Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V-2022: Thiếu vắng vở diễn về đề tài đương đại

Thứ Sáu, 30/09/2022, 14:59

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/9 đến ngày 2/10/2022, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V-2022 quy tụ 13 vở diễn đến từ 13 đơn vị sân khấu tham gia. Đã trở thành hoạt động nghệ thuật có tính định kỳ được tổ chức 2 năm/ lần, Liên hoan Sân khấu Thủ đô là nơi sân khấu không chỉ "so tài", mà còn thể hiện tình yêu đối với mảnh đất, con người Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Tuy nhiên, nhìn vào kịch mục tham gia liên hoan năm nay, có thể thấy sự trống vắng trong mảng đề tài về cuộc sống, con người Hà Nội mang hơi thở đương đại...

Đến hẹn lại lên…

Đây là lần thứ V, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức Liên hoan sân khấu Thủ đô và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các đơn vị sân khấu trên cả nước.

2.jpg -0
Một cảnh trong vở “Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường” của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Năm nay, Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 25/9 đến ngày 2/10/2022 với sự tham gia của 13 đơn vị sân khấu (mỗi đơn vị một tác phẩm). Cũng như các lần tổ chức trước đây, các đơn vị tham gia liên hoan đa số đóng trên địa bàn Hà Nội như Nhà hát Kịch Hà Nội với vở "Thúy Kiều - Một kiếp đoạn trường", Nhà hát Chèo Hà Nội với vở "Trung trinh liệt nữ", Nhà hát kịch Quân đội với vở "Mưa đỏ", Nhà hát Chèo Quân đội với "Sóng dựng Lô giang", Nhà hát Cải lương Việt Nam với "Bất tử với Thăng Long", Nhà hát Cải lương Hà Nội với vở "Trời Nam", Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội với "Hoa cúc nhà trời", Sân khấu Lệ Ngọc với "Huyền tích chùa Một Cột", Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long (Hội Sân khấu Hà Nội) với "Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên".

Ngoài các đơn vị đóng trên địa bàn Hà Nội, liên hoan còn có sự góp mặt của các đơn vị xã hội hóa phía Nam như Công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt với "Đêm trước ngày hoàng đạo", Sân khấu Sen Việt với "Câu hát tìm nhau", Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh với vở "Án tình". Ở kỳ liên hoan năm nay, lần đầu tiên có kịch xiếc tham gia, đó là vở "Hà Nội - Thành phố của những giấc mơ" Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội. Vượt qua nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí, địa điểm tập luyện và biểu diễn để có thể hoàn thiện một tác phẩm nghệ thuật xiếc đem đi dự thi, Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội hi vọng sẽ đem đến một không khí mới tại liên hoan lần này.

Theo Ban tổ chức, sự tham dự của các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp, các đơn vị sân khấu xã hội hóa uy tín là một trong những khía cạnh khẳng định vị thế của Liên hoan Sân khấu Thủ đô đối với người hoạt động sân khấu. Những tác phẩm tham gia liên hoan năm nay được đánh giá là "có chất lượng nghệ thuật, mang những giá trị tư tưởng truyền thống của dân tộc, tôn vinh các phẩm chất của người Hà Nội, của Thủ đô anh hùng, mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến". Ban tổ chức cũng lựa chọn các nhà chuyên môn có uy tín, công tâm để có được những đánh giá chính xác nhất đối với các đơn vị, nghệ sĩ tham dự liên hoan.

NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, theo cơ cấu giải thưởng, Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V sẽ trao 35% giải thưởng trên tổng số các vở diễn theo quy chế của các cuộc liên hoan mà Bộ Văn hóa - Thể thao& Du lịch đã ban hành. Theo đó, dự kiến giải cao nhất tại liên hoan là Huy chương Vàng sẽ được trao 30 triệu đồng, Huy chương Bạc là 20 triệu đồng. Đối với giải thưởng cá nhân, nghệ sĩ đoạt Huy chương Vàng sẽ là 7 triệu đồng, Huy chương Bạc là 5 triệu đồng. Năm nay, do điều kiện khó khăn nên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam không có nguồn kinh phí hỗ trợ trong các giải thưởng, mà Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chịu trách nhiệm với phần kinh phí này.

Vì sao thiếu vắng vở diễn về đề tài đương đại?

Nhìn vào kịch mục tham gia Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V năm nay, có thể thấy chiếm đa số là các vở diễn về đề tài lịch sử, dã sử và thiếu vắng đi mảng đề tài về cuộc sống đương đại. Những đơn vị sân khấu kịch hát như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Chèo Quân đội… thì việc lựa chọn những đề tài lịch sử, dã sử để dàn dựng tác phẩm và tham gia liên hoan dường như là một điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, năm nay ngay cả Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát kịch Quân đội, Sân khấu Lệ Ngọc… cũng đều tham gia liên hoan với đề tài lịch sử, kịch bản dựa trên tác phẩm văn học cổ điển. Sự chờ đợi "làn gió mới" xem ra đang hướng ánh mắt đến các đơn vị sân khấu xã hội hóa đến từ phương Nam. Nhưng với tiềm lực vốn eo hẹp của mình, các đơn vị xã hội hóa đều phải dàn dựng các vở diễn thực sự gọn nhẹ, bao gồm cắt giảm diễn viên, bối cảnh sân khấu… để tiết kiệm chi phí. Bởi thế, niềm hi vọng của Ban tổ chức về kỳ Liên hoan Sân khấu Thủ đô với những vở diễn "có chất lượng nghệ thuật, mang những giá trị tư tưởng truyền thống của dân tộc, tôn vinh các phẩm chất của người Hà Nội, của Thủ đô anh hùng, mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến" là điều hết sức… mong manh!

1.jpg -0
Vở “Bất tử với Thăng Long” của Nhà hát Cải lương Việt Nam tái hiện nhân vật danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Việc các đơn vị sân khấu uy tín bậc nhất Thủ đô tham gia liên hoan mà không có một vở diễn nào về đề tài đương đại, trong bối cảnh vắng sự tham gia của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Việt Nam đã để lại một dấu hỏi lớn trong lòng những người quan tâm đến sân khấu: Phải chăng sân khấu đang ở trong thời "kỳ khủng hoảng kịch bản đương đại"?

Chia sẻ tại buổi họp báo Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cũng cho biết: "Hàng năm, ngoài đề tài lịch sử, nhà hát luôn tìm kiếm những đề tài mới, đề tài hiện đại để dàn dựng. Dù có nhiều kịch bản được gửi đến hoặc được đặt hàng riêng từ các đơn vị, cá nhân nhưng kịch mục luôn không đạt chất lượng. Các tác phẩm thường vướng ở một số điểm như: nội dung chưa đủ sâu, thông điệp chưa rõ ràng, xây dựng tình huống, tính cách nhân vật chưa nhất quán… Chính vì thế, đã nhiều lần tôi phải động viên anh chị em nghệ sĩ của nhà hát lên ý tưởng, cùng nhau viết và chỉnh sửa kịch bản để dàn dựng. Tôi luôn trăn trở phải làm thế nào chứ hiện các đề tài hiện đại và hay lại hiếm quá. Đội ngũ sáng tác trẻ hiện nay rất ít, đây là điều nguy hiểm cho nền sân khấu nước nhà…".

Còn NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dường như cũng ý thức khá rõ vấn đề này cũng bày tỏ hi vọng: "Thông qua Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Ban tổ chức mong muốn tìm được những kịch mục sáng tạo, mới mẻ và chất lượng hơn. Không chỉ đề tài lịch sử, Hà Nội trong bối cảnh hiện đại cũng có nhiều chất liệu để nghệ sĩ khai thác…".

Đúng như NSND Thúy Mùi đã nói, trong phạm vi một kỳ liên hoan sân khấu về Hà Nội nói riêng và sân khấu nói chung, không chỉ có lịch sử mà cuộc sống đương đại còn hàm chứa biết bao nhiêu vấn đề gai góc, nhức nhối cần sự vào cuộc của nghệ thuật sân khấu để mổ xẻ, lý giải và đưa ra những thông điệp cảnh báo. Đơn cử như đề tài chống tham nhũng, sự lung lay của nền tảng gia đình, những con đường dẫn đến sa ngã, hư hỏng của giới trẻ…

Tuy nhiên, dạo một vòng kịch mục được các nhà hát dàn dựng trong những năm gần đây, có thể thấy một hiện tượng đó là sự trở lại của các kịch bản thời sân khấu hoàng kim và những kịch bản của các kịch tác gia thành danh trong quá khứ được nhiều nhà hát mang ra dựng mới hoặc dựng lại. Có thời gian, hàng loạt vở kịch kinh điển của thế giới cũng như trong nước được các nhà hát dựng lại như "Romeo và Juliet", "Otenlo" (Nhà hát Kịch Việt Nam), "Viên thanh tra" (Nhà hát Tuổi trẻ), các vở kịch của kịch tác gia Lưu Quang Vũ cũng được nhiều nhà hát lựa chọn…

Một câu hỏi nữa được đặt ra là, hàng năm các trại sáng tác kịch bản sân khấu vẫn được Hội Nghệ sĩ Sân khấu và Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức đều đặn. Nhưng tại sao kịch bản sân khấu hay nói chung và kịch bản sân khấu về đề tài đương đại nói riêng vẫn thưa vắng? Điều này thật sự cần sự lý giải, trả lời từ các nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo đội ngũ kế cận, sự quan tâm, đầu tư của các cơ quan có thẩm quyền đối với sân khấu và biên kịch. Bởi vì đối với sự thành công hay phát triển của sân khấu, kịch bản chính là yếu tố tiên quyết và không thể tách rời đời sống.

Nguyệt Hà
.
.