiên nhiên, hòa mình vào cái nhịp điệu trầm lặng, mênh mông và bao dung của núi rừng.
- Đội ngũ các cây bút nữ dân tộc thiểu số đã tạo ra một diện mạo riêng. Vậy, diện mạo này có gì khác so với đội ngũ nam dân tộc thiểu số cùng viết về hậu chiến?
+ Thế hệ của những tác giả như Nông Quốc Chấn đã khẳng định sứ mệnh cao cả của những người con Việt Bắc với đất nước: “Chúng tôi người Việt Bắc/ Không một lúc nào quên/ Giành Nam Bắc nối liền/ Giành lấy ngày thống nhất”. Sự nhận thức về số phận con người, dân tộc:
Các anh chị: Tày, Nùng, Kinh,
Mèo, Mán…
Tạm xếp nương chàm, khung dệt,
quả còn
Tạm biệt nhà sàn về ngủ lán
Giữ Đèo Giàng là giữ bản thôn.
("Người thanh niên giữ Đèo Giàng" - Nông Minh Châu)
- Từ đề tài hậu chiến nói riêng và các cây bút nữ dân tộc thiểu số đã thể hiện ít nhiều có những dấu ấn thành công. Vậy, theo Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền, liệu có một dòng chảy về đề tài chiến tranh và hậu chiến trong văn học dân tộc thiểu số hay không?
+ Vấn đề không còn là ở đề tài lớn, đề tài nhỏ mà là cách nhìn, cách xử lý của người sáng tác. Những tác giả nữ như Hà Thị Cẩm Anh, Đoàn Ngọc Minh, Bùi Thị Như Lan, Nông Thị Ngọc Hòa... không chỉ phản ánh chiến tranh với sự bừng bừng khí thế mà đã đào sâu vào hiện thực, nhận thức và tái hiện cuộc chiến ở nhiều mặt, trong đó nhấn mạnh đến những góc còn khuất lấp - đó là số phận của những người lính, người mẹ, người vợ và cả những đứa con đang chịu nhiều đau khổ khi đất nước đã hòa bình. Có thể thấy, đồng cảm cũng là một cách tri ân đối với những con người, những số phận và ở điều này, những nhà văn nữ dân tộc thiểu số đã và sẽ tìm được sự sẻ chia của hàng triệu tấm lòng.
- Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ Đỗ Thị Thu Huyền!