Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022: Nhiều tín hiệu tích cực
Sau hơn 10 ngày tranh tài, tối 28-5, tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An tổ chức đã chính thức bế mạc. Liên hoan với sự tiến bộ vượt bậc của các đoàn nghệ thuật đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng giám khảo, các nghệ sĩ, diễn viên và đông đảo nhân dân.
Sự bứt phá của các địa phương
Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm nay có sự tham gia của khoảng 600 diễn viên, nhạc công và các thành phần sáng tạo đến từ 11 đơn vị tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước, mang đến 16 vở diễn đặc sắc, trong đó có 9 vở tuồng và 7 vở dân ca kịch.
Là giám khảo của Liên hoan, NSƯT Ngọc Khánh (Khánh "kèn") nhận xét: "Bên cạnh sự tham gia tích cực của các Nhà hát Trung ương, Liên hoan năm nay chứng kiến sự bứt phá vượt bậc của các đơn vị nghệ thuật ở địa phương. Tiêu biểu có thể kể đến Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An với vở "Cánh cò trong bão", Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định với vở "Cô thần" (đều giành Huy chương Vàng) hay Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa với vở "Hoàng đế Lê Đại Hành"…
Có những đơn vị nghệ thuật vì nhiều lý do phải dừng hoạt động một thời gian dài nhưng họ đã tham gia Liên hoan năm nay với chất lượng nghệ thuật khá tốt, như Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng), Nhà hát truyền thống tỉnh Hà Tĩnh… Dù khó khăn về nhiều mặt nhưng các đơn vị nghệ thuật ở địa phương vẫn vượt lên để cho ra những vở diễn ấn tượng".
Mỗi đơn vị nghệ thuật mỗi vẻ, đều cố gắng phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình trong vở diễn. Nhà hát Nghệ thuật hát bội thành phố Hồ Chí Minh góp mặt với vở tuồng "Chiếc áo thiên nga" về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Vở diễn không đi sâu vào những vấn đề chính trị, thuật trị nước mà tập trung làm nổi bật tâm lý các nhân vật, với phong cách dàn dựng mới mẻ, nhằm hướng đến tiếp cận khán giả trẻ. Đơn vị chủ nhà - Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cũng tạo dấu ấn với 2 vở dân ca kịch đều về đề tài hiện đại là "Vầng sáng" và "Cánh cò trong bão", trong đó vở "Cánh cò trong bão" đã khắc họa thành công hình ảnh những con người mới đầy bản lĩnh, nghị lực, vượt qua bão giông để đi đến thành công qua ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống.
NSƯT Bùi Như Lai (Trưởng Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, đạo diễn vở "Đi qua ngày giông bão" - Nhà hát truyền thống tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, vở diễn đã đi vào vấn đề rất nóng, đó là đề tài tài nguyên môi trường. Theo nghĩa đen là nhắc đến tài nguyên khoáng sản nhưng nghĩa bóng là vấn đề sử dụng nguồn nhân lực, sử dụng người tài. So với kịch bản ban đầu thì vở diễn đã có sự thay đổi để đảm bảo tính kịch, đảm bảo sự mượt mà của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Sau suốt 18 năm, Nhà hát truyền thống tỉnh Hà Tĩnh mới bắt đầu tham gia một kỳ Liên hoan, chính vì vậy họ rất quyết tâm, rất cố gắng để đạt dấu ấn và họ đã thành công.
Đề tài mang tính thời sự
Đánh giá chất lượng nghệ thuật của Liên hoan năm nay, nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật nhận định: "Dù diễn câu chuyện lịch sử từ mấy nghìn năm trước, hoặc con người hôm nay, các vở diễn đều lấy cái cảm quan nóng hổi của thời đang sống để soi chiếu, xây dựng các hình tượng nghệ thuật. Trong phần thi có sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác giả kịch bản và tác giả chuyển thể, tạo ra những vở tuồng và câu ca có ngôn ngữ giàu tính hình tượng, giàu tính hành động, giàu tính âm nhạc... Đạo diễn đã có nhiều cố gắng tạo ra các trò diễn, làm nổi bật đặc trưng của sân khấu truyền thống là cấu trúc các mảnh trò. Ta bắt gặp không chỉ tuồng võ mà cả tuồng văn dung dị, mềm mại, gần gũi với người xem".
Đồng quan điểm đó, NSƯT Ngọc Khánh cho biết, điểm nổi bật của Liên hoan năm nay là các vở kịch mới rất đa dạng, có sự sáng tạo, mượn lịch sử để nói về hiện tại, nhất là vấn đề thời sự đang rất "nóng" hiện nay như chống tham nhũng, tiêu cực, sử dụng người tài… Có thể nói kịch bản đã đi vào đời sống chính trị, xã hội để người xem dễ cảm nhận, dễ thấy được cái hay, cái đẹp, cái mới của nghệ thuật truyền thống. Qua Liên hoan này, một lần nữa khẳng định, nghệ thuật truyền thống vẫn luôn ở gần bên chúng ta, sâu sát, gắn bó mật thiết với đời sống chúng ta và cũng đặt ra bài toán trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và sáng tạo hơn nữa của đội ngũ nghệ sĩ.
Được trao giải "Đạo diễn xuất sắc thể loại dân ca", NSƯT Bùi Như Lai cảm thấy rất đỗi tự hào, bởi đây là lần đầu tiên anh làm kịch dân ca. Bản thân anh cảm nhận kịch dân ca phù hợp với khả năng sáng tạo trong kỹ năng đạo diễn của mình nên trong quá trình làm đều rất trơn tru, không có khó khăn quá lớn trong quá trình tập luyện. "Tôi thấy Liên hoan năm nay rất thành công, nhìn về mặt bằng vở diễn, nội dung, hình thức đều đạt được tiêu chí của một Liên hoan mang tầm cỡ quốc gia. Để tạo ra mặt bằng ấy, phải kể đến đội ngũ nhạc sĩ, họa sĩ, tác giả kịch bản, diễn viên… hết sức chuyên nghiệp, tâm huyết, tài năng", NSƯT Bùi Như Lai nhấn mạnh.
Không giẫm chân tại chỗ
Có lẽ người tham gia nhiều vở diễn nhất và cũng đem về nhiều huy chương nhất là NSND Hoài Huệ (nguyên Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định). Ông tham gia làm đạo diễn cho 5 vở và 5 vở đều có huy chương, trong đó có vở "Truyện ngoài chính sử - Làm vua" - Nhà hát Tuồng Việt Nam giành Huy chương Vàng. Ông đồng thời cũng được Ban tổ chức trao giải "Đạo diễn xuất sắc thể loại tuồng" cho vở diễn "Truyện ngoài chính sử - Làm vua".
Theo NSND Hoài Huệ thì vở diễn "Truyện ngoài chính sử - Làm vua" lấy bối cảnh lịch sử, câu chuyện lịch sử về vua Đinh Tiên Hoàng, thái hậu Dương Vân Nga, tướng quân Lê Hoàn, qua đó gửi gắm thông điệp về sự hy sinh hạnh phúc cá nhân của nhà vua để đem lại hạnh phúc cho bá tánh thiên hạ. "Bác Hồ từng căn dặn: "Tuồng tốt đấy, đó là vốn quý của dân tộc nhưng cần phải cải tiến, không nên giẫm chân tại chỗ. Tuy nhiên, chớ có gieo vừng ra ngô". Đó cũng chính là "kim chỉ nam" trong hoạt động nghệ thuật của giới tuồng, tức là luôn sáng tạo mang hơi thở cuộc sống đương đại nhưng không làm "hỏng" nó", NSND Hoài Huệ nhấn mạnh.
Cũng theo NSND Hoài Huệ thì Liên hoan năm nay có nhiều điều mà ông tâm đắc. Các vở diễn được các đơn vị nghệ thuật đầu tư hơn, nhiều vở mới, mặt bằng nghệ thuật, chuyên môn tốt. Liên hoan đã chứng kiến những sự đổi mới trong cách nhìn của người làm nghề, của Ban tổ chức. Mặc dù diễn ra tại tỉnh Nghệ An, nơi khá xa thành phố lớn nhưng Ban Tổ chức đã phát trực tuyến liên hoan trên kênh YouTube, Facebook "Nghệ thuật biểu diễn" cùng nhiều kênh trực tuyến khác nên khán giả yêu nghệ thuật truyền thống và giới hoạt động nghề nghiệp cả nước đều có thể theo dõi.
Bước ra từ Liên hoan với nhiều tín hiệu vui mừng, với rất nhiều niềm tin và hy vọng về sự phát triển của nghệ thuật tuồng và dân ca kịch trong thời gian tới, song thách thức vẫn còn đó. Ở thời điểm hiện tại, khi cuộc sống đã trở lại trạng thái "bình thường mới", các đơn vị nghệ thuật đang có nhiều nỗ lực, cố gắng để đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa nghệ thuật là rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của nghệ thuật truyền thống.