Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Mang đến những hy vọng mới
Liên hoan phim Việt Nam (LHP) lần thứ XXII đã bế mạc cùng với việc những giải thưởng đã tìm được chủ nhân của mình. Vượt qua 2 năm khó khăn vì COVID – 19, vượt qua hoàn cảnh vừa tổ chức vừa phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, dù vẫn còn một số tồn tại nhưng LHP lần này thực sự đã mang lại hy vọng và cơ hội mới cho những người làm điện ảnh.
LHP Việt Nam lần thứ XXII (diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20-11) tại thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) là một kỳ LHP đặc biệt. Được tổ chức trong hoàn cảnh dịch bệnh trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động trong khuôn khổ LHP được thực hiện theo hình thức online hoặc rút gọn. Để đảm bảo an toàn mùa dịch, số lượng đại biểu tham dự cũng giảm xuống tối đa. Tất cả đều phải thực hiện 5k và tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định trong phòng chống dịch bệnh. Nhưng điều đáng nói hơn cả, đây cũng chính là LHP sau gần 2 năm lĩnh vực điện ảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID - 19.
Có lẽ trong lịch sử, chưa khi nào những người làm điện ảnh Việt lại trải qua giai đoạn khó khăn đến như vậy. Nhiều dự án phim bị chậm tiến độ sản xuất hay liên tục phải hoãn ngày công chiếu. Rạp chiếu phim phải đóng cửa dài ngày trong những đợt thực hiện giãn cách… Mặc dù gặp vô vàn trở ngại như vậy, nhưng như ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết tại buổi họp báo, LHP lần này ghi nhận số lượng phim nhiều vượt trội so với các LHP trước đó.
Năm nay, LHP có 92 tác phẩm tham gia tranh giải, bao gồm 17 phim truyện điện ảnh, 37 phim tài liệu, 15 phim khoa học và 23 phim hoạt hình. Đặc biệt ở 2 hạng mục là phim truyện điện ảnh và phim tài liệu. Con số đó mang đến niềm vui cho những khán giả yêu nghệ thuật thứ 7 vì sự nỗ lực vượt khó của các nhà làm phim Việt Nam.
Nhìn chung, chất lượng các bộ phim đều tăng, các vấn đề phản ánh hấp dẫn, đa dạng, có sức hút với khán giả. Dù được tổ chức trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhưng LHP Việt Nam lần thứ XXII được đánh giá là LHP thành công, mang đậm dấu ấn, màu sắc của miền đất cố đô Huế. Thông qua các hoạt động đã giới thiệu, quảng bá được những nét đặc sắc, tinh hoa của văn hóa Huế đến với công chúng trong và ngoài nước, theo đúng định hướng hình thành và phát triển ngành công nghiệp văn hóa dựa trên lĩnh vực điện ảnh.
Có thể nói, hầu hết chủ nhân những giải thưởng tại LHP đều nhận được sự đồng tình từ công chúng cũng như giới chuyên môn. Phim điện ảnh vốn là thể loại “đinh” của mỗi kỳ LHP nên luôn nhận được sự quan tâm lớn. Năm nay, LHP quy tụ khá nhiều những bộ phim nổi bật tại các rạp chiếu trước đó như “Tiệc trăng máu”, “Gái già lắm chiêu V”, “Mắt biếc”, “Chị Mười Ba”, “Bố già”, “Ròm”… nên không dễ để dự đoán ngôi đầu bảng. Trong đó, mỗi phim lại có những thế mạnh riêng. Có phim tạo được “cơn sốt” phòng vé, phim được giới chuyên môn đánh giá cao, phim từng nhận được giải thưởng tại các LHP nước ngoài…
Vì vậy, không sai khi nói rằng, trong cuộc đua tranh giải Bông sen vàng thể loại phim truyện điện ảnh năm nay là cuộc đua của những cái tên nổi trội dòng phim độc lập như “Ròm”, “Miền ký ức” và những phim thuộc “câu lạc bộ trăm tỷ” như “Bố già”, “Mắt biếc”… Trong số 17 phim tranh giải phần lớn là những bộ phim xã hội, tình cảm gia đình, tâm lý - hài, có phim của nhà nước, tư nhân và phim xã hội hóa. Những điều này phần nào cho thấy bức tranh điện ảnh hiện đại khá phong phú, đa dạng. Theo như NSƯT, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, Trưởng ban giám khảo thể loại phim điện ảnh, phim nhận được giải phải là phim đem lại cho khán giả cảm xúc, đọng lại những giá trị đẹp trong tâm trí. Ngoài vấn đề kỹ thuật, chất lượng nghệ thuật, sự sáng tạo mới mẻ và cả hơi thở cuộc sống đời thường sẽ là những yếu tố quan trọng để Ban giám khảo lựa chọn.
“Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ khác như “Bố già”, “Tiệc trăng máu”, “Ròm”… để nhận giải Bông sen vàng. Trong tình hình chất lượng phim tăng lên, việc chọn “Mắt biếc” cho ngôi vị cao nhất không phải là quyết định dễ dàng với Ban giám khảo vì thực tế, đây không phải là bộ phim nhận được nhiều giải phụ quan trọng như đạo diễn, diễn viên chính xuất sắc… Trước đó, “Mắt biếc” chỉ được gọi tên ở hạng mục “Nhạc phim xuất sắc”. Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sở hữu ca khúc nhạc phim hấp dẫn, lôi cuốn và rất phù hợp với câu chuyện được kể trong phim. Ra mắt công chúng vào cuối năm 2019, phim liên tục tạo được dấu mốc ấn tượng tại phòng vé. Phim dẫn đầu phòng vé 18 ngày liên tiếp, sánh ngang kỷ lục của bom tấn quốc tế. Doanh thu cuối cùng dừng lại ở con số 172 tỷ đồng, đứng thứ 2 danh sách phim Việt ăn khách mọi thời đại.
Bên cạnh sự ghi nhận của khán giả, giới chuyện môn thì điều khiến “Mắt biếc” có thêm điểm cộng bởi bộ phim đã tạo được hiệu ứng tích cực với du lịch. Sau khi phim ra rạp, số lượng khách đến thăm địa điểm nơi có cây cô đơn ở Đà Lạt từng là bối cảnh trong phim ngày một đông. Ngoài ra, giống như bộ phim trước của đạo diễn Victor Vũ là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, phim cũng đã có nhiều cảnh quay thơ mộng, tôn vinh vẻ đẹp của đất nước, quê hương Việt Nam. Sự thành công của “Mắt biếc” cho thấy những tác phẩm văn học được yêu thích là mảnh đất màu mỡ cho các nhà biên kịch, đạo diễn khai thác. Không phản ánh những vấn đề quá lớn lao, phim gợi lại cho người xem phần ký ức thanh xuân đẹp đẽ, trong trẻo gắn với mối tình mà không ít người từng có trong cuộc đời.
Dù không nhận ngôi vị cao nhất nhưng bộ phim “Bố già” lại nhận được tới 4 giải thưởng quan trọng như Bông sen bạc, giải thưởng “Kịch bản xuất sắc”, “Nam diễn viên chính xuất sắc” (Tuấn Trần trong vai Quắn), “Nữ diễn viên phụ xuất sắc” (bé Ngân Chi vai Bù Tọt). Trước đó, “Bố già” từng đi vào lịch sử điện ảnh Việt với mức doanh thu kỷ lục hơn 400 tỷ đồng, vượt xa các kỷ lục của các phim trước đó. Phim xoay quanh cuộc sống mưu sinh của ông Sang làm nghề chở hàng thuê trong một khu ngõ lao động nghèo giữa thành phố.
Tác phẩm được phát triển từ bản web drama cùng tên do Trấn Thành sản xuất, đăng trên Youtube năm 2019. Không kỹ xảo cầu kỳ, không có những cảnh quay tốn kém, “Bố già” chỉ giản dị kể câu chuyện cảm động chân thực về tình cha con của người đàn ông trong hoàn cảnh “gà trống nuôi con”. Sự thành công của “Mắt biếc”, “Bố già” cho thấy một xu hướng thành công của các đạo diễn Việt. Mỗi bộ phim đều đi vào những câu chuyện gần gũi với cuộc sống con người, mang đậm giá trị nhân văn sẽ chinh phục được khán giả và giới chuyên môn.
Tại LHP năm nay, phim “Gái già lắm chiêu V” đã mang về cho NSND Lê Khanh giải “Nữ diễn viên chính xuất sắc”. Đây thực sự là giải thưởng xứng đáng cho cống hiến của nghệ sĩ tên tuổi này sau 20 năm quay lại với điện ảnh. Như chia sẻ của NSND Lê Khanh khi nhận giải: “Tôi chỉ là một người may mắn được xướng tên ở đây, nhưng tôi nghĩ đó là thành công của cả ê kíp “Gái già lắm chiêu”. Giải thưởng chứng tỏ thế hệ chúng tôi không bị bỏ rơi, không bị xa rời với điện ảnh đương đại”... Lâu nay, nhiều người quen nghĩ, vai chính trong phim phải là diễn viên trẻ, những nghệ sĩ có tuổi thường chỉ đóng vai phụ, làm nền cho nhân vật chính… Giải thưởng dành cho NSND Lê Khanh là minh chứng cho thấy “gừng càng già càng cay” và giải thưởng cho vai diễn xuất sắc nhất có thể được trao ở bất kỳ lứa tuổi nào nếu có được những vai diễn xứng đáng.
Trong phim, NSND Lê Khanh vào vai Lý Lệ Hà – chị cả của dòng họ quyền quý ở Huế chuyên sưu tầm cổ vật. Sự hóa thân xuất sắc vào vai một phụ nữ sắc sảo, gai góc trong cuộc sống nhưng khờ dại trong tình yêu khẳng định đẳng cấp của NSND Lê Khanh. Sự trở lại với màn ảnh của NSND Lê Khanh, NSƯT Hồng Ánh trước đó ở phim “Tháng năm rực rỡ” có lẽ cũng giống như góp mặt của khá nhiều nghệ sĩ tên tuổi ở mảng phim truyền hình. Họ thực sự mang lại một “làn gió mới” đầy nội lực cho các bộ phim.
Sự ghi nhận xứng đáng ở các giải thưởng điện ảnh cao nhất dành cho cô bé Ngân Chi, diễn viên trẻ Tuấn Trần hay nghệ sĩ tên tuổi Lê Khanh đã mang đến hy vọng và cơ hội cho các nghệ sĩ ở bất kỳ lứa tuổi. Có thể nói, LHP Việt Nam lần thứ XXII được tổ chức thành công trong hoàn cảnh dịch bệnh với nỗ lực duy trì truyền thống thực sự tạo động lực cho những người làm điện ảnh.