Mang không gian sáng tạo của Dó đến phương nam

Thứ Sáu, 15/04/2022, 14:00

Từ ngày 10-4 đến hết ngày 18-4 tại Mây Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, P.25, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) diễn ra triển lãm “Mây Dó” với sự góp mặt của 8 họa sĩ trong nhóm “Tranh Giấy Dó”. Mỗi người một phong cách nhưng tựu trung lại là không gian sáng tạo của dó với rất nhiều cung bậc cảm xúc cho người dân phương Nam - vốn ít được tiếp xúc với tranh giấy dó.

Cuộc hội ngộ của những người yêu dó

Mây Artspace giữa những ngày tháng 4 sẽ là cuộc hội ngộ của những người yêu tranh giấy dó, với 7 họa sĩ đến từ miền Bắc là: Bùi Văn Tuất, Lê Minh Đức, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Minh, Đặng Hữu, Vũ Thái Bình, Đoàn Đức Hùng và đại diện “chủ nhà” thành phố Hồ Chí Minh duy nhất là họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.

Đây cũng là cuộc triển lãm đánh dấu việc trở lại cuộc sống bình thường mới sau 2 năm thành phố mang tên Bác phải “căng mình” trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Đã có những mất mát, đã có những tổn thất nhưng vượt lên tất cả người dân thành phố Hồ Chí Minh đã và đang tràn đầy hứng khởi, niềm tin yêu, hy vọng vào cuộc sống mới mà hội họa chính là bộ môn nghệ thuật quan trọng góp vào niềm tin, sức sống ấy.

Mang không gian sáng tạo của Dó đến phương nam -0
Triển lãm “Mây Dó” là sự kết hợp họa sĩ 2 miền Nam - Bắc.

Giấy dó từ lâu đã được biết đến với vẻ cũ kỹ như những manh áo tơi thô sơ của vùng đồng bằng Bắc bộ lam lũ, là một thứ chất liệu vừa huyền bí, vừa đơn sơ, vừa khó chinh phục, vừa thuần dịu, hiền lành. Kế thừa truyền thống của thủy mặc và tranh Đông Hồ là dòng tranh dó sử dụng bút sắt màu nước, tạo nên những đường contour với vệt thấm thấm li ti mềm mại và những mảng màu với sắc độ được ghìm xuống, sâu lắng và tự nhiên.

Với bản tính ăn màu cắn nét, họa sĩ sẽ phải tính toán kỹ khi đặt bút vì không thể sửa chữa, không thể đắp nhiều lớp trên lượt giấy mỏng mảnh. Bởi vậy, dù trông đơn giản nhiều khoảng trống, các sáng tác trên giấy dó lại thường bày ra bút lực mạnh mẽ nhất của họa sĩ. Và cũng vì thế ít họa sĩ chọn dó là chất liệu chủ đạo trong sáng tác, mà thường giải tỏa năng lượng đối lập với dòng chất liệu và đề tài “tủ” của mình.

Tập hợp tranh dó tại triển lãm lần này mang đủ cả ba đại diện chất liệu và các biến tấu đa dạng, uyển chuyển trên nền chất liệu này. Đầu tiên là Bùi Tiến Tuấn, người trên lụa gọn gàng, sắc sảo bao nhiêu thì lại run rẩy, cảm xúc bấy nhiêu trong những mảng sáng tối mang âm hưởng của Emil Node. Bùi Văn Tuất, thành thục với kỹ thuật xử lý độ ướt dính của sơn dầu trên mặt dó với đề tài những em bé vùng cao quen thuộc.

Lê Minh Đức, vẫn thả trôi theo cảm xúc dù là những nhát bút hay vết xé phóng khoáng, ngang ngạnh như không phải là dó. Nguyễn Minh, lần này không phải là những mảng trống phô chất liệu dó trong bố cục phố, cây, hoa, mà là lớp màu lấp lánh dày dặn, sáng từ trong sáng ra trên mặt dó bồi toan. Và tỉ mỉ, điềm đạm nhất là Vũ Thái Bình, mang tính thấm dẫn của những thớ bột dó vào trong những mảng mực tàu đầy tính thủy mặc.

Để người xem cảm thấy mới mẻ

Là người tổ chức triển lãm “Mây Dó”, anh Lưu Danh Quang, Admin nhóm “Tranh Giấy Dó” cho biết, 7 họa sĩ nhóm “Tranh Giấy Dó” ngoài Hà Nội và đại diện TP.Hồ Chí Minh là họa sĩ Bùi Tiến Tuấn mong muốn được giới thiệu đến người yêu nghệ thuật những sáng tác đương đại trên chất liệu rất truyền thống và có phần cũ kĩ ít được để ý trong sáng tác. “Còn về phần mình, tôi mong muốn được đưa các tác phẩm nghệ thuật đến dễ dàng hơn với công chúng.

Mang không gian sáng tạo của Dó đến phương nam -0
2 bức vẽ “Những thiên thần đêm” của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn tại triển lãm “Mây Dó”.

2 năm qua, thông qua phiên đấu tuần online trên nhóm “Tranh Giấy Dó”, tôi đã đưa hàng trăm tác phẩm đến người sưu tầm và người yêu nghệ thuật cả nước. Mong muốn của tôi đơn giản là việc sở hữu một bức tranh sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu trong mỗi gia đình. Tôi nghĩ cái hay của chất liệu dó chính là sự đa dạng trong các sáng tác nhưng có điểm chung là để người xem cảm thấy mới mẻ”, anh Lưu Danh Quang chia sẻ.

Nhắc đến họa sĩ thành công với dó ở miền Bắc sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến họa sĩ Vũ Thái Bình. Từng có triển lãm riêng về dó ở Hà Nội, đến với triển lãm lần này, họa sĩ quê Hưng Yên có 5 tác phẩm: “Ngày mới”, “Ngày bình yên”, “Trên đỉnh Nà Pay”, “Đường còn xa”, “Mùa xuân” với mong muốn mang không khí của Tây Bắc tới phương Nam. Nó mang một cái gì đó bình dị, yên ả. Trong đó bức “Đường còn xa” với hình ảnh ông cụ nhìn với ánh mắt xa xăm như muốn khẳng định trong cuộc sống nhiều khi không như ta muốn, có rất nhiều sự dang dở và sự lo lắng cho những thứ con người đang làm, sẽ làm.

Ngoài sự kết nối với các họa sĩ để người dân phương Nam biết đến tranh giấy dó thì với họa sĩ Vũ Thái Bình còn là khát khao được làm cuộc triển lãm riêng về tranh giấy dó tại mảnh đất này. Anh cảm thấy bản thân có nhiều thứ vẫn chưa làm được với dó nên anh xác định con đường phía trước sẽ còn phải tiếp tục.

Vẫn là thế giới riêng của mỗi họa sĩ

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn mang đến 2 bức quan trọng khổ lớn mang tên “Những thiên thần đêm” với những cô búp bê và thế giới thần tiên trẩy hội. Tinh thần lãng mạn, những yếu tố mộng mị trên giấy dó cho anh tung hô bút pháp, tự do biểu cảm các cung bậc cảm xúc. Là họa sĩ chuyên về lụa nhưng họa sĩ Bùi Tiến Tuấn cũng đã đến với dó gần 30 năm nay (do các thầy miền Bắc truyền dạy) và đã có triển lãm riêng mang tên “Sợi chỉ đỏ”. Với anh thì triển lãm với nhóm lần này với nhiều phong cách khác nhau nhưng vẫn là thế giới riêng của mỗi họa sĩ. “Mỗi họa sĩ có một phong cách riêng, một thế giới riêng nên dù triển lãm cùng nhau nhưng hẳn người xem sẽ nhận ra bức vẽ của mỗi người”, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn nhấn mạnh.

Nếu họa sĩ Bùi Văn Tuất mang đến triển 3 bức sơn dầu trên dó là trẻ em dân tộc Mông thì họa sĩ Nguyễn Minh mang 8 bức tranh chia làm 3 bộ: Bộ tĩnh vật, bộ gia đình, bộ chân dung. Với bộ gia đình, nhân vật anh chọn thể hiện là vợ và con cái, chung sống hài hòa trong không gian thiên nhiên. Ngoài ra còn có sự kết hợp của hoa trà đỏ, đó là mảng màu hợp với chất liệu giấy dó. Bộ tĩnh vật lẽ thông thường khi vẽ trên giấy dó họa sĩ thường sử dụng màu nước mực nho, tuy nhiên với bộ này Nguyễn Minh sử dụng acrylic kết hợp giấy dó bồi trên toan mình và gọi nó là bộ ngẫu hứng với những sự thay đổi khác lạ từ chất liệu tới cách thể hiện. Ở bộ chân dung, anh vẽ 2 đứa trẻ với nhân vật là cái cớ để anh đưa những hòa sắc yêu thích vào trong đó. Anh cho biết, cả 3 bộ tranh trong triển lãm như một cách chơi với màu và sắc kết hợp chất liệu khác với chính bản thân mình.

Cũng theo họa sĩ Nguyễn Minh thì triển lãm “Mây Dó” như một cuộc thử nghiệm trong môi trường Sài Gòn, nơi đang thiếu một mảng thị giác nói riêng về tranh giấy dó. “Nếu như ở miền Bắc các họa sĩ đã vẽ từ lâu thì trong Nam rất ít người vẽ, nếu kể ra một cái tên nổi bật thì đó là Bùi Tiến Tuấn. Tôi hy vọng sự kết hợp của họa sĩ hai miền Nam - Bắc lần này sẽ mang lại hứng thú cho người xem, để người dân phương Nam có thêm sự hiểu biết và thêm yêu dòng tranh đầy hấp dẫn này. Tất nhiên muốn để người dân yêu dòng tranh này, chúng tôi biết bản thân có nhiều việc cần phải làm”, họa sĩ Nguyễn Minh khẳng định.

Điểm chung của triển lãm “Mây Dó” là không muốn rập khuôn những gì truyền thống, mà chỉ lấy cảm hứng về vật liệu để mở rộng khả tính và khả thể cho vật liệu đó, rồi biến thành một chất liệu của cảm xúc. Các họa sĩ đã cùng giấy dó tìm kiếm được một đời sống khác đầy sinh động, mang hơi thở của cuộc sống đương đại.

Ngô Khiêm
.
.