Mặc gì đi du lịch: Bài toán văn hóa sau những bức hình “sống ảo”

Chủ Nhật, 24/12/2023, 07:10

Đi du lịch ngoài việc được đến một địa điểm mới, ăn những món ăn lạ thì việc mặc trên mình những bộ quần áo của người dân địa phương để chụp hình đăng tải lên mạng xã hội cũng là một trong những niềm yêu thích của du khách ở mọi lứa tuổi. Việc sẽ chẳng có gì để bàn nếu như thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng du khách mặc những bộ trang phục lạ của nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… để chụp ảnh tại những khu du lịch nổi tiếng trong nước.

Điều này đã dấy lên những lo ngại khi ảnh hưởng đến tính nhận diện của khu du lịch với bạn bè quốc tế cũng như việc bảo tồn trang phục, văn hóa truyền thống ở những khu du lịch trước việc “lai căng” không kiểm soát.

ảnh 1.jpg -0
Du khách mặc trang phục nước ngoài chụp ảnh tại sông Nho Quế (Hà Giang).

Chủ đề trang phục du lịch từng được bàn tán xôn xao và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn mọi người cho rằng việc mặc trang phục nước ngoài ở khu du lịch Việt Nam ảnh hưởng xấu đến du lịch nước nhà. Song, tình trạng mặc trang phục ngoại lai ở những khu du lịch nổi tiếng Việt Nam như Ninh Bình, Sapa (Lào Cai), Hà Giang, Tam Đảo (Vĩnh Phúc)… vẫn tiếp tục gia tăng. Lướt một vòng các trang mạng xã hội chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những bức ảnh những chàng trai, cô gái mặc trang phục Thái Lan “sống ảo” tại những đầm sen mang đậm bản sắc Việt ở Ninh Bình, hay như bên dòng sông Nho Quế trong xanh giữa núi non hùng vĩ đất trời Hà Giang, xuất hiện những bộ trang phục Tây Tạng, Mông Cổ… Đáng nói đây đều là những địa điểm du lịch thu hút đông đảo lượng du khách nước ngoài đến tham quan. Việc mặc trang phục tưởng bình thường nhưng lại vô tình gây hiểu nhầm trong mắt khách quốc tế.

Sự ảnh hưởng của việc mặc trang phục ngoại lai còn nằm ở việc những bức ảnh “check in” sau khi được đăng tải lên mạng xã hội sẽ có tốc độ lan tỏa nhanh, rộng, thậm chí vượt ngoài tầm lãnh thổ Việt Nam nếu như người đăng tải là người nổi tiếng hoặc có quan hệ quốc tế. Việc này sẽ gây nên tình trạng người nước ngoài nghĩ rằng địa điểm du lịch mà người đăng tải là của một đất nước nào đó khác chứ không phải là của Việt Nam. Sự hiểu lầm này có thể ảnh hưởng lớn đến những chiến dịch quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam với bao công sức và tiền của.

Sự xuất hiện của tình trạng mặc trang phục ngoại lai như vậy không thể không nhắc đến những địa điểm cho thuê trang phục tại các khu du lịch. Trước những mẫu mã quần áo sặc sỡ, du khách có xu hướng chọn những bộ trang phục đẹp, ưa nhìn và có thể giúp chụp những bức hình lung linh chứ ít ai quan tâm đến đấy là của dân tộc nào, nước nào, chưa bàn đến ý thức bảo tồn văn hóa trang phục truyền thống.

Khi những tấm hình du khách mặc trang phục Tây Tạng, Mông cổ ở sông Nho Quế (Hà Giang) gây ồn ào dư luận vì ảnh hưởng đến việc định danh địa điểm du lịch với khách nước ngoài, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh. Sau khi làm việc với đoàn kiểm tra, các hộ kinh doanh cho thuê trang phục tại khu vực bến thuyền lòng hồ đã nhất trí và cam kết chỉ cho thuê các trang phục dân tộc truyền thống của Việt Nam và ưu tiên trang phục truyền thống của các dân tộc ở tỉnh Hà Giang để phục vụ du khách. Sau khi có sự vào cuộc của các ban ngành hiện nhiều khách du lịch tới sông Nho Quế đã xúng xính trong bộ trang phục truyền thống của các dân tộc Việt thay vì những trang phục ngoại lai như trước.

Từ vụ việc ở Hà Giang để thấy vai trò của nhà quản lý rất quan trọng. Việc cho thuê và thuê trang phục nước ngoài là không thể cấm nhưng nếu có định hướng và tuyên truyền đúng đắn thì người kinh doanh và du khách đều nhiệt tình hưởng ứng. Công tác giữ gìn và quảng bá văn hóa qua trang phục truyền thống nên bắt đầu từ những việc làm nhỏ, nhất là quản lý và định hướng hoạt động cho thuê một cách đúng đắn.

Theo chàng trai 9X Nguyễn Đức Lộc, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty chuyên về những trang phục cổ của dân tộc “Trong tiến trình hội nhập toàn cầu hóa, việc chúng ta du nhập, ảnh hưởng từ văn hóa Âu Mỹ cho đến văn hóa của những nước châu Á dẫn đến việc các bạn trẻ yêu mến, mặc các trang phục nước ngoài là điều hết sức bình thường. Khi quyết định mở cửa chúng ta mang văn hóa của nước mình quảng bá ra thế giới và thế giới cũng có quyền ngược lại như vậy với chúng ta là điều đương nhiên và tất yếu. Tuy nhiên cần phải làm rõ khu du lịch văn hóa truyền thống nào, việc các bạn trẻ mặc các trang phục ngoại lai tạo nên cái hiệu ứng không được tốt, nhưng nhìn tổng thể rộng ra khi chúng ta đi ra thế giới chẳng hạn chúng ta mặc trang phục truyền thống của Việt Nam ở những khu du lịch, danh thắng trên thế giới thì câu chuyện đó sẽ như thế nào?

Cái gì cũng có sự tương tác hai chiều, nhưng cần phải có giới hạn ví dụ như các danh thắng tự nhiên hay di tích lịch sử. Việc ăn mặc tất nhiên không thể cấm đoán, máy móc sẽ tạo ra những hiệu ứng không tốt. Chúng ta có thể tuyên truyền, khuyến khích hỗ trợ dịch vụ ví dụ như tại Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Đại Nội Huế… tại sao họ mặc toàn trang phục truyền thống mà những nơi khác lại mặc trang phục ngoại lai. Điều này cho thấy công tác tổ chức, tuyên truyền, quản lý ở những nơi đó chưa tốt.

Giới trẻ mặc những trang phục ngoại lai bởi họ chưa được tuyên truyền, chưa nhận thức được rõ nét về các trang phục truyền thống trong khi đó những trang phục cổ lại rất nhiều loại khác nhau. Tôi tin tưởng ở các bạn trẻ khi nhận thức một cách đầy đủ trang phục nào là chuẩn, phù hợp với vùng miền thì họ sẽ rất hào hứng.

Vấn đề ở đây không nằm ở những bạn trẻ, người đi du lịch mà nằm ở sự chưa quan tâm định hướng một cách đúng đắn của người làm công tác quản lý du lịch, cũng như thiếu quan tâm đến đầu tư, phát triển trang phục truyền thống dân tộc, khơi gợi tinh thần dân tộc, tự hào bản sắc văn hóa quê hương”.

Hiện tượng này nếu không có hướng giải quyết sẽ giảm mức tiêu thụ trang phục truyền thống như thổ cẩm và kéo theo những hệ lụy về lâu dài. Việc mặc gì khi đi du lịch là quyền tự do của du khách. Thế nhưng cũng bộ váy, áo, cũng bức ảnh đăng lên mạng xã hội không chỉ quảng bá hình ảnh du lịch nước nhà mà còn góp phần bảo tồn trang phục, văn hóa truyền thống thì tại sao chúng ta không thực hiện. Để làm được điều này không chỉ trông chờ vào sự tự giác của du khách mà còn phụ thuộc phần lớn vào công tác quản lý, tuyên truyền của những người đứng đầu các sở, ban ngành văn hóa, du lịch. Bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống luôn là một bài toán đầy thách thức nhưng việc để trang phục truyền thống được phát huy đúng giá trị, đúng chỗ tại những khu du lịch là việc có thể thực hiện ngay.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân chia sẻ: “Quan điểm của tôi có thể nhìn từ hai phía, với tư cách là 1 người hay đi du lịch và với tư cách một nhà nghiên cứu về văn hóa.

Là một khách du lịch, thì chính tôi khi đi du lịch nước ngoài, đến một số nơi di tích lịch sử văn hóa, tôi cũng hay mặc áo dài Việt Nam và được bạn bè nước ngoài khen. Nên tôi nghĩ nếu là khách du lịch nước ngoài, mặc trang phục truyền thống của nước họ chụp ở địa điểm du lịch Việt Nam thì là quyền và là văn hóa của chính họ, chúng ta nên tôn trọng. Nhưng nếu đi các điểm du lịch trong nước, tôi cho rằng việc khách du lịch Việt Nam mặc trang phục Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… chụp ảnh kỷ niệm là không nên. Bởi vì đấy là sự cưỡng ép và chiếm dụng văn hóa (cultural appropriation) của nước khác.

Sở dĩ gần đây phổ biến hiện tượng chụp ảnh kiểu này là do những nguyên nhân sau: Bắt chước (đu trend) một số người mặc, và sau đó lan rộng ra. Điều này là do ý thức cá nhân của nhiều người còn thấp, chỉ đơn giản nghĩ là vui, đẹp, để kỷ niệm, chứ không nghĩ sâu xa hơn. Mặt khác ở ngay những địa điểm du lịch, vì chạy theo lợi nhuận nên nhiều gian hàng đã cho thuê những trang phục kiểu này để thu hút khách. Cuối cùng là các cấp quản lý đã buông lỏng, đầu tiên ở chính Ban quản lý các địa điểm, di tích ấy, sau đó là trách nhiệm cao hơn của các ngành văn hóa, du lịch ở các cấp.

Từ đó dẫn đến những tác động tiêu cực không chỉ là sự khó chịu, lên án của đông đảo người dân về những hành vi gọi là “lệch chuẩn văn hóa”, tôn vinh trang phục nước khác ở những nơi không phù hợp, mà còn làm mất đi sự trang trọng hay vẻ đẹp của những địa điểm, di tích đó. Cuối cùng, từ góc độ nghiên cứu văn hóa, hành vi lệch chuẩn này ngay cả khi ra thế giới cũng rất dễ bị xem là “chiếm dụng văn hóa” và gây ra sự phẫn nộ của chính những người dân nước khác”.

Lê Đình Trung
.
.