Lực lượng viết trẻ với cảm hứng sáng tác về đề tài Công an

Thứ Năm, 27/04/2023, 08:23

Văn học về đề tài Công an vốn được coi là lãnh địa của các nhà văn gạo cội, các nhà văn trong lực lượng Công an, Quân đội... Các nhà văn trẻ luôn coi đây là một sân chơi khó và mới mẻ. Nhưng Cuộc thi sáng tác về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ V” do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức lần này đã thu hút được một lượng đông đảo các cây bút trẻ tham gia. Hy vọng sự góp mặt của họ sẽ mang đến một luồng gió mới cho văn học về đề tài Công an.

Thực tế sống động đối với nhà văn trẻ

Lần đầu tiên, Cuộc thi sáng tác về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V do Bộ Công an và Hội Nhà văn tổ chức đã thu hút nhiều cây viết trẻ như Kiều Duy Khánh, Nguyệt Chu, Huyền Thanh Thanh, Lý A Kiều, Mạc Yên, Lê Ngọc, Phát Dương. Họ, hoặc đã thành danh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hoặc là những cây viết mới nhưng đều có nhiều hứng khởi với đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”.

Tác giả trẻ Mạc Yên chia sẻ rằng: “Tham gia viết về mảng đề tài này không chỉ là sự tri ân của cá nhân người cầm bút, mà còn là tiếng nói của tác giả trẻ đến thế hệ trẻ nói riêng và độc giả nói chung, được sống cùng một đời sống của các chiến sĩ CAND, được thấy và cảm nhận những hy sinh của các chiến sĩ CAND. Đối với người cầm bút, đó không chỉ là vinh dự mà là cách để cống hiến khả năng của mình”. Tuy nhiên, đối với các cây viết trẻ viết về đề tài Công an có lợi thế là có góc nhìn mới, cảm hứng sáng tạo mới và một thách thức mới đối với bản thân về một lĩnh vực mà họ đang khám phá.

Lực lượng viết trẻ với cảm hứng sáng tác về đề tài Công an -0
Nhà văn Kiều Duy Khánh, tác giả Lê Ngọc, tác giả Lý A Kiều, tác giả Mạc Yên, nhà văn Nguyệt Chu, tác giả Phát Dương, tác giả Huyền Thanh Thanh.

Kiều Duy Khánh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã có nhiều tác phẩm xuất bản và giành nhiều giải thưởng khác nhau. Đây là lần đầu tiên tham gia cuộc thi về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, anh gửi tiểu thuyết “Mắt khói” viết về cuộc chiến đấu giữa lực lượng Công an và những tên buôn bán ma túy ngày càng cam go. Bằng mưu trí, sự phán đoán tinh tường chỉ từ những dấu vết nhỏ mà lực lượng Công an đã phát hiện và phá được vụ án, dù trải qua biết bao hy sinh, mất mát.

Khánh chia sẻ: “Tôi đã tham gia rất nhiều những trại sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh, của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, trại của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam… Nhưng đây là lần đầu tiên tôi tham gia trại viết của Bộ Công an. Tôi đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện trực tiếp với những cán bộ, chiến sĩ Công an, những người trực tiếp tham gia đánh án để từ đó chúng tôi cảm được, hiểu được những gian nan, vất vả, những hy sinh thầm lặng, thấy được sự mưu trí, dũng cảm và cũng đầy nhân văn của chiến sĩ Công an, từ đó có được nguồn vốn sống dồi dào để đưa vào trang viết. Tại tọa đàm “Lực lượng Công an nhân dân với cuộc chiến chống tội phạm ma túy”, tôi được nghe các nhà văn như Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Đình Tú góp ý và chia sẻ kinh nghiệm viết tiểu thuyết, tôi đã thay đổi gần như toàn bộ cách viết cũng như đề cương truyện đã phác dựng. Có thể nói, dự trại viết của Bộ Công an lần này, tôi đã thu nhận được rất nhiều. Được tiếp xúc những tư liệu, vốn sống thực tế, được gặp gỡ và học hỏi những kinh nghiệm sáng tác từ các nhà văn tham dự trại, và đặc biệt được tiếp thêm động lực, niềm đam mê sáng tác về một đề tài rất khó từ ban tổ chức trại”.

Nguyệt Chu cũng là hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tham gia cuộc thi này. Chị chia sẻ, là một tác giả trẻ, chưa có nhiều thành tựu so với nhiều cây bút đã thành danh trong địa hạt văn chương, lại tham gia một đề tài rất mới mẻ và lạ lẫm, nên chị khá áp lực, thậm chí hoang mang. Nhưng khi trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện, tìm hiểu về cuộc sống của người chiến sĩ Công an, chị bị thu hút bởi sức hấp dẫn của đề tài.

“Tôi được gặp các nhà văn lão thành, là tác giả của những bộ tiểu thuyết nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng lớn. Và khi được thả hồn trong bầu không khí văn chương ấy, tôi lại càng thêm trân trọng những gì ban tổ chức đã đem đến cho chúng tôi, để chúng tôi có thêm niềm tin, động lực góp một phần nhỏ bé của mình vào dòng chảy văn học. Tôi sẽ viết về hình tượng các chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thông qua cái nhìn từ hậu phương (gia đình, vợ con...)”, chị chia sẻ.

Mạnh dạn khai phá vùng đất mới

Với một đội ngũ những cây viết trẻ, họ sẽ mang đến cho cuộc thi một sắc màu mới, một góc nhìn mới về đề tài Công an. Cây viết Huyền Thanh Thanh được PGS. TS. Nguyễn Thế Kỷ đánh giá là “một gương mặt thơ mới, cá tính, dịu dàng, nổi loạn, bứt phá”… Chị đã tự tin vượt ra khỏi khuôn khổ tư duy hiện thực để khát khao, để chạm tới lý tưởng thẩm mỹ, triết lý nhân sinh… Huyền Thanh Thanh đã làm được, khẳng định một giọng điệu, một phong cách của riêng mình”. Chị đã có hai tập thơ và truyện ngắn gây tiếng vang trong giới trẻ. Lần này chị tham dự đề tài Công an với tiểu thuyết “Đồng tiền đa nhân cách”.

Chị chia sẻ: “Tôi khai thác sự mãnh liệt, chân thực, đa chiều của cuộc sống, trong đó người chiến sĩ Công an đã phải trải qua đủ mọi cung bậc của nghề cũng như chấp nhận hy sinh cuộc sống của riêng mình vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Tiểu thuyết sẽ sớm đến với bạn đọc trong năm 2024”.

Còn tác giả Mạc Yên dự định thử sức ở thể loại tiểu thuyết với chủ đề an ninh sinh thái, là cuộc chiến bảo vệ sự bình yên môi trường sống của con người. Tiểu thuyết dự định mang tên “Sứ nước”. Đây là một mảng đề tài mới lần đầu tiên được khai phá.

“Lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc thi lớn về văn chương, cũng là lần đầu tiên tham gia một trại sáng tác văn chương có quy mô lớn và bài bản. Lâu nay tôi rất hứng thú với cuộc chiến bảo vệ đời sống xã hội của những người đại diện cho cái thiện là các chiến sĩ Công an, chống lại cái ác là những tên tội phạm mưu mô nguy hiểm. Tham gia trại viết là một cơ hội để tôi được tìm hiểu thực tế cuộc sống của những chiến sĩ Công an, những chuyên án và sự đấu tranh gian khó, có khi kéo dài hàng tháng, hàng năm của họ. Tôi được lắng nghe những câu chuyện cảm động về những góc khuất của họ. Điều đó truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Tôi muốn viết về những hy sinh, gian khó và chất hùng ca trong tác phẩm tiểu thuyết sắp tới”.

Tác giả trẻ Phát Dương cũng mang đến một góc nhìn mới mẻ về đề tài Công an. Từ góc nhìn của một người trẻ, anh khai thác đề tài tâm lý tội phạm vị thành niên, với tiểu thuyết dự kiến mang tên “Đội thám tử trường học”. Anh chia sẻ: “Khi tham gia trại viết về đề tài Công an, tôi được tiếp xúc, tìm hiểu về các chuyên án cũng như đời sống của các chiến sĩ Công an, những câu chuyện phục kích, bắt giữ tội phạm, cũng như được lắng nghe những câu chuyện nhân văn cảm động của chiến sĩ Công an, tôi rất xúc động. Từ góc nhìn của một người trẻ, tôi muốn khai thác đề tài được nhiều bạn trẻ quan tâm, đó là vấn đề tội phạm vị thành niên và cuộc đấu tranh của các chiến sĩ với đối tượng nhạy cảm này”.

Lý A Kiều là một tác giả người Dao, chị hay tự “khoanh vùng” mình ở đề tài miền núi với 4 tập tuyện ngắn đã xuất bản. Lần này, chị dấn thân vào đề tài Công an khi được “truyền lửa từ các anh chị nhà văn”. “Đây là cơ hội để khám phá bản thân, tiếp cận một đề tài mới, kích thích cảm hứng sáng tạo của mình. Tôi sẽ viết về cuộc chiến thầm lặng của các chiến sĩ Công an với các tội phạm miền núi”, chị nói. Còn Lê Ngọc, cây bút trẻ trong lực lượng giành nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật trong thời gian qua dấn thân vào đề tài là hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH. Anh nói: “Tôi viết về đề tài này như một cách để tri ân đồng đội mình, về cuộc chiến đấu và sự hy sinh thầm lặng của họ giữa thời bình với những ngọn lửa khốc liệt”.

Hy vọng, với sự tham gia của lực lượng viết trẻ, cuộc thi về đề tài “Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” sẽ được thổi một luồng gió mới, mang đến những góc nhìn mới về đề tài. Qua đó, lan tỏa hơn nữa vẻ đẹp hình tượng người chiến sĩ Công an đến gần với giới trẻ.

Hà Thanh
.
.